Qui thức mới của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

về trách nhiệm giải trình của các Giám Mục

 

Qui thức mới của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ về trách nhiệm giải trình của các Giám Mục.

Vũ Văn An

Baltimore (VietCatholic News 14-06-2019) - Theo Michael J. O'Loughlin của tạp chí America, các Giám Mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu một cách áp đảo ở Baltimore vào hôm thứ Năm 13 tháng 6 năm 2019 để chấp nhận các qui thức mới nhằm buộc các ngài phải giải trình các vi phạm lạm dụng tình dục của chính mình cũng như việc mình xử lý sai trái các lời tố cáo lạm dụng đã được trình cho các ngài.

Dù các qui thức mới được soạn thảo để bao gồm giáo dân vào mọi giai đoạn của cuộc điều tra, vì các ngài khuyến cáo rằng các giám mục 'nên' bao gồm giáo dân qua ngả một văn phòng tại tòa giám mục của các ngài, nhưng các nhóm giáo dân cải cách và các người ủng hộ các nạn nhân nói họ không được hài lòng, vì các qui định mới không buộc có việc can dự này.

Ðáp ứng đạo luật mới của Vatican ban hành vào tháng 6 năm 2019, được nêu chi tiết trong tự sắc "Vos estis lux mundi" (chúng con là ánh sáng thế gian), một tự sắc đòi các giám mục trên khắp thế giới thiết lập các cơ cấu để các giám mục giải trình trách nhiệm, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để thiết lập một đường dây nóng báo cáo đệ tam nhân; chấp nhận một thủ tục để tiếp nhận các khiếu nại đó và bao gồm giáo dân vào việc điều tra chúng; và kết hợp vào một nơi các biện pháp hiện có nhằm hạn chế thừa tác vụ công cộng của các giám mục đã nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ "vì lý do nghiêm trọng". Các Giám mục cũng phê chuẩn một bộ quy tắc ứng xử mà các ngài nói ràng buộc các ngài vào Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên.

Theo qui thức mới, giám mục giáo tỉnh, người giám sát các giám mục trong một khu vực địa lý, "nên" chỉ định một giáo dân đủ tư cách để tiếp nhận các báo cáo" từ đường dây nóng về hành vi sai trái của một giám mục. Nếu báo cáo được coi là đáng tin và nếu Vatican yêu cầu một cuộc điều tra về một giám mục, thì giám mục giáo tỉnh "nên bổ nhiệm một điều tra viên được chọn trong số các giáo dân được giáo tỉnh nhận diện trước đó". Ngoài ra, giám mục giáo tỉnh "cũng nên sử dụng các chuyên gia có trình độ", những người "chủ yếu trong số các giáo dân".

Ðức Hồng Y Blase Cupich, tổng giám mục Chicago và là cố vấn cho Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham gia cuộc họp tháng Hai các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, tại Tòa thánh, để thảo luận về lạm dụng tình dục, đã soạn thảo một tu chính nhằm củng cố thứ ngôn từ có thể bao gồm giáo dân trong các cuộc điều tra. Nhưng vì luật lệ của Vatican đã không bắt buộc phải có sự tham gia của giáo dân, dù luật này nói rằng có thể có sự can dự của giáo dân, nên một số giám mục Hoa Kỳ nói rằng họ không thể đòi phải có sự tham gia của giáo dân. Tuy nhiên, nhiều giám mục vẫn nhấn mạnh rằng họ đã dựa vào tài chuyên môn của giáo dân để được sự hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực và sẽ rất khó có thể tiến hành một cuộc điều tra nếu không có giáo dân.

Biện pháp đã được thông qua với số phiếu 218 thuận 1 phiếu chống, với hai giám mục bỏ phiếu trắng.

Kim Smolik, giám đốc điều hành của nhóm giáo dân cải cách, tên là Lãnh Ðạo Bàn Tròn (Leadership Roundtable), nói rằng bà "hài lòng khi nhiều giám mục đã yêu cầu phải xác định rõ sự tham gia của giáo dân trong văn kiện", nhưng tổ chức này "thất vọng" khi sự tham gia này không bắt buộc. Bà nói rằng dù luật lệ của Vatican không đòi phải có sự tham gia của giáo dân, nó vẫn là "một cánh cửa mở cho mỗi khu vực trên thế giới có thể ban hành và bao gồm hàng ngũ giáo dân vào bình diện được họ cảm thấy là cần thiết".

