Vatican News phỏng vấn

cha Phương Ðình Toại về Mái Ấm Mai Tâm

 

Vatican News phỏng vấn cha Phương Ðình Toại về Mái Ấm Mai Tâm.

Thực hiện: Văn Yên, SJ


Vatican News phỏng vấn cha Phương Ðình Toại về Mái Ấm Mai Tâm.

Link audio: https://youtu.be/pJWxPGBRL5I


Sàigòn (Vat. 9-04-2019) - Giữa đám mây mù về những vụ lạm dụng trẻ em, chúng tôi xin gởi đến quý vị một nhân chứng dấn thân khá âm thầm cho trẻ em, và không rầm rộ trên báo chí. Xin gởi đến quý vị cuộc phỏng vấn với cha Phương Ðình Toại dòng Camillo về những dấn thân của các cha các thầy dòng Camillo cho các em nhiễm HIV tại mái ấm Mai Tâm.

Nội dung phỏng vấn:

 

1. Về mái ấm Mai Tâm, xin cha chia sẻ lý do và những bước đầu thành lập mái ấm.

Mái ấm Mai Tâm được thành lập vào 2005, trong bối cảnh Việt Nam thời bấy giờ có nhiều em bé và các bà mẹ nhiễm HIV bị bỏ rơi ở trong bệnh viện hay bị bỏ rơi ở ngoài đường. Khi đó vì khó khăn kinh tế nên nhiều em và nhiều người mẹ bị bỏ rơi, không có nơi nương tựa, hoặc mồ côi cha mẹ. Cùng thời gian đó, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn lập nên ban mục vụ chăm sóc người có HIV AIDS, với ý định muốn mở một trung tâm để đón nhận những anh chị em sống với HIV và bệnh nhân AIDS cuối đời về chăm sóc tại một trung tâm, gọi là trung tâm Phục Sinh. Nhưng thời gian đó thủ tục xin giấy phép của nhà nước khó khăn và lâu, trong lúc đó thì mình thường hay đi thăm viếng bệnh nhân ở trong bệnh viện và rất nhiều lần mình gặp các em bé bị bỏ rơi mà không có ai chăm sóc hoặc những người mẹ đơn thân cùng với con. Sau khi chồng chết thì họ ở lại đó và không biết đi về đâu. Và vì họ cũng yếu và bệnh nặng nên mình mới xin Ðức Hồng Y cho mình mở mái ấm Mai Tâm.

Mái ấm Mai Tâm được hình thành với hai mục tiêu chính. Thứ nhất là nuôi, chăm sóc, điều trị cho các em bé mồ côi sống với HIV. Thứ hai là chăm sóc cho các bà mẹ đơn thân nhiễm HIV, với mục đích giúp cho các bà mẹ đó vẫn tiếp tục sống với con mình.

 

2. Hiện tại của mái ấm như thế nào?

Hiện tại mái ấm đang nuôi dưỡng 97 em từ 0-18 tuổi. Ngoài ra thì có hơn 200 em ở ngoài cộng đồng. Trước kia các em từng ở trong mái ấm, hoặc từng được gia đình hay người thân đưa đến nhưng mái ấm tìm mọi cách để nuôi hoặc thuyết phục gia đình đem về nuôi trở lại sau một thời gian. Việc này nhằm giúp các em không bị bỏ rơi, hoặc giúp các em tiếp tục được sống trong gia đình của mình. Còn lại những em không còn ai chăm sóc hoặc các em mà mình không tìm được gia đình của các em, thì mình tiếp tục nuôi dưỡng. Số đó hiện tại có 97 em và 27 bà mẹ đơn thân sống với HIV. Trong số 97 này thì có 75 em nhiễm HIV, và số còn lại là anh em của các em nhiễm HIV cùng bị bỏ rơi hoặc cùng mồ côi, hoặc một số bị bỏ trước đó được xét nghiệm nhiễm HIV nhưng khi về mình nuôi một thời gian thì các em đó được xét nghiệm trở lại thì không bị nhiễm, vì thời gian đầu, các em chỉ mang kháng thể của mẹ bị nhiễm thôi. Người ta tưởng các em bị bệnh thật nên bỏ rơi các em ở chùa hay ở ngoài đường, rồi người ta đem đến cho mình hoặc mình đem về nuôi và mình cho uống thuốc, rồi một thời gian sau xét nghiệm lại thì các em không còn bị bệnh nữa.

 

3. Khi sống chung như vậy thì có xảy ra việc lây nhiễm cho những em chưa bị nhiễm?

Không có vấn đề gì hết. Tại vì trước giờ trong lịch sử của y khoa cũng chưa có trường hợp nào các em nhiễm HIV và không nhiễm sống với nhau và lây nhau. Lý do tại sao? Vì thứ nhất, khi các em bị bệnh được uống thuốc một thời gian thì tải lượng virus trong máu của các em xuống gần như bằng không, nên khả năng lây của các em rất khó. Thứ hai, việc lây nhiễm HIV đòi hỏi phải có đường lây. Thường là phải đường máu, hoặc đường mẹ truyền sang con hoặc đường tình dục, nhưng khi các em chung sống với nhau, ba đường lây đó không xảy ra được.

 

4. Cơ hội tương lai của các em thế nào?

Ý định ban đầu khi mở mái ấm là giúp cho các em có chỗ để được chết bình an. Vì khi đó các em yếu lắm và chết rất nhiều. Nhưng về sau này, nhờ có sự hỗ trợ của thuốc, và thuốc rất tốt nên các em khoẻ lại như người bình thường. Các em đi học bình thường nên hướng của mình là giúp các em có một cuộc sống lành mạnh, các em được đến trường như bao trẻ em khác, và sau này có cuộc sống tương lai như các trẻ em ngoài cộng đồng, ngoài xã hội. Do đó, hướng của mình hồi xưa là giúp cho các em chết bình an, bây giờ là giúp cho các em sớm được điều trị, sau đó tìm mọi cách để tìm lại gia đình các em. Nếu không thuyết phục được gia đình đón các em về thì mình giúp cho các em lớn lên với nhân bản, thành người trưởng thành và có thể đóng góp lại cho xã hội. Một số em bây giờ đã học xong đại học, cùng quay lại làm việc với mái ấm. Ví dụ như tốt nghiệp đại học y khoa, làm điều dưỡng. Có em thì đang học đại học tài chính kế toán, có em học nghề và đi làm ở bên ngoài. Các em sống một cuộc đời bình thường như bao nhiêu người khác.

 

5. Có lẽ mái ấm Mai Tâm không chỉ là nơi chăm sóc thể lý nhưng còn là nơi nâng đỡ về tinh thần. Xin cha cho biết những giá trị cốt lõi của mái ấm Mai Tâm mà các cha đang phục vụ!

Mình đặt tên Mai Tâm cũng dựa trên điều đó. Như mình hiểu theo nghĩa tôn giáo, Mai là Mẹ Maria, Tâm là trái tim: trái tim của Mẹ Maria, là nơi đón nhận hết tất cả những con người đau khổ. Mai Tâm cũng có ý nghĩa là trái tim của ban mai, của ngày mai, nên giá trị lớn nhất của nó là mở ra sự hy vọng để bất cứ ai vì đau khổ, bị kỳ thì, bị bỏ rơi được đón nhận bằng bàn tay của Giáo hội Mẹ, đón nhận các em để được sống, được tôn trọng, nhìn nhận và được bảo vệ như bao con người khác. Trước khi các em đến mái ấm thì nhiều em bị tổn thương rất nhiều, bị lạm dụng, bị đánh đập hoặc bị bỏ rơi. Tổn thương tinh thần rất lớn. Vì thế khi các em được đến mái ấm, mình làm mọi cách, tạo điều kiện cũng như mời sự cộng tác của nhiều người để đem lại cho các em sự chữa lành trong tâm hồn. Và vì thế, qua đó khi các em sống với nhau, các em trở nên bạn bè, anh chị em, người thân của nhau. Mái ấm trở nên một gia đình mới của các em. Và trong gia đình đó, các em được học, được hiểu về tình yêu, về đức bác ái và đặc biệt hơn hết là hoà giải với bản thân và những gì các em đã đối diện trước đó từ gia đình của mình, hoà giải với gia đình.

 

6. Nếu được phép, con xin hỏi một vấn đề thực tế, đó là vấn đề tài chính, việc thu chi của mái ấm Mai Tâm như thế nào?

Mái ấm Mai Tâm hiện nuôi 97 em và hơn 200 em ở ngoài cộng đồng. Số tiền chi phí một tháng cho mái ấm, tất cả mọi sự khoảng 300 triệu đồng/tháng. Trung bình 1-2 triệu/em/tháng, tuỳ điều kiện của các em về sức khoẻ, về nhu cầu thuốc men, dinh dưỡng và đi học, nên vừa đóng tiền học, vừa dinh dưỡng, vừa đi đến bệnh viện, vừa thuốc men, tất cả khoảng 1-2 triệu/em. Ngoài ra, mình tiếp tục giúp hơn 200 em ngoài cộng đồng, mỗi em khoảng 300 ngàn/tháng, để các em có tiền đi học và có thể tiếp tục đi đến bệnh viện để nhận thuốc, không bỏ thuốc. Nếu không, gia đình lại bỏ rơi các em, nên số tiền các ngày càng lớn vì ngày càng có nhiều em đến với mái ấm. Do đó chi phí rất cao.

Tuy nhiên, may mắn là mình nhận được nhiều tình thương, sự giúp đỡ của Giáo hội ở Việt Nam, của anh chị em Công giáo và doanh nhân cũng thương đến giúp. Thứ hai, mỗi năm mình cũng đi gây quỹ ở bên Hoa Kỳ một hai lần, nhờ cộng đồng của anh chị em Việt kiều ở bên đó, họ quy tụ với nhau để gây quỹ. Có năm được nhiều, có năm được ít. Ví dụ như trung bình mỗi lần sang Hoa Kỳ thì mình xin được khoảng 50-100 ngàn (USD). Rồi ở Việt Nam cũng có năm nhiều có năm ít. Trung bình mỗi năm cũng xin được 1-5 tỉ. Cũng đủ trang trải cho mái ấm trong suốt một năm.

 

7. Có một ca đoàn lấy tên cùng với tên của mái ấm, xin cha cho biết về cơ duyên và tương quan của ca đoàn Mai Tâm với mái ấm như thế nào?

Ðây là sáng kiến của Ðức Hồng y Mẫn. Thật sự nó xuất phát từ giới doanh nhân Công giáo, hồi đó anh Viên của công ty Vinamit, xin Ðức Hồng y cho thêm một Thánh lễ tại Toà giám mục vào ngày Chủ Nhật để quy tụ các anh chị em doanh nhân Công giáo muốn đóng góp thêm cũng như muốn có sinh hoạt sống động hơn trong giáo phận và có lòng. Họ quy tụ và xin Ðức Hồng y cho một Thánh lễ, rồi từ đó Ðức Hồng y cho phép họ với lý do là muốn tạo một nơi cho tất cả những anh chị em Công giáo muốn dấn thân nhiều hơn cho công tác xã hội, đặc biệt là đối với những người nhiễm HIV/ AIDS. Từ đó có Thánh Lễ và ca đoàn Mai Tâm hình thành, để các anh chị em với doanh nhân muốn hát thì tham gia hát, và tất cả những người khác cũng được tham gia.

Theo thời gian thì người này đi người kia ở lại, cuối cùng ca đoàn này lấy tên là ca đoàn Mai Tâm, với mục đích giúp cho các em nhiễm HIV ở mái ấm Mai Tâm. Nhưng cũng hay là các anh chị em trong ca đoàn từ từ nhìn thấy những nhu cầu khác trong xã hội nữa, nên một mặt các anh chị em từ nhiều nơi, từ nhiều ngành nghề, vừa có doanh nhân, vừa có ca sĩ, có diễn viên, có nhiều ngành nghề khác nhau mà quy tụ với nhau lại. Họ tập hát mỗi tuần và họ dâng tiếng hát. Họ đi nhiều giáo xứ để hát và họ giúp nhiều chương trình mục vụ khác nhau, chương trình xã hội khác nhau chứ không riêng mái ấm Mai Tâm. Ðó là một hình ảnh rất đặc biệt, mang hình ảnh của nhân chứng, của niềm vui, vừa là đóng góp với nhau trong phụng vụ, vừa đến với người nghèo. Mình thấy đây là hình ảnh rất đặc biệt.

 

8. Như là một người "trong nghề", cha có thể nói gì với cộng đồng về những người bệnh và về bệnh này.

Nhiễm HIV ngày hôm nay, cho dù vẫn chưa thể chưa hết được, nhưng người sống với HIV có thể nhờ thuốc mà sống bình thường và có thể đóng góp một cách tích cực cho xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng quê, còn nhiều người chưa biết chuyện này. Vì thế nên khi họ bị bệnh, họ dễ bị kỳ thị, đặc biệt với trẻ em. Ðiểm thứ hai là cách duy nhất để có thể tiếp cận được thuốc và biết mình bị bệnh là phải đi xét nghiệm. Do đó nếu chịu khó đi xét nghiệm sớm để biết mình có bệnh hay không càng tốt. Tại sao? Chỉ có xét nghiệm mới biết mình có bị nhiễm HIV không. Và nếu mình biết sớm thì uống thuốc sớm, thì khả năng lớn là mình không lây cho người khác, không lây cho con của mình, và qua đó mình cũng có thể có cuộc sống lành mạnh, ít tốn kém hơn.

Tiếp đến là mình cũng mong đợi xã hội không còn kỳ thị những trẻ em, những người sống với HIV nữa. Vì ở xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở vùng quê, người ta vẫn coi HIV đi chung với ma tuý và mại dâm, nên khi một người nhiễm HIV bị người ta nhìn thấp, người ta coi thường và kỳ thị. Nhưng những trẻ em nhiễm HIV đâu có tội tình gì đâu. Có nhiều phụ nữ, người mẹ mà chồng nhiễm ở đâu đó, lây cho mình. Rồi cuối cùng họ cũng mang cả hình ảnh, cả mặc cảm nhiễm HIV. Nhiều gia đình bỏ rơi họ. Do đó, mình cần một cái nhìn mới hơn của xã hội, nhìn thấy những anh chị em nhiễm HIV. Cho dù quá khứ họ thế nào nhưng họ cần được tôn trọng với đầy đủ phẩm giá và yêu thương. Ðồng thời họ cần được giúp sớm để tiếp cận với điều trị. Qua đó, khi có cuộc sống lành mạnh thì HIV không có khả năng lây nhiễm ra bên ngoài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page