Diễn Văn của Ðức Phanxicô
tại Dinh Tổng Thống Bắc Macedonia
Diễn Văn của Ðức Phanxicô tại Dinh Tổng Thống Bắc Macedonia.
Vũ Văn An
Skopje (VietCatholic News 07-05-2019) - Ngày 7 tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng đã tới thăm Bắc Macedonia, trước đây có tên là Cộng Hòa Macedonia.
Sau khi được Tổng Thống chào đón tại Phi Trường Skopje, với cử chỉ là lạ: được dâng bánh mì và ngài chia sẻ ổ bánh mì tại chỗ cho các vị thượng khách vây quanh, Ðức Phanxicô đã tới dinh Tổng Thống và tại đây, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây trước các nhà cầm quyền, ngoại giao đoàn và xã hội dân sự.
Anh chị em thân mến,
Tôi rất biết ơn Tổng thống vì những lời chào mừng tốt đẹp và lời mời ân cần đến thăm Bắc Macedonia mà ông, cùng với Thủ tướng, đã ngỏ cùng tôi.
Tôi cũng cảm ơn các đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác có mặt giữa chúng ta. Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến cộng đồng Công Giáo, được đại diện ở đây bởi Ðức Giám Mục giáo phận Skopje và Ðức Giám Mục của Giáo Phận Ðông Phương Ðức Mẹ Lên Trời ở Strumica-Skopje, vốn là thành phần tích cực và không thể thiếu trong xã hội của anh chị em, chia sẻ trọn vẹn các niềm vui, các quan tâm và cuộc sống hàng ngày với nhân dân của anh chị em.
Ðây là lần đầu tiên Người kế vị Tông đồ Phêrô đến Cộng hòa Bắc Macedonia. Tôi rất vui khi được làm điều này vào ngày kỷ niệm hai mươi lăm năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, một điều xảy ra vài năm sau khi đất nước được độc lập vào tháng 9 năm 1991.
Vùng đất của anh chị em, một cây cầu giữa Ðông và Tây và là điểm gặp gỡ của nhiều trào lưu văn hóa, vốn hiện thân cho nhiều dấu ấn đặc biệt của khu vực này. Với những chứng từ tao nhã về quá khứ Byzantine và Ottoman, các pháo đài trên núi cao và những bình phong ảnh tượng lộng lẫy của các nhà thờ cổ, vốn nói lên sự hiện diện của Kitô giáo có từ thời các tông đồ, Bắc Macedonia phản ánh mọi chiều sâu và sự phong phú của nền văn hóa hàng ngàn năm của nó. Nhưng xin cho phép tôi nói rằng những kho tàng văn hóa vĩ đại này tự chúng chỉ là sự phản ánh di sản quý giá hơn của anh chị em: bộ mặt đa sắc tộc và đa tôn giáo của nhân dân anh chị em, di sản của một lịch sử phong phú và thực sự phức tạp của các mối liên hệ được tạo ra trong suốt nhiều thế kỷ.
Sự tôi luyện các nền văn hóa và bản sắc dân tộc và tôn giáo này đã dẫn đến sự chung sống hòa bình và lâu dài, trong đó các bản sắc cá thể kia đã tìm được biểu thức và phát triển mà không bác bỏ, thống trị hoặc kỳ thị các bản sắc khác. Do đó, họ đã tạo ra một mạng lưới liên hệ và tương tác có thể dùng làm điển hình và điểm tham chiếu cho một cuộc sống cộng đồng thanh thản và huynh đệ được đánh dấu bởi sự đa dạng và tôn trọng lẫn nhau.
Những nét đặc thù này cũng rất có ý nghĩa đối với việc gia tăng hội nhập với các quốc gia Châu Âu. Tôi hy vọng rằng sự hội nhập này sẽ phát triển theo hướng có lợi cho toàn bộ khu vực Tây Balkan, với sự tôn trọng không ngừng đối với sự đa dạng và các quyền căn bản.
Thực thế, ở đây, các bản sắc tôn giáo khác nhau như Chính thống giáo, Công Giáo, Kitô giáo khác, Hồi giáo và Do Thái giáo, và các khác biệt về sắc tộc giữa người Macedonia, Albani, Serbs, Croats và những người có nguồn gốc khác, đã tạo ra một bức tranh ghép trong đó mọi mảnh đều thiết yếu đối với tính độc đáo và vẻ đẹp của toàn thể. Vẻ đẹp đó càng trở nên hiển nhiên hơn đến mức anh chị em đã thành công trong việc lưu truyền và cấy trồng nó trong trái tim của thế hệ sắp tới.
Mọi nỗ lực đưa ra để giúp các biểu hiện tôn giáo đa dạng và các nhóm sắc tộc khác nhau tìm được một cơ sở chung để hiểu và tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, và do đó đảm bảo các quyền tự do căn bản, chắc chắn sẽ có kết quả. Thật vậy, các cố gắng đó sẽ được dùng như luống đất tốt để gieo hạt, rất cần thiết cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng.
