Thượng Hội Ðồng về người trẻ:

Thầy Alois của Cộng Ðồng Taizé góp ý:

"Ðáp ứng cơn khát thiêng liêng của người trẻ

và việc họ tìm kiếm hiệp thông"

 

Thượng Hội Ðồng về người trẻ: Thầy Alois của Cộng Ðồng Taizé góp ý: "Ðáp ứng cơn khát thiêng liêng của người trẻ và việc họ tìm kiếm hiệp thông".

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 12-10-2018) - Từ ngày 3 tháng Mười năm 2018, Thượng Hội Ðồng giám mục hội họp tại Rôma, với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục khắp thế giới, các chuyên viên, người trẻ, và các đại biểu anh em của các Giáo Hội khác nhau, quanh chủ đề "Người trẻ đức tin và biện phân ơn gọi". Thầy Alois, bề trên cộng đồng Taizé, đã tham dự tất cả các phiên họp trong tư cách "khách mời đặc biệt".

Sau đây là lời góp ý của Thầy tại một trong các tiểu nhóm nói tiếng Pháp:

Trong Ðiều 68 và 69 của Tài Liệu Làm Việc, người ta thấy lời bày tỏ ước muốn có một Giáo hội "có tính tương quan nhiều hơn", có khả năng "chào đón mà không phán xét trước", một Giáo hội "bạn bè và gần gũi".

Với các anh em của mình, chúng tôi thường ngạc nhiên khi nghe người trẻ mà chúng tôi tiếp đón ở Taizé nói rằng họ cảm thấy "như ở nhà" và chúng tôi tự hỏi tại sao. Có thể là, để thực sự là chính mình, họ cần phải cảm thấy hữu dụng, thấy tính sáng tạo của họ được khuyến khích, được nhận lãnh trách nhiệm.

Lúc đó, cơn khát thiêng liêng của họ thức tỉnh và điều quan trọng là phải kiên nhẫn bước đi cùng với họ, tới những nguồn của đức tin. Họ biết rằng họ được chào đón bởi một cộng đồng, trước nhất trong lời cầu nguyện chung, nơi mọi người tham gia tích cực, bằng cách ca hát, lắng nghe một bài đọc kinh thánh ngắn gọn, một lúc im lặng kéo dài. Và thường thường, nhờ thế, họ làm sâu sắc mối liên hệ bản thân với Chúa Kitô.

Chúng tôi lưu ý để các dấu hiệu phụng vụ tránh chủ nghĩa hình thức, nhưng phải đẹp và đơn giản. Thí dụ, chúng tôi được thấy mỗi tối thứ Sáu, người trẻ tham gia một cách sâu xa xiết bao một buổi cầu nguyện quanh cây thánh giá, để trút lên Chúa Kitô những gì đang quá nặng đối với họ.

Chúng tôi tự nhủ: như Chúa Kitô, chúng ta hãy dùng tấm lòng lắng nghe họ, bằng cách nhắc nhở mình rằng Người vẫn đang hành động trong đời họ - và chúng ta hãy tôn trọng cung thánh lương tâm của họ. Những người lắng nghe phải được đồng hành với. Trong Giáo hội, đang thiếu các người đồng hành: liệu một thừa tác vụ lắng nghe có thể được giao phó, không những cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, mà còn cho người giáo dân, đàn ông và đàn bà, hay không?

Ở Taizé, người trẻ cũng khám phá thấy rằng Giáo Hội là sự hiệp thông. Không tạo ra một phong trào có tổ chức, chúng tôi luôn luôn gửi các người trẻ trở lại các giáo xứ và các nơi họ sống. Rất nhiều người trong số họ muốn cùng cầu nguyện với những người trẻ thuộc các tín phái khác nhau. Họ hiểu, có thể một cách mặc nhiên, lời kêu gọi của Chúa Kitô muốn chúng ta mau mau hòa giải.

Gần đây, chúng tôi đã thực hiện một trải nghiệm hiệp thông như vậy nhân một cuộc gặp gỡ các người trẻ châu Á ở Hồng Kông, một giai đoạn trong cuộc hành hương tín thác của chúng tôi. Trong số những người tham gia trẻ, 700 người đến từ Trung Hoa lục địa - đó là niềm vui của Chúa Thánh Thần.

Tôi còn muốn đưa ra một đề nghị cụ thể. Thông thường, từ vựng và cách nói là những trở ngại ngăn cản số đông người trẻ lắng nghe những gì Giáo Hội nói. Há tài liệu cuối cùng lại không thể được kèm theo một bức thư ngắn, được soạn thảo bằng một văn phong đơn giản, ngỏ với người trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa cho đời họ hay sao?

Tôi muốn tóm tắt những gì tôi vừa nói với lời lẽ của Thầy Roger, người sáng lập ra cộng đồng của chúng tôi: "Khi lắng nghe, chữa lành, hòa giải, Giáo Hội trở thành những gì Giáo Hội vốn là đối với người hiểu biết nhất về Giáo Hội, tức, một hiệp thông tình yêu, cảm thương, an ủi, một sự phản ánh trong vắt của Chúa Kitô phục sinh. Không bao giờ xa cách, không bao giờ ở thế phòng thủ, thoát khỏi mọi nghiêm khắc, Giáo Hội có thể tỏa sáng sự tin tưởng khiêm tốn của đức tin vào tận trái tim con người chúng ta".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page