Các Kitô hữu và người Hồi giáo
cùng chăm sóc trẻ em khuyết tật ở Kazakhstan
Các Kitô hữu và người Hồi giáo cùng chăm sóc trẻ em khuyết tật ở Kazakhstan.
Ngọc Yến
Kazakhstan (Vat. 12-04-2019) - Trong một ngôi làng ở Kazakhstan các Kitô hữu và người Hồi giáo cùng chăm sóc cho người khuyết tật. Cha Guido nói: "Chúng tôi làm việc với nhau rất hòa thuận, vấn đề tôn giáo không phải là lý do để chia rẽ. Chúng tôi chia sẻ cùng một quan điểm cuộc sống và chúng tôi có chung một mục tiêu: chăm sóc những cuộc đời trẻ bị thương và trao tặng cho họ một tương lai tốt đẹp".
Loại trừ những hành vi bạo lực, những tư tưởng đóng kín chỉ có mình là trên hết, ngày nay vẫn còn có hàng triệu người thiện chí trên khắp thế giới chăm sóc các trẻ em không phải của họ, không thuộc gia đình, niềm tin tôn giáo với họ. Họ làm điều đó với sự tận tâm, niềm vui, nghiêm túc và năng lực. Một thí dụ điển hình ở Kazakhstan, một quốc gia có 17 triệu dân thuộc 130 quốc tịch khác nhau. Tại đây, các tín đồ của Kitô giáo và Hồi giáo đã cùng nhau chăm sóc những trẻ mồ côi, tàn tật hoặc những người trong các gia đình gặp thảm họa.
Ngôi làng Arca
Mọi chuyện bắt đầu từ hai mươi năm trước tại Almaty khi cha Guido Trezzani được mời làm việc cùng với các tình nguyện viên phục vụ tại các trại trẻ mồ côi địa phương. Trong khoảng vài năm, vị linh mục, cùng với các tình nguyện viên và nhờ sự hỗ trợ của những người bạn Italia, đã thành lập một "ngôi nhà gia đình" cách thành phố ba mươi cây số, ở làng Talgar, nơi đón tiếp trẻ mồ côi, khuyết tật hoặc các em đến từ những gia đình khó khăn. Ðược xây dựng trong thời Xô Viết, theo thời gian "ngôi nhà gia đình" đã mở rộng để trở thành Ngôi làng Ark, với những căn nhà, trường học, căng tin, trung tâm y tế và phục hồi chức năng. Hiện tại nó có 60 em thuộc Kitô giáo và Hồi giáo được chăm sóc.
Cùng với các cộng tác viên, cha Guido, 63 tuổi, cam kết đảm bảo rằng những cuộc đời trẻ này có thể trải nghiệm sự ấm áp, tình cảm và an toàn của một gia đình và xây dựng một tương lai có phẩm giá. Vì lý do này, trung tâm cũng tổ chức các khóa học nghề và hỗ trợ tài chính cho những người muốn tham gia các khóa học bên ngoài hoặc hoạt động kinh doanh riêng. Ngoài ra trung tâm còn chăm sóc trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt là những người mắc hội chứng Down, cố gắng khuyến khích họ tham gia các hoạt động của trung tâm. Cha cho biết: "thật đáng tiếc ở đất nước này vẫn còn cái nhìn không đúng về người khuyết tật; họ bị xem là một điều đáng xấu hổ và bị chúc dữ. Xã hội không sẵn sàng đón nhận họ".
Một hành trình dài
Trong Làng thường xuyên có 30 Kitô hữu và Hồi giáo làm việc, cùng với nhiều tình nguyện viên, những người trong những năm gần đây đã tăng dần. Cha Guido nói: "Chúng tôi làm việc với nhau rất hòa thuận, vấn đề tôn giáo không phải là lý do để chia rẽ, chúng tôi chia sẻ cùng một quan điểm cuộc sống và chúng tôi có chung một mục tiêu: chăm sóc những cuộc đời trẻ bị thương này và trao tặng cho họ một tương lai tốt đẹp. Tôi thường nói: ai muốn chạy nhanh thì chạy một mình, ngược lại ai muốn thực hiện một hành trình dài thì phải ở cùng với người khác".
Thực tế ở Kazakhstan, nơi mà ngọn gió của chủ nghĩa tư bản và tiêu thụ từ phương tây đang thổi tới. Mục đích chính của nó là thành công và tích lũy tiền bạc một cách nhanh chóng; người ta sẽ chạy một mình. Ngược lại ai muốn xây dựng một điều gì đó ổn định lâu dài, thiện ích cho toàn xã hội thì phải làm việc cùng với người khác. Tôi nghĩ rằng những người theo một tôn giáo chân chính sống và làm việc với nhau một cách hòa bình có thể dạy cho thế giới điều này: để làm cho đất nước là một nơi tốt đẹp cho tất cả thì cần phải sống và làm việc cùng với nhau. Ðây là điều mà nhiều người đang cố gắng thực hiện ở Kazakhstan, nơi người Hồi giáo chiếm 70-75% dân số, Chính thống giáo 20-25% trong khi người Công giáo là một đàn chiên nhỏ khoảng 50,000 tín hữu".
Dự án Caritas cho người khuyết tật
Cha Guido được sai đến Giáo phận Almaty với sứ vụ là giám đốc Caritas giáo phận và sau đó quốc gia. Với nhiệm vụ này, cha đã đưa ra một số dự án về y tế, xã hội và một chương trình hỗ trợ người khuyết tật. Cha cho biết: "Ðể thực hiện việc này Caritas có hai hoạt động: một mặt chúng tôi thực hiện một chiến dịch qua các video và các bài viết nhằm nâng cao nhận thức giúp người dân có cái nhìn khác về người khuyết tật; mặt khác chúng tôi hỗ trợ các gia đình của người khuyết tật giúp họ chăm sóc con cái của họ một cách tốt nhất. Hiện tại chúng tôi cũng đang cố gắng bắt đầu sự hợp tác lâu dài với các nhà vật lý trị liệu người Ý, những người có thể can thiệp khắp cả nước và đào tạo các nhà vật lý trị liệu địa phương. Tại Almaty, Caritas đã mở một trung tâm tổ chức các buổi đào tạo thường xuyên cho cha mẹ của trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng Down, và gần đây dự án đã được mở rộng đến các thành phố khác trong nước. Hiện tại chúng tôi đang theo dõi hơn 400 trẻ em và mỗi ngày chúng tôi lại có thêm những các em mới: tất nhiên các em đều là Kitô hữu và Hồi giáo. Các gia đình Hồi giáo mà chúng tôi gặp không có định kiến, trái lại họ cởi mở chân thành với chúng tôi. Và khi họ thực sự đã trải nghiệm sự cống hiến vô vị lợi của chúng tôi, các mối quan hệ ngay lập tức trở nên tuyệt vời. Là giám đốc của Caritas, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người và chúng tôi có các mối quan hệ tốt đẹp".
Cuộc sống hàng ngày
Cứ ba năm, tại thủ đô Astana tổng thống Nurultan Abishevich Nazarbayev tổ chức một cuộc họp liên tôn, bao gồm Hồi giáo, Chính thống giáo, Công giáo và đại diện của các tôn giáo khác tham gia. Cha Guido cho biết: "Ðây là cuộc gặp gỡ được truyền cảm hứng từ Assisi do Ðức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Kazakhstan năm 2001 khởi xướng. Nhà nước rất nhiệt tình thúc đẩy sự chung sống hòa bình giữa mọi công dân bằng cách tổ chức các cuộc họp giúp mọi người hiểu nhau, cùng nhau tìm kiếm các giải pháp chung. Tất nhiên, để xây dựng một xã hội đoàn kết, chỉ thực hiện những buổi gặp gỡ thôi thì chưa đủ; cần phải sống tôn trọng, tinh thần huynh đệ, cởi mở với người thân cận trong cuộc sống hàng ngày để tránh khép mình trong vỏ bọc".
"Hãy đến và xem"
Trong số nhiều điều liên quan đến mối quan hệ giữa Kitô hữu và Hồi giáo, Cha Guido rất muốn nói một điều đặc biệt: "Khi chúng tôi khánh thành một trung tâm dành cho các gia đình có trẻ em mắc hội chứng Down, ở một thành phố xa Almaty, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp đầu tiên qua Skype. Trong số các thành viên gia đình có mặt có một phụ nữ Hồi giáo che mặt: một phụ nữ rất thông minh, hỏi những câu hỏi thích hợp. Tôi nghĩ rằng bà là mẹ của em khuyết tật mà bà đang nói đến. Một ngày kia, trong một cuộc họp, người phụ nữ này nói với tôi rằng bà là bà của đứa trẻ và giới thiệu cho tôi con gái của bà, người đã đi cùng bà vào ngày hôm đó. Người bà, vui mừng, giới thiệu với tôi: "Con gái tôi, người không thích tham gia, một buổi tối đã hỏi tôi tại sao tôi luôn vui vẻ và nhiệt tình sau các cuộc họp. Tôi trả lời: 'Hãy đến và xem'. Vâng, cụm từ đó, các Kitô hữu chúng ta biết rõ, đã chạm đến tôi và làm tôi xúc động. Ðó là một điều nhỏ, nhưng đối với tôi nó rất có ý nghĩa: đôi khi những người của các tôn giáo khác hoặc xa Giáo hội nhắc nhở chúng ta điều gì là trung trâm Kitô giáo, để nhắc nhở chúng ta về những gì là thiết yếu. Ðiều này cũng có thể phát sinh từ một mối quan hệ lành mạnh giữa những người có đức tin khác nhau".