Tôi cũng xin ghi nhận các nỗ lực quảng đại của nước Cộng hòa của anh chị em - cả bởi các thẩm quyền Nhà nước và sự đóng góp có giá trị của các Cơ quan quốc tế khác nhau, Hội Hồng thập tự, Caritas và một số tổ chức phi chính phủ - trong việc chào đón và hỗ trợ cho số lớn các di dân và người tị nạn đến từ các quốc gia Trung Ðông khác nhau. Trốn chạy chiến tranh hoặc các hoàn cảnh nghèo đói thảm khốc thường do sự bùng phát bạo lực nghiêm trọng gây ra trong các năm 2015 và 2016, họ đã vượt qua biên giới của anh chị em, phần lớn nhắm hướng bắc và tây Âu. Với anh chị em, họ tìm được một nơi tạm trú an toàn. Tình liên đới sẵn sàng dành cho những người có nhu cầu lớn như vậy - những người đã bỏ lại sau lưng rất nhiều người thân yêu của họ, ấy là chưa nói gì về nhà cửa, việc làm và quê hương của họ - quả đã đem lại vinh dự cho anh chị em. Nó nói lên một điều gì đó về linh hồn của dân tộc này, một linh hồn, sau khi đã trải qua nhiều thiếu thốn lớn lao, anh chị em đã nhận ra một con đường dẫn đến mọi phát triển đích thực trong tình liên đới và trong việc chia sẻ của cải. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ trân trọng chuỗi liên đới phát xuất từ trường hợp khẩn trương đó, và do đó, hỗ trợ mọi nỗ lực thiện nguyện để đáp ứng nhiều hình thức gian khổ và nhu cầu khác nhau.
Tôi cũng muốn được bày tỏ lòng tôn kính rất đặc biệt với một trong những đồng bào sáng ngời của anh chị em, người, được tình yêu của Thiên Chúa đánh động, đã biến tình yêu người lân cận thành luật tối cao cho cuộc sống mình. Bà đã giành được sự ngưỡng mộ của cả thế giới và đi tiên phong một cách chuyên biệt và triệt để trong việc hiến đời mình để phục vụ những người bị bỏ rơi, bị loại bỏ và nghèo nhất trong những người nghèo. Ðương nhiên, tôi muốn đề cập đến người phụ nữ mà ai cũng gọi là Mẹ Teresa thành Calcutta. Sinh năm 1910 tại vùng ngoại ô Skopje với cái tên Anjez# Gonxha Bojaxhiu, bà đã thực hiện hoạt động tông đồ khiêm tốn và hoàn toàn tự hiến ở Ấn Ðộ và, qua các Nữ Tu của mình, đã vươn tới các vùng ngoại vi về địa lý và hiện sinh đa dạng nhất. Tôi hài lòng khi không lâu nữa sẽ được dừng chân cầu nguyện tại Ðài tưởng niệm dành riêng cho bà, được xây dựng trên địa điểm của Nhà thờ Thánh Tâm, nơi bà lãnh phép rửa.
Anh chị em có lý để tự hào về người phụ nữ tuyệt vời này. Tôi thúc giục anh chị em tiếp tục làm việc với tinh thần dấn thân, cống hiến và hy vọng, để các con trai và con gái của vùng đất này, theo gương bà, có thể nhận ra, đạt được và phát triển đầy đủ ơn gọi mà Thiên Chúa đã dự tính cho họ.
Thưa Tổng Thống,
Từ thời Bắc Macedonia giành được độc lập, Tòa Thánh đã theo sát các biện pháp mà đất nước này đã đưa ra nhằm thúc đẩy đối thoại và hiểu biết giữa các nhà cầm quyền dân sự và các tín phái tôn giáo.
Hôm nay, Thiên Chúa quan phòng cho tôi cơ hội đích thân chứng tỏ sự gần gũi này và đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm hàng năm tới Vatican của một Phái đoàn chính thức của anh chị em nhân ngày lễ các thánh Cyril và Methodius. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì tự tin trên con đường anh chị em đã chọn, để biến đất nước của anh chị em thành ngọn hải đăng hòa bình, chấp nhận và hòa nhập hữu hiệu giữa các nền văn hóa, tôn giáo và các dân tộc. Dựa vào bản sắc liên hệ của họ và sinh lực của đời sống văn hóa và dân sự của họ, họ sẽ có thể xây dựng được một số phận chung bằng cách chào đón sự phong phú mà mỗi người có thể cung cấp.
Xin Chúa bảo vệ và chúc phúc cho Bắc Macedonia, giữ gìn nó trong sự hòa hợp, và ban cho nó sự thịnh vượng và niềm vui!