Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ II

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ II.

J.B. Ðặng Minh An dịch

Vatican (VietCatholic News 18-11-2018) - Lúc 10h sáng Chúa Nhật 18 tháng 11 năm 2018, tại Ðền Thờ Thánh Phêrô Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ hai với đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Chủ đề của Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ hai là một câu trích từ Thánh Vịnh 33: "Người nghèo này kêu lên, và Chúa lắng nghe họ".

Bài Phúc Âm trong dịp này không phải là bài Phúc Âm của Chúa Nhật thứ 33 nhưng là bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu nói về Ðức Giêsu đi trên mặt nước.

Sau khi thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! "Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! "Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? "Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! "

Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy nhìn vào ba điều Chúa Giêsu làm trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ðầu tiên: trong khi trời vẫn còn sáng, Ngài "bỏ đi". Ngài rời khỏi đám đông lúc đang ở đỉnh cao của sự thành công, đang được ca ngợi vì phép lạ hóa bánh ra nhiều. Mặc dù các môn đệ vẫn còn muốn tận hưởng vinh quang, nhưng Ngài bảo các ông xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng (x. Mt 14: 22-23). Dân chúng tìm kiếm Người, nhưng Người tự mình ra đi. Khi sự phấn khích của đám đông đang dần lắng xuống, Người đi lên núi để cầu nguyện. Sau đó, giữa đêm khuya mịt mùng, Người xuống núi và đến với các môn đệ, đi trên mặt nước biển xô giạt giữa những cơn gió đang thổi qua. Trong tất cả những điều này, Chúa Giêsu đã đi ngược dòng: đầu tiên, ngài để lại thành công sau lưng, và sau đó bỏ lại sự yên bình. Ngài dạy chúng ta lòng can đảm để biết ra đi: biết bỏ lại sau lưng sự thành công đang làm phồng con tim và sự thanh bình đang làm chết dần linh hồn.

Ði đâu? Ði đến với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, và đến với những ai quẫn bách qua tình thương yêu. Những kho báu thực sự trong cuộc sống chúng ta là Thiên Chúa và những người xung quanh chúng ta. Và đây là con đường Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy chọn: hãy đi lên để đến với Thiên Chúa và đi xuống để đến với anh chị em của chúng ta. Ngài kéo chúng ta ra khỏi cảnh thư thái gặm cỏ trong những thảo nguyên thoải mái của cuộc sống, khỏi một cuộc sống an nhàn giữa những thú vui nhỏ nhặt hàng ngày. Các môn đệ của Người không nhắm đến sự thanh nhàn vô tư của một cuộc sống bình thường. Giống như Chúa của họ, họ phải sống lang thang trên đường, du hành với chút hành lý nhẹ nhàng, sẵn sàng bỏ lại sau lưng những vinh quang, cẩn thận không để mình dính bén đến của cải chóng qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của họ ở nơi khác, và rằng thậm chí ngay bây giờ - như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai - họ là "người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa" (x Êphêsô 2:19), cho dù họ từng là những người tứ phương thiên hạ. Chúng ta không sống để tích lũy; vinh quang của chúng ta hệ tại ở chỗ biết bỏ lại sau lưng những điều qua đi để giữ cho chắc những gì tồn tại. Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho chúng ta nên giống như Hội Thánh đã được mô tả trong bài đọc thứ nhất: đó là luôn luôn di chuyển, sẵn sàng từ bỏ và trung tín trong việc phục vụ (xem Cv 28: 11-14). Lạy Chúa, hãy khuấy động chúng con khỏi sự nhàn rỗi êm đềm, khỏi sự yên tĩnh lặng lẽ của những bến cảng an toàn. Xin giải thoát chúng con khỏi những chiếc neo của sự hấp thụ chính mình đang ghì chặt cuộc sống chúng con xuống; xin giải thoát chúng con khỏi việc không ngừng tìm kiếm thành công. Xin hãy dạy chúng con biết cách "ra đi" để cất bước trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng con thấy: đó là đến với Chúa và đến với người xung quanh chúng con.

