Diễn từ của Ðức Thánh Cha

giải thích kinh Lạy Cha

tại nhà thờ chính tòa Chính Thống Giáo Bucarest

 

Diễn từ của Ðức Thánh Cha giải thích kinh Lạy Cha tại nhà thờ chính tòa Chính Thống Giáo Bucarest.

J.B. Ðặng Minh An dịch

Burarest (VietCatholic News 01-06-2019) - Sau cuộc gặp gỡ với Thánh Hội đồng Chính Thống Rumani (còn gọi là Lỗ Ma Ni) kéo dài hơn 30 phút, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ chính tòa "Ơn cứu độ nhân dân" của Chính Thống Giáo.

Khi đến nơi, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trầm trồ khen ngợi ngôi thánh đường vĩ đại mới được Ðức Thượng Phụ Daniel và Ðức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô của Chính Thống Constantinople khánh thành hồi tháng 11 năm 2018.

Sau lời chào mừng của Ðức Thượng Phụ Daniel, Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người và ngài giải thích về những ý chỉ trong kinh Lạy Cha mà mọi người sắp cùng nhau đọc.

Ðức Thánh Cha nói:

Thưa Ðức Thượng Phụ, Các anh em Giám Mục

Anh chị em thân mến,

Tôi biết ơn và cảm động khi được ở trong ngôi đền linh thánh này mang chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất. Chúa Giêsu đã kêu gọi hai anh em Anrê và Phêrô bỏ lưới của họ lại phía sau và trở thành những môn đệ chài lưới người (x. Mc 1: 16-17). Lời mời gọi một người là không đầy đủ nếu không có người kia. Hôm nay chúng ta muốn dâng lên, bên cạnh nhau, từ trung tâm của đất nước này, lời Cầu nguyện của Chúa. Lời cầu nguyện ấy chứa đựng những lời hứa chắc chắn mà Chúa Giêsu đã đưa ra với các môn đệ: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi" (Ga 14:18), và mang đến cho chúng ta sự tự tin để tiếp nhận và chào đón ân sủng là những anh chị em của chúng ta. Do đó, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ để chuẩn bị cho lời cầu nguyện này, mà tôi đọc để cầu nguyện cho hành trình huynh đệ của chúng ta và với ý nguyện rằng Rumani có thể luôn là ngôi nhà cho mọi người, một vùng đất gặp gỡ, một khu vườn nơi hòa giải và hiệp thông phát triển.

Mỗi lần chúng ta đọc kinh "Lạy Cha Chúng Con", chúng ta khẳng định rằng từ Cha không thể đứng một mình, tách biệt với từ Chúng Con. Hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta cũng kết hợp với kinh nghiệm của Người trong tình yêu và lời cầu bầu, là những điều dẫn chúng ta đến với việc nói rằng: 'Cha tôi và Cha anh em, Thiên Chúa của tôi và Thiên Chúa của anh em' (x Ga 20:17). Chúng ta được mời gọi để biến của tôi trở thành của chúng ta, và điều của chúng ta trở thành một lời cầu nguyện. Lạy Cha, xin giúp chúng con coi trọng một cách nghiêm chỉnh cuộc sống của anh chị em chúng con, để biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng con. Lạy Cha, xin giúp chúng con, đừng phán xét anh chị em của chúng con qua các hành động và những hạn chế của họ, nhưng hãy chào đón họ trước hết và trên hết như những con cái của Cha. Xin giúp chúng con vượt qua cám dỗ muốn hành động như một người anh, là người quá quan tâm đến mình đến nỗi quên mất ân sủng là tha nhân (x. Lc 15: 25-32).

