Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc
kêu gọi gia tăng bảo vệ thường dân
Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi gia tăng bảo vệ thường dân.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 24-05-2019) - Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Ðức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng bảo vệ các thường dân trong chiến cuộc.
Kỷ niệm các hiệp ước quan trọng
Trong bài tham luận hôm 23 tháng 5 năm 2019 tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng nhận xét rằng năm nay là kỷ niệm 70 năm 4 hiệp ước tại Genève như hòn đá tảng của Công pháp quốc tế về nhân đạo, và kỷ niệm 20 năm Nghị quyết số 1265 của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong một bối cảnh việc tôn trọng công pháp quốc tế về nhân đạo và các luật về nhân quyền bị suy thoái.
Hai thập niên sau đó, Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án những hành vi trong chiến tranh cố ý nhắm vào các thường dân và cấp thiết kêu gọi mọi phe lâm chiến tuyệt đối áp dụng công pháp quốc tế về nhân đạo..
Số thường dân nạn nhân chiến tranh tăng vọt
Ðức Tổng Giám Mục Auza nhận xét rằng hồi đầu thế kỷ 20, số thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột chỉ vào khoảng 5%. Nhưng 90 năm sau đó, trong thập niên 1990, con số các thường dân bị thiệt mạng vì chiến tranh lên tới hơn 90%. Hiển nhiên là các thường dân phải trả giá đắt đỏ nhất.
Còn nhiều điều phải làm: vấn đề mới nảy sinh
Vị đại diện Tòa Thánh nói đến những cố gắng trong thời gian qua của cộng đồng quốc tế nhắm giảm bớt con số thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột võ trang, nhưng một vấn đề lớn hiện nay là các cuộc xung đột tản ra nhiều hơn và bị phân hóa. Càng ngày càng có sự can dự của các nhóm võ trang không thuộc quốc gia, và họ hành động trong sự hoàn toàn không biết tới và coi rẻ các nguyên tắc và công pháp quốc tế. Những nơi mà các thường dân cảm thấy an toàn, nay bị các nhóm đó chĩa mũi dùi vào như các nhà thương và trường học, các nhân viên y tế và bệnh nhân bị tấn công; các nơi thờ phượng lẽ ra phải là những nơi an bình, nay trở thành những nơi chết chóc và tàn phá; những vụ tấn công hàng loạt chống gia sản văn hóa bị biến thành "võ khí chiến tranh"; gia cư và làng mạc toàn bộ bị thiêu hủy bình địa; phụ nữ và trẻ nữ bị hãm hiếp; trẻ em bị bắt cóc và ép phải gia nhập quân ngũ..
Số phận các thường dân trong các cuộc xung đột
Ðức Tổng Giám Mục Auza cũng tố giác rằng các cuộc khủng hoảng kéo dài, sự hạn chế di chuyển hàng hòa và không có các nhân viên cứu trợ lui tới, tất cả đều có những hậu quả tàn hai trên các thường dân. Họ bị kẹt giữa các cuộc xung đột mà họ không chọn lựa và bị buộc lòng phải bỏ gia cư chạy trốn, và sống trong các trại nơi họ dễ bị mắc bệnh và bị lạm dụng đủ loại. Cả các nhân viên từ thiện và những người thiện nguyện cũng bị tấn công trực tiếp và cố ý, những hành động tấn công này càng dễ dàng nhờ sự buôn bán bất hợp pháp và sự lan tràn các loại võ khí nhẹ. Thật là điều nực cười khi việc cung cấp lương thực và thuốc men thường bị cấm cản trong khi võ khí và đạn dược được di chuyển tự do. Sự lan tràn thứ văn hóa phạm pháp mà không bị trừng phạt ngăn cản các phe lâm chiến tôn trọng các qui luật về chiến tranh. Giả sử có một cơ cấu luật pháp vững mạnh được đề ra và thi hành, thì có hy vọng gia tăng sự thay đổi não trạng và văn hóa. (Rei 24-5-2019)