Nhận định của chuyên viên Vatican
về phản ứng của Tòa Thánh
đối với việc kết tội Ðức Hồng Y George Pell
tại Tòa Án dân luật Melbourne
Nhận định của chuyên viên Vatican về phản ứng của Tòa Thánh đối với việc kết tội Ðức Hồng Y George Pell tại Tòa Án dân luật Melbourne.
Vũ Văn An
Melbourne (VietCatholic News 04-03-2019) - Nhiều người thắc mắc cung cách Tòa Thánh tuyên bố về vụ Ðức Hồng Y George Pell bị toà án Melbourne kết tội lạm dụng tình dục một thiếu nam. Tuyên bố chính thức không nói đến, nhưng Twitter và bản tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh sau đó xác nhận ngài đã không còn là tổng trưởng kinh tế của Tòa Thánh và đang bị Bộ Giáo Lý Ðức Tin điều tra. Andrea Gagliarducci, một thần học gia đồng thời là một chuyên gia kỳ cựu về nội tình Tòa Thánh Vatican, ngày 4 tháng Ba năm 2019, đã có bài trên mondayvatican.com tựa là "Pope Francis, and the Church under attack" để giải thích phần nào lý lẽ của việc này.
Mời bạn đọc cùng đọc:
Cung cách Tòa Thánh phản ứng đối với việc kết tội sơ thẩm Ðức Hồng Y Pell vì lạm dụng các vị thành niên là một dấu báo hiệu. Trong một tuyên bố, Phòng Báo Chí Tòa Thánh nhấn mạnh rằng mình hết sức tôn trọng tòa án Úc, nhưng đồng thời cần lưu ý rằng Ðức Hồng Y Pell vốn luôn tuyên bố ngài vô tội, và đang chờ tòa phá án.
Tòa Thánh cũng xác nhận các biện pháp vốn đã đang được thi hành: Ðức Hồng Y Pell không thể công khai thi hành thừa tác vụ linh mục của ngài và phải tránh bất cứ loại tiếp xúc nào với các vị thành niên.
Trong cùng bản tuyên bố ấy, không nhắc đến việc Ðức Hồng Y không còn là bộ trưởng Văn Phòng Kinh Tế nữa. Chỉ đến tối ngày 26 tháng Hai năm 2019 và sau đó, trong bản tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Ông Alessandro Gisotti, Giám Ðốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mới xác nhận rằng Ðức Hồng Y Pell không còn giữ chức vụ của ngài trong Giáo Triều Rôma nữa.
Các động thái trên rõ ràng cho thấy đâu là phương thức của Tòa Thánh trong vụ xử này. Một phương thức hoàn toàn bênh vực Ðức Hồng Y Pell.
Các biện pháp "được xác nhận" cho ngài không được công bố cho công chúng, nhưng thực sự là các biện pháp phòng hờ luôn được áp dụng trong trường hợp điều tra, để tránh việc sửa bậy (tampering) bằng chứng và khai thác của giới truyền thông. Từ lúc trở về Úc, Ðức Hồng Y Pell đã không có cuộc tiếp xúc nào với các vị thành niên, để tránh ngờ vực; cũng không cử hành Thánh Lễ nơi công cộng, để tránh áp lực của giới truyền thông.
Việc hết nhiệm kỳ trong chức vụ của Ðức Hồng Y Pell không được lồng vào tuyên bố chính thức để tránh cảm tưởng cho rằng việc kết thúc này có liên quan đến việc kết tội. Thực vậy, nó là một động thái thông thường. Nhiệm kỳ 5 năm làm bộ trưởng kinh tế của Ðức Hồng Y Pell chấm dứt vào ngày 24 tháng Hai. Thêm vào đó, Ðức Hồng Y Pell đã 77 tuổi, và do đó ngài đã quá 2 năm so với tuổi về hưu.
Việc xác nhận rằng chức vụ của ngài trong Giáo Triều đã kết thúc đã được công bố vào buổi tối có phần chắc là muốn chứng minh rằng đây là một sự kiện bình thường. Trên thực tế, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh không bao giờ phát hành một bản tin khi hết nhiệm kỳ, cũng như khi một nhiệm vụ được xác nhận. Các bản tin chỉ được phát hành với các bổ nhiệm mới. Và cuộc bổ nhiệm mới này không bao giờ diễn ra. Văn phòng phụ trách kinh tế hiện không có bộ trưởng.
