Manifesto of Faith -Tuyên Ngôn Ðức Tin
Ðức Hồng Y Gerhard Muller
Manifesto of Faith -Tuyên Ngôn Ðức Tin - Ðức Hồng Y Gerhard Muller.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 10-02-2019) - Trong tuyên ngôn được công bố hôm 8 tháng Hai năm 2019, Ðức Hồng Y Gerhard Muller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin từ năm 2012 đến năm 2017, đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến các cuộc tranh luận thần học trong Giáo Hội về khả thể cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ, thậm chí cho cả các Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng được rước Mình Thánh Chúa, việc phong chức cho phụ nữ và các vấn đề thần học khác.
Theo Ðức Hồng Y Gerhard Muller, ngày nay, nhiều Kitô hữu thậm chí không còn nhận thức được những đạo lý cơ bản của Ðức tin, vì vậy ngày càng có nguy cơ lạc xa khỏi con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải có một định hướng rõ ràng vì mục đích chính của Giáo Hội vẫn giữ nguyên như từ trước đến nay là dẫn dắt nhân loại đến với Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng của các dân tộc. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo là một "tiêu chuẩn an toàn cho tín lý." Vì thế, Ðức Hồng Y đã viết ra "Manifesto of Faith" - Bản Tuyên Ngôn Ðức Tin - tóm tắt những điểm chính trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo với mục đích củng cố đức tin của anh chị em tín hữu trong thời điểm niềm tin của họ đã bị hoang mang trầm trọng bởi "chế độ độc tài của thuyết tương đối".
Bản tuyên ngôn của Ðức Hồng Y Gerhard Muller đề cập đến 5 lĩnh vực của giáo lý Công Giáo là Kitô học, Giáo Hội học, các phép bí tích, luân lý và cuối cùng là cánh chung học, một nhánh thần học đề cập đến cái chết, sự phán xét, thiên đàng và địa ngục.
Bản tiếng Anh nhan đề "Manifesto of Faith". Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn Tuyên Ngôn này:
Tuyên ngôn về đức tin
Anh em đừng xao xuyến! (Ga 14:1)
Trước sự nhầm lẫn ngày càng tăng về đạo lý, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Công Giáo đã yêu cầu tôi đưa ra một chứng từ công khai về chân lý mặc khải. Nhiệm vụ của chính các mục tử là hướng dẫn những người được giao phó cho họ trên con đường cứu độ. Ðiều này chỉ có thể thành công nếu họ biết con đường này và chính họ đi theo con đường ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật đúng ở đây: "Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận" (1 Cr 15: 3). Ngày nay, nhiều Kitô hữu thậm chí không còn nhận thức được những đạo lý cơ bản của Ðức tin, vì thế ngày càng có nguy cơ lạc xa con đường dẫn đến sự sống đời đời. Tuy nhiên, mục đích chính của Giáo Hội vẫn là dẫn dắt nhân loại đến với Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng của các dân tộc (xem LG 1). Trong tình huống này, nảy sinh vấn đề cần phải định hướng. Theo Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo là "một tiêu chuẩn an toàn cho tín lý" (Fidei Depositum IV). Sách giáo lý được viết ra với mục đích củng cố đức tin của những anh chị em mà niềm tin của họ đã bị hoang mang trầm trọng bởi chế độ độc tài của thuyết tương đối.
1. Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất được mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô
Tuyệt đỉnh đức tin của tất cả các Kitô hữu được tìm thấy trong lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, con cái và bạn bè của Thiên Chúa qua phép Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Sự phân biệt của Ba Ngôi trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa (Sgl 254) đánh dấu một sự khác biệt cơ bản trong niềm tin vào Thiên Chúa và hình ảnh con người so với các tôn giáo khác. Các tôn giáo không đồng ý với nhau chính là về niềm tin này vào Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa thật và là Người thật, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, Con Thiên Chúa, là Ðấng cứu độ duy nhất của thế gian (Sgl 679) và là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (Sgl 846). Vì thế, thư thứ nhất của Thánh Gioan nói kẻ nào chối bỏ thiên tính của Ngài thì đều là kẻ phản Kitô (1 Ga 2:22), vì Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, từ thuở đời đời là một với Thiên Chúa, Cha của Ngài (Sgl 663). Chúng ta phải chống lại với một quyết tâm rõ ràng sự tái phạm những sai lầm của các dị giáo xa xưa, trong đó chỉ xem Chúa Giêsu Kitô như một người tốt, một người anh em bằng hữu, hay như một tiên tri hoặc một nhà đạo đức. Trước hết và trên hết, Ngài là Ngôi Lời hằng ở cùng Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Con của Chúa Cha, Ðấng mặc lấy bản tính loài người của chúng ta để cứu chuộc chúng ta và là Ðấng sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ngài là Ðấng duy nhất chúng ta tôn thờ trong sự hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như là Thiên Chúa duy nhất và chân thật (Sgl 691).
2. Giáo Hội
Chúa Giêsu Kitô đã thành lập Giáo Hội như một dấu chỉ hữu hình và là công cụ cứu rỗi được thực hiện trong Giáo Hội Công Giáo (Sgl 816). Ngài đã ban cho Giáo Hội của Ngài, "nảy sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, Ðấng đã chết trên Thập giá" (Sgl 766), một cơ cấu bí tích tồn tại cho đến khi Nước Người được hoàn thành trọn vẹn (Sgl 765). Chúa Kitô, là Ðầu và các tín hữu như các chi thể của thể xác, là một nhiệm thể (Sgl 795), đó là lý do tại sao Giáo Hội là thánh thiện, vì Ðấng Trung Gian duy nhất đã thiết kế và duy trì cấu trúc hữu hình của Giáo Hội (Sgl 771). Thông qua Giáo Hội, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên hiện diện trong thời gian và không gian thông qua việc cử hành các Bí tích Thánh, đặc biệt trong Hy Tế Thánh Thể, là Thánh lễ (Sgl 1330). Giáo Hội truyền đạt với thẩm quyền của Ðức Kitô mặc khải về Thiên Chúa, "trải rộng tới tất cả các yếu tố của đạo lý, trong đó có đạo lý về luân lý, nếu không có những yếu tố này, các chân lý cứu độ của đức tin sẽ không thể được bảo toàn, trình bày hay tuân giữ" (Sgl 2035).
3. Phẩm trật bí tích
Giáo Hội là bí tích cứu độ phổ quát trong Chúa Giêsu Kitô (Sgl 776). Giáo Hội không phản chiếu chính mình, nhưng phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, tỏa sáng trên khuôn mặt của Giáo Hội. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi chân lý do Chúa Giêsu Kitô mạc khải trở thành điểm quy chiếu, chứ không phải là quan điểm của đa số hoặc tinh thần của thời đại; vì chính Chúa Kitô đã ủy thác ân sủng và sự thật trọn vẹn cho Giáo Hội Công Giáo (Sgl 819), và chính Ngài hiện diện trong các bí tích của Giáo Hội.
Giáo Hội không phải là một hiệp hội do loài người tạo ra mà cấu trúc của nó được các thành viên bầu chọn theo ý muốn của họ. Giáo Hội có nguồn gốc thần thánh. "Chính Chúa Kitô đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh" (Sgl 874). Lời quở trách của Thánh Phaolô dành cho bất cứ ai dám công bố một phúc âm khác "kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống" (Gal 1: 8) vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay. Việc làm trung gian đức tin bị ràng buộc chặt chẽ với uy tín cá nhân của các sứ giả, là những người trong một số trường hợp đã bỏ rơi những người được giao phó cho họ, làm họ xao xuyến, và thậm chí làm tổn hại nghiêm trọng đến đức tin của họ. Ở đây, Lời Kinh Thánh cảnh cáo những người không nghe theo sự thật nhưng chạy theo dục vọng của mình, theo những kẻ tâng bốc mình, không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh (x. 2 Tim 4: 3-4).
