Bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
trước Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi
Bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trước Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi.
Vũ Văn An
Sofia (VietCatholic News 05-05-2019) - Ngay sau cuộc gặp gỡ với chính quyền Bảo Gia Lợi, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Sofia vào Chúa Nhật 5 tháng 5 năm 2019, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Thượng phụ Neophyte và Thánh Công đồng của Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi tại Ðiện Công đồng ở thủ đô.
Trong bài phát biểu của ngài trước Thánh Công đồng, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy niệm về gương sáng của các Tông đồ của người Slav, các thánh Cyril và Methodius, những nhà truyền giảng Tin Mừng thế kỷ thứ 9 từ Texalônica, những vị đã rao giảng Kitô giáo cho người Slav.
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng:
Thưa Ðức Thượng phụ,
Các Tổng Giám Mục và Giám mục đáng kính,
Anh em thân mến,
Christos vozkrese!
Trong niềm vui của Ðấng Cứu Rỗi sống lại, tôi xin ngỏ tới qúy vị lời chúc mừng Phục Sinh vào Chúa Nhật này được miền Ðông Kitô giáo biết đến với tên gọi "Chúa Nhật Thánh Tôma". Chúng ta hãy xem vị Tông đồ, người đặt tay vào cạnh sườn Chúa, chạm vào các vết thương của Người và tuyên xưng, "Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa tôi!" (Ga 20:28). Các vết thương mở ra trong diễn trình lịch sử giữa chúng ta, các Kitô hữu vẫn còn là những vết bầm tím đau đớn trên Thân thể Chúa Kitô là Giáo hội. Ngay cả ngày nay, hiệu quả của chúng vẫn còn hiển hiện; chúng ta có thể chạm tay vào chúng. Thế nhưng, có lẽ cùng nhau chúng ta có thể chạm vào các vết thương đó và tuyên xưng Chúa Giêsu đã sống lại và công bố Người là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta. Có lẽ cùng nhau chúng ta có thể nhìn nhận các thất bại của mình và dìm mình vào các vết thương đầy yêu thương của Người. Và bằng cách này, chúng ta có thể khám phá ra niềm vui của tha thứ và tận hưởng trước mùi vị của cái ngày khi, với ơn phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta có thể cử hành mầu nhiệm Vượt Qua tại cùng một bàn thờ.
Trên hành trình này, chúng ta được nâng đỡ bởi số lượng lớn lao các anh chị em của chúng ta, những người mà tôi đặc biệt muốn bày tỏ lòng tôn kính: các nhân chứng của lễ Phục sinh. Biết bao nhiêu Kitô hữu ở đất nước này đã chịu đựng đau khổ vì danh Chúa Giêsu, nhất là trong cuộc đàn áp của thế kỷ trước! Ðại kết bằng máu! Họ rải một loại nước hoa thơm phức trên "vùng đất Hoa hồng này". Họ đã trải qua những thử thách dày đặc để lan tỏa hương thơm của Tin Mừng. Họ nở hoa trên mảnh đất màu mỡ và được vun sới tốt, như một phần của một dân tộc giàu đức tin và tình người chân chính từng ban cho họ những gốc rễ mạnh mẽ, sâu sắc. Tôi nghĩ đặc biệt đến truyền thống đan viện mà từ thế hệ này sang thế hệ nọ đã nuôi dưỡng đức tin của người dân. Tôi tin rằng những nhân chứng của lễ Phục sinh, anh chị em của những tín phái khác nhau đã hợp nhất trên thiên đàng nhờ đức ái của Thiên Chúa, giờ đây đang nhìn chúng ta như những hạt giống được gieo trên trái đất và nhằm sinh hoa trái. Trong khi rất nhiều anh chị em khác của chúng ta trên khắp thế giới tiếp tục chịu đau khổ vì đức tin của họ, họ yêu cầu chúng ta đừng đóng cửa mà hãy tự mở lòng ra, vì chỉ bằng cách này, các hạt giống kia mới có thể sinh hoa trái.
Cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ mà tôi rất mong muốn, theo sau cuộc gặp gỡ của Thánh Gioan Phaolô II với Ðức Thượng phụ Maxim trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Giám mục Rôma tới Bảo Gia Lợi. Nó cũng theo sau bước chân của Thánh Gioan XXIII, đấng, trong những năm sống ở đây, đã trở nên gắn bó với dân tộc này, "một cách đơn giản và tốt lành" (Giornale dell'anima, Bologna, 1987, 325), rất qúi giá lòng trung thực của họ, tính làm việc chăm chỉ của họ và phẩm giá của họ giữa những thử thách. Ở đây, như một vị khách được chào đón một cách âu yếm, tôi cảm nghiệm một nỗi luyến nhớ huynh đệ sâu sắc, nỗi khát khao lành mạnh muốn hợp nhất giữa những đứa con cùng một Cha, một sự hợp nhất từng được Ðức Giáo Hoàng Gioan cảm nhận ngày càng mạnh mẽ suốt thời gian ngài ở thành phố này. Tại Công đồng Vatican II mà ngài triệu tập, Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi đã gửi các quan sát viên, và kể từ đó, các liên hệ của chúng ta đã tăng lên gấp bội. Tôi nghĩ tới những chuyến viếng thăm mà trong năm mươi năm nay, các phái đoàn Bảo Gia Lợi đã đến Vatican và hàng năm tôi có niềm vui được đón tiếp; cũng vậy, sự hiện diện tại Rôma của một cộng đồng chính thống Bảo Gia Lợi đến cầu nguyện tại một trong những nhà thờ của Giáo phận tôi. Tôi đánh giá cao sự chào đón ân cần dành cho các đặc phái viên của tôi, mà sự hiện diện của họ đã gia tăng trong những năm gần đây và sự hợp tác tỏ bầy cùng cộng đồng Công Giáo địa phương, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Tôi tin tưởng rằng, với sự phù giúp của Thiên Chúa, và trong thời gian tốt đẹp của Người, những tiếp xúc này sẽ có tác động tích cực tới nhiều khía cạnh khác trong cuộc đối thoại của chúng ta. Trong khi đó, chúng ta được mời gọi cùng lên đường hành trình và hành động để làm chứng cho Chúa, nhất là bằng cách phục vụ các anh chị em nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất, mà nơi họ, Người luôn hiện diện. Ðại kết người nghèo.
Trên hết, các hướng dẫn viên của chúng ta trên hành trình này là các thánh Cyril và Methodius, những người đã nối kết chúng ta từ thiên niên kỷ đầu tiên và ký ức sống động của các ngài trong các Giáo hội của chúng ta tiếp tục là nguồn cảm hứng, vì bất chấp các nghịch cảnh, họ vẫn coi việc công bố Chúa, lời kêu gọi truyền giáo là ưu tiên cao nhất. Như Thánh Cyril từng nói: "Với niềm vui, tôi lên đường vì đức tin Kitô giáo; bất chấp mệt mỏi và yếu đuối về thể lý, tôi vẫn sẽ ra đi một cách vui tươi" (Vita Constantini, VI, 7; XIV, 9). Và bất chấp những dự cảm về sự chia rẽ đau đớn sẽ diễn ra trong nhiều thế kỷ tới, các ngài đã chọn viễn cảnh hiệp thông. Truyền giáo và hiệp thông: hai từ ngữ đã phân biệt đời sống của hai vị thánh này và có thể soi sáng cuộc hành trình của chúng ta hướng tới sự tăng trưởng trong tình huynh đệ. Ðại kết truyền giáo.
Hai thánh Cyril và Methodius, những người Byzantines về văn hóa, đã đủ táo bạo để dịch Kinh thánh sang ngôn ngữ mà các dân tộc Slav có thể tiếp cận được, để Lời Chúa có thể đi trước cả lời nói của con người. Hoạt động tông đồ can đảm của các ngài ngày nay vẫn là một mô hình truyền giảng Tin Mừng và là một thách thức phải loan báo Tin Mừng cho thế hệ tiếp theo. Quan trọng xiết bao, trong khi tôn trọng các truyền thống và bản sắc riêng biệt của chúng ta, chúng ta giúp nhau tìm cách lưu truyền đức tin bằng ngôn ngữ và các hình thức giúp người trẻ trải nghiệm niềm vui của một Thiên Chúa yêu thương họ và kêu gọi họ! Nếu không, họ sẽ bị cám dỗ đặt niềm tin vào các tiếng hát nhân ngư đầy lừa dối của xã hội duy tiêu thụ.
Hiệp thông và truyền giáo, gần gũi và công bố.
Hai thánh Cyril và Methodius cũng có nhiều điều để nói với chúng ta về tương lai của xã hội châu Âu. Thật vậy, " theo một nghĩa nào đó, các ngài là những người cổ vũ cho một châu Âu thống nhất và hòa bình sâu sắc giữa mọi cư dân của lục địa, cho thấy nền tảng của một nghệ thuật sống chung mới mẻ, biết tôn trọng các khác biệt, vốn không hề là trở ngại đối với hợp nhất" (Thánh Gioan Phaolô II, Chào mừng phái đoàn chính thức Bảo Gia Lợi, 24 tháng 5 năm 1999: Insegnamenti XXII, 1 [1999], 1080). Chúng ta cũng vậy, với tư cách là người thừa kế đức tin của các thánh, chúng ta được mời gọi trở thành những người xây dựng sự hiệp thông và hòa bình nhân danh Chúa Giêsu. Bảo Gia Lợi là "ngã tư tâm linh, vùng đất tiếp xúc và hiểu biết lẫn nhau" (ID., Diễn văn tại Lễ Tiếp Ðón, Sofia, 23 tháng 5 năm 2002: Insegnamenti, XXV, 1 [2002], 864). Tại đây, các tín phái khác nhau, từ tín phái Armenia tới tín phái Tin Lành, và các truyền thống tôn giáo khác nhau, từ Do Thái giáo đến Hồi giáo, đều đã được chào đón.