Diễn Văn của Ðức Phanxicô
trước các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn
tại Bucharest, Lỗ Ma Ni
Diễn Văn của Ðức Phanxicô trước các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn tại Bucharest, Lỗ Ma Ni.
Vũ Văn An
Bucharest (VietCatholic News 31-05-2019) - Hồi 11 giờ 30 sáng ngày 31 tháng 5, Ðức Phanxicô đã đặt chân lên thủ đô Bucharest của Lỗ Ma Ni. Ngài được Tổng thống Klaus Werner Iohannis và phu nhân tiếp đón tại chân máy bay. Sau đó, ngài đã được hộ tống tới dinh Tổng Thống. Tại đây, ngài đã gặp cá cnhà cầm quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội tôn giáo và dân sự.
Nhân dịp này, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:
Thưa Ông Tổng Thống,
Thưa Bà thủ tướng
Thưa Ðức Thượng phụ,
Quí Thành viên của Ngoại giao đoàn,
Qúi Nhà Cầm Quyền,
Quí Ðại diện xã hội tôn giáo và dân sự,
Qúi bạn
Tôi gửi lời chào thân ái và bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới các vị Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ vì lời mời đến thăm Lỗ Ma Ni và những lời chào mừng tốt đẹp của các vị, nhân danh cả các Nhà chức trách khác của quốc gia, và của nhân dân yêu dấu này. Tôi xin chào các thành viên của Ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự đã tụ tập tại đây.
Lời chào trân trọng của tôi cũng xin ngỏ cùng Ðức Thượng phụ Daniel, và các vị Tổng Giám Mục và Giám mục của Thánh Công đồng, và tất cả các tín hữu của Giáo hội Chính thống Lỗ Ma Ni. Với tình âu yếm, tôi xin chào các Giám mục và linh mục, nam nữ tu sĩ, và tất cả các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, những người mà tôi đã đến để củng cố trong đức tin và để khích lệ trên hành trình sống và làm chứng Kitô giáo của họ.
Tôi rất vui khi thấy mình ở đây, vùng #ara frumoasă (vùng đất xinh đẹp) của qúi vị, hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II và trong lục cá nguyệt này khi Lỗ Ma Ni, lần đầu tiên kể từ khi vào Liên minh châu Âu, giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Ðây là thời điểm thích hợp để nghĩ lại ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Lỗ Ma Ni được giải phóng khỏi chế độ đàn áp tự do dân sự và tôn giáo, cô lập quốc gia khỏi các nước châu Âu khác, và dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và sự cạn kiệt các năng lực sáng tạo của nó. Trong những năm này, Lỗ Ma Ni đã cam kết xây dựng một nền dân chủ lành mạnh thông qua tính đa nguyên trong các lực lượng chính trị và xã hội và đối thoại qua lại của họ, thông qua sự thừa nhận căn bản tự do tôn giáo và thông qua sự tham gia đầy đủ của quốc gia vào diễn đàn quốc tế. Ðiều quan trọng là thừa nhận những cố gắng lớn được thực hiện trên hành trình này, bất chấp những khó khăn và thiếu thốn đáng kể. Quyết tâm tiến lên trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân sự, xã hội, văn hóa và khoa học đã giải phóng nhiều năng lực và tạo ra nhiều dự án; nó đã giải phóng các lực lượng sáng tạo vĩ đại mà trước đây vốn bị giam hãm, và đã khuyến khích một số sáng kiến mới nhằm hướng dẫn đất nước vào thế kỷ hai mươi mốt. Tôi tin tưởng rằng qúi vị sẽ tiếp tục những nỗ lực này để củng cố các cơ cấu và định chế cần thiết để đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của công dân và khuyến khích người dân của quốc gia thể hiện tiềm năng đầy đủ và thiên tài vốn có của mình.
Ðồng thời, phải thừa nhận rằng trong khi những thay đổi do buổi bình minh của thời đại mới này mang lại đã dẫn đến những thành tựu thực sự, chúng cũng đã đặt ra những trở ngại không thể tránh cần khắc phục và các hậu quả có vấn đề đối với sự ổn định xã hội và việc cai trị lãnh thổ. Tôi nghĩ đầu tiên tới hiện tượng di cư và vài triệu người phải rời bỏ mái ấm và đất nước của họ để tìm kiếm cơ hội mới mang lại việc làm và một đời sống xứng đáng. Tôi cũng nghĩ rằng sự giảm dân số của nhiều ngôi làng, những ngôi làng đã mất đi nhiều cư dân của họ, hậu quả của điều này đến chất lượng cuộc sống ở những khu vực đó và sự suy yếu của gốc rễ văn hóa và tinh thần sâu sắc từng duy trì qúi vị trong những thời gian thử thách. Ðồng thời, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính đối với các hy sinh của rất nhiều con trai và con gái của Lỗ Ma Ni, những người, bằng văn hóa, bản sắc đặc biệt và sự cần cù của họ, đã làm giàu cho những quốc gia mà họ đã di cư tới và nhờ thành quả làm việc chăm chỉ của họ đã giúp gia đình họ còn ở quê nhà.