Nhiệm vụ của Huấn Quyền Hội Thánh là "bảo vệ dân Thiên Chúa khỏi những sai lệch và bội giáo", để "bảo đảm cho họ khả năng khách quan có thể tuyên xưng đức tin chân thực không chút tì vết (Sgl 890). Ðiều này đặc biệt đúng đối với tất cả bảy bí tích. Bí Tích Thánh Thể là "nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo" (Sgl 1324). Hy Tế Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô bao gồm chúng ta trong Hy Tế của Người trên Thánh giá, là nhằm vào sự kết hiệp mật thiết nhất với Ngài (Sgl 1382). Do đó, Kinh Thánh khuyên răn về việc rước lễ như sau: "bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa." (1 Cor 11:27). "Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ" (Sgl 1385). Luận lý nội tại của bí tích này cho thấy những người đã ly dị và tái hôn dân sự, trong khi hôn nhân bí tích của họ vẫn tồn tại trước mặt Thiên Chúa, cũng như những Kitô hữu không hiệp thông trọn vẹn với Ðức tin Công Giáo và Giáo Hội, thì giống như tất cả những ai không thích hợp để nhận Bí tích Thánh Thể một cách hiệu quả (Sgl 1457), vì nó không mang lại cho họ ơn cứu rỗi. Vạch ra điều này là vì lòng thương xót dành cho các linh hồn [thương linh hồn bẩy mối: lấy lời lành mà khuyên người].
Việc xưng thú tội lỗi trong bí tích hòa giải ít nhất một lần một năm là một trong những luật buộc của Giáo Hội (Sgl 2042). Khi các tín hữu không còn thú nhận tội lỗi của mình và không còn trải nghiệm ơn xá giải các tội lỗi của họ, ơn cứu rỗi trở nên bất khả thi; nói cho cùng, Chúa Giêsu Kitô đã giáng trần thành Con Người để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Sức mạnh của ơn tha thứ mà Chúa Phục sinh đã ban cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức vụ giám mục và linh mục cũng áp dụng cho những tội nặng và tội nhẹ mà chúng ta phạm phải sau khi chịu Bí tích Rửa tội. Thực hành xưng tội phổ biến hiện nay cho thấy rõ rằng lương tâm của tín hữu chưa được hình thành một cách đầy đủ. Lòng thương xót của Chúa được ban cho chúng ta là để chúng ta có thể thực thi các Giới Răn của Ngài ngõ hầu nên một với Thánh ý của Ngài, chứ không phải để tránh né lời mời gọi ăn năn (Sgl 1458).
"Linh mục tiếp tục công việc cứu chuộc trên trái đất" (Sgl 1589). Việc phong chức linh mục "ban cho ngài một sức mạnh thiêng liêng" (Sgl 1592), không thể thay thế được, bởi vì qua đó, Chúa Giêsu trở nên hiện diện một cách bí tích trong hành động cứu độ của Ngài. Do đó, các linh mục tự nguyện chọn đời sống độc thân như "một dấu chỉ của cuộc sống mới" (Sgl 1579). Ðó là sự tự hiến để phục vụ của Chúa Kitô và vương quốc sắp đến của Ngài
4. Luật luân lý
Ðức tin và cuộc sống không thể tách rời, vì Ðức tin không có việc làm là Ðức tin chết (Sgl 1815). Luật đạo đức là công việc của thượng trí Thiên Chúa và đưa con người đến với phúc lành đã hứa (Sgl 1950). Do đó, "kiến thức về luật thần linh và tự nhiên là cần thiết" để thực thi điều thiện và đạt tới mục đích của mình (Sgl 1955). Chấp nhận sự thật này là điều cần thiết cho tất cả mọi người có thiện chí. Vì kẻ chết trong tội lỗi mà không ăn năn sẽ mãi mãi xa cách Thiên Chúa (Sgl 1033). Ðiều này dẫn đến những hậu quả thực tế trong cuộc sống của các Kitô hữu, mà thường bị bỏ qua ngày nay (x. 2270-2283; 2350-2381). Luật luân lý không phải là gánh nặng, nhưng là một phần của sự thật giải phóng (x. Ga 8,32) qua đó người Kitô hữu bước đi trên con đường cứu rỗi; và như thế luật luân lý không thể bị tương đối hóa.