Phương thức của Tòa Thánh đối với trường hợp của Ðức Hồng Y Pell cũng cho thấy cam kết bảo vệ Tòa thánh như một định chế. Và điều này không nên được coi như một điều đương nhiên, nếu chịu xem xét các cuộc đàm đạo tại hội nghị thượng đỉnh về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập.
Từ ngày 21 tháng 2 đến 24 tháng 2 năm 2019, các chủ tịch của Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp trong một tinh thần gần như Thượng hội đồng, lắng nghe ba cuộc nói chuyện mỗi ngày và nghỉ giải lao và không gian rộng lớn để suy ngẫm. Các giám mục đã nói về tính khả tín, về sự cần thiết Giáo hội phải là một nơi an toàn cho trẻ em, về cảm giác tội lỗi trong việc che đậy sự lạm dụng.
Vào cuối ba ngày thảo luận này, một nghi thức sám hối đã được cử hành. Vào cuối buổi phụng vụ này, các Giám mục thú nhận rằng họ đã che đậy sự lạm dụng và họ đã không lắng nghe các nạn nhân và cầu xin Chúa cho mình khả năng quản lý tốt hơn những tình huống này trong tương lai.
Ðức Hồng Y Reinhard Marx thậm chí còn yêu cầu duyệt lại quyền giữ bí mật của Ðức Giáo Hoàng. Vấn đề này rất gai góc và thậm chí bị hướng dẫn sai lầm. Bí mật giáo hoàng không phải là về thủ tục hình sự. Nó được quy định bởi Secreta Continere, một tự sắc. Ðoạn đầu tiên của tự sắc này quy định rõ ràng rằng bí mật giáo hoàng bao trùm mọi điều liên quan đến việc soạn thảo một văn kiện giáo hoàng; các hoạt động của Bộ Giáo lý Ðức tin, gồm cả các cáo buộc về tội ác chống lại đức tin, các phiên xử và các phán quyết; và cả việc bổ nhiệm các Hồng Y, các giám mục và mọi vấn đề mà Ðức Giáo Hoàng, một Hồng Y hoặc một vị đại diện Ðức Giáo Hoàng cho là thích hợp.
Bí mật giáo hoàng không phải là về các dữ kiện lạm dụng. Nó là về các thủ tục, và, khi được yêu cầu, thì phần lớn là vì cần phải bảo đảm sao cho một phiên tòa được công bằng và duy trì được nguyên tắc này: người ta được vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội.
Với bài phát biểu cuối cùng, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sau cùng đã yêu cầu có sự bình thản (equanimity) hơn khi đối diện với các vấn đề này, do đó phần nào đã thay đổi quan điểm của các giám mục trong hội nghị.
Bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chuyển từ lời khen ngợi các phương tiện truyền thông - Ðức Tổng Giám Mục Charles J. Scicluna nói trước cuộc họp rằng các phương tiện truyền thông là một phần đối với việc giải quyết lạm dụng - qua cách tiếp cận cân bằng hơn, chủ yếu nghiêng về phía Giáo hội như một định chế.
Hai cực được đưa ra bởi hai bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng
Nói chuyện với Giáo Triều Rôma ngày 21 tháng 12 năm 2018, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảm ơn các phương tiện truyền thông, "các phương tiện đã trung thực và khách quan và tìm cách vạch mặt những kẻ săn mồi này và làm cho tiếng nói của các nạn nhân của họ được nghe thấy. Ngay cả khi chỉ liên quan đến một trường hợp lạm dụng đơn nhất (một điều tự nó quái dị), Giáo hội cũng yêu cầu người ta đừng im lặng mà phải đưa nó ra ánh sáng một cách khách quan, vì tai tiếng lớn hơn trong vấn đề này là việc che giấu sự thật".
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cho biết: Một số người trong Giáo hội đổ cho một số chuyên gia truyền thông, cáo buộc họ làm ngơ phần lớn các trường hợp lạm dụng không do các giáo sĩ thực hiện - số liệu thống kê nói tới hơn 95% - và cáo buộc họ đã cố ý muốn gây ấn tượng sai lầm rằng cái ác này chỉ ảnh hưởng đến một mình Giáo Hội Công Giáo mà thôi".
