Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
sẽ đến mừng Ðức Thánh Cha
vào ngày 7 tháng 1 năm 2019
Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sẽ đến mừng Ðức Thánh Cha vào ngày 7 tháng 1 năm 2019.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 5-01-2019) - Lúc 10 giờ 30 sáng thứ hai, 7 tháng 1 năm 2019, các vị Ðại Sứ và đại diện của 183 quốc gia sẽ đến chúc mừng Ðức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp đầu năm mới 2019.
Trong số các trưởng nhiệm sở ngoại giao cạnh Tòa Thánh, có 83 đại sứ thường trú ở Roma và 100 vị khác không thường trú. Cuộc gặp gỡ đầu năm được coi là đặc biệt quan trọng vì nhân dịp này, Ðức Thánh Cha bày tỏ lập trường của Tòa Thánh trước những vấn đề thời sự quốc tế và những vấn đề đang đè nặng trên nhân loại.
Phê bình các "nhân quyền mới"
Ví dụ trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn ngày 8 tháng 1 năm 2018, trong bối cảnh năm 2018 là năm kỷ niệm 70 năm Liên Hiệp Quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Ðức Thánh Cha đã phê bình những nước giàu mạnh áp đặt các "nhân quyền mới" như "quyền phá thai", hôn nhân đồng phái, v.v. cho các nước nghèo. Ngài gọi đó là một hình thức mới "thực dân ý thức hệ". Những điều gọi là "các nhân quyền mới" nhiều khi mâu thuẫn với nhau và không luôn luôn giúp thăng tiến các quan hệ thân hữu giữa các quốc gia.
Ðức Thánh Cha nói: "70 năm sau khi công bố tuyên ngôn nhân quyền ấy, thật là đau lòng mà phải nhận rằng nhiều quyền căn bản ngày nay vẫn còn bị chà đạp. Ðứng đầu là quyền sống, quyền được tự do, sự bất khả xâm phảm của mỗi nhân vị. Không những chiến tranh hoặc bạo lực làm thương tổn các quyền ấy nhưng ngày nay còn có những hình thức tinh vi hơn: trước tiên tôi nghĩ đến các trẻ em vô tội bị gạt bỏ trước khi sinh ra; nhiều khi các em không được người ta muốn chỉ vì các em bị tật hoặc dị hình, hoặc vì sự ích kỷ của người lớn. Tôi nghĩ đến những người già, nhiều khi họ cũng bị gạt bỏ, nhất là nếu họ bệnh tật, bị coi là gánh nặng. Tôi nghĩ đến các phụ nữ, nhiều khi bị bạo hành, nhất là trong gia đình họ. Tôi nghĩ đến bao nhiêu nạn nhân của nạn buôn người, tệ nạn này vi phạm luật cấm mọi hình thức nô lệ. Bao nhiêu người, nhất là để trốn chạy nghèo đói và chiến tranh, đã bị biến thành những món hàng của những kẻ vô lương tâm".
Giải trừ võ trang
Một vấn đề khác cũng đã được Ðức Thánh Cha đề cập đến là những tai hại do nạn võ khí gia tăng gây ra. Ngài nói: "sự lan tràn võ khí chắc chắn là làm cho những tình trạng xung đột trở nên trầm trọng hơn và bao gồm những tốn phí lớn lao về nhân mạng và vật chất, làm tổn hại cho sự phát triển và tìm kiếm hòa bình lâu dài."
Ðức Thánh Cha nhắc lại sự kiện Tòa Thánh đã ký nhận và phê chuẩn Hiệp ước cấm các võ khí hạt nhân, trong viễn tượng đã được thánh Gioan 23 Giáo Hoàng trình bày trong thông điệp "Hòa bình dưới thế" (Pacem in terris), theo đó "công lý, sự khôn ngoan và tình nhân đạo đòi phải ngưng cuộc chạy đua võ trang, đồng thời cùng nhau giảm bớt các võ khí hiện hữu, nghiêm cấm các võ khí hạt nhân".
Di dân và tị nạn
Ðề cập đến vấn đề di dân và tị nạn, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "Ngày nay người ta nói nhiều về những người di dân và các cuộc di cư, nhiều khi chỉ nhắm khơi lên sự sợ hãi cố hữu. Không được quên rằng các cuộc di cư vẫn luôn có trong lịch sử nhân loại. Trong truyền thống Do thái Kitô, lịch sử cứu độ chủ yếu là lịch sử các cuộc di cư. Không được quên rằng tự do di chuyển, cũng như tự do rời bỏ quê hương mình, và trở lại đó, thuộc về những quyền căn bản của con người. Vì thế cần phải ra khỏi những lập luận gần đây về vấn đề di cư, và đi từ nhận xét cốt yếu theo đó, những kẻ đứng trước chúng ta, trước tiên là những con người."
Trong bối cảnh trên đây, dư luận đang chờ đợi xem thứ hai 7 tháng 1 năm 2019, đâu sẽ là những vấn đề lớn được Ðức Thánh Cha lưu ý cộng đồng thế giới qua cuộc kiến kiến các vị đại sứ các nước.