Phản ứng đối với việc
kết án Ðức Hồng Y George Pell
Phản ứng đối với việc kết án Ðức Hồng Y George Pell.
Vũ Văn An
Sydney (VietCatholic News 27-02-2019) - Ngay trước khi quan tòa bãi bỏ tình trạng tại ngoại hầu tra để đưa Ðức Hồng Y Ðức Hồng Y Pell vào cái gọi là "Assessment Prison" (nhà tù để lượng định), người ta đã thấy ngài bị dư luận "bách hại" như thế nào; họ gọi ngài là "monster", là "animal", là "burn in hell!". Nhân phẩm không còn.
Cầu nguyện cho cả công lý và sự thật được phục vụ nữa
Ðó là hình ảnh mà theo nhà luật học và phó viện trưởng Viện Ðại Học Công Giáo Úc, Greg Craven, phần lớn giới truyền thông và cơ quan chấp pháp của Victoria cố tình tạo ra ngay cả trước khi phiên toà bắt đầu.
Và sau khi Ðức Hồng Y Pell đã vào tù, hình ảnh ấy chỉ càng tồi tệ hơn nữa. Hầu hết báo chí và các cơ quan phát tuyến tô vẽ ngài là người "disgraced" và công chúng là Ðavít thắng anh khổng lồ Gôliát. Họ ít khi lưu ý tới sự kiện diễn trình pháp lý vẫn chưa hoàn tất, và vì thế, dù đang ở trong "assessment prison", ngài vẫn là người "innocent" (vô tội).
Những người ủng hộ ngài và dám lên tiếng hình như quá ít. Cả Tòa Thánh lẫn Hội Ðồng Giám Mục Úc, khi nói đến trường hợp của ngài, chỉ nghĩ đến việc cầu nguyện cho các nạn nhân bị lạm dụng và gia đình họ. Chỉ có Ðức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, khi được phóng viên đài số 7 phỏng vấn trên đường từ Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đi ra hỏi, đã trả lời: không những cầu nguyện cho các nạn nhân bị lạm dụng và gia đình họ, mà còn cầu nguyện cho sự thật và công lý được phục vụ.
Hơn lúc nào hết, nay là lúc cả Giáo Hội nên cầu nguyện theo 2 ý hướng của Ðức Tổng Giám Mục Fisher, đấng bản quyền của Ðức Hồng Y Pell hiện nay. Quả tình, Giáo Hội, chứ không phải cá nhân Ðức Hồng Y Pell, đang bị tấn công một cách bất công, phản sự thật.
Những người ủng hộ
Rất may, ít nhất có hai ký giả kỳ cựu của Úc lên tiếng ủng hộ Ðức Hồng Y Pell ngay sau khi lệnh cấm tường trình được hủy bỏ. Hai ký giả này, theo Andrea Meade của The Guardian là Andrew Bolt và Miranda Devine. Họ nói: việc kết án Ðức Hồng Y George Pell là sai lầm và các lời tố cáo là vô giá trị.
Hai người trên vốn là những người lèo lái (mastheads) tại Úc của Ông Rupert Murdoch. Họ từng cho công bố nhiều bài báo nổi tiếng để bênh vực Ðức Hồng Y George Pell và lên tiếng hoài nghi đối với lời kết án nhất trí của bồi thẩm đoàn tại tòa sơ thẩm Melbourne.
Là các người giữ mục (column) của News Corp, Andrew Bolt và Miranda Devine dẫn đầu việc tấn công trên các tờ báo hôm thứ Tư 27 tháng 2 năm 2019, gọi lời kết tội là sai lầm và ví nó với lúc Lindy Chamberlain bị tống giam sai lầm vì tội giết con sơ sinh là Azaria, và mô tả nó như vụ OJ Simpson "lộn ngược".
Bolt viết: "Tuyên bố: tôi đã gặp Ðức Hồng Y Pell có lẽ năm lần ở trong đời và thích ngài. Tôi không phải là người Công Giáo, thậm chí không phải là Kitô hữu. Ngài là con dê tế thần, chứ không phải 1 kẻ lạm dụng trẻ em. Theo ý kiến tôi".
Mặc dù tờ Herald Sun ở Melbourne hãnh diện nhắc đến tường trình đăng ở trang đầu của Lucie Morris-Marr từ hồi năm 2016 trong đó tiết lộ Ðức Hồng Y Pell đang bị điều tra, nhưng nó cũng đăng một bài ngoại thường của Bolt cho rằng vụ công tố thành công là "mỏng manh" (flimsy).
Bolt viết: "theo ý kiến tôi, đây là vụ OJ Simpson của chúng ta, nhưng lộn ngược. Một người bị kết tội không dựa trên sự kiện mà dựa trên định kiến".