Hướng về Cha, Ðấng ngự trên thiên đàng, một thiên đàng bao trùm tất cả và trong đó Cha làm cho mặt trời mọc trên cả người lành và kẻ ác, trên người công chính và kẻ bất lương (x. Mt 5:45), chúng ta hãy cầu xin sự bình an và sự hài hòa mà ở đây, trên trái đất này, chúng ta đã không bảo tồn. Chúng ta cầu xin điều này nhờ lời chuyển cầu của tất cả những anh chị em trong đức tin đang sống với Chúa trên thiên đàng sau khi đã tin tưởng, yêu thương và chịu đựng rất nhiều, ngay cả trong thời đại của chúng con, chỉ đơn giản là vì họ là Kitô hữu.

Cùng với họ, chúng con muốn tôn vinh danh Cha, đặt danh Cha ở trung tâm tất cả những việc chúng con làm. Lạy Cha, xin cho danh Cha, chứ không phải danh của chúng con, là danh làm xúc động và thức tỉnh trong chúng con việc thực thi đức bác ái. Ðã bao nhiêu lần, trong lời cầu nguyện, chúng con hạn chế chính mình trong việc xin sỏ những ơn này ơn kia và trong việc liệt kê các thỉnh cầu, mà quên rằng điều đầu tiên chúng con nên làm là ca ngợi danh thánh Cha, tôn vinh Cha, và tiếp theo sau đó là nhìn nhận, nơi anh chị em mà Chúa đặt để bên cạnh chúng con, một hình ảnh sống động của Cha. Ở giữa tất cả những điều phù du chóng qua mà chúng con đang bị cuốn hút, lạy Cha xin hãy giúp chúng con biết tìm kiếm những gì thực sự tồn tại đó là sự hiện diện của Cha và của anh chị em của chúng con.

Chúng con trông đợi nước Cha trị đến. Chúng con cầu xin và chúng con mong đợi điều đó, bởi vì chúng con thấy rằng hoạt động của thế giới này không tạo điều kiện cho điều đó, khi nó được tổ chức xoay quanh tiền bạc, tư lợi cá nhân và quyền lực. Bị chìm đắm trong một chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng điên cuồng lôi kéo chúng con bằng những thực tại lấp lánh nhưng thoáng qua, lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa phù giúp chúng con biết tin vào những gì chúng con cầu nguyện: đó là từ bỏ sự an toàn thoải mái của quyền lực, sự quyến rũ của thế giới, sự giả định vô ích về sự tự túc của chính chúng con, và thói giả hình chuộng vẻ bề ngoài. Như thế chúng con sẽ không đánh mất hình ảnh Vương quốc mà Chúa kêu gọi chúng con.

Ý Cha được thực hiện, chứ không phải ý muốn của chúng con. "Ý Chúa là tất cả mọi người được cứu" (Thánh Gioan Cassian, Những Hội nghị Linh thao, IX, 20). Chúng con cần mở rộng tầm nhìn của mình, lạy Cha, xin chớ để chúng con đặt giới hạn của riêng mình lên ý chí nhân từ, cứu độ của Cha muốn ôm lấy mọi người. Lạy Cha, xin giúp chúng con, bằng cách gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con, như vào ngày Lễ Ngũ Tuần; Ngài là nguồn can đảm và niềm vui, thúc đẩy chúng con rao giảng tin mừng Phúc Âm vượt ra ngoài giới hạn của các cộng đồng mà chúng con thuộc về, vượt qua những rào cản ngôn ngữ, văn hóa và quốc gia của chúng con.

