Ðức Thánh Cha tiếp kiến

Hội Giáo Sử Italia

 

Ðức Thánh Cha tiếp kiến Hội Giáo Sử Italia.

G. Trần Ðức Anh OP

Vatican (Vat. 12-01-2019) - Trong buổi tiếp kiến 50 giáo sư thuộc Hiệp Hội toàn quốc Italia các giáo sư lịch sử Giáo Hội, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các vị nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Lời Chúa trong lịch sử.

Hiệp hội này được thành lập cách đây 50 năm, và nhân dịp này, 50 giáo sư thành viên đã nhóm Hội nghị lần thứ 17 trong hai ngày 10 và 11 tháng 1 năm 2019 tại Ðại học Lumsa ở Roma, về đề tài "Hoạt động - Nghiên cứu - Phổ biến. Lịch sử Giáo Hội sau Công đồng".

Giáo sử phong phú của Italia

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhắc đến lịch sử phong phú của Giáo Hội tại Italia và ngài nhấn mạnh rằng "Sự phong phú này không được trở thành một kho tàng chỉ được gìn giữ cẩn thận, nhưng phải giúp chúng ta tiến bước trong hiện tại, hướng về tương lai. Thực vậy lịch sử Giáo Hội tại Italia chính là một điểm tham chiếu thiết yếu đối với tất cả những người muốn hiểu biết, đào sâu và vui hưởng quá khứ, nhưng không biến nó thành một viện bảo tàng, hoặc tệ hơn nữa, thành một nghĩa trang hoài tưởng, trái lại làm cho nó sinh động, hiện diện trước mắt chúng ta".

Chúa Giêsu Kitô hoạt động cứu độ trong lịch sử

Ðức Thánh Cha đề cao sự hiện diện Lời Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử và ngài khẳng định rằng: "Sự đón nhận trọn vẹn hoạt động cứu độ và thương xót của Chúa phải làm cho nhà sử học có đức tin trở thành một học giả càng biết tôn trọng các sự kiện và chân lý, tận tụy nghiên cứu, và trở thành chứng nhân sống thực lời mình giảng dạy. Họ phải làm cho việc giảng dạy xa tránh mọi tinh thần trần tục gắn liền với sự tự phụ về kiến thức, ham hố công danh sự nghiệp, những giải thưởng hay xác tín mình có thể tự mình phán xét các sự kiện và con người. Quả thực, khả năng nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô và hành trình của Giáo Hội trong lịch sử làm cho chúng ta khiêm tốn, giúp chúng ta tránh được cám dỗ ẩn náu trong quá khứ để tránh hiện tại". (Rei 12-1-2019)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page