Bài giảng của Ðức Thánh Cha
trong thánh lễ cầu cho các Hồng Y
và Giám Mục qua đời trong năm qua
Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ cầu cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm qua trong đó có các Ðức Cha Mai Thanh Lương và Bùi Văn Ðọc.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 03-11-2018) -Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Bẩy 3 tháng 11 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Ðền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 8 Hồng Y, 1 Thượng Phụ và 154 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.
Trong số các vị có hai Ðức Cha Việt Nam là Ðức Cha Ða Minh Mai Thanh Lương, nguyên Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, California qua đời ngày 6 tháng 12 năm 2017; và Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc, Tổng Giám Mục Sàigòn qua đời tại Rôma ngày 6 tháng Ba năm 2018.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Ðức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Ðức Tổng Giám Mục Bùi Văn Ðọc hồi tháng Ba vừa qua.
Bài Phúc Âm trong thánh lễ trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu (25:1-13), trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.
Giảng trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói:
Dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay kể với chúng ta về các cô phù dâu, tất cả là mười cô, "ra đi đón chàng rể" (Mt 25: 1). Ðối với tất cả chúng ta, cuộc sống là một lời mời gọi ra đi liên tục: ra đi từ bụng mẹ, từ ngôi nhà nơi chúng ta được sinh ra, từ thời thơ ấu đến tuổi trẻ, từ tuổi thanh niên đến tuổi trưởng thành, suốt cuộc đời cho đến khi chúng ta từ giã thế giới này. Ðối với các thừa tác viên Tin Mừng cũng thế, cuộc sống luôn chuyển động liên tục, từ khi chúng ta ra đi khỏi mái ấm gia đình để đến bất cứ nơi nào Giáo Hội sai chúng ta đến, từ sứ vụ đa dạng này đến công tác khác. Chúng ta luôn luôn di chuyển, cho đến khi chúng ta thực hiện hành trình cuối cùng của đời mình.
Ðời là một sự cố gắng không ngừng, và Tin Mừng chỉ chúng ta thấy ý nghĩa của sự cố gắng ấy: đó là ra đi để gặp gỡ Chàng Rể. Theo Tin Mừng, cuộc đời chúng ta có nghĩa là sống để chờ đợi lời hô vang lên trong đêm, và chúng ta sẽ nghe thấy điều này vào giờ chết của chúng ta: "Chàng Rể kia rồi, ra đón đi!" (Câu 6). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Chàng Rể "yêu mến và tự hiến mình cho Giáo Hội" (Eph 5:25), mang lại ý nghĩa và phương hướng cho cuộc sống của chúng ta. Ðó là tất cả, không gì khác hơn. Ðó là đích điểm cuối cùng chiếu sáng mọi thứ trước đó. Cũng như việc gieo hạt được đánh giá bởi thu hoạch, hành trình cuộc sống được định hình bởi mục tiêu chung cuộc của nó.
Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình để gặp gỡ Chàng Rể, thì cuộc đời chúng ta cũng là thời gian chúng ta được ban cho để lớn lên trong tình yêu. Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta là một sự chuẩn bị cho tiệc cưới, một khoảng thời gian tuyệt vời của giao ước hôn nhân. Chúng ta hãy tự hỏi: Liệu tôi có sống như một người chuẩn bị gặp gỡ Chàng Rể không? Trong sứ vụ, giữa tất cả các cuộc hội họp, những hoạt động và thủ tục giấy tờ của chúng ta, chúng ta đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn hướng về một sợi chỉ xuyên suốt giữ chặt toàn bộ tấm vải với nhau: đó là sự trông đợi Chàng Rể của chúng ta. Trung tâm của tất cả mọi thứ chỉ có thể là một con tim trong tình yêu với Chúa. Chỉ như thế, cơ thể hữu hình của sứ vụ chúng ta mới được duy trì bởi một linh hồn vô hình. Ở đây chúng ta bắt đầu nhận ra điều mà Tông Ðồ Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hai: "Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn." (2 Cor 4:18). Chúng ta đừng dán mắt vào những chuyện thế gian, nhưng hãy nhìn xa hơn những điều ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật chính xác khi bảo cho chúng ta biết rằng những điều thực sự quan trọng là những thực tại vô hình đối với đôi mắt chúng ta. Ðiều thực sự quan trọng trong cuộc sống là nghe tiếng nói của Chàng Rể. Giọng nói đó yêu cầu chúng ta hàng ngày phải bắt gặp Chúa đến và làm cho mọi hoạt động của chúng ta trở thành một phương tiện chuẩn bị cho tiệc cưới với Ngài.
