Cha Bruno Rossi, nhà truyền giáo

với hương vị càphê ở Thái Lan

 

Cha Bruno Rossi, nhà truyền giáo với hương vị càphê ở Thái Lan.

Ngọc Yến

Bangkok (Vat. 27-02-2019) - Cha Bruno Rossi giúp cộng đồng Thái Lan sản xuất Caffè Bruno; "Một sản phẩm chất lượng mang lại chất lượng cho cuộc sống: chúng tôi không sử dụng thuốc trừ sâu và chúng tôi trả lương một cách công bằng cho công nhân". Số tiền thu được còn được tài trợ cho học bổng.

Cha Bruno Rossi được người dân địa phương Thái Lan biết đến không chỉ là một mục tử tốt lành trong việc mục vụ mà còn là vị linh mục đang hỗ trợ cộng đoàn địa phương trong việc sản xuất Càphê với tên gọi càphê Bruno. Theo như cha Bruno nói đây là "Một sản phẩm chất lượng mang lại chất lượng cho cuộc sống: chúng tôi không sử dụng thuốc trừ sâu và chúng tôi trả lương một cách công bằng cho công nhân. Chúng tôi còn có một số tiền để giúp học bổng cho một số sinh viên".

Cha Bruno Rossi đã phục vụ truyền giáo tại Thái lan 20 năm qua, giải thích với nụ cười: "Ở Thái Lan, 9 là một con số may mắn. Nó cho thấy sự tiến bộ, sự cải thiện, khả năng tiến về phía trước". Theo các con số, công việc của cha Bruno có thể mang lại sức sống mới cho xứ sở truyền giáo: cha là một linh mục miền núi ba mươi tuổi, sinh ở Asiago, Italia. Năm 1999, cha đến Chae Hom, Thái Lan với tư cách là fidei donum- Hồng ân đức tin của giáo phận Padova. Trong những năm qua, sự hiện diện của cha đã mang lại lợi ích, tính mới lạ và cải thiện điều kiện sống thực sự cho nhiều người dân địa phương.

Ðược hỏi điều gì đã thôi thúc cha làm điều đó? Cha trả lời: "Nhờ thiện chí, một mong muốn chân chính để thực hiện và, bàn tay từ trên cao che chở giúp chúng tôi". Tất cả các yếu tố này cùng với hương vị cà phê được hít thở trong sứ vụ của cha.

Chae Hom là một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những ngọn núi của tỉnh Lampang. Người dân sống bằng nông nghiệp, phát quang và trồng ngô ở các khu vực trên sườn núi, trên đỉnh cao là trà và thuốc phiện, sau này được thay thế bằng các đồn điền cà phê.

Một trung tâm dành cho sinh viên

Trong nhiều năm, tại Chae Hom, cha Bruno đã cộng tác trong việc mở một trung tâm dành cho người trẻ; các bạn có thể lưu lại đó trong tuần và theo học ở các trường trung học cơ sở và trung học. Họ là những người trong mùa mưa kéo dài không thể theo học. Hiện nay tại đây có 65 sinh viên, thuộc sáu bộ lạc khác nhau, chủ yếu là theo truyền thống Phật giáo và thờ vật linh. Một số thanh niên, trong thời gian ở trường đại học, đã có ước muốn tìm hiểu Công giáo. Ngoài ra còn có một trung tâm nhỏ dành cho người khuyết tật.

Năm 2000, giáo xứ được giao cho các nhà truyền giáo fidei donum, Hồng ân Ðức tin của Triveneto cùng với khoảng bốn mươi ngôi làng xung quanh nằm trong khu rừng ở vùng núi gần đó. Vài năm sau cha Bruno được bổ nhiệm làm linh mục quản xứ. Và tại đây, vị linh mục người đã ấp ủ ước mơ từ khi bắt đầu ơn gọi, khao khát cuộc sống truyền giáo, đã được trao coi sóc một việc mục vụ "bình thường" theo yêu cầu của giám mục. Và rồi khi những hương vị của những trải nghiệm ban đầu đã qua cha bắt đầu thực hiện dự án mới cho người dân tại đây.

Nhà truyền giáo kể lại: "Tôi đã lúng túng khi lần đầu tiên nếm càphê được trồng ở những khu vực này. Nông dân thực hiện đúng quy trình chế biến: lúc đầu họ chế biến càphê theo một quy trình thô sơ không tận dụng được hết sản phẩm từ càphê; sau đó họ được tài trợ một máy xay nhỏ, nhưng cũng không biết sử dụng đúng cách. Tôi bắt đầu giúp họ tìm kiếm một máy rang xay tốt hơn. Một người bạn của tôi ở Ý đã gửi cho chúng tôi một video hướng dẫn cách sử dụng. Cuối cùng chúng tôi đã có thể sử dụng thật tuyệt vời. Chúng tôi tin rằng Một Ai đó đã giúp chúng tôi ngay trong thời gian đầu của công việc chúng tôi".

800 kg được bán mỗi tháng

Như thế Caffè Bruno được khai sinh. Cha nói tiếp: "Một cái tên dễ phát âm và viết bằng tiếng Thái, chỉ cho thấy màu sắc của nó, và chúng tôi không cố ý khi đặt tên cho nó nhưng cái tên còn mang một ý nghĩa đó là "chiếc áo dòng". Chúng tôi bắt đầu mua cà phê với giá thực của nó, loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu và trả lương công bằng cho nông dân". Cha cho biết "Một thanh niên được đào tạo để rang càphê và bốn người khác làm việc trong ban thư ký và đóng gói; sau đó chúng tôi bán nó". Cha cho biết khởi đầu không dễ dàng. Lúc đầu cà phê chỉ được biết đến và người dùng đầu tiên là chính các linh mục, bạn bè, các trường Công giáo. Ðã có lúc sản phẩm không tiêu thụ được. Và rồi năm 2014, tại InternationalCoffee Tasting, chất lượng của nó được phê duyệt bởi Hiệp hội cà phê quốc tế, với giải nhất.

Ngày nay, Caffè Bruno không chỉ được bán ở Thái Lan mà còn được xuất khẩu sang một số khu vực của Nhật Bản, Hàn Quốc với tổng số 800 kg được bán mỗi tháng. Nhà truyền giáo nói: "Nhưng kinh doanh không phải là một mục đích cuối cùng của chúng tôi. Nó là một sản phẩm chất lượng mang lại chất lượng cho cuộc sống. Năm ngoái chúng tôi đã mua 130 tấn cà phê, đảm bảo công việc cho nhiều người; và với số tiền thu được từ việc bán càphê, chúng tôi giúp học bổng cho sinh viên".

Cha Bruno chia sẻ: "Nếu đức tin thể hiện chính nó và được sống động qua các mẫu gương, công việc tại Chae Hom đã trở thành lời chứng và được lên men. Cuộc gặp gỡ với văn hóa phương Ðông, với những người thuộc các tôn giáo khác hoặc không theo tín ngưỡng, đã khiến tôi suy ngẫm về hành trình đức tin của mình; giúp tôi tự đặt câu hỏi sâu sắc đánh giá lại bản thân và ơn gọi của tôi. Tôi cầu nguyện cho người dân của tôi và tôi cảm ơn Chúa vì đã là ánh sáng, sự can đảm của tôi để tôi có thể tiếp tục đồng hành với họ trong hành trình tiến về nhà cha".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page