21 điểm quan yếu của Ðức Phanxicô
để Hội Nghị Thượng Ðỉnh
Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội thảo luận
21 điểm quan yếu của Ðức Phanxicô để Hội Nghị Thượng Ðỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội thảo luận.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 22-02-2019) - Gần sát ngày diễn ra Hội Nghị Thượng Ðỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội, cả Tòa Thánh lẫn bản thân Ðức Phanxicô đều cố gắng cho người ta thấy đừng quá trông mong vào thành quả của Hội Nghị. Tuy nhiên, ngay trong lời phát biểu ngắn gọn khai mạc hội nghị, ngài có nhắc đến 21 điểm quan yếu sẽ được phân phối để Hội Nghị cùng thảo luận. Và trong khi ngài nói như thế, các phụ tá của ngài xuất hiện để phân phối 21 điểm này. Chúng tôi xin lược dịch 21 điểm này để thấy tầm mức của Hội Nghị:
1. Soạn thảo một thủ bản thực tế cho thấy các bước phải thực hiện bởi các thẩm quyền vào các thời điểm chủ chốt khi xuất hiện một trường hợp.
2. Tự trang bị cho mình các cơ cấu lắng nghe gồm các người được huấn luyện và chuyên môn có thể sơ khởi biện phân các trường hợp những người bị coi là nạn nhân.
3.Thiết lập các tiêu chuẩn để có sự can dự trực tiếp của giám mục hay bề trên dòng.
4. Thực thi các thủ tục chung để xem xét các vụ tố cáo, che chở các nạn nhân và quyền bênh vực của người bị tố cáo.
5. Thông tri cho các nhà cầm quyền dân sự và các thẩm quyền giáo hội cao hơn phù hợp với các qui luật dân sự và giáo luật.
6. Duyệt xét định kỳ các qui thức (protocols) và qui phạm (norms) để bảo đảm môi trường được bảo vệ cho các vị thành niên trong mọi cơ cấu mục vụ: các qui thức và qui phạm dựa trên các nguyên tắc tổng hợp cả công lý và bác ái sao cho hành động của Giáo Hội trong vấn đề này phù hợp với sứ mệnh của mình.
7. Thiết lập các qui thức chuyên biệt để xử lý các tố cáo chống các giám mục.
8. Ðồng hành, bảo vệ và cư xử các nạn nhân, cung hiến cho họ mọi hỗ trợ cần thiết để họ hoàn toàn hồi phục.
9. Gia tăng ý thức về các nguyên nhân và hậu quả của việc lạm dụng tình dục qua các sáng kiến liên tục nhằm huấn luyện các giám mục, các bề trên dòng, các giáo sĩ và các nhân viên mục vụ.
10. Soạn thảo các nẻo đường chăm sóc mục vụ cho các cộng đồng bị thương tổn bởi các vụ lạm dụng và các lộ trình thống hối và phục hồi cho các người phạm tội.
11. Củng cố sự hợp tác với mọi người thiện chí và với những người điều hành các phương tiện truyền thông để nhận ra và biện phân các trường hợp có thực khỏi các trường hợp giả mạo và các lời tố cáo vu vạ, xa tránh ác ý và bóng gió, tin đồn và bôi lọ (xem Diễn văn của Ðức Phanxicô với Giáo Triều Rôma, 21 tháng 12 năm 2018).
12. Nâng tuổi tối thiểu kết hôn lên 16.
13. Thiết lập các dự khoản nhằm qui định và tạo điều kiện cho việc tham gia của các nhà chuyên môn giáo dân vào các cuộc điều tra và vào các mức độ khác nhau của phán xử trong các diễn trình giáo luật liên quan đến việc lạm dụng tình dục/quyền hành.
14. Quyền bênh vực: nguyên tắc của quyền tự nhiên và giáo luật "giả thiết vô tội" cũng phải được bảo vệ cho đến khi tội của người bị tố cáo được chứng minh. Do đó, điều cần thiết là ngăn chặn việc công bố danh sách những người bị tố cáo, ngay cả bởi giáo phận, trước cuộc điều tra sơ khởi và việc kết án dứt khoát.
15. Tuân giữ nguyên tắc truyền thống về tính cân xứng của hình phạt so với tội đã phạm. Quyết định rằng các linh mục và giám mục phạm tội lạm dụng các vị thành niên phải rời bỏ thừa tác vụ công khai.
16. Dẫn nhập các qui luật liên quan tới các chủng sinh và ứng viên chức linh mục và đời sống tu trì. Bảo đảm phải có các chương trình đào tạo lúc ban đầu và liên tục sau đó giúp họ phát triển sự trưởng thành của họ về nhân bản, thiêng liêng và tâm sinh lý, cũng như các tương quan liên ngã và tác phong của họ.
17. Bảo đảm phải có các vụ đánh giá tâm lý học bởi các chuyên gia có bằng cấp và chính thức được công nhận đối với các ứng viên chịu chức linh mục và đời sống thánh hiến.
18. Thiết lập các qui phạm điều hành việc chuyển đổi một chủng sinh hay một ứng viên tu dòng từ một chủng việc này sang một chủng viện khác; cũng như một linh mục hay một tu sĩ từ giáo phận này hay dòng tu này sang một giáo phận hay dòng tu khác.
19. Soạn thảo các qui định ứng xử bắt buộc (mandatory codes of conduct) cho mọi giáo sĩ, tu sĩ, nhân viên phục vụ và thiện nguyện viên nhằm phác thảo các biên giới thích đáng trong các tương quan bản thân. Phải chuyên biệt nói đến các đòi hỏi cần thiết đối với nhân viên và thiện nguyện viên và kiểm tra hồ sơ hình sự của họ.
20. Giải thích mọi thông tin và dữ kiện về các nguy hiểm của lạm dụng và các hiệu quả của nó, làm cách nào nhận ra các dấu hiệu lạm dụng và làm cách nào thông báo việc hoài nghi lạm dụng tình dục. Tất cả các điều này phải diễn ra có sự hợp tác với phụ huynh, thầy cô, các nhà chuyên nghiệp và các thẩm quyền dân sự.
21. Nơi nào chưa có, phải thiết lập một nhóm dễ tiếp cận dành cho các nạn nhân muốn báo cáo bất cứ tội phạm nào. Một tổ chức như thế phải có một sụ tự lập nào đó đối với thẩm quyền giáo hội địa phương và bao gồm các người chuyên môn (giáo sĩ và giáo dân) biết phải phát biều ra sao việc Giáo Hội lưu ý tới những người bị xúc phạm bởi các thái độ không đúng đắn của các giáo sĩ.