Vị linh mục hoán cải những tù nhân
khét tiếng nhất ở nhà tù Challapalca
Vị linh mục hoán cải những tù nhân khét tiếng nhất ở nhà tù Challapalca.
Hồng Thủy
Challapalca (Vatican News 3-06-2019) - Nhà tù Challapalca ở Peru bị xem như "hỏa ngục trần gian", nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng. Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý. Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã đến thăm và giúp cho nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống. Cuốn sách "Angel" kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.
Từ hàng thập niên qua, Tòa Ân xá quốc tế đã tố cáo sự tàn bạo và sự xuống cấp của trại tù Challapalca. Nhà tù bị cô lập để ngăn cấm - cách chắc chắn - bất kỳ liên hệ nào với bên ngoài. Nhà tù được xây dựng từ năm 1996 đến 1997 để giam giữ 240 tù nhân nguy hiểm nhất của Peru: những kẻ giết người, buôn bán ma túy, những kẻ giết người hàng loạt. Bạo lực diễn ra ở đây không thể đếm nỗi.
Hỏa ngục Challapalca
Nhà tù Challapalca là một trung tâm cải huấn nằm ở tỉnh Tarata, vùng Tacna, miền nam Peru. Nằm ở độ cao 4,800 mét so với mực nước biển, nhà tù Challapalca trở thành trại giam có độ cao cao nhất ở Nam Mỹ. Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, nằm trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Các điều kiện sinh sống tại nhà tù không xứng đáng với con người. Nước uống được chia theo phần; không có máy sưởi dù là về đêm nhiệt độ xuống âm 20 độ và ban ngày chỉ có 5 độ. Nơi đây thực là một hỏa ngục.
Một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây?
Nhưng chính ở trại tù trên cao đó, một linh mục trẻ người Ý, cha Gigi Ginami, làm việc trong giáo triều Roma, theo định kỳ, đến thăm các tù nhân (trong sự hoang mang lo lắng cách chung của chính quyền, vì hầu như không ai dám đi lên đó, mạo hiểm mạng sống của mình giữa những con người bị cô lập và tội phạm đó). Khi đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình. Ðức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4,600 mét như thế? Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc.
Ðức cha Quispe Lopez chia sẻ: "Sự căng thẳng ở Challapalca ở mức độ rất nguy hiểm. Mỗi ngày đều có cảnh báo liên tục. Nhiều người trong số các tù nhân bị giam giữ ở đó là những kẻ giết người hàng loạt hoặc trùm của các băng đảng hùng mạnh hoạt động trong các thành phố như Lima, Callao, Chlayo, Truillo, Piura".
Những cuộc hồi sinh thầm lặng
Cuốn sách Angelo đã được các giáo xứ ở Ý đón nhận và cha Gigi đã dùng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án nhân đạo nhỏ ở những nơi khủng khiếp nhất trên hành tinh, những nơi Cha Gigi đến để mang lại một tia hy vọng. Ví dụ như tại một số vùng nghèo khổ cùng cực của Mêhicô, hay tại Châu Phi, nơi mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang phát triển, hay tại Iraq, những giếng nước được xây dựng cho các cộng đoàn nhỏ.
Theo năm tháng, rất nhiều câu chuyện về những cuộc hồi sinh thầm lặng, có thể chỉ là những giọt nước trong đại dương, nhưng luôn luôn là điều gì đó rất quý giá đối với những ai từ lâu đã không còn hy vọng nữa.
Tại Vatican, nơi cha Gigi làm việc, ban đầu, cha bị xem như một người hơi khác thường nhưng rồi cha hoạt động năng nổ và cụ thể, nên họ để cha tiếp tục công việc của cha. Bù lại, danh sách những người được "tái sinh" mà cha Gigi đã thu thập được tại những nơi không thể tưởng tượng được trong 10 năm qua, đã được ghi nhận.
Thánh lễ tại nhà tù tại Challapaca
Cuộc hoán cải cuối cùng đã xảy ra tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, tại hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Ðó là một kỷ lục. Ðức cha Quispe Lopez cho biết giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ. Ðức cha nói: "Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ. Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân mà không chút lo lắng bất an hay sợ hãi. Tôi tự hỏi: Ðiều gì đã khiến vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi? Tôi không thể tin vào mắt mình".
Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha: "Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau; hãy nhìn về phía trước".
Khi tù nhân khét tiếng xưng tội
Angel cũng ở trong số tù nhân này. Anh ta là một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù. Anh ta đã thực hiện hàng chục và hàng chục vụ giết người và một mạng lưới tham nhũng cho đến tận Bolivia. Angel bị giam ở nhà tù Challapalca từ năm 2012. Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh. Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng anh ta có thể làm hại vị linh mục.
Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống. Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân. Cha nói với anh ta: "Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và hành hạ. Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria".