Bài giảng của Ðức Thánh Cha
trong Phụng Vụ Thống Hối
khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa
Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 29-03-2019) - Lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Sáu, 29 tháng Ba năm 2019, tại Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa, là một sáng kiến của Hội Ðồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.
Năm 2019 là năm thứ sáu, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan: "Tôi cũng không lên án chị đâu". (Ga 8:11).
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:
"Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót" (In Joh 33, 5). Thánh Augustinô đã tổng kết như thế về phần cuối của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Những kẻ đến để ném đá người phụ nữ hay để bắt lỗi Chúa Giêsu về Lề Luật đã bỏ đi, vì đối với họ không còn gì đáng quan tâm. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn ở lại. Ngài ở lại vì điều quý giá trong mắt Ngài vẫn còn: đó là người phụ nữ, là một nhân vị. Ðối với Ngài, tội nhân đáng kể hơn tội lỗi. Trong trái tim Thiên Chúa tôi, bạn, mỗi người trong chúng ta đều đáng kể hơn so với những lỗi lầm, các luật lệ, những phán xét và các thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có cái nhìn như Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin để có quan điểm Kitô về cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn với lòng mến trên những người tội lỗi vượt lên trên những lỗi lầm của họ, nhìn với tình yêu trên những người lầm đường lạc lối vượt lên những sai lầm của họ, và nhìn một con người vượt lên lịch sử của người đó.
"Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót". Ðối với Chúa Giêsu, người phụ nữ bị bắt đang ngoại tình không tiêu biểu cho một đoạn trong Lề Luật, nhưng là một tình huống cụ thể mà Ngài can thiệp. Vì thế, Ngài ở lại đó với người phụ nữ, là người hầu như luôn đứng im lặng trong suốt câu chuyện này. Trong khi đó, Ngài làm một cử chỉ bí ẩn hai lần: Ngài lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8:6,8). Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là một yếu tố quan trọng nhất: sự chú ý của Tin Mừng đặt nơi sự kiện là Chúa viết. Chúng ta nhớ đến câu chuyện ở núi Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các tấm bia Lề Luật bằng ngón tay của Ngài (xem Xh 31:18), như Chúa Giêsu đang làm đây. Sau đó, qua các tiên tri, Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên các tấm bia đá nữa, nhưng ghi khắc trực tiếp lên con tim (xem Gr 31:33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (xem 2 Cr 3:3). Với Chúa Giêsu, Ðấng là lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể, đã đến lúc viết lên con tim của những người nam nữ; đã đến thời viên mãn để Ngài mang lại niềm hy vọng chắc chắn cho nỗi khốn khổ của con người: đó là không đưa ra quá nhiều lề luật bên ngoài, thường làm cho Thiên Chúa và con người xa cách nhau, nhưng mang đến luật của Thánh Thần là điều đi vào con tim và giải phóng nó. Ðây là điều xảy ra với người phụ nữ, là người đã gặp Chúa Giêsu và tái tục cuộc sống mình bằng cách ra đi và không phạm tội nữa (xem Ga 8:11). Chính Chúa Giêsu, với quyền năng của Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bên trong chúng ta, khỏi tội lỗi mà Lề Luật có thể ngăn đe, nhưng không loại bỏ được.
Tội lỗi vừa mạnh, vừa có sức quyến rũ: nó thu hút, và mê hoặc con người. Nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để thoát khỏi nó, chúng ta cần một tình yêu lớn hơn. Không có Thiên Chúa, chúng ta không thể chiến thắng được tội lỗi: chỉ có tình yêu của Ngài nâng chúng ta dậy từ bên trong, chỉ có sự dịu dàng của Ngài tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta mới làm cho chúng ta được tự do. Nếu chúng ta muốn được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, thì cần dành không gian cho Chúa, Ðấng tha thứ và chữa lành. Và Ngài làm điều đó trước hết qua Bí tích mà chúng ta sắp cử hành. Xưng tội là một thông lộ đi từ sự khốn khổ đến lòng thương xót, là điều Chúa viết lên trái tim chúng ta. Trong tâm hồn chúng ta, chúng ta đọc thấy thường xuyên rằng chúng ta quý giá trong ánh mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha và Ngài yêu thương chúng ta thậm chí còn hơn cả chúng ta yêu mình.
"Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót". Chỉ có hai điều đó. Ðã bao lần chúng ta cảm thấy cô đơn và lạc lối trong cuộc sống. Ðã bao lần chúng ta không biết làm thế nào để bắt đầu lại, thấy mình bị vùi chôn trong cố gắng làm thế nào để có thể chấp nhận chính mình. Chúng ta cần bắt đầu lại, nhưng chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Kitô hữu được sinh ra từ sự tha thứ đã được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội. Họ luôn được tái sinh từ đó: từ sự thứ tha đáng kinh ngạc của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người khiến chúng ta được phục hồi. Chỉ qua việc được Chúa thứ tha, chúng ta mới có thể đứng dậy với niềm tự tin mới, sau khi trải nghiệm niềm vui được Chúa Cha yêu thương đến cùng. Chỉ qua sự tha thứ của Thiên Chúa, những điều mới mẻ trong chúng ta mới thực sự xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa đã phán với chúng ta qua tiên tri Isaia: "Này, Ta sắp làm một việc mới" (Is 43:19). Sự tha thứ mang lại cho chúng ta một khởi đầu mới, làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới, cho chúng ta bắt đầu cuộc sống mới của mình. Sự tha thứ của Chúa không phải là một bản phôtôcôpi được tạo ra giống hệt như nhau mỗi khi chạy ngang qua tòa giải tội. Nhận được sự tha thứ tội lỗi thông qua vị linh mục luôn luôn là một kinh nghiệm mới mẻ, khác biệt và độc đáo. Từ tình trạng cô đơn trong những khốn khổ và trước những người cáo buộc, như người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta tiến đến tình trạng được Chúa nâng dậy và khích lệ; và Ngài ban cho chúng ta một khởi đầu.
"Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót". Chúng ta phải làm gì để yêu mến lòng thương xót, để vượt qua nỗi sợ phải đi xưng tội? Chúng ta hãy đón nhận một lần nữa lời mời của tiên tri Isaia: "Các ngươi không nhận thấy sao?" (Is 43,19). Ðiều quan trọng là cảm nhận được sự tha thứ của Chúa. Thật là đẹp, nếu sau khi xưng tội, chúng ta vẫn ở lại như người phụ nữ, với ánh mắt dán chặt vào Chúa Giêsu, Ðấng vừa giải thoát chúng ta: đừng nhìn về những nỗi khốn khổ chúng ta nữa nhưng hãy dán mắt vào lòng thương xót của Ngài. Hãy nhìn vào Ðấng Chịu Ðóng Ðinh và nói với sự ngạc nhiên: "Ðó là nơi mà tội lỗi của tôi đã đưa đẩy đến. Ngài đã mang lấy chúng trên mình. Ngài đã không chỉ tay vào mặt con, nhưng Ngài mở rộng vòng tay và Ngài lại tha thứ cho con lần nữa". Ðiều quan trọng là phải nhớ đến sự tha thứ của Chúa, nhớ đến sự dịu dàng Ngài, và nếm hưởng hết lần này sang lần khác sự bình an và tự do mà chúng ta đã trải nghiệm. Ðây là trung tâm của Bí tích Hoà giải: không phải là tội lỗi mà chúng ta xưng ra, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta nhận lãnh và luôn luôn cần đến. Chúng ta có thể vẫn còn một ngờ vực: "xưng tội làm gì vô ích, vì tôi luôn phạm đi phạm lại những tội như thế". Chúa biết chúng ta; Ngài biết rằng cuộc đấu tranh nội tâm là gian nan, rằng chúng ta yếu đuối và dễ sa ngã, thường rơi trở lại vào vòng tội lỗi. Và Ngài đề nghị chúng ta bắt đầu rơi trở lại vào điều tốt, rơi trở lại vào việc cầu xin lòng thương xót. Ngài sẽ nâng chúng ta dậy và biến chúng ta thành những thụ tạo mới. Chúng ta hãy bắt đầu lại, từ bí tích Hòa Giải, và trả lại cho bí tích này vị trí xứng đáng trong cuộc sống và trong việc mục vụ!
"Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót". Ngày hôm nay trong Bí tích Hoà Giải, chúng ta hãy kín múc sức sống từ cuộc gặp gỡ cứu độ này: chúng ta, với những khốn khổ và tội lỗi của chúng ta, gặp gỡ Chúa, Ðấng biết rõ chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Chúng ta hãy tiến vào cuộc gặp gỡ này, và cầu xin ân sủng để tái khám phá quyền năng cứu độ của cuộc gặp gỡ ấy.
(Source: Libreria Editrice Vaticana PENITENTIAL CELEBRATION HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica Venerdì, 29 marzo 2019)