Phụng vụ là bản đồ chỉ đường
cho cuộc sống của Kitô hữu
Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với Ðại Hội của Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích: Phụng vụ là bản đồ chỉ đường cho cuộc sống của Kitô hữu.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 14-02-2019) - Theo tin Vatican News và Zenit, ngày 14 tháng 2 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Ðại Hội Toàn Thể của Thánh Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích tại Vatican. Ngài nói với các vị rằng Phụng Vụ là bản đồ chỉ đường cho đời sống người Kitô hữu. Do đó, ta phải tái khám phá thực tại phụng vụ thánh chứ không giảm thiểu nó.
Lời ngài: "khởi điểm, thay vào đó, là nhìn nhận thực tại phụng vụ thánh, một kho báu sống động không thể bị giản lược vào khiếu thưởng thức, công thức và trào lưu, nhưng phải được chào đón một cách ngoan ngoãn và cổ vũ bằng tình yêu, như của nuôi dưỡng không thể thay thế cho sự lớn mạnh hữu cơ của dân Chúa".
"Phụng vụ không phải là 'lãnh vực tự biên tự diễn' nhưng là lễ hiển linh của hiệp thông giáo hội'. Vì lý do này, "chúng ta", chứ không phải "tôi" phải vang dội trong kinh nguyện và cử chỉ.
"Khi chúng ta nhìn trở lui các khuynh hướng dĩ vãng một cách luyến nhớ hay mong muốn áp đặt chúng một lần nữa, sẽ có nguy cơ đặt phần mớ trước toàn bộ, đặt 'tôi' trước dân Chúa, đặt trừu tượng trước cụ thể, đặt ý thức hệ trước hiệp thông và, trong căn bản, đặt những điều thuộc thế gian trước những điều thiêng liêng".
Nói về việc đào tạo, ngài thúc giục các vị đừng bao giờ quên rằng trước hết, phụng vụ là sự sống nhằm đào tạo, chứ không phải là một ý niệm để học. Ngài nói "Phụng vụ thực sự là con đường chính trên đó đời sống Kitô hữu phải đi qua trong mọi giai đoạn triển nở của nó".
Kết luận, Ðức Giáo Hoàng nhắc nhở "chúng ta thẩy đều được mời gọi thâm hậu hóa và làm sống lại việc đào tạo về phụng vụ của chúng ta". Ngài nói: "do đó, anh chị em có trước mắt một trách vụ lớn lao và tươi đẹp: cố gắng để dân Chúa tái khám phá vẻ đẹp của việc được gặp gỡ Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm của Người và, nhờ gặp Người, ta có được sự sống nhân danh Người".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của ngài với các tham dự viên:
Thưa các Ðức Hồng Y,
qúy hiền huynh trong hàng Giám Mục và linh mục
anh chị em thân mến!
Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân dịp Ðại Hội toàn thể của anh chị em. Tôi cảm ơn Ðức Hồng Y Bộ Trưởng vì những lời ngài đã ngỏ với tôi và tôi xin chào tất cả anh chị em, các thành viên, cộng tác viên và cố vấn của Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích.
Ðại Hội toàn thể này diễn ra vào một thời điểm quan trọng. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày 8 tháng 5 năm 1969, Thánh Phaolô VI mong muốn thành lập điều lúc ấy gọi là Congregatio pro Cultu Divino (Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa), để tạo khuôn cho sự đổi mới mà Công đồng Vatican II vốn mong muốn. Ðó là vấn đề xuất bản các sách phụng vụ theo các tiêu chuẩn và quyết định của các nghị phụ Công đồng, với mục đích phát huy, nơi dân Chúa, sự tham gia "tích cực, có ý thức và đạo đức" vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô (xem Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 48).
Truyền thống cầu nguyện của Giáo hội cần những biểu thức đổi mới, mà không đánh mất bất cứ điều gì trong sự phong phú ngàn năm của nó, thậm chí tái khám phá kho báu từ cội nguồn của nó. Trong những tháng đầu tiên của năm đó, những thành quả đầu tiên của cuộc cải tổ do Tông Tòa thực hiện đã phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của dân Chúa. Vào đúng ngày này, Tự sắc Mysterii paschalis được ban hành liên quan đến lịch Rôma và năm phụng vụ (14 tháng 2 năm 1969); sau đó, Tông Hiến quan trọng Missale Romanum (3 tháng 4 năm 1969), mà Ðức Thánh Giáo hoàng đã ban hành Sách lễ Rôma. Trong cùng năm đó, Ordo Missae (sách nghi thức Thánh Lễ) và nhiều Ordo (sách nghi thức) khác đã được ban hành, kể cả các sách liên quan đến lễ rửa tội trẻ em, hôn nhân và an táng. Chúng là những bước đầu của một hành trình, cần được tiếp tục một cách kiên định khôn ngoan.