"Ðức Hồng Y George Pell đã bị kết tội sai lầm là lạm dụng tình dục 2 cậu trai trong thời kỳ tuổi thiếu niên của họ. Ðó là ý kiến của tôi, dựa vào bằng chứng áp đảo".
Trên chương trình Sky News của mình, Bolt nói Ðức Hồng Y Pell là người "bị biến thành kẻ phải trả giá cho các tội lỗi do Giáo Hội của ngài gây ra".
Sau khi Morris-Marr rời tờ Herald Sun năm 2016, bà tố cáo News Corp không tái ký hợp đồng với bà vì cuộc tranh cãi với Bolt về câu truyện Ðức Hồng Y Pell. Bolt viết 1 bài trên cùng tờ báo gọi đó là một bôi lọ "xấu xa" tạo thành một phần của chiến dịch "nham hiểm".
Trong một mục truyền đi khắp nước trên tờ Daily Telegraph, Miranda Devine nói các lời tố cáo của nạn nhân là vô giá trị và Ðức Hồng Y Pell vô tội.
Vốn là một người Công Giáo, Devine luôn luôn ủng hộ Ðức Hồng Y Pell mạnh mẽ. Năm 2017, bà cho rằng các cáo buộc đã được cảnh sát Victoria làm cho ầm ĩ, mục đích khiến người ta sao lãng nạn dịch tội ác ở đó.
Bà viết trên Twitter: "Trưởng Cảnh Sát Victoria, Graham Ashton, hết sức mong có sự sao lãng đối với nạn dịch tội ác mà ông ta không có khả năng kết liễu "HuntingCatholics".
Hôm thứ Tư 27 tháng 2 năm 2019, Devine nói rằng lời kết án làm tan nát cõi lòng và Ðức Hồng Y Pell là chỗ trút hận thay cho một "Vatican thối nát".
Devine viết trên Daily Telegraph: "nó làm tan nát cõi lòng vì tôi không tin Ðức Hồng Y Pell, người mà tôi biết đôi chút và rất ngưỡng phục, có thể phạm tội tấn công tình dục 2 trẻ ca viên trong một nhà thờ chính tòa đông người sau thánh lễ Chúa Nhật khi là Tổng Giám Mục Melbourne năm 1996".
Tờ báo khổ rộng toàn quốc của Murdoch, tức tờ the Australian, đã có quyết định bất thường là đăng trên trang nhất 2 bài phê bình cho rằng chứng từ của nạn nhân không chắc đúng sự thực (improbable). Nhà học thuật pháp luật và phó viện trưởng Ðại Học Công Giáo Úc, Greg Craven, qui lỗi cho cảnh sát và các phương tiện truyền thông, nhất là nhà báo của ABC, Louise Milligan, người đã viết cuốn sách được giải thưởng Walkley về Ðức Hồng Y Pell.
Ông viết: "đó chính là chỗ vụ Ðức Hồng Y Pell đã tiến quá sai lầm. [Trừ] quan tòa vô tư và bồi thẩm đoàn, nhiều thành phần truyền thông, nổi tiếng là các cựu nhà báo của ABC và Fairfax, đã dành nhiều năm cố gắng để người ta nắm chắc rằng Ðức Hồng Y Pell là nhân vật đáng ghét nhất ở Úc.
"Xem ra họ muốn ngài đứng trước vành móng ngựa như một yêu tinh, chứ không phải một người tự bênh vực mình.
"Do đó, điều chúng ta mục kích là một cố gắng có phối hợp của phần lớn các phương tiện truyền thông, kể cả các cơ quan phát tuyến công cộng, và các phần tử của cơ quan chấp pháp Victoria, nhằm bôi lọ tên tuổi của một người trước khi người này ra tòa".
Greg Craven là một trong 10 người đã có thư bênh vực Ðức Hồng Y Pell trước khi bị quan tòa kết án. Người khác là cựu Thủ Tướng John Howard. Theo đài số 7, Ông Howard nói rằng các điều đang diễn ra không làm ông thay đổi quan điểm về Ðức Hồng Y Pell. Cựu Thủ Tướng Tony Abbott cũng không ngần ngại cho công chúng biết: ông vẫn giữ liên lạc với Ðức Hồng Y Pell bằng cách gọi điện thoại vấn an ngài trong tù.
