7 bài giáo lý trực tuyến về gia đình

chuẩn bị cho Ðại hội các Gia đình Thế giới 2018

 

7 bài giáo lý trực tuyến về gia đình chuẩn bị cho Ðại hội các Gia đình Thế giới 2018.

Tạ Ân Phúc

Dublin (WHÐ 17-09-2018) - Các bài giáo lý trực tuyến về gia đình sẽ được phát hành trên internet nhằm chuẩn bị cho Ðại hội các Gia đình Thế giới lần thứ 9, sẽ được tổ chức tại Dublin, Ireland, từ ngày 21 đến 26 tháng Tám năm 2018.

Sáng kiến này của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã được trình bày trong buổi họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican hôm 25 tháng Giêng năm 2018.

7 bài giáo giáo lý

Ðức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng của Bộ này khẳng định rằng các bài giáo lý sẽ được đưa trên trang web www.laityfamilylife.va từ ngày 2 tháng Hai năm 2018. Các đoạn video và các bài hát sẽ được đính kèm với 7 bài giáo lý "đơn giản và thú vị" được xây dựng xung quanh các bài đọc Tin Mừng về việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Ðền Thờ (Luca 2, 41-52), và Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Amoris Laetitia).

Các chủ đề sau đây sẽ được đề cập:

1. Một cái nhìn cụ thể về các gia đình ngày nay;

2. Lời của Thiên Chúa soi sáng cho đời sống của các gia đình;

3. Ý định của Thiên Chúa dành cho mỗi gia đình;

4. Những yếu đuối và điểm yếu;

5. Văn hoá sự sống;

6. Văn hoá hy vọng;

7. Văn hoá niềm vui.

Mỗi bài giáo lý được mở đầu bằng một lời cầu nguyện và kết thúc bằng các câu hỏi.

Từ nay đến ngày diễn ra đại hội còn 7 tháng, Ðức Hồng Y Kevin Farrell cho biết ngài hy vọng rằng 7 bài giáo lý này sẽ là một nguồn đối thoại và thảo luận. "Tôi hy vọng rằng các cặp vợ chồng, những nhóm bạn và các nhóm tuổi sẽ cùng nhau thảo luận về các bài giáo lý này; Tôi hy vọng sau đó trong các giáo xứ sẽ sử dụng chúng như là một phương pháp để tạo ra một cuộc thảo luận giữa mọi người và tôi cũng hy vọng các giáo phận và các giám mục sử dụng chúng".

Một "hành trình âm nhạc" cũng được đề xuất, đặc biệt là với ca sĩ Andrea Bocelli