Cải tổ Ngân hàng Vatican

 

Cải tổ Ngân hàng Vatican.

G. Trần Ðức Anh OP

Vatican (Vatican News 17-08-2019) - Hôm 10 tháng 8 năm 2018, với việc Ðức Thánh Cha Phanxicô ấn định và cho công bố Qui chế mới của Ngân hàng Vatican, tên chính thức là "Viện Giáo Vụ" (IOR), tiến trình cải tổ cơ quan tài chánh này của Tòa Thánh đạt tới cao điểm quan trọng nhất.

Một điểm mới mẻ đặc biệt trong Qui chế mới là sự du nhập kiểm toán viên từ bên ngoài để kiểm chứng các tài khoản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Qui chế cũng xác nhận các nguyên tắc Công Giáo làm nền tảng cho Viện Giáo Vụ.

Ðức Thánh Cha đã công bố Qui chế mới qua một Thủ Bút và ấn định Qui chế này có giá trị thử nghiệm trong 2 năm trời, thay thế Qui chế đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1990, để đáp ứng hơn các đòi hỏi của thời nay.

Sứ mạng của Ngân hàng Vatican

Theo qui chế mới, sứ vụ của Viện Giáo Vụ không thay đổi, nghĩa là giữ và quản lý các động sản và bất động sản được chuyển nhượng hoặc ủy thác cho Viện, do các thể nhân và pháp nhân, nhắm thực thi các công tác tôn giáo hoặc bác ái.

Trong số những đổi mới chính yếu, như vừa nói, có việc du nhập Kiểm toán viên bên ngoài, có thể là một thể nhân hoặc một công ty, để kiểm điểm kết toán theo các tiêu chuẩn quốc tế được nhìn nhận. Vì thế trong các bộ phận của Viện Giáo Vụ không còn 3 kiểm toán viên nội bộ như trước đây. Kiểm toán viên từ bên ngoài do Hội đồng Hồng Y bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng giám sát, và thi hành nhiệm vụ trong thời kỳ 3 tài khóa liên tiếp, có thể được gia hạn một lần mà thôi.

Qui chế cũng xác định các cơ cấu quản lý Viện Giáo Vụ: gồm Hội đồng Hồng Y, Hội đồng giám sát, Giám chức, Ban Giám đốc..v.v.

Trong quá khứ, Ngân Hàng Vatican bị mang tiếng

Trước đây, Ngân Hàng Vatican hay Viện Giáo Vụ đã bị mang tiếng vì bị một số người lợi dụng để rửa tiền, hoặc để trốn thuế đối với chính phủ Italia. Vì thế, khi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mới bắt đầu sứ vụ, Hội đồng HY cố vấn của ngài đã bàn đến vấn đề có nên bãi bỏ Ngân hàng Vatican hay không, nhưng rồi, ý tưởng này đã không được thi hành, vì sẽ tạo nên quá nhiều lệ thuộc và khó khăn cho Tòa Thánh, cho các giáo phận và các dòng tu, nhất là ở các nước thuộc miền truyền giáo.

Nhưng trong những năm qua, đã có nhiều cải tổ đã được đề ra, đặc biệt là tăng cường công việc của cơ quan gọi là thẩm quyền thông tin tài chánh, có nhiệm vụ canh chừng và điều tra về những gì sai trái trong các tài khoản của các khách hàng Ngân hàng Vatican.

Tiến trình thanh lọc

Trong ý hướng đó, Viện Giáo Vụ đã trải qua một sự thanh lọc và thay đổi đổi sâu rộng về nhân sự và thủ tục, và hoàn toàn theo các tiêu chuẩn và qui luật quốc tế về việc có thể truy tầm những chuyển nhượng tiền bạc; Vatican ký những hợp đồng quốc tế, kể cả với Italia, để chống nạn trốn thuế. Ngoài ra có sự duyệt xét và giảm bớt các tài khoản của các khách hàng Ngân hàng Vatican từ con số 25 ngàn tài khoản trong năm 2011 xuống còn gần 15 ngàn tài khoản như hiện nay. Hàng ngàn tài khoản đã bị đóng cửa, đẩy ra những khách hàng "cồng kềnh". Nói đúng ra một phần các khách hàng này đã rời bỏ Ngân Hàng Vatican từ năm 2010, khi có những bước đầu tiên được thực hiện nhắm tiến tới một sự minh bạch trong sáng trong tài chánh của Vatican.

Chống nạn rửa tiền

Những thay đổi lớn trong ngân hàng Vatican là do những yêu cầu của các tổ chức Liên hiệp Âu Châu, ngân hàng quốc gia Italia và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, hồi năm 2012 đã định nghĩa "Vatican" có thể bị tổn thương vì nạn rửa tiền. Dầu sao đi nữa trong những năm qua, tình hình đã được cải tiến nhiều, và Ngân Hàng Vatican không còn bị coi là nơi có thể có rửa tiền, khả năng hoạt động của ngân hàng ngày dần dần trở lại hầu như bình thương, và ngoài ra những tiêu chuẩn đầu tư hợp luân lý đạo đức cũng được xác định.

Phúc trình năm 2018 của Ngân hàng Vatican

Theo phúc trình mới nhất, trong năm 2018, Ngân hàng Vatican, lời được 17 triệu 500 ngàn Euro, mặc dù thị trường tài chánh giao động mạnh mẽ. Kết quả này cho thấy có sự giảm sút tiền lời là 14 triệu 400 ngàn Euro so với số lời 31 triệu 900 ngàn Euro trong năm 2017 trước đó.

Những con số trên đây được ghi trong phúc trình thường niên của Ngân hàng Vatican công bố hôm 11-6 năm ngoái (2018). Theo đó, trong năm 2018, ngân hàng này đã phục vụ 14.953 khách hàng và có nguồn tài chánh là 5 tỷ Euro, tức là giảm 300 triệu Euro so với năm 2017. Trong ngân khoản vừa nói của các khách hàng có 3 tỷ 200 triệu Euro là tiền tiết kiệm họ ký thác nơi Viện Giáo Vụ. 52% các tài khoản trong Ngân hàng Vatican là của các dòng tu.

Phúc trình cho biết do những con lốc thị trường tài chánh, lãi xuất vẫn còn rất thấp.

Trong tiến trình giảm bớt các chi phí, ngân hàng Vatican đã giảm bớt chi phí xuống còn 16 triệu Euro, so với 18 triệu 700 ngàn Euro hồi với năm 2017.

Trong năm 2018, ngân hàng Vatican tiếp tục thực hiện các cuộc đầu tư nhắm hỗ trợ sự phát triển của các nước nghèo nhất, tôn trọng những chọn lựa phù hợp với việc thực hiện một tương lai lâu bền cho các thế hệ tương lai. Ngoài ra ngân hàng cũng góp phần thực hiện nhiều hoạt động có lợi ích xã hội, qua những hiến tặng tài chánh, hoặc với những điều kiện dễ dàng cho sử dụng các bất động sản thuộc ngân hàng vào những mục tiêu xã hội.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page