Mỗi ngày chúng ta đều cần đến Ngài, là lương thực hàng ngày của chúng ta. Ngài là bánh ban sự sống (x. Ga 6: 35,48) khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái yêu dấu, và khiến chúng ta không còn bị lẻ loi và mồ côi nữa. Ngài là bánh của sự phục vụ, bẻ ra để phục vụ chúng ta và yêu cầu chúng ta đến lượt mình phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13,14). Lạy Cha, khi Cha ban cho chúng con lương thực hàng ngày, xin củng cố chúng con để chúng con biết tiến ra và phục vụ anh chị em của chúng con. Và khi chúng con xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, chúng con cũng xin Cha ban cho chúng con của nuôi ký ức, ân sủng để nuôi dưỡng những căn cội chung trong bản sắc Kitô giáo của chúng con, là những điều không thể thiếu trong thời đại mà nhân loại và đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng cảm thấy bị mất gốc giữa những bất định của cuộc sống và không có khả năng xây dựng cuộc sống của họ trên một nền tảng vững chắc. Lương thực mà chúng con cầu xin bắt đầu bằng một hạt giống, từ từ phát triển thành một hạt ngũ cốc, sau đó được thu hoạch và cuối cùng được đưa đến bàn ăn của chúng con. Cầu xin cho điều đó truyền cảm hứng cho chúng con biết là những người gieo trồng kiên nhẫn tình hiệp thông, không mệt mỏi trong việc gieo hạt giống hiệp nhất, khích lệ lòng tốt, hoạt động liên tục bên cạnh anh chị em của chúng con. Không có sự nghi ngờ hoặc thủ thế, không gây áp lực hoặc đòi hỏi sự đồng nhất, nhưng đầy tràn niềm vui huynh đệ trong một sự đa dạng hài hòa.

Lương thực chúng con yêu cầu hôm nay cũng là lương thực mà rất nhiều người ngày nay đang thiếu thốn, trong khi một số ít lại thừa mứa. Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện khiến chúng ta bất an và kêu lên phản kháng lại nạn đói tình yêu trong thời đại chúng ta, chống lại chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ bỉ báng danh Thánh Cha. Lạy Cha, xin giúp chúng con biết đói khát sự trao ban nhưng không chính mình. Xin nhắc nhở chúng con, bất cứ khi nào chúng con cầu nguyện rằng cuộc sống không phải là để giữ cho bản thân được thoải mái mà là để cho bản thân bị bẻ ra; không phải để tích lũy nhưng là để chia sẻ; không phải là ăn cho thỏa thích mà là cho người khác ăn. Sự thịnh vượng chỉ là sự thịnh vượng nếu nó bao trùm tất cả mọi người.

Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin Chúa tha những tội lỗi của chúng ta, những nợ nần của chúng ta. Ðiều này cần sự can đảm, vì nó có nghĩa là chúng ta cũng phải tha thứ cho những xúc phạm của người khác, cho những khoản nợ nần mà người khác mắc nợ chúng ta. Chúng ta cần tìm ra sức mạnh để tha thứ cho anh chị em của chúng ta từ trái tim (x. Mt 18,35), đến độ như Cha. Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con: xin bỏ lại quá khứ phía sau chúng con và cho chúng con biết cùng nhau đón nhận hiện tại. Lạy Cha, xin giúp chúng con đừng buông trôi theo sự sợ hãi, đừng xem sự cởi mở là mối đe dọa, nhưng biết tìm kiếm sức mạnh để tha thứ cho nhau và bước tiếp, và can đảm không sống một cuộc đời lặng lẽ mà tiếp tục tìm kiếm, với sự minh bạch và chân thành, khuôn mặt của anh chị em chúng con.

Và khi cái ác rình mò ở ngưỡng cửa trái tim chúng con (xem Sáng thế Ký 4: 7) khiến chúng con muốn khép mình lại; khi chúng con cảm thấy cơn cám dỗ thật mạnh mẽ để quay lưng lại với tha nhân, lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con một lần nữa, vì bản chất của tội lỗi là lìa xa Chúa và xa lánh người lân cận. Lạy Cha, xin hãy giúp chúng con nhận ra trong mỗi anh chị em của chúng con một nguồn hỗ trợ trên cuộc hành trình chung của chúng con để về với Cha. Xin linh hứng trong chúng con ơn can đảm để nói với nhau: Lạy Cha chúng con. Amen.

Và bây giờ, chúng ta hãy đọc lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta.

(Source: Libreria Editrice VaticanaTHE LORD'S PRAYER GREETING OF HIS HOLINESS New Orthodox Cathedral (Bucarest) Friday, 31 May 2019)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page