Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh

về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh

 

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh*

Chuyển ngữ: Minh Ðức

Vatican (WHÐ 24-11-2018) - Nhân lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh, Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn đã gửi một Sứ điệp cho các tín đồ đạo Sikh. Chủ đề của Sứ điệp năm 2018 là: "Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế".

Sau đây là nội dung của Sứ điệp:

* * *

Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế

Sứ điệp nhân lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak - 2018

Các bạn Sikh thân mến,

Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn xin gửi đến tất cả các bạn lời chào thân ái và lời chúc tốt đẹp nhân dịp các bạn mừng lễ sinh nhật của Guru Nanak năm nay, 23 tháng Mười Một. Mong sao những lễ hội của các bạn trong dịp lễ này đổi mới và tái củng cố mối quan hệ tương kính và yêu thương trong các gia đình và cộng đồng của các bạn, và nhờ đó cũng gia tăng hạnh phúc, hoà hợp và bình an giữa các bạn!

Theo truyền thống tốt đẹp, chúng tôi chia sẻ với các bạn vài tư tưởng nhân dịp này và ước mong được các bạn quan tâm. Năm nay, chúng tôi suy tư về việc vun đắp và thúc đẩy một nền văn hoá của lòng tử tế, vì một nền văn hoá của thói quy ngã và sự thờ ơ với nhau dường như đang đâm rễ ở khắp nơi. Hơn nữa, có sự gia tăng đáng báo động về số người trong các khu xóm và thành phố của chúng ta cảm thấy không được yêu thương và không được chăm sóc, đó là dấu hiệu của một chỉ số về lòng tử tế ở mức thấp nhất mọi thời đại trên toàn cầu. Vì thế, suy tư của chúng tôi cũng hướng đến việc làm sao chúng ta, cả Kitô hữu lẫn người Sikh, có thể thúc đẩy nền văn hoá của lòng tử tế vì hạnh phúc của mọi người.

'Lòng tử tế', như thường được cảm nghiệm và giải thích, là cử chỉ của một người thể hiện lòng tốt, sự hoà nhã và quan tâm đến người khác. Ðó là thể hiện của việc con người biết cảm thông với người khác và cho người khác. Ðó là chân thành nhìn đến, lắng nghe, ở bên và an ủi người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí chấp nhận rủi ro, vì hạnh phúc của họ. Ðức giáo hoàng Phanxicô thích mô tả điều ấy như "một hoạt động khởi phát từ con tim của chúng ta rồi đi tới đôi mắt, đôi tai và bàn tay" (Bài nói chuyện truyền hình, Hội nghị TED, Vancouver, Canada, ngày 25 tháng Tư 2017).

Chắc chắn rằng nền tảng của 'lòng tử tế' là chính Thiên Chúa, Ðấng 'nhân lành vô hạn'. Tuy nhiên, chúng ta cảm nghiệm được lòng nhân lành, sự chăm sóc và quan phòng của Thiên Chúa vào những lúc chúng ta cần đến, chủ yếu qua phương tiện con người, như thể đó là cách mà Thiên Chúa ưa thích nhất. Vì thế, khi ý thức chính chúng ta đang cần đến lòng nhân lành của Thiên Chúa và lòng tử tế của người khác, cũng như ý thức rằng chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại, ngày nay thế giới chúng ta sẽ phải cần đến điều mà Ðức giáo hoàng gọi là "cuộc cách mạng của lòng tử tế" (Ðức giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, số 88). Ði đầu trong cuộc cách mạng ấy là những cử chỉ chăm sóc thực sự và những hành động cụ thể của lòng thương xót đối với anh chị em chúng ta, nhất là người nghèo, người yếu thế, người bệnh, người già, người khuyết tật di dân, dù họ theo tôn giáo nào. Chúng ta càng thể hiện lòng tử tế trong lời nói và hành động của mình, thì nền văn hoá của lòng tử tế càng lan toả sâu rộng. Lòng tử tế này cũng phải mở rộng đến toàn bộ công trình sáng tạo bởi vì việc chăm sóc trái đất và chăm sóc lẫn nhau đi đôi với nhau; không quan tâm đến thiên nhiên sẽ dẫn đến chỗ không quan tâm đến con người và ngược lại (x. Ðức giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thiên nhiên, 1 tháng Chín 2016, số 1).

Việc đào luyện 'lòng tử tế' rõ ràng phải bắt đầu từ trong chính các gia đình; ở đó con cái noi theo tấm gương của cha mẹ và người lớn để học cách thể hiện tình yêu thương và quan tâm đến người khác, nhất là người yếu đuối và thiếu thốn, phục vụ họ và nâng đỡ họ. Chắc hẳn giáo huấn tôn giáo, giáo dục học đường và các phương tiện truyền thông xã hội, tất cả đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ghi khắc nơi các tín hữu, giới học sinh và những công dân khác lòng vị tha, nhân ái và tôn trọng đối với người khác. Nếu các tín đồ của mọi tôn giáo đều thực hành lối sống ấy, thì chắc chắn thế giới của chúng ta sẽ có hoà bình và hoà hợp hơn. Vì thế, bồi đắp "nền văn hoá của lòng tử tế" có thể là mô hình mới cho cả các hoạt động liên tôn và những thành tựu chung, cũng như cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nhờ việc chia sẻ quan điểm và hành động chung.

Cả hai tôn giáo chúng ta đều tin vào Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau. Khi sống niềm xác tín tôn giáo này và khuyến khích tha nhân cũng sống như vậy, mong sao người Sikh và Kitô hữu chúng ta, cùng với các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác và mọi người thành tâm thiện chí, sẽ làm tất cả những gì có thể, trong sự khiêm tốn và tình liên đới để thúc đẩy 'nền văn hoá của lòng tử tế' vì hạnh phúc của từng người và vì phúc lợi của toàn thế giới đã được tạo dựng!

Một lần nữa xin chúc tất cả các bạn một lễ sinh nhật của Guru Nanak Dev Ji vui tươi và an lành!

Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Thư ký

 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -

* Ðạo Sikh là tôn giáo độc thần do Guru Nanak sáng lập vào thế kỷ XV tại vùng Punjab thuộc Ấn Ðộ và phát triển qua lời dạy của mười vị Guru liên tiếp (Guru thứ mười một và cuối cùng là bộ Kinh thánh Guru Granth Sahib - một sưu tập các bài viết của các Guru cũng như của các nhà thơ và các tôn giáo khác; bộ sưu tập này do vị Guru thứ năm biên soạn lần đầu tiên). Sikh là tôn giáo lớn thứ năm trên thế giới, với khoảng 30 triệu tín đồ. Punjab, Ấn Ðộ, là nơi có đông tín đồ Sikh nhất.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page