Các chuyên gia luật pháp tin rằng
Ðức Hồng Y George Pell
có cơ thắng cuộc kháng án
Các chuyên gia luật pháp tin rằng Ðức Hồng Y George Pell có cơ thắng cuộc kháng án.
Vũ Văn An
Melbourne (VietCatholic News 1-03-2019) - Tờ The Guardian, hôm thứ Sáu, 1 tháng Ba năm 2019, cho phổ biến bản tin của Melissa Davey nói rằng các chuyên gia luật pháp Úc tin rằng cuộc kháng án của Ðức Hồng Y Pell có cơ thắng thế dựa trên sự vô lý của bản án.
Luật sư Robert Richter của Ðức Hồng Y nói với phiên toà kết án hôm thứ Tư 27 tháng 2 năm 2019 rằng việc kháng án của thân chủ ông sẽ dựa vào 3 cơ sở chủ chốt: tính vô lý, việc cấm nêu bằng chứng bằng video trong phát biểu kết thúc, và thành phần bồi thẩm đoàn.
Các chuyên gia được tờ The Guardian phỏng vấn đồng ý rằng hai cơ sở sau xem ra hơi mong manh, nhưng cơ sở vô lý có cơ hội thành công cao. Luận điểm này cho rằng bồi thẩm đoàn đã đưa ra lời kết tội không được bằng chứng hỗ trợ.
Chuyên gia kháng án và thủ tục hình sự của trường Luật thuộc Ðại học Melbourne, Giáo sư Jeremy Gans, nói đây là cơ sở quen được dùng để kháng án.
Ông nói: "các công tố viên phải hoàn toàn chuẩn bị đối với một kháng án dựa trên điểm này".
"Và nó không phải là một cơ hội hiếm hoi để thành công. Ðây là cú tấn công hay nhất của bên bênh vực và mang theo một lợi điểm thêm cho họ, đó là nếu họ thành công, gần như chắc chắn sẽ không có việc xử lại. Vì khi một tòa án đã tuyên bố một lời kết án có tội là vô lý thì điều này có nghĩa họ không nghĩ phiên xử tiếp theo lại phán quyết là có tội. Chắc chắn phải tha bổng. Trong căn bản dựa trên cơ sở kháng án này, tòa phải quyết định liệu bồi thẩm đoàn có đúng hay không".
Luật sư Richter cũng sẽ đưa ra luận điểm: bên bênh vực nên được phép cho chiếu đoạn video hoạt hình cho các bồi thẩm viên trong lời phát biểu kết thúc. Trong phiên xử, Luật sư Richter nói với chánh án Peter Kidd rằng video họa hình cho thấy đồ hình nền nhà thờ Chính Tòa Melbourne và những chấm cho thấy các di chuyển của Ðức Hồng Y Pell, các ca viên ca đoàn, các em giúp lễ và các nhân chứng khác trong và sau Thánh Lễ long trọng hôm Chúa Nhật.
Chánh án Kidd không cho phép chiếu đoạn video đó vì các bồi thẩm viên có thể coi đó như bằng chức và sự kiện, trong khi bằng chứng mới không được phép đưa ra trong lời phát biểu kết thúc. Luật sư Richter tin rằng cuốn video chứng minh không thể nào có việc Ðức Hồng Y Pell ở một mình sau thánh lể lâu đủ để phạm tội.
Giáo sư Gans nói rằng "trong phần lớn các vụ án, chánh án không quan tâm và sẽ bảo, 'thì chiếu cuốn video ngớ ngẩn của ông đi'. Nhưng luật ở Victoria không rõ ràng về việc dùng các phương tiện họa hình trong lúc kết thúc, và cuối cùng đây là vấn đề tự do làm theo ý của quan tòa, người đã cho phép Luật sư Richter dùng powerpoint chứ không được dùng video.
"Cho dù tòa kháng án nghĩ quan tòa đáng lẽ nên cho phép chiếu video, thì cũng cực kỳ khó có chuyện tòa ra lệnh phá bản án dựa trên việc này. Sai lầm lúc nào cũng xẩy ra trong các phiên xử và tòa kháng án không thể ra lệnh xử lại dựa trên mọi sai lầm. Họ tìm một việc xử oan (miscarriage of justice) thực sự".
Cơ sở sau cùng của luật sư Richter là thành phần bồi thẩm doàn. Giáo sư Gans cho rằng điều này có thể có nhiều nghĩa. Nêu một thí dụ, các luật sư bênh vực có thể biết 1 bồi thẩm viên quen biết 1 trong các thành viên của gia đình nạn nhân, hay từng bị lạm dụng tình dục và do đó có sẵn định kiến.
Thông thường, một chánh án xem xét một đơn kháng án. Nếu có cơ sở để kháng án, vấn đề sẽ đem ra xử. Việc này thông thường cần 1 ngày.
Giáo sư Gans nói rằng "không chánh án nào quyết định không cho phép một kháng án trong một vụ xử nổi tiếng như thế này. Các cơ sở kháng án của họ dựa trên tính vô lý rất vững chắc".
Ba chánh án thường xem xét vụ việc lúc xử. Nếu lời kết tội bị dẹp qua một bên, thì toà có thể ra lệnh xử lại, tha bổng bị cáo. Diễn trình này có thể kéo dài từ 8 đến 10 tháng, đôi khi lâu hơn, nhưng chắc sẽ nhanh hơn trong vụ Ðức Hồng Y Pell vì tuổi và sức khỏe các nhân chứng. Chỉ cần 2 trong 3 chánh án đồng ý thì lời kết tội sẽ được dẹp bỏ hay không.