Bà Smolik nói: "Tự sắc là một sàn nhà, không phải trần nhà. Chúng ta hy vọng các giám mục đối xử với nó theo cách đó và đòi phải định chế hóa sự tham gia của giáo dân". Bà nói thêm rằng nhóm của bà, từng tổ chức các cuộc họp gần đây với các nhà lãnh đạo giáo hội hàng đầu về vấn đề trách nhiệm giải trình, hy vọng các giám mục sẽ ban hành một thủ tục thanh lý (auditing) để đo lường việc thực thi các quy tắc mới và giải quyết "các nguyên nhân gốc rễ" của điều bà gọi là "cuộc khủng hoảng lãnh đạo".

Trong một tuyên bố, nhóm ủng hộ các nạn nhân, tên là Mạng lưới Những Người bị Các Linh mục Lạm dụng, cho biết không buộc phải có sự can dự của giáo dân và đòi mọi cáo buộc lạm dụng hoặc quản lý sai trái phải được báo cáo cho chính quyền dân sự, các qui thức mới thiếu khả năng tấn công (bite).

Bản tuyên bố viết "Nếu không có các bắt buộc này, sẽ không có gì đảm bảo rằng các báo cáo sẽ được chuyển đến cảnh sát và các cuộc điều tra sẽ được minh bạch và công khai. Thay vào đó, mọi báo cáo có thể vẫn được giữ bí mật và được cách ly trong các hệ thống nội bộ của giáo hội".

Theo các quy tắc mới, các giám mục giáo tỉnh được yêu cầu phải báo cáo các cáo buộc về hành vi phạm pháp cho chính quyền dân sự như pháp luật trong khu vực tài phán của họ đòi hỏi.

Trong một thông cáo báo chí được phát hành hôm thứ Năm 13 tháng 6 năm 2019, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ thúc giục các nạn nhân bị lạm dụng đừng chờ cho đến khi có hệ thống báo cáo trước khi đưa ra các khiếu nại của họ.

Bản tuyên bố viết rằng "Các cá nhân, những người rất có thể đã bị lạm dụng, nên liên lạc với các chính quyền địa phương để nộp báo cáo càng sớm càng tốt, và cũng có thể báo cáo cho Giáo quyền bằng các phương tiện hiện có, chẳng hạn như 'Ðiều Phối viên Hỗ trợ Nạn nhân'. Sau khi báo cáo cho chính quyền dân sự, các cá nhân cũng có thể đăng ký khiếu nại với giám mục giáo tỉnh đối với các vấn đề liên quan đến lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng quyền hành".

Các giám mục đã bác bỏ một tu chính được Giám mục Jaime Soto của Sacramento đề nghị, yêu cầu phải có một cuộc thanh lý "độc lập, minh bạch" về các qui thức mới sau một thời gian ba năm dùng thử. Ủy ban được giao nhiệm vụ soạn thảo văn kiện cho biết, ý hướng của tu chính rất đúng, nhưng cho rằng nó "nằm ngoài phạm vi" quy định mới của Vatican. Trong các cuộc thảo luận về tu chính, một số giám mục bày tỏ lo ngại rằng nếu không có thanh lý, người ta sẽ không rõ thời gian thử nghiệm ba năm đã diễn ra như thế nào.

Giám mục Shawn McKnight, người đứng đầu Giáo phận Thành phố Jefferson, Mo., nói với hội đồng: ngài tin rằng sự tham gia của giáo dân nên là điều "bắt buộc".

Ngài nói "Tôi tin rằng chúng ta nên làm điều đó bởi vì đó là điều Công Giáo ta phải làm". Nhiều giám mục vỗ tay hưởng ứng.

Các giám mục đã chấp nhận qui thức trong một phiên họp đặc biệt - thông thường, các giám mục tụ họp để tĩnh tâm vào tháng 6 - sau khi các cố gắng bỏ phiếu cho các biện pháp giải trình bị đình hoãn hồi tháng 11 năm 2018 theo yêu cầu của các viên chức Vatican cho đến sau cuộc họp hoàn cầu của các giám mục vào tháng Hai năm 2019.

Một qui thức khác liệt kê các hạn chế hiện có mà một giám mục có thể áp đặt lên một giám mục hưu trí, rời chức vụ vì lạm dụng hoặc bị cáo buộc quản lý sai trái.

