Tản mạn chút hương Tết giữa lòng Paris

 

Tản mạn chút hương Tết giữa lòng Paris.

An Duyên, tình nguyện viên Vatican News

Paris (Vat. 6-02-2019) - Nhìn ngắm ngoài trời qua cửa sổ, tôi thấy một màu trắng của tuyết giữa miền Bắc nước Pháp. Chỉ khi nhà nhà rộn ràng chuẩn bị Tết trên Facebook, tôi mới thấy mình đang ở một nơi thật xa và chuẩn bị tâm lý ăn Tết online.

Về giáo xứ Việt

Ngày 5 tháng 2 năm 2019, tức ngày mồng Một Tết Nguyên Ðán năm Kỷ Hợi, không một chút đắn đo, tôi bước ra khỏi nhà để bắt xe về Paris. Ðường từ Lille về Paris khoảng 250km và mất hơn 3 tiếng đi xe buýt. Tòa nhà theo lối kiến trúc mới nằm trên con dốc nhỏ thuộc đường Épinettes, mang tấm biển "Giáo xứ Việt Nam Paris". Ðang lúc loay hoay không biết Thánh lễ Tân niên ở đâu thì tiếng hát nhập lễ ngày Xuân dẫn tôi: "Xin dâng lên Chúa Trời lời kinh ngày đầu năm mới...". Ðã bốn tháng, kể từ ngày đặt chân đến Pháp, tôi mới được nghe tiếng hát Thánh ca Tiếng Việt, đọc kinh Tiếng Việt và nghe giảng bằng Tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ vang lên trong ngôi nhà nguyện ấm cúng, với mùi hương khói, ẩn hiển sau vài cánh đào hồng phấn kiểu "Made in France".

Thánh lễ đầu năm tại Paris không quá nhộn nhịp như các xứ đạo quê tại Việt Nam. Khoảng hơn 100 người tham dự. Ngày Tết Âm lịch tại Pháp vẫn là ngày làm việc bình thường và không có ngày nghỉ. "Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng Chạp và mồng Một tháng Giêng, tôi đều xin nghỉ làm để đón Tết cổ truyền dân tộc", chị Hà Thiên Kim, một bổn đạo và là Việt kiều tại Pháp chia sẻ. "Từ khi bố tôi qua Pháp và định cư tại đây, tôi đều đến cộng đồng người Việt để tổ chức Tết Âm lịch vì đây là lễ cổ truyền của dân tộc". Tâm tình này cũng giống như những gì mà Giáo xứ Việt Nam Paris ghi lại: "...hội nhập vào xã hội nước người và bảo toàn hằng tính dân tộc Việt cộng đoàn thân thương". (Lm Mai Ðức Vinh - Vài dòng lịch sử giáo xứ Việt Nam Paris)

Tết cổ truyền trong xã hội hiện đại

Sau Thánh lễ vào 12g30, cộng đoàn tín hữu lãnh nhận lộc thánh Lời Chúa như một nét đẹp truyền thống. Và một điều không thể thiếu cho những bữa tiệc Tết của người Việt là ly rượu mừng bên khoanh bánh chưng, bánh tét và một vài miếng mứt. Trong hội trường giáo xứ, giữa đất trời Châu Âu vẫn ngủ quên trong mùa đông, cộng đoàn cùng cất cao lời hát "Ly rượu mừng" của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương.

"Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do/ Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa". Nguyện ước trong những ngày đầu xuân ở Việt Nam cũng như hải ngoại, nó được gói ghém trong hai từ "bình an".

Cha giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang cũng cho hay, giáo xứ tổ chức nhiều chương trình đón Tết và Thánh lễ đầu xuân. Thánh lễ dành riêng cho các vị cao niên, Thiếu nhi, Phong trào Cursillo và Giới trẻ Ephata vào các Chúa nhật liên tiếp nhau trong tháng Giêng. Ngoài ra là các chương trình ca nhạc, giao lưu văn nghệ của các nghệ sĩ, thiếu nhi và nhóm giới trẻ trong giáo xứ để mừng xuân. Nhiều người cũng trò chuyện với nhau về một năm đã qua, gọi điện, nhắn tin chúc mừng nhau một năm mới theo lịch mặt Trăng. Nhiều gia đình cũng ghé thăm nhau chúc Tết, làm bàn thờ gia tiên với gói giò, bánh chưng và mâm ngũ quả.

Trời Paris ngày mồng Một Tết có chút nắng ấm sau đợt tuyết tan. Trong khoảnh khắc đi giữa thủ đô Pháp, Tết đối với tôi không chỉ là thời gian nghỉ ngơi và để mừng Lễ. Nhưng, nó còn là thời khắc giao niên của thời gian và cả không gian đang biến chuyển. Tết nhắc nhớ về sự chuyển dịch không ngừng đó của vũ trụ nhưng nó cũng là một sự nhắc nhớ: chưa khi nào tôi ngừng là một người Việt.

Box thông tin: Giáo xứ Việt Nam Paris chạm mốc 70 tuổi vào năm 2017 do sáng kiến và sự góp sức của giáo sĩ du học và anh chị em giáo dân sinh sống tại Pháp từ những năm 40 của thế kỷ 20. Ðây cũng là cộng đoàn thâm niên nhất trong các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại. Ðịa chỉ nhà mục vụ giáo xứ nằm tại: 38 Rue des Épinettes - 75017 Paris. Website giáo xứ : http://giaoxuvnparis.org

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page