Như chúng tôi đã cho đăng tải, linh mục Dòng Tên và là luật sư nhân quyền Frank Brennan, người đã tham dự vụ xử, hết sức "rối trí", cho rằng bồi thẩm đoàn đã không lưu ý chi tới các luận chứng đầy thuyết phục của luật sư bênh vực. Ngài bảo: "Ðề xuất cho rằng các tội danh bị buộc tội đã được thực hiện ngay sau Thánh lễ bởi một Tổng Giám mục còn mặc phẩm phục hoàn toàn trong phòng áo lễ với cánh cửa mở rộng và được mọi người nhìn toàn cảnh từ hành lang quả là điều tôi không thể tin được".
Một nhà báo kỳ cựu, John Ferguson, người không dự vụ xử, cũng không tin được. Ông viết trong một bài phân tích: "với một người ít được ai ưa như Ðức Hồng Y Pell trong cộng đồng thế tục, thậm chí nơi nhiều người Công Giáo, vẫn có những câu hỏi giá trị để nêu lên về việc liệu bồi thẩm đoàn có đúng hay không. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn bởi sự kiện người tố cáo duy nhất còn sống sau tai tiếng ở nhà thờ chính tòa lại không trình bày bằng chứng công khai.
"Có đáng tin không việc Ðức Hồng Y Pell hiếp dâm và mò mẫm một cách bất cẩn và dữ dằn đến thế trong một nhà thờ chánh tòa, trong khi biết có nguy cơ lớn bị bắt quả tang? Có lý hay không việc ngài phạm các tội ác này trong khi đang thiết kế Melbourne Response, giúp bồi thường các nạn nhân bị lạm dụng?"
Trong giới Công Giáo
Ðiều khác thường là sau khi công bố bản tuyên bố chính thức của Tòa Thánh sáng ngày 26 tháng 2 năm 2019, thì chiều cùng ngày, để trả lời một cuộc phỏng vấn, Ông Alessandro Gisotti, Giám Ðốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, lại "rì rỏ" tin cho hay: Ðức Hồng Y Pell đang bị Bộ Giáo Lý Ðức Tin điều tra và nhiệm kỳ làm tổng trưởng kinh tế Tòa Thánh của ngài đã chấm dứt vào ngày 24 tháng Hai năm 2019. Dù chưa có thông báo chính thức về việc này, nhưng những tuyên bố như thế chỉ được coi là "phát súng ân huệ" đối với Ðức Hồng Y Pell. Người ta thắc mắc về động thái nửa công khai nửa không công khai này của Tòa Thánh, hay cá nhân Ông Gisotti.
Ðộng thái trên càng khiến người ta lưu ý hơn sau khi đọc lời nhận định của John Allen. Ký giả này cho hay trái với trường hợp McCarrick, ngay từ đầu, các viên chức cao cấp của Giáo Hội đã tin chắc ông này có tội, "nhưng với Ðức Hồng Y Pell, họ chưa tin như thế" sau khi ngài bị tòa Melbourne kết tội.
Thực vậy, Allen đã nói chuyện với nhiều nhà cải tổ hàng đầu của Giáo Hội về nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, cả trong lẫn ngoài Vatican, họ vốn không phải là những người tự động dành cho Ðức Hồng Y Pell điều người Anh vốn gọi là "benefit of doubt" (tin tưởng) và một số còn không thích một số chủ trương chính trị và thần học cũng như nhân cách "gây tổn thương" (bruising) của Ðức Hồng Y Pell. Tuy nhiên họ đều tỏ ý nghi ngờ đối với việc nói rằng ngài phạm các tội như đã được cáo buộc và buộc tội.
Nhân dịp này, Allen cũng cho biết một số phản ứng nơi hàng lãnh đạo Giáo Hội. Những người có khuynh hướng ủng hộ bản án hơn cả không phải là những người cải tổ về lạm dụng tình dục mà là những người thuộc trận tuyến tài chánh, vốn ghét Ðức Hồng Y Pell vì việc ngài thách thức hiện trạng tài chánh khi làm tổng trưởng kinh tế.
Còn những người bối rối trước việc Ðức Hồng Y Pell bị kết tội, phần lớn không hẳn vì tin rằng ngài vô tội, dù việc kết tội này khó nuốt đến đâu, nhưng người chủ trương cải tổ thì cho rằng việc liên đới với kẻ bị kết án từng mang rắc rối đến cho Giáo Hội trước nhất. Im lặng là hơn.
Nhân dịp này, Allen nói đến sự thay đổi khó hiểu giữa hai phiên xử Ðức Hồng Y Pell: phiên đầu không thành vì 10 trong số 12 bồi thẩm viên sẵn sàng tha bổng. Thế thì tại sao phiên sau lại có đến 12 bồi thẩm đoàn nhất tâm kết án?