5. Cuộc sống vĩnh cửu
Ngày nay, nhiều người tự hỏi, Giáo Hội tồn tại nhằm mục đích gì, khi mà ngay cả các giám mục cũng thích làm các chính trị gia hơn là loan báo Tin Mừng như những thầy dạy trong Ðức tin. Vai trò của Giáo Hội không được hạ thấp bởi những điều tầm thường, nhưng vị trí thích hợp của Giáo Hội cần phải được đề cập đến. Mỗi con người đều có một linh hồn bất tử, tách ra khỏi thân xác khi chết đi, với niềm hy vọng được sống lại từ trong kẻ chết (Sgl 366). Cái chết khiến cho quyết định tùng phục hoặc chống lại Thiên Chúa của con người thành ra chung cuộc. Mọi người phải đối mặt với sự phán xét cụ thể ngay sau cái chết (Sgl 1021). Hoặc một sự thanh luyện là cần thiết, hoặc con người đi thẳng vào hạnh phúc thiên đàng và được phép nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Ngoài ra còn có khả năng khủng khiếp là người ấy vẫn chống lại Thiên Chúa đến giờ phút sau cùng, và bởi sự từ khước tình yêu của Ngài, kẻ ấy "đã lên án chính mình ngay lập tức và mãi mãi" (Sgl 1022). "Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta mà không có chúng ta, nhưng Ngài không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta" (Sgl 1847). Sự bất tận của hình phạt địa ngục là một thực tế khủng khiếp, mà - theo lời chứng của Thánh Kinh - cuốn hút tất cả những ai chết trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng (Sgl 1035). Người Kitô hữu phải đi qua cổng hẹp, vì "cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó" (Mt 7:13).
Giữ im lặng về những điều này và những sự thật khác của Ðức tin để rồi theo đó mà dạy người ta là một sự dối trá lớn nhất mà Sách Giáo lý cảnh báo mạnh mẽ. Nó tiêu biểu cho thử thách cuối cùng của Giáo Hội và đưa con người đến một ảo tưởng tôn giáo, "với giá phải trả là sự bội giáo" (Sgl 675); đó là mưu gian chước dối của tên phản Kitô. "Nó sẽ lừa dối những kẻ phải hư mất bằng mọi phương thế bất công, vì những kẻ ấy đã đóng kín chính mình không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ" (2 Thessalônica 2:10).
6. Lời kêu gọi
Là những người thợ trong vườn nho của Chúa, tất cả chúng ta có trách nhiệm nhắc nhớ những sự thật cơ bản này bằng cách bám vào những gì chúng ta đã được nhận lãnh. Chúng ta muốn khích lệ các tín hữu can đảm đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô với quyết tâm, để có được sự sống đời đời khi tuân theo các lệnh truyền của Ngài (Sgl 2075).
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết ân sủng Ðức tin Công Giáo quý giá là dường nào, vì Ðức tin ấy mở ra cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời. "Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người." (Mc 8:38) Do đó, chúng ta phải cam kết củng cố Ðức tin bằng cách tuyên xưng chân lý, là chính Chúa Giêsu Kitô.
Cả chúng ta, và đặc biệt là các giám mục và linh mục, cũng được Thánh Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, khuyên bảo khi thánh nhân nhắc nhở Timôthê là người bạn đồng hành và là người kế vị của mình: "Trước mặt Thiên Chúa và Ðức Giêsu Kitô, Ðấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ðấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh." (2 Tim 4: 1-5).
Xin Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cầu bầu cho chúng ta ân sủng để trung thành không dao động trong sứ vụ tuyên xưng sự thật về Chúa Giêsu Kitô.
Hiệp nhất trong đức tin và lời cầu nguyện
+ Ðức Hồng Y Gerhard Muller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin 2012-2017
(Source: Catholic News Agency Manifesto of Faith)