Công trình soạn dự thảo

Tông Hiến mới về Giáo triều Roma

 

Công trình soạn dự thảo Tông Hiến mới về Giáo triều Roma.

Giuse Trần Ðức Anh OP

Vatican (Vatican News 8-07-2019) - Thêm một bước tiến mới trong tiến trình soạn dự thảo Tông Hiến mới về Giáo triều Roma và Hội đồng Hồng Y cố vấn của Ðức Thánh Cha, hy vọng có thể đệ trình lên ngài dự thảo trong năm 2019.

Trong cuộc họp báo ngày 27 tháng 6 năm 2019 khi kết thúc khóa họp thứ 30 Hội đồng 6 Hồng Y cố vấn của Ðức Thánh Cha, Ðức Cha Marcello Semeraro, Giám Mục giáo phận Albano, Tổng thư ký của Hội đồng này cho biết Hội đồng hy vọng vào tháng 9 hoặc vào cuối năm 2019, có thể đệ trình lên Ðức Thánh Cha dự thảo Tông Hiến "Praedicate Evangelium", Các con hãy rao giảng Tin Mừng, thay thế cho Tông hiến hiện hành, Pastor Bonus, về Giáo triều Roma, do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 ban hành cách đây 31 năm (1988),

Hoạt động của Hội đồng Hồng Y Cố Vấn

Ðức Cha Semeraro cho biết trong 3 ngày họp, từ 25 đến 27 tháng 6 năm 2019, các thành viên Hội đồng Hồng Y cố vấn đã "khẩn trương lắng nghe" những gì được trình bày trong hơn 200 trang bình luận, góp ý và phản ứng về sơ thảo trước đó của Tông Hiến, được gửi đến các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, các Hội Ðồng Giám Mục, và một số cơ quan khác. Sơ thảo đó đã được một số cơ quan truyền thông kiếm được và đăng tải. Một số Hồng Y và chức sắc khác cũng đã công khai bình luận và góp ý trên báo chí về sơ thảo này.

Trước đây, có nhiều người nghĩ rằng Tông Hiến "Praedicate Evangelium" có thể được Ðức Thánh Cha công bố ngày 29 tháng 6 năm 2019, nhưng có lẽ trước nhiều phản ứng và góp ý, hơn 200 trang như vừa nói, khiến cho việc cứu xét và tu bổ sơ thảo đòi nhiều thời gian hơn.

Nhiều dự án đổi mới

Dầu sao dư luận cũng được biết nhiều điều được ghi trong dự thảo. Ví dụ Tông hiến mới về giáo triều sẽ không còn phân biệt các bộ, (congregazioni) với Hội đồng Tòa Thánh (pontifici consigli nữa). Hiện nay bộ là cơ quan có quyền tài phán, còn Hội đồng chỉ có tính chất tư vấn. Nhưng trong Tông hiến mới, tất cả các cơ quan này đều bình đẳng về phẩm giá.

Bộ loan báo Tin Mừng đứng đầu

Trước đây, Bộ Giáo lý đức tin đứng hàng đầu trong các bộ về tầm quan trọng, nhưng trong dự thảo mới, đứng đầu, sau Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ là Bộ Loan báo Tin Mừng (Dicastero per l'Evangelizzazione), một cơ quan bao gồm Bộ truyền giáo và Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Hai phân bộ

Phân bộ thứ I của Bộ này lo về những vấn đề có liên hệ tới việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Bộ có nhiệm vụ thăng tiến tự do tôn giáo, qua sự phân định các dấu chỉ thời đại. Bộ cũng nghiên cứu các điều kiện kinh tế xã hội và môi trường để đạt tới công ích và bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung (Ðiều 57,1). Bộ khuyến khích nghiên cứu lịch sử truyền giáo, đặc biệt là "hiện tượng phức tạp là chế độ thực dân và những hậu quả của nó đối với việc loan báo Tin Mừng" (Ðiều 55,2).