Ðiều thứ hai: giữa đêm đen, Chúa Giêsu trấn an. Ngài đến với các môn đệ của mình, trong bóng tối, "bước đi trên biển" (câu 25). "Biển" trong trường hợp này thực sự chỉ là một hồ nước lớn, nhưng ý tưởng về "biển", với độ sâu âm u của nó, gợi lên các lực lượng của sự ác. Chúa Giêsu, trên thực tế, đang đến gặp các môn đệ của mình bằng cách chà đạp lên những kẻ thù hung hiểm của loài người. Và đây là ý nghĩa của dấu chỉ này: đó không phải là một màn biểu dương sức mạnh chiến thắng, nhưng là một mặc khải về sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu mới chiến thắng được những kẻ thù lớn nhất của chúng ta là ma quỷ, tội lỗi, sự chết và nỗi sợ. Hôm nay, Ngài phán cùng chúng ta: "Yên tâm, Thầy đây mà; đừng sợ" (câu 27).

Con thuyền cuộc sống của chúng ta thường bị bão táp phong ba vùi dập. Ngay cả giữa lúc sóng yên bể lặng, phong ba cũng nhanh chóng bùng lên khuấy động. Khi chúng ta bị cuốn vào những cơn bão đó, chúng dường như là vấn đề duy nhất của chúng ta. Nhưng vấn đề không phải là cơn bão tạm thời này, mà là cách chúng ta đang chèo chống trong cuộc sống. Bí quyết chèo chống tốt nhất là mời Chúa Giêsu cùng lên thuyền. Bánh lái của cuộc sống phải được giao phó cho Người, để Người có thể lèo lái lộ trình. Chỉ một mình Ngài mới có thể trao ban sự sống trong cái chết, và mang lại hy vọng trong khổ đau; Chỉ một mình Người mới có thể chữa lành trái tim của chúng ta bằng sự tha thứ của Người và giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi bằng cách cấy trong ta sự tự tin. Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Giống như các môn đệ khi xưa, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Người lên tàu, gió sẽ lặng dần (x. câu 32) và không còn có chuyện đắm thuyền. Chỉ với Chúa Giêsu chúng ta mới có khả năng đưa ra sự bảo đảm. Chúng ta cần biết là ngần nào những người có thể an ủi người khác không phải với những lời trống rỗng, nhưng với những lời có sức sống. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể đem lại niềm ủi an thực sự. Ðó không phải là những lời khích lệ trống rỗng, nhưng sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại sức mạnh. Lạy Chúa, xin hãy trấn an chúng con, khi được Chúa an ủi, chúng con sẽ có thể mang lại niềm ủi an thực sự cho người khác.

Ðiều thứ ba Chúa Giêsu làm là, ở giữa cơn bão, Người giơ tay ra (xem câu 31). Ngài nắm lấy tay Phêrô, là người trong nỗi sợ hãi và nghi ngờ của mình, đang chìm xuống, và kêu lên: "Lạy Chúa, xin cứu con!" (Câu 30). Chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của Phêrô: chúng ta là những người hèn tin, đang cầu xin ơn cứu rỗi. Chúng ta đang mong muốn cuộc sống thực và chúng ta đang cần đến bàn tay chìa ra của Chúa để kéo chúng ta ra khỏi sự dữ. Ðây là sự khởi đầu của đức tin: đó là loại bỏ niềm tự hào làm cho chúng ta cảm thấy tự mãn, để chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang cần ơn cứu rỗi. Ðức tin phát triển trong bầu khí này, trong đó chúng ta thích ứng bằng cách chọn cho mình một vị trí bên cạnh những người không đặt mình trên bệ cao nhưng là những người thiếu thốn và đang kêu đòi được giúp đỡ. Ðây là lý do tại sao điều quan trọng là tất cả chúng ta phải sống đức tin của mình khi tiếp xúc với những người quẫn bách. Ðây không phải là một lựa chọn xã hội học; nhưng là một yêu cầu thần học. Nó đòi hỏi phải thừa nhận rằng chúng ta là những người ăn mày cầu xin ơn cứu rỗi, là anh chị em của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là anh chị em của những người nghèo mà Chúa yêu mến. Như thế, chúng ta mới nắm được tinh thần của Tin Mừng. "Tinh thần khó nghèo và yêu mến, theo Công Ðồng, thực ra là vinh quang và chứng tá của Giáo Hội Chúa Kitô" (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 88).