Cũng có vấn đề chính trị cần xem xét: vì do tường thuật tiêu cực của truyền thông và thiên hướng ưa tranh đấu của ngài, Ðức Hồng Y Pell giữ một thế đứng trong công luận y hệt như Osama bin Laden ở Hoa Kỳ sau biến cố 11 tháng Chín. Người ta tự hỏi như thế làm sao có vụ xử công bằng cho được?
Ký giả Ed Pentin của tờ báo Công Giáo xưa nhất của Hoa Kỳ là National Catholic Register thẳng thừng hơn cho rằng có âm mưu trong vụ này. Ông nói rằng có người cố ý gây hại cho Ðức Hồng Y Pell. Ông viết: "phần lớn người ở đây không tin bản án. Phần lớn tin Ðức Hồng Y Pell vô tội, chắc chắn những người làm việc với ngài". Có sự hoài nghi này vì Ðức Hồng Y Pell đang điều tra sự thối nát tại Vatican; người ta cũng hoài nghi về thời điểm của bản án.
Trong một bài đăng trên Register, Pentin cho hay sau khi tin bị kết án xuất hiện hồi tháng Mười Hai, một nguồn tin nói với ông: "người ở tòa án thấy chứng cớ rất mong manh. Ðây là một hành vi ác tâm quá đáng của một bồi thẩm đoàn có định kiến. Giới truyền thông vốn đã kết án ngài ở tòa án công luận từ lâu rồi và ngài không nhận được một phiên xử công bằng".
George Weigel, người quen biết Ðức Hồng Y Ðức Hồng Y Pell từ lâu, trong bài "Australia is now on trial" (Nay Nước Úc bị phán xử) thì gọi vụ kết án Ðức Hồng Y Ðức Hồng Y Pell là "perverse" (ngược lại lời chứng). Chỉ cần dựa vào lương tri cũng đủ thấy ngài vô tội: ngài vốn là thành viên của Hồng Y đoàn và là viên chức cao cấp của Giáo Triều, có hộ chiếu ngoại giao và là công dân của thị quốc Vatican. Nếu là người có tội ở Úc, thì dại chi tự ý trở về đó để chịu tội? Ở lại Vatican, ai làm gì được!
Tự ý trở về Úc vì tin mình là người vô tôi. Lương tri là thế!
Nhân cơ hội này, Weigel đề cập đến giới truyền thông duy tục cao độ Úc và các giới Giáo Hội quyết tâm bám lấy giấc mơ cách mạng hậu Vatican II.
Nhờ quen thân với Ðức Hồng Y Ðức Hồng Y Pell, Weigel tiết lộ tinh thần trọng luật pháp Úc của Ðức Hồng Y: khi các lời cáo buộc về tình dục xuất hiện lần đầu lúc mới được cử làm Tổng Giám Mục Sydney, ngài đã tự ý tạm ngưng chức vụ (stepped aside), chờ kết quả điều tra của một cựu chánh án Tòa Án Tối Cao. Lúc đó, một viên chức cao cấp của Giáo Triều khuyên ngài giữ thế tấn công và công khai hủy hoại kẻ tố cáo. Ngài từ chối và nói với viên chức này rằng: đối với người Ái Nhĩ Lan ở Miệt Dưới, "chúng tôi lãnh tôn giáo từ Rôma nhưng lãnh chính trị từ quê nhà".
Weigel cho rằng niềm tin vào hệ thống pháp lý của Úc lần ấy được tưởng thưởng. Lần này thì không! Lần này, chính niềm tin ấy và hệ thống pháp lý của Úc đang bị xét xử. "Vì không phải Ðức Hồng Y Pell bị xét xử lúc này, khi việc kết tội ngài được kháng án và Ðức Hồng Y, với sự thanh thản và trầm tĩnh ngài đã dùng để đương đầu với cuộc tấn công cuối cùng vào nhân cách của ngài, đang qua thì giờ trong một nhà giam Melbourne: 'cấm phòng' như chính ngài nói với bạn bè".
Ðối với Weigel, với việc biến người vốn có công tu chỉnh đường lối mà xưa nay Giáo Hội Úc vốn sao lãng trong việc đối phó với nạn lạm dụng tình dục trẻ em thành con dê tế thần, thì ai còn dám thách thức các học thuyết lỗi thời của phe cấp tiến về đủ mọi thứ chuyện từ việc giải thích Vatican II đến việc phá thai, thay đổi khí hậu, và cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan.
Weigel nhận định rằng bất cứ người hữu lý nào trên thế giới cũng thấy rằng hầu như ở mọi điểm trong diễn trình hào nhoáng này, hệ thống công lý đã không phục vụ Ðức Hồng Y Pell, người tự ý trở về quê nhà để tự bênh vực mình. Hệ thống đó cũng không phục vụ nước Úc".