Chúng ta được nhắc nhở về điều này khi Phúc Âm nói về điều thiết yếu đối với các cô phù dâu đang đợi tiệc cưới. Ðó không phải là áo choàng, hoặc đèn đuốc của họ, nhưng là dầu được giữ trong các lọ nhỏ.
Ở đây chúng ta thấy một tính năng đầu tiên của dầu: nó không gây ấn tượng. Nó không hào nhoáng, nhưng không có nó thì không có ánh sáng. Ðiều này gợi ý cho chúng ta điều gì? Ðó là trong mắt Chúa, điều quan trọng không phải là vẻ bề ngoài mà là tâm hồn (x. 1 Samuen 16: 7). Tất cả mọi thứ mà thế giới chạy theo và sau đó khoe mẽ - danh dự, quyền lực, vẻ bề ngoài, vinh quang - qua đi và không để lại chút gì phía sau. Ðừng dính bén đến vẻ bề ngoài của thế gian. Ðó là điều thiết yếu để chúng ta chuẩn bị cho thiên đàng. Chúng ta cần phải nói không với "văn hóa mỹ phẩm" đang bảo chúng ta phải lo lắng vẻ bề ngoài của chúng ta. Thay vì chú tâm đến diện mạo bên ngoài sẽ qua đi của mình, chúng ta nên thanh tẩy và gìn giữ tâm hồn mình, nội tâm của chính mình, là điều quý giá trong mắt Thiên Chúa.
Cùng với tính năng đầu tiên này - không hào nhoáng nhưng cần thiết - còn có một khía cạnh khác của dầu: nó tồn tại để được tiêu thụ. Chỉ khi nó bị đốt cháy nó mới lan tỏa ánh sáng. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy: chúng chỉ tỏa sáng khi được tiêu thụ, khi đốt cháy chính mình trong phục vụ. Bí quyết sống là sống để phục vụ. Sự phục vụ là vé được trình ra tại cửa của tiệc cưới vĩnh cửu. Những gì còn lại của cuộc đời, ngay ngưỡng cửa đời đời, không phải là những gì chúng ta thủ đắc được mà là những gì chúng ta đã cho đi (x. Mt 6: 19-21; 1 Cor 13: 8). Ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy nơi lời đáp trả của chúng ta đối với lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa. Và lời đáp trả đó được hình thành từ tình yêu đích thực, tự hiến và phục vụ. Phục vụ người khác có cái giá của nó, vì nó liên quan đến việc làm tiêu hao chính mình, và để cho bản thân mình được tiêu thụ. Trong sứ vụ của chúng ta, những ai không sống để phục vụ thì không đáng sống. Những người giữ quá chặt mạng sống mình thì sẽ mất.