Chúa Giêsu đã nghe tiếng kêu của Phêrô. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết lắng nghe tiếng kêu của tất cả những người bị xô giạt bởi những con sóng của cuộc đời. Ðó là tiếng kêu của người nghèo, đó là tiếng kêu bị bóp nghẹt của đứa trẻ chưa chào đời, của những đứa trẻ chết đói, của những người trẻ tuổi được sử dụng để nổ bom hơn là tiếng la hét vui vẻ trong sân chơi. Ðó là tiếng kêu của người già, bị lãng quên và bỏ rơi một mình. Ðó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn bão của cuộc sống mà không có sự hiện diện của bằng hữu. Ðó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải chạy trốn khỏi mái nhà và quê hương cho một tương lai bất định. Ðó là tiếng kêu của toàn bộ những dân tộc, bị tước đoạt ngay cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời của họ. Ðó là tiếng kêu của tất cả những Lagiarô, những người đang khóc lóc trong khi một thiểu số giàu có đang chè chén những thứ, công bằng mà nói, thuộc về tất cả mọi người. Bất công là gốc rễ dai dẳng của nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo hàng ngày trở nên mạnh mẽ hơn nhưng lại được lắng nghe ít hơn, vì bị chìm lỉm giữa những tiếng hò reo của thiểu số những kẻ giàu có. Những người giàu ngày càng ít đi, nhưng những kẻ giàu thì giàu có hơn bao giờ.

Khi đối diện với sự khinh thường phẩm giá con người, chúng ta thường vẫn khoanh tay đứng nhìn hoặc dang rộng hai tay như một dấu chỉ thất vọng trước sức mạnh ác nghiệt của tà ác. Tuy nhiên, các Kitô hữu chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn trong sự thờ ơ, hoặc dang rộng hai tay trong sự bất lực. Không. Là các tín hữu, chúng ta phải chìa tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo được Chúa lắng nghe, nhưng liệu tiếng kêu ấy có được chúng ta đáp lại không? Liệu chúng ta có mắt để nhìn, có tai để nghe, có đôi tay để chìa ra giúp đỡ không? "Chính Chúa Kitô đang mời gọi lòng bác ái của các môn đệ Ngài nơi bản thân những người nghèo" (Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng, thượng dẫn). Ngài yêu cầu chúng ta nhận ra Ngài nơi tất cả những người đói khát, nơi những người xa lạ và nơi những ai bị tước phẩm giá, nơi những bệnh nhân và nơi những tù nhân (x. Mt 25: 35-36).

Chúa chìa tay ra, một cách nhưng không và không phải vì bổn phận phải làm. Và do đó, chúng ta cũng phải như thế. Chúng ta không được mời gọi để chỉ tử tế với những ai thích chúng ta. Ðiều đó là bình thường, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải làm điều gì đó nhiều hơn thế nữa (x. Mt 5:46): hãy trao ban cho những ai không có gì để hồi đáp, hãy yêu thương một cách nhưng không (x. Lc 6: 32-36). Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống chính mình. Tất cả những gì chúng ta làm, liệu chúng ta có bao giờ làm bất cứ điều gì hoàn toàn nhưng không, những gì làm cho một người nào đó không có khả năng hồi đáp chúng ta hay không? Ðó sẽ là bàn tay dang rộng của chúng ta, là kho tàng đích thật của chúng ta trên thiên đàng.

Lạy Chúa, xin chìa tay Chúa ra cho chúng con và nắm lấy chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu như Chúa yêu. Xin hãy dạy chúng con biết bỏ lại đằng sau tất cả những gì đang qua đi, biết là một nguồn trấn an cho những người xung quanh chúng con, và biết trao ban nhưng không cho tất cả những người quẫn bách. Amen.

(Source:Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica 33th Sunday of Ordinary Time, 18 November 2018)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page