Chúng ta biết rằng việc thay đổi các sách phụng vụ mà thôi là không đủ để cải thiện phẩm chất của phụng vụ. Làm điều này một mình sẽ là một sự lừa dối. Ðể cuộc sống thực sự là một lời ngợi khen làm đẹp lòng Thiên Chúa, điều thực sự cần thiết là phải thay đổi cõi lòng. Hoán cải Kitô giáo được điều hướng về sự thay đổi cõi lòng này, vốn là cuộc gặp gỡ của đời sống với "Thiên Chúa của người sống" (Mt 22: 32). Ðây cũng là mục đích công việc của anh chị em ngày hôm nay, nhằm giúp Ðức Giáo Hoàng thi hành thừa tác vụ của ngài vì lợi ích của Giáo hội trong việc cầu nguyện trên khắp trái đất. Trong sự hiệp thông giáo hội, cả Tông Tòa và các Hội đồng Giám mục đều hoạt động trong tinh thần hợp tác, đối thoại và đồng nghị (synodality). Trên thực tế, Tòa Thánh không thay thế các giám mục, nhưng làm việc với các ngài để phục vụ, trong sự phong phú của các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, ơn gọi cầu nguyện của Giáo hội trên thế giới. Tự sắc Magnum principium (3 tháng 9 năm 2017) theo đường hướng này; trong đó, tôi có ý định cổ vũ, với những điều khác, "việc cần phải có sự cộng tác liên tục đầy tin tưởng lẫn nhau, cảnh giác và sáng tạo, giữa các Hội đồng Giám mục và bộ của Tòa thánh có nhiệm vụ cổ vũ phụng vụ thánh". Hy vọng có sự tiếp tục theo con đường hợp tác lẫn nhau, ý thức được các trách nhiệm liên hệ đến việc hiệp thông giáo hội, trong đó sự hợp nhất và đa dạng được nối kết với nhau. Ðó là vấn đề hài hòa.
Ở đây chúng ta cũng tìm thấy thách thức đào tạo, vốn là đối tượng chuyên biệt trong sự suy tư của anh chị em. Nói về sự đào tạo, trước hết, chúng ta không thể quên rằng phụng vụ là cuộc sống nhằm đào tạo, chứ không phải là một ý tưởng để học hỏi. Trong phương diện này, điều rất hữu ích là nhớ rằng thực tại quan trọng hơn ý tưởng (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 231-233). Và do đó, trong phụng vụ cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống giáo hội, điều tốt là không nên kết cục ở chỗ tạo thuận lợi cho sự phân cực ý thức hệ vô bổ, một sự phân cực thường xuất hiện khi, vì coi các ý tưởng của chúng ta có giá trị cho mọi bối cảnh, nên chúng ta có xu hướng áp dụng thái độ biện chứng lâu đời đối với những ai không chia sẻ chúng. Do đó, có lẽ bắt đầu từ mong muốn phản ứng với một số bất an trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có nguy cơ rơi vào quá khứ không còn nữa hoặc trốn vào một tương lai giả định. Khởi điểm, thay vào đó, là nhìn nhận thực tại phụng vụ thánh, một kho báu sống động không thể bị giản lược vào khiếu thưởng thức, công thức và trào lưu, nhưng phải được chào đón một cách ngoan ngoãn và cổ vũ bằng tình yêu, như của nuôi dưỡng không thể thay thế cho sự lớn mạnh hữu cơ của dân Chúa. Phụng vụ không phải là "lãnh vực tự biên tự diễn" nhưng là lễ hiển linh của hiệp thông giáo hội. Vì lý do này, "chúng ta", chứ không phải "tôi" phải vang dội trong kinh nguyện và cử chỉ; cộng đồng đích thực, chứ không phải chủ thể lý tưởng. Khi chúng ta nhìn trở lui các khuynh hướng dĩ vãng một cách luyến nhớ hay mong muốn áp đặt chúng một lần nữa, sẽ có nguy cơ đặt phần mớ trước toàn bộ, đặt 'tôi' trước dân Chúa, đặt trừu tượng trước cụ thể, đặt ý thức hệ trước hiệp thông và, trong căn bản, đặt những điều thuộc thế gian trước những điều thiêng liêng".