Một tính năng thứ ba của dầu được trình bày rõ ràng trong Tin Mừng: nó phải được chuẩn bị. Dầu phải được lưu trữ trước và phải mang theo bên mình (x. câu 4, 7). Tình yêu chắc chắn là tự phát, nhưng nó không phải là ngẫu hứng. Chính vì thiếu chuẩn bị nên các cô phù dâu bị loại ra khỏi tiệc cưới đã cho thấy sự ngu xuẩn của họ. Bây giờ là lúc chuẩn bị: ở đây và bây giờ, từng ngày, tình yêu phải được lưu trữ và nuôi dưỡng. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết canh tân hàng ngày tình yêu đầu tiên của chúng ta với Chúa (x. Khải huyền 2: 4), nếu không ngọn lửa của tình yêu sẽ lụi tàn. Thật là một cám dỗ lớn lao khi chúng ta chìm đắm trong một cuộc sống không có tình yêu, mà kết cục giống như một chiếc bình rỗng, một ngọn đèn đã tắt ngấm. Nếu chúng ta không đầu tư vào tình yêu, cuộc đời sẽ bóp nghẹt nó. Những ai được mời dự tiệc cưới của Thiên Chúa không thể hài lòng với cuộc sống thụ động, bình lặng và nhàn nhã lê bước thiếu nhiệt tình, tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen và theo đuổi những tưởng thưởng thoáng qua. Một cuộc sống nhàn hạ và bình thản, hài lòng với việc thực hiện nhiệm vụ của mình mà không tự hiến, không xứng đáng với Chàng Rể.
Khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua, chúng ta hãy khẩn khoản xin lời chuyển cầu của tất cả những người đã sống cuộc sống khiêm nhường, hân hoan chuẩn bị hàng ngày để gặp Chúa. Theo gương của những chứng nhân này, những người tán tụng ngợi khen Thiên Chúa đông đảo xung quanh chúng ta, ngày hôm nay chúng ta đừng hài lòng với cái nhìn thoáng qua và không còn gì khác. Thay vào đó, chúng ta hãy ao ước biết nhìn xa hơn về phía trước, đến tiệc cưới đang chờ đợi chúng ta. Một cuộc sống cháy bỏng với ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa và được huấn luyện bởi tình yêu sẽ chuẩn bị cho chúng ta bước vào phòng tiệc cưới với Chàng Rể, mãi mãi.
Trong phần lời nguyện giáo dân, Ðức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện như sau:
Anh chị em thân mến, xin cho lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu, đang cầu xin hòa bình và ơn cứu độ cho người sống và kẻ chết, liên tục được dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa là nguyên ủy của ân sủng và lòng thương xót.
Lạy Cha Chí Thánh, xin giữ gìn Ðức Thánh Cha Phanxicô, tất cả các giám mục và linh mục trong tình con thảo với Cha và gìn giữ các ngài trong sự trung tín với sứ vụ đã được giao phó cho các ngài.
Lạy Cha là nguồn mạch mọi điều thiện hảo, xin chào đón vào vòng tay yêu thương của Cha các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm nay và ân thưởng cho các ngài phần thưởng dành riêng cho những tôi tớ trung tín của Cha.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin Cha chúc phúc cho công việc rao giảng Tin Mừng của tất cả những nhà truyền giáo, để đức tin chân thật có thể lan rộng khắp thế giới.
Lạy Cha là chủ tể của tất cả lòng xót thương, xin ưu ái nhìn đến những ai đang hấp hối và cho họ có thể giã từ thế gian này trong an bình.
Lạy Cha toàn năng, xin thức tỉnh trong tất cả những ai đã chịu phép Rửa ước muốn nên thánh và sức mạnh để chu toàn thánh ý Cha mỗi ngày trong đời họ.
Sau các ý chỉ này, Ðức Thánh Cha dâng lời nguyện sau:
Chúng con chúc tụng Cha là Chúa tể trời đất, vì Cha đã nghe những lời cầu nguyện của Giáo Hội của Cha và cho những anh em đã qua đời của chúng con được tận hưởng trọn vẹn ánh sáng và bình an. Nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
(Source: Copyright - Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS FOR THE REPOSE OF THE SOULS OF THE CARDINALS AND BISHOPS WHO DIED OVER THE COURSE OF THE YEAR HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica, Altar of the Chair of Saint Peter Saturday, 3 November 2018)