Phân bộ thứ hai có nhiệm vụ 'đồng hành và nâng đỡ' các Giáo Hội địa phương trẻ, không thuộc thẩm quyền của Bộ các Giáo Hội Công Giáo đông phương. Cụ thể là các hoạt động của Bộ truyền giáo hiện thời, phụ trách 1.100 giáo phận tại các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam. Bộ này cũng đặc trách về các Ðền Thánh quốc tế. Thẩm quyền này trước kia thuộc Bộ giáo sĩ, rồi được Ðức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Bộ giáo lý đức tin

Bộ giáo lý đức tin, theo dự thảo mới Tông hiến mới, sẽ tiếp tục vai trò như trước đây, nghĩa là "thăng tiến và bảo vệ sự toàn vẹn của đạo lý Công Giáo về đức tin và phong hóa", nhưng có một số thay đổi. Ví dụ khoản số 68 triệt 1, nói rằng Bộ giáo lý đức tin có nhiệm vụ "khuyến khích và nâng đỡ việc nghiên cứu và suy tư về sự hiểu biết đức tin và sự phát triển thần học trong các nền văn hóa khác nhau, trong đời sống với những thách đố do các dấu chỉ thời đại, làm sao cung cấp câu trả lời cho những vấn đề nảy sinh từ sự tiến bộ của khoa học và sự tiến hóa của các nền văn minh".

Cộng tác chặt chẽ với các Hội Ðồng Giám Mục và Giám Mục

Khoản số 69,1 tiếp đó nói rằng Bộ giáo lý đức tin hoạt động, trong sự tiếp xúc chặt chẽ với các Giám Mục và các Hội Ðồng Giám Mục, là những người có trách nhiệm đầu tiên tại các Giáo Hội địa phương và cũng là những chủ thể của các đặc tính cụ thể, trong đó cũng có một số thẩm quyền về đạo lý chính thức".

"Sự cộng tác ấy giữa Bộ và các Giám Mục được áp dụng trước tiên cho việc cấp giấy phép giảng dạy trong Giáo Hội, và trong lãnh vực này Bộ sẽ hoạt động tích cực theo tinh thần phụ đới (Subsidiarity).

Bảo tồn chân lý

Về việc bảo tồn chân lý, dự thảo Tông Hiến mới nói rằng "Bộ giáo lý đức tin cứu xét các tác phẩm và những ý kiến có vẻ trái ngược với đức tin ngay chính hoặc nguy hiểm; tìm cách đối thoại với các tác giả, và trình bày những phương thế thích hợp để giải quyết". Ðiều khoản số 70 (A) nói rằng Bộ phải "làm việc để đảm bảo sao cho những sai lầm nguy hiểm và các đạo lý đã được phổ biến nơi các tín hữu Kitô, không lan tràn nữa và phải có sự phi bác thích hợp".

Bộ dịch vụ bác ái

Một điều mới hoàn toàn trong dự thảo Tông Hiến là Bộ các dịch vụ bác ái. Ðây là tên mới dành cho sở từ thiện của Ðức Thánh Cha (elemosineria pontificia), một văn phòng hiện có nhiệm vụ thay mặt Ðức Thánh Cha giúp đỡ người nghèo và để có phương tiện, thì văn phòng này được quyền cấp các văn bằng phép lành Tòa Thánh. Nay Văn phòng này sẽ được nâng lên hàng một bộ và do một vị Bộ trưởng lãnh đạo.

Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích

Bộ Phụng tự và kỷ luật bi tích. Ngay từ dòng đầu tiên, dự thảo Tông Hiến mới qui định rằng "Bộ này trước tiên có nhiệm vụ thăng tiến phụng vụ thánh theo sự canh tân mà Công đồng chung Vatican 2 mong muốn (điều số 85). Bộ cũng có nhiệm vụ phê chuẩn, xác nhận các bản dịch "đã được các Hội Ðồng Giám Mục chuẩn bị một cách hợp pháp" (Ðiều 87,3).

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Theo nguyên tắc "đoàn thể tính, công nghị tính và phụ đới", Bộ này phải duy trì những quan hệ "với các Hội Ðồng Giám Mục, các Giáo Hội địa phương, các dòng tu và các thực thể khác của Giáo Hội" (Ðiều 132,2). Bộ cũng có trách nhiệm thu thập và đề nghị các "kiểu mẫu đồng hành mục vụ, huấn luyện lương tâm va hội nhập những người ly dị tái hôn", cả trong các nền văn hóa trong đó tục đa thê thịnh hành (điều 140,3).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page