Trong một cuộc bỏ phiếu 212 thuận 4 chống, với một giám mục bỏ phiếu trắng, các giám mục đã chấp nhận một chính sách cho họ khả năng hạn chế thừa tác vụ của các giám mục hưu trí, rời chức vụ "vì lý do nghiêm trọng".

Các giám mục hưu trí có thể bị hạn chế trong việc giảng dạy và ban các bí tích một cách công khai. Ngoài ra, giám mục đương nhiệm có thể yêu cầu giám mục hưu trú cư trú bên ngoài giáo phận cũ của mình và một số hạn chế nhất định có thể được áp dụng đối với thu nhập hưu trí của ngài, đặc biệt là các quỹ hỗ trợ đi lại và thư ký. Các giám mục cũng có thể yêu cầu giám mục hưu trí bị từ chối quyền được chôn cất trong nhà thờ chính tòa giáo phận.

Tài liệu của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ giải thích: các biện pháp này là "những hạn chế phi hình sự" bởi vì chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có thể "áp dụng hình phạt đối với các giám mục có hành vi phạm tội". Nhưng các giám mục có thể áp đặt một số hạn chế đối với các giám mục khác và các qui thức mới nhằm mục đích đưa ra các hành động nhằm hạn chế sự hiện diện công cộng của một vị giám mục bị thất sủng.

Christopher White của tạp chí Crux cung cấp thêm một số chi tiết liên quan tới đường dây nóng để báo cáo. Anh cho hay đường dây này có tính bảo mật, sử dụng điện thoại hay trực tuyến. Cuộc bỏ phiếu lần này cho phép Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ khai triển đường dây này một cách chi tiết hơn nữa trước khi một cuộc bỏ phiếu trọn vẹn sẽ diễn ra trong tháng 11 năm 2019.

Ủy ban quản trị của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu vào tháng 9 năm 2019 về các chi tiết tài chánh và cơ cấu trước kỳ họp toàn thể tháng 11 năm 2019. Dưới kế hoạch đã được chấp thuận, các giám mục cam kết sẽ kích hoạt hệ thống báo cáo đệ tam nhân không trễ hơn 31 tháng 5 năm 2020. Dù giá cả chưa được đúc kết, các viên chức của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ ước lượng đừơng dây nóng sẽ tốn chừng 30,000 dollars để thiết lập và 50,000 dollars để duy trì hàng năm.

Hệ thống báo cáo này sẽ được quản lý bởi một bộ phận độc lập. Bộ phận này sẽ tiếp nhận các đơn khiếu nại; các đơn này sẽ được tường trình cho vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh (hay miền); vị này, theo tự sắc Vos estis lux mundi ("các con là ánh sáng thế gian") chịu trách nhiệm điều tra các đơn khiếu nại chống các giám mục.

Tự sắc đòi các Hội Ðồng Giám Mục địa phương phải tiết lập một hệ thống "công cộng, ổn định và dễ dàng lui tới" để đệ nạp các khiếu nại bị lạm dụng và các báo cáo phải được gửi tới các Tổng Giám Mục giáo tỉng hay vị giám mục phụ thuộc thâm niên nhất nếu chính vị Giám Mục giáo tỉnh bị tố cáo). Ở Hoa Kỳ, có tất cả 32 tổng giáo phận tòng thổ (hay 32 Tổng Giám Mục giáo tỉnh).

Con số trên khá đáng kể, nên Anthony Picarello, tổng luật sư của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ nói với các Giám Mục rằng lý do hệ thống báo cáo chỉ có hiệu lực từ tháng 5 năm 2020, là để các vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh có đủ thì giờ thiết lập các văn phòng và nhân sự thích đáng để tiếp nhận các đơn khiếu nại. Ông cho hay 31 tháng 5 năm 2020 là thời hạn chót do Tòa Thánh ấn định, nhưng nếu vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh nào có sẵn hệ thống trước thời hạn, các ngài có thể phát động chiến dịch sớm hơn.

Trong lúc thảo luận trước khi bỏ phiếu, nhiều giám mục nói đến nhu cầu quảng cáo cho hệ thống này và khả năng hệ thống có thể tiếp nhận các thắc mắc không liên quan đến lạm dụng.

Tuy nhiên, đã có sự minh xác: dù các giáo phận trên toàn quốc đã có đường dây riêng để báo cáo việc lạm dụng tình dục của các linh mục và những sai trái khác, hệ thống mới chỉ để tiếp nhận các khiếu nại chống lại các giám mục mà thôi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page