5 triệu tín hữu Philippines

tham gia cuộc rước kiệu truyền thống

 

5 triệu tín hữu Philippines tham gia cuộc rước kiệu truyền thống.

Ngọc Yến

Manila (Vat. 10-01-2019) - Ngày 09 tháng giêng năm 2019, hơn 5 triệu tín hữu Philippines tham gia một cuộc rước kiệu "Nazareno Nero" truyền thống. Nazareno Nero là một bức tượng Chúa Giêsu Kitô vác Thánh giá có kích thước như người thật.

Chủ đề của buổi rước kiệu năm 2019 là "Các tín hữu Chúa Giêsu Nazareth: những người được chọn để phục vụ Ngài". Ðỉnh cao của chương trình là cuộc rước kiệu truyền thống đi vòng theo các con đường của Manila với bức tượng bằng gỗ màu đen, mô tả Chúa Giêsu vác Thánh giá lên đồi Calvario. Hàng ngàn tín hữu từ khắp các nơi trên đất nước tụ họp về Manila để tham gia lễ hội này.

Bức tượng Nazareno Nero được các nhà truyền giáo dòng Augustino mang từ Mexicô đến Manila trong năm 1607. Người ta cũng tin rằng một phần của bức tượng đã bị cháy đen khi chiếc thuyền mang tượng bị bốc cháy trong một hành trình xuyên Thái Bình Dương từ Mexicô, một thuộc địa của Tây Ban Nha vào thời điểm đó.

Ðức ông Hernando Coronel, Quản đốc của nhà thờ thánh Gioan Tẩy giả thuộc quận Quiapo ở Manila cho biết: "Lễ hội Nazareno Nero xoay quanh lòng sùng kính Ðức Kitô đau khổ, đối với người Philippines tự nhận như chính cuộc sống của họ, một cuộc sống hàng ngày được ghi dấu bởi nghèo đói và khổ đau".

Một đám rước có tượng Chúa Giêsu là trung tâm diễn ra trong khoảng 24 giờ, khởi đi từ Quirino Grandstand, tới Rizal Park, rồi trung tâm Manila, cuối cùng dừng lại tại nhà thờ Nazareno ở Quiapo. Trong dịp này trong nhà thờ có các linh mục ban Bí tích Hòa giải, và các cử hành phục vụ khác.

Trong bài giảng trong thánh lễ được cử hành hôm 09 tháng 01 năm 2019 Ðức hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng Giáo mục Manila nhắc nhở các tín hữu rằng: "Lòng sùng kính Nazareno Nero là tình yêu đối với Chúa Giêsu và đây không phải là sự cuồng tín. Bản chất của lòng sùng kính là tình yêu. Cuồng tín là quy về chính mình. Người sùng kính là người yên mến Chúa Giêsu. Người cuồng tín không yêu Ngài".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page