Theo nghĩa này, tiêu đề hội nghị của anh chị em có giá trị: Sự đào tạo phụng vụ của dân Chúa. Nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta quả thực là chủ yếu nhằm truyền bá trong dân Chúa sự huy hoàng của mầu nhiệm sống động của Chúa, Ðấng làm cho chính Người tỏ hiện trong phụng vụ. Nói về việc đào tạo phụng vụ nơi dân Chúa có nghĩa trước hết và trên hết là nhận thức được vai trò không thể thiếu mà phụng vụ đang nắm giữ trong Giáo hội. Và sau đó, cụ thể giúp dân Chúa nội tâm hóa tốt hơn việc cầu nguyện của Giáo hội, yêu thích nó như một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa và với anh chị em mình, những người, dưới ánh sáng này, đang tái khám phá nội dung của nó và tuân giữ các nghi thức của nó.
Vì phụng vụ là một kinh nghiệm trải dài tới việc hoán cải cuộc sống thông qua việc thấm nhập cách suy nghĩ và hành xử của Chúa, nên việc đào tạo phụng vụ không thể chỉ giới hạn trong việc cung cấp kiến thức - đây là một sai lầm - mặc dù cần thiết, về các sách phụng vụ, thậm chí cả việc chỉ để bảo vệ nghĩa vụ chu toàn các kỷ luật nghi lễ. Ðể phụng vụ chu toàn chức năng đào tạo và biến đổi của nó, các mục tử và giáo dân cần phải được dẫn nhập vào ý nghĩa và ngôn ngữ tượng trưng của nó, bao gồm nghệ thuật, bài hát và âm nhạc để phục vụ mầu nhiệm được cử hành, thậm chí cả sự im lặng nữa. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo cũng tiếp nhận phương thức khai nhiệm (mystagogical) để minh họa phụng vụ, lượng giá những lời cầu nguyện và dấu hiệu của nó. Khoa khai tâm mầu nhiệm (mystagogy): đây là cách thích hợp để đi vào mầu nhiệm phụng vụ, trong cuộc gặp gỡ sống động với Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Khai tâm mầu nhiệm có nghĩa là khám phá cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được trong dân Chúa qua các Bí tích và liên tục khám phá lại vẻ đẹp của việc làm mới nó.
Về các giai đoạn đào tạo, do kinh nghiệm, chúng ta biết rằng, ngoài giai đoạn ban đầu, cần phải vun xới việc đào tạo liên tục hàng giáo sĩ và giáo dân, đặc biệt những người liên quan đến các thừa tác phục vụ phụng vụ. Ðào tạo không chỉ một lần, nhưng liên tục. Ðối với các thừa tác viên thụ phong, cũng nhằm một ars celebrandi (nghệ thuật cử hành) lành mạnh, lời kêu gọi của Công đồng rất có giá trị: "Do đó, điều cần hàng đầu là phải chú ý, trước hết, đến việc dạy phụng vụ cho hàng giáo sĩ" (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 14). Trước hết. Các trách nhiệm giáo dục phải được chia sẻ, cho dù các giáo phận cá thể đã can dự chặt chẽ hơn trong giai đoạn hoạt động. Việc suy tư của anh chị em sẽ giúp thánh bộ khai triển các sách hướng dẫn và chỉ dẫn để, trong tinh thần phục vụ, có thể cung cấp cho các - hội đồng giám mục, giáo phận, viện đào tạo, tạp chí - tức những người có trách nhiệm chăm sóc và đồng hành với việc đào tạo phụng vụ của dân Chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta thẩy đều được mời gọi thâm hậu hóa và làm sống lại việc đào tạo về phụng vụ của chúng ta. Phụng vụ thực sự là con đường chính trên đó đời sống Kitô hữu phải bước qua trong mọi giai đoạn triển nở của nó. Do đó, anh chị em có trước mắt một trách vụ lớn lao và tươi đẹp: cố gắng để dân Chúa tái khám phá vẻ đẹp của việc được gặp gỡ Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm của Người và, nhờ gặp Người, ta có được sự sống nhân danh Người. Tôi cảm ơn anh chị em vì những nỗ lực của anh chị em và tôi chúc lành cho anh chị em, yêu cầu anh chị em luôn dành cho tôi một chỗ - một chỗ rộng lớn! - trong lời cầu nguyện của anh chị em.