Trong bài phát biểu cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh chống lạm dụng này, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến những điều này cách khác. "như thế, thời gian đã đến, để cùng nhau tận diệt cái ác này khỏi cơ thể nhân loại của chúng ta bằng cách tiếp nhận mọi biện pháp cần thiết hiện có ở bình diện quốc tế và các bình diện giáo hội. Ðã đến lúc tìm ra một trạng thái quân bình chính xác của mọi giá trị hiện hành và cung cấp các chỉ thị thống nhất cho Giáo hội, tránh hai thái cực của một 'chủ nghĩa duy pháp lý' (justicialism) do mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và áp lực truyền thông tạo ra, và hình thức bênh vực không đối đầu với các nguyên nhân và hậu quả của những tội ác nghiêm trọng này".
Ðức Giáo Hoàng đã mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của áp lực truyền thông vào thời điểm đó. Bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô bây giờ đã đi xa hơn. Ngài đóng khung vụ tai tiếng lạm dụng vào một khung cảnh rộng lớn hơn, nhìn vào các số liệu thế giới về lạm dụng trẻ vị thành niên, do đó nhấn mạnh rằng các vụ tai tiếng lạm dụng không chỉ có trong Giáo hội. Và ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý vấn đề ở bình diện quốc tế, trong khi làm sáng tỏ nhiều biện pháp mà Giáo hội đã đưa vào áp dụng.
Những lời này rất quan trọng, đặc biệt đối với các giám mục cảm thấy bất công khi bị buộc tội bằng những điều họ chưa bao giờ làm. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, do đó, chắc chắn đã nhìn thấy sự cần thiết phải tái cân bằng câu chuyện.
Sự cân bằng cần thiết này là nền tảng của phương thức Tòa Thánh dùng đối với trường hợp của Ðức Hồng Y Pell. Sẽ có một phiên tòa giáo luật, như dự kiến một khi có bản án có tội. Nhưng không ai ở hàng ngũ cao nhất của Giáo hội sẽ bị bỏ rơi miễn là họ không nhận tội. Ðịnh chế có tầm quan trọng của nó.
Ðiều đáng chú ý là một phần lớn các biện pháp được công bố vào cuối hội nghị chỉ đơn thuần thi hành các biện pháp và quyết định đã có. Giáo hội không ở "điểm zero" (ground zero) trong việc phản công nạn lạm dụng tình dục. Ðức Bênêđíctô XVI, chẳng hạn, đã ban hành các chuẩn mực mới, và sau đó, ngài đã hoàn tục hơn 800 linh mục, theo số liệu của Bộ Giáo lý Ðức tin được cung cấp cho Ủy ban Liên hiệp quốc.
Cuối cùng, phải hiểu các tình huống, và phải tìm thấy một sự cân bằng trong tường thuật. Gần đây, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu nói rằng mọi quyết định phải được hiểu trong bối cảnh.
Ðôi khi, sự cân bằng trong phán đoán hoặc hành động là điều cần thiết. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta có hai cực. Một mặt, trường hợp của Ðức Tổng Giám Mục Gustavo Zanchetta, giám định viên bị ngưng chức tại Cơ quan Quản lý Gia Sản Tòa Thánh, người hiện đang đối diện với các cáo buộc nghiêm trọng nhưng không bao giờ từ chức.
Mặt khác, có những người từ chức để tránh các tai tiếng trong định chế, mặc dù họ chắc chắn vô tội.
Vào cuối tuần thảo luận về lạm dụng, người ta có cảm giác rằng đang thiếu một số hướng dẫn. Các hướng dẫn cần giải thích cách bảo vệ định chế và đồng thời trừng phạt người phạm tội. Hai điều này thường không trùng khớp với nhau: hoặc định chế được bảo vệ và những người phạm tội không phải chịu trách nhiệm giải trình; hoặc định chế bị nhắm mục tiêu cùng với người phạm tội.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đang tìm kiếm sự cân bằng giữa hai cực đó. Có vẻ như ngài đang làm điều đó, như ngài thường làm, dựa vào nguyên tắc thử nghiệm và sai sót (trial and error).
(Nguồn: https://agensir.it/quotidiano/2019/2/27/card-pell-gisotti-non-e-piu-prefetto-la-congregazione-per-la-dottrina-della-fede-si-occupera-del- caso /)