Các Tổng Thống Trung Mỹ

kéo nhau tham dự Thánh Lễ Bế Mạc

Ðại Hội Giới Trẻ thế giới tại Panama

 

Các Tổng Thống Trung Mỹ kéo nhau tham dự Thánh Lễ Bế Mạc Ðại Hội Giới Trẻ thế giới tại Panama.

Vũ Văn An

Panama (VietCatholic News 27-01-2019) - Theo tin của hãng Associated Press, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ cuối cùng hôm Chúa Nhật 27 tháng 1 năm 2019 trước khoảng 700,000 người và các tổng thống của Trung Mỹ để bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại một khuôn viên ở Panama City, ngợp cờ khắp Mỹ Châu.

Vatican cho hay các tổng thống Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Panama và Portugal đã tham dự Thánh Lễ này, cũng như hàng trăm ngàn khách hành hương từng cắm trại ở khuôn viên này sau buổi canh thức cầu nguyện đêm hôm trước.

Người hành hương Sawadogo Kiswensidad, từ Burkina Faso tới, cho hay "chuyến đi của chúng tôi rất dài nhưng thật đáng giá vì chúng tôi tới đây, tới Panama City, vì đức tin, đức tin Kitô giáo của chúng tôi".

Sau Thánh Lễ, Ðức Phanxicô đã tới một nhà do giáo hội quản trị dành cho những người mắc HIV, một cuộc viếng thăm chắc chắn chuyển tải một sứ điệp mạnh mẽ tại Panama, nơi AIDS bị coi là một vết nhơ.

Cha Domingo Escobar, giám đốc Casa Hogar El Buen Samaritano nói "Nhiều người chúng tôi giúp đỡ ở đây bị gia đình, người ngoài phố từ bỏ. Nhưng ở đây, họ nhận được sự giúp đỡ của Kitô hữu, như giáo hội mong muốn".

Sau đó, Ðức Giáo Hoàng gặp các thiện nguyện viên trước khi lên đường về Rôma.

Vào hôm thứ Bẩy 26 tháng 1 năm 2019, Ðức Phanxicô ăn trưa với một số người hành hương trong một cuộc gặp gỡ được Vatican mô tả là thân quen và lễ hội. Các người trẻ nói họ ngạc nhiên trước thái độ xuềnh xoàng của Ðức Phanxicô và sự lưu ý của ngài tới các câu hỏi của họ.

Brenda Noriega, một thừa tác viên tuổi trẻ gốc Mễ Tây Cơ, hiện sống ở San Bernardino, California, nói cô thưa với Ðức Giáo Hoàng rằng tai tiếng lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ là một "cuộc khủng hoảng mà ngay bây giờ chúng ta không thể tránh việc nói tới nó". Cô cho hay Ðức Phanxicô gọi việc lạm dụng là "một tội ác gớm ghiếc" và bảo đảm với cô là Giáo Hội cam kết hỗ trợ các nạn nhân.

Cô nói rằng Ðức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến việc cần phải cầu nguyện; ngài lưu ý việc ngài đã khuyên các giám mục Hoa Kỳ dự cuộc tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của vị giảng thuyết riêng của ngài đầu tháng này trước cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Hai năm 2019 về việc ngăn ngừa lạm dụng tại Vatican.

Noriega nói với các ký giả sau bữa ăn trưa: "với tôi trong tư cách thừa tác viên tuổi trẻ, điều này rất có ý nghĩa. Là các thừa tác viên tuổi trẻ, chúng tôi vốn hiện diện với những người giận giữ, nhưng đôi khi quên cả việc cầu nguyện. Chúng tôi phản ứng quá dễ dãi và quá nhanh. Nên tôi nghĩ điều Ðức Thánh Cha muốn nói với chúng tôi và giáo hội là: trước hết phải cầu nguyện, xây dựng cộng đồng và đừng quên việc đồng hành".

Ðây là lần đầu tiên tai tiếng lạm dụng đã công khai được nêu lên trong chuyến viếng thăm 4 ngày của Ðức Phanxicô tại Panama. Cuộc khủng hoảng này không công khai diễn ra ở Trung Mỹ cùng một cách như ở Hoa Kỳ, nơi hàng giáo phẩm Công Giáo đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng niềm tin vì các thất bại hàng nhiều thập niên trong việc bảo vệ người trẻ khỏi các vụ linh mục hãm hiếp và mò mẫm trẻ em.

Trong bữa ăn trưa tổ chức tại đại chủng viện chính của Panama City, các thực khách đã đặt nhiều câu hỏi với Ðức Phanxicô.

Người hành hương Palestin là Dana Salah nói rằng cô hỏi Ðức Giáo Hoàng về số phận các Kitô hữu tại quê hương của Chúa Giêsu. Ðức Giáo Hoàng hứa với cô "Palestine sẽ luôn mãi là quê hương của Chúa Giêsu".

Emilda Santo Montezuma, một người bản địa Panama, nói rằng cô nói với Ðức Phanxicô về môi trường và quyền của người bản địa - hai vấn đề đặc biệt thân thiết với Ðức Phanxicô, sẽ là tập chú trong cuộc họp của các giám mục vùng Amazon tại Vatican vào cuối năm nay. Cô nói, sự hỗ trợ của Ðức Phanxicô sẽ làm cho người bản địa thêm can đảm để đấu tranh cho quyền lợi của họ.

Cô nói với các nhà báo: "Nó làm tôi tràn trề sức mạnh và nói với người trẻ rằng chúng ta có thể làm nhiều, và hơn những điều chúng ta đã làm".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page