Việc đối mặt với các vấn đề của chương mới này của lịch sử, nhận diện các giải pháp hữu hiệu và tìm được quyết tâm thực hiện chúng, kêu gọi sự hợp tác lớn hơn về phía các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội và tinh thần. Cần phải cùng nhau tiến lên với niềm xác tín trong việc theo đuổi tiếng gọi cao cả nhất mà mọi quốc gia đều phải khao khát: tiếng gọi trách nhiệm vì lợi ích chung của người dân. Cùng nhau tiến lên, như một cách định hình tương lai, đòi hỏi một sự sẵn lòng cao thượng hy sinh một điều gì đó trong viễn kiến của chính mình hoặc lợi ích tốt nhất cho một dự án lớn hơn, và do đó tạo ra sự hài hòa khiến cho việc tiến một cách an toàn tới các mục tiêu chung trở thành khả hữu.
Ðây là con đường dẫn đến việc xây dựng một xã hội hòa nhập, một xã hội trong đó mọi người chia sẻ những tài năng và khả năng của riêng mình, thông qua việc giáo dục có phẩm chất và lao động sáng tạo, tham gia và hỗ trợ lẫn nhau (x. Evangelii Gaudium, 192). Nhờ cách này, mọi người trở thành chủ đạo của lợi ích chung, nơi mà người yếu, người nghèo và người nhỏ bé nhất không còn bị coi là đồ bỏ khiến cỗ máy hết hoạt động, nhưng như các công dân và anh chị em được hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Thật vậy, cách họ được đối xử là chỉ số tốt nhất cho thấy sự tốt đẹp thực sự của mô hình xã hội mà người ta đang cố gắng xây dựng. Chỉ khi nào một xã hội biết quan tâm đến các thành viên thiệt thòi nhất của mình, nó mới có thể được coi là thực sự dân sự.
Toàn bộ diễn trình này cần phải có một trái tim và một linh hồn, và một mục tiêu rõ ràng cần đạt được, một mục tiêu không phải do những cân nhắc bên ngoài hay bởi sức mạnh ngày càng tăng của các trung tâm tài chính cao cấp áp đặt, mà bởi một ý thức về tính trung tâm của con người và các quyền lợi bất khả nhượng của họ (xem Evangelii Gaudium, 203). Muốn có sự phát triển hài hòa và bền vững, thực hành cụ thể tình liên đới và bác ái, và sự quan tâm gia tăng của các lực lượng xã hội, dân sự và chính trị để theo đuổi lợi ích chung, chỉ hiện đại hóa các lý thuyết kinh tế, hoặc các kỹ thuật và khả năng chuyên môn là điều không đủ, bất kể tự chúng có cần thiết bao nhiêu đi nữa. Nó đòi hỏi việc phát triển không những các điều kiện vật chất mà còn cả linh hồn của nhân dân qúi vị.
Về vấn đề này, các Giáo hội Kitô giáo có thể giúp tái khám phá và củng cố trái tim đang đập vốn là nguồn cho hành động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến việc cam kết làm việc công bằng và rộng lượng vì lợi ích chung tổng thể. Ðồng thời, các giáo hội này tìm cách trở thành một phản ánh đáng tin cậy của sự hiện diện của Thiên Chúa và là nhân chứng hấp dẫn cho các công trình của Người, khi họ phát triển trong tình bằng hữu và hợp tác hỗ tương đích thực. Ðây là con đường mà Giáo Hội Công Giáo muốn đi theo. Giáo Hội mong muốn đóng góp vào việc xây dựng xã hội. Giáo Hội mong muốn trở thành một dấu hiệu của sự hòa hợp với hy vọng hợp nhất và phục vụ nhân phẩm và lợi ích chung. Giáo Hội mong muốn hợp tác với chính quyền dân sự, với các Giáo hội khác và với mọi người thiện chí nam nữ, cùng hành trình với họ và đặt các tài năng chuyên biệt của mình phục vụ toàn thể cộng đồng. Giáo Hội Công Giáo không xa lạ gì với việc này; Giáo Hội tham gia đầy đủ tinh thần của quốc gia, như đã được chứng tỏ qua sự tham gia của tín hữu vào việc hình thành tương lai của đất nước và vào việc tạo ra và phát triển các cơ cấu giáo dục có tính hoà nhập và các hình thức hỗ trợ bác ái phù hợp với một nhà nước hiện đại. Bằng cách này, Giáo Hội mong muốn đóng góp vào việc xây dựng xã hội và đời sống dân sự và tinh thần ở lãnh thổ Lỗ Ma Ni xinh đẹp của qúi vị.
Thưa Ông Tổng thống,
Trong khi nguyện chúc cho Lỗ Ma Ni được thịnh vượng và hòa bình, tôi cầu xin Thiên Chúa đổ tràn phúc lành của Người xuống Ông Tổng thống, gia đình ông, xuống mọi người hiện diện ở đây, và xuống mọi người dân của đất nước.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho Lỗ Ma Ni!