Bài giảng trong đêm giao thừa - Kỷ Hợi (2019)

Năm Hợi nói chuyện con Heo

 

Bài giảng trong đêm giao thừa - Kỷ Hợi (2019) Năm Hợi nói chuyện con Heo.

Rev. F.X. Tuyết Nguyễn

Sydney (Mission 4-02-2019) - Có một lần mở Youtube, nghe một cô gái nói: da hồng hào, lông tơ mịn màng là dấu chỉ khỏe mạnh. Tôi liền ngó vào gương thấy mặt mình cũng hồng, xoa vào tay thấy lông cũng mịn, lòng mừng phấn khởi, tôi mỉn cười một mình thì nghe cô ta nói tiếp: "kính thưa quý bà con cô bác, chương trình chăn nuôi lợn tới đây là hết"! Hoá ra cô ấy nói về nuôi lợn và cách nhìn để biết được lợn có khoẻ mạnh hay không chứ không phải nhìn người! Mắc cỡ chết được.

Chúng ta đang bước vào năm Kỷ Hợi. Cứ 12 năm thì con HEO lại xuất hiện - tuy nhiên phải 60 năm thì con heo mới xuất hiện với cái tên Kỷ Hợi. Những người tin vào chiêm tinh học luôn gán cho mỗi con vật một đặc điểm nào đó, từ đó suy ra cá tính của mỗi người. Người ta cho rằng người tuổi con này thì thế này, người tuổi con kia thì thế kia. Con Heo bị người ta gán cho đủ các tính xấu: tham ăn, mê ngủ, lười biếng, dơ bẩn, ô uế,... Tuy nhiên, người ta còn dùng hình ảnh con heo đất làm biểu tượng về tài chính. Ðầu heo là một sính lễ quan trọng trong mâm cúng ở các nghi lễ của dân Việt.

Chuyện con Heo trong Ðời Sống Dân Gian

Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân sống rất nhân hậu. Họ cần cù làm việc và hay giúp đỡ người nghèo. Nhưng cuộc sống của họ vẫn buồn vì không có con cái. Làng xóm dị nghị, họ tìm thầy chạy thuốc khắp nơi, nhưng vẫn không có con. Một hôm, có người mách rằng nếu muốn có con thì họ phải làm điều lành phúc đức. Từ đó, đêm nào họ cũng trằn trọc tìm kiếm những việc làm phúc đức. Cuối cùng họ xây một ngôi đền cho các thần linh. Các vị thần Của Cải, Trí Tuệ, Sức Khỏe, Ăn Chơi đều quy tụ về. Ai cầu nguyện sao thì được vậy.

Họ cầu xin có con, và họ có một đứa con trai khôi ngô và khỏe mạnh. Ðặt tên là Hợi. Nhưng vì được nuông chiều, nên cậu Hợi lười biếng, chỉ thích ngủ và chơi bời, dỗ dành mãi mới chịu đến trường, nhưng vừa ngồi xuống ghế đã ngủ gật, cho nên học suốt ba năm vẫn chưa viết được chữ Hợi - tên của nó. Rồi Hợi bỏ học, la cà lêu lổng khắp nơi... Tệ hơn nữa, khi có vợ thì Hợi lại đuổi cha mẹ ra ở riêng. Dầu vậy, ông bà vẫn hết lòng chiều chuộng vì thương con.

Khi người vợ hấp hối, nắm lấy tay Hợi và nói trong hơi thở: Cha mẹ thật ân hận vì chưa lo cho con được nhiều. Nay mẹ sắp qua đời, mẹ muốn biết con có nguyện vọng gì để khi xuống suối vàng mẹ sẽ phù hộ cho con. Nghe vậy, Hợi nói ngay: Con ước suốt đời không làm mà được ăn no, ngủ không bị quấy rầy. Con muốn được người ta hầu hạ.

Mai táng vợ xong, người chồng vào đền cầu xin cho con được như ý nguyện. Các thần linh hội ý với nhau và thấy thật khó xử. Nếu xin giàu sang, minh mẫn, khỏe mạnh hoặc ăn chơi phóng đãng thì dễ. Ðằng này nó chỉ có một ước mơ tầm thường là ăn no, ngủ kỹ và muốn người ta phải hầu hạ, điều này vượt quá quyền hạn của các vị thần trong đền. Họ bàn nhau tâu lên Ngọc Hoàng. Vừa nghe xong, Ngọc Hoàng nói với thần Trí Tuệ: Thật đáng buồn cho giống người. Ta sinh ra họ cốt để làm đẹp cho trời đất. Vậy mà nay có kẻ chỉ ước ao ăn ngủ, lại còn muốn người ta hầu hạ. Thật tệ quá!

Thần Trí Tuệ cúi đầu thưa: Bẩm Ngọc Hoàng, cha mẹ của Hợi là người nhân đức, chính họ đã có công xây đền cho các thần linh. Nếu ta không giúp họ thì sẽ mất uy tín. Ngọc Hoàng thấy thần Trí Tuệ nói đúng, nhưng như thế thì vô lý quá. Ai đời là đồng loại với nhau mà lại bắt người này hầu hạ người kia. Bỗng Ngọc Hoàng reo lên: Ta nghĩ ra rồi. Thần lại đây ta bảo.

Thần Trí Tuệ hớn hở đến quỳ dưới bệ rồng nghe Ngọc Hoàng ôn tồn: "Tên Hợi ước được ăn no, ngủ yên, có người hầu hạ. Thế thì Ta cho nó làm kiếp con lợn. Nó được như thế, nhưng đoản thọ và chính tay người hầu hạ nó sẽ giết nó."

Thần Trí Tuệ toan biện hộ cho người nông dân vài điều nhưng Ngọc Hoàng đã giũ áo đi ra. Thần buồn bã bay về làng thì được tin ông lão nông dân và con trai của ông đã mất. Ðiều lạ, là lúc đó trong làng nhà nào cũng nuôi một giống vật lạ: Mõm dài, tai lớn, bốn chân nhỏ, ham ăn, ăn xong thì ngủ. Hơi ngót dạ lại đòi ăn làm cho người làng phải nấu nướng thật vất vả. Vì nguyện vọng nuôi nó chóng lớn để mau giết thịt nên người ta đặt tên là Lớn. Lâu ngày, người ta gọi chệch là Lợn.

Câu chuyện này dạy chúng ta bài học về gíao dục gia đình rằng thương con không đúng cách là hại con, ghét con đúng cách là thương con. Dạy con đúng cách là nhà có phúc.

Chuyện con Heo trong Thánh Kinh

Tin mừng hôm nay, Chúa đưa ra khuôn mẫu để có thể nhận được phúc qua 8 mối phúc thật. "Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ." Phúc tử đạo

Phúc tử đạo này gợi lại hình ảnh con heo trong Kinh Thánh. Người Do Thái bị cấm ăn thịt heo theo luật Kashrut. Trình thuật Macabê (2 Mcb 6:18-31) nói về cuộc tử đạo của ông E-la-da liên quan đến luật đó: Ông đã cao niên bị ép phải há miệng để ăn thịt heo, nhưng ông quyết không ăn. Nhiều người bảo ông hãy giả vờ ăn để thoát chết, nhưng ông có một quyết định dứt khoát, phù hợp với Luật do Thiên Chúa lập ra.

Ông nói: "Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi, tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết, tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Ðấng Toàn Năng. Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện."

Sau khi nhổ hết thịt ra, ông tự ý tiến ra pháp trường. Cái chết của ông là tấm gương về lòng cao thượng và là hình ảnh đáng nhớ về sự liêm chính.

Sách Macabê cũng tường thuật một câu chuyện khác liên quan luật cấm ăn thịt heo, trình thuật nói về cuộc tử đạo của tám mẹ con. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, bắt họ phải ăn thịt heo. Họ cương quyết không ăn và sẵn sàng chịu chết để giữ trọn lề luật. Bảy anh em kiên cường chịu cực hình đến cho chết.

Mặc dầu thấy bảy người con trai phải chết trong một ngày, nhưng bà mẹ vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa. Bà khuyến khích từng người con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình" (2 Mcb 7:1-41). Cuối cùng, bà mẹ cũng chết theo các con trong niềm phó thác vào Thiên Chúa và trong sự giáo dục trong sáng của gia đình.

Chuyện con Heo trong Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam

Nếu trong kinh thánh có hai mẫu gương liên quan đến thịt heo để noi theo trong việc giáo dục và làm gương sáng thì lịch sử Việt Nam cũng có hai mẫu gương đáng ghi nhớ về năm Kỷ Hợi.

Năm Kỷ Hợi có một bề dày lịch sử, nhắc chúng ta nhớ đến năm Kỷ Hợi 39, khi hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa chống giặc xâm lượt Ðông Hán. Quân khởi nghĩa đánh đâu thắng đó nên chỉ trong một thời gian ngắn hai Bà Trưng đã dẹp yên, thu phục được 65 thành ấp ở đất Lĩnh Nam. Trưng Trắc đã được suy tôn làm Vua (40-43), vị nữ hoàng đầu tiên của dân Việt, đóng đô ở Mê Linh, đánh dấu nền độc lập đầu tiên của Việt Nam. Ðúng 900 năm sau, cũng vào năm Kỷ Hợi, sau khi đánh bại quân Nam Hán tại sông Bạch Ðằng, Ngô Quyền xưng vương và đóng đô ở thành Cổ Loa, chấm dứt 1000 năm bị đô hộ bởi giặc Tàu, mở đầu thời kỳ phát triển của dân tộc Việt Nam.

Chuyện con Heo trong Ðời Sống người Dân Việt Nam của năm 2019

Nếu thời điểm Kỷ Hợi 39 và 939 đánh dấu thời kỳ độc lập của Việt Nam thì kỷ hợi năm nay 2019 chúng ta cũng nên học lấy gương tiền nhân xưa, những người đã dày công dựng nước và giữ nước với hy vọng và tin tưởng rằng Kỷ Hợi năm nay cũng phải mốc điểm để Việt Nam thoát ra khỏi vòng kiềm toả của ngoại bang. Tháng 6 năm 2018 người dân Việt đã biểu lộ ý tưởng này khi đứng lên phản đối chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam cho Trung quốc thuê đất 99 năm để làm đặc khu. Và cũng năm 2018, khi tiếng Việt bị một nhóm người muốn xoá đi thì tất cả người dân đã nhất tề đứng lên phản kháng.

Khi làm điều này có lẽ một cách nào đó họ đã thực hiện lời của thánh Phaolô trong bài đọc 2 mà chúng ta vừa nghe. Họ đã không "dập tắt Thánh Thần;" (1 Thes 5:19) cũng "không khinh khi các lời tiên tri," (1 Thes 5:20) nghĩa là không dập tắt sự thật và không chối bỏ lịch sử, nhưng đã "nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt họ giữ lại, và tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức" (1 Thes 5:21-22). Ðiều tốt họ giữ lại là một quốc gia độc lập và một tiếng Việt của người Việt.

Trong năm mới, với niềm hy vọng mới, chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ được đổi mới. Ðổi mới cách nhìn và đổi mới tư tưởng để người dân Việt có được nhân quyền, nhân quyền theo bản tính tự nhiên chứ không phải do một nhóm người định nghĩa vì đặc quyền đặc lợi của họ. Ðể nhờ đó tiếng khóc của người dân vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Formosa sẽ không còn tiếp tục ở những nơi khác tại Việt nam. Chúng ta hy vọng điều này với niềm tin rằng với Thiên Chúa không có gì là không có thể, nếu chúng ta "cầu nguyện không ngừng và trong mọi việc biết cảm tạ Thiên Chúa" (1 Thes 5:16-18) như thánh Phaolô trong bài đọc hai mà chúng ta vừa nghe.

Trong khung cảnh giao thời giữa năm Mậu Tuất để đón nhận năm Kỷ Hợi. Kính chúc quý cha, quý tu sĩ, quý vị cao niên và anh chị em một mùa xuân thật vui tươi, bình an và tràn đầy ân lộc.

Tăng đức, tăng nhân, tăng thánh thiện

Ðượm tình, đượm nghĩa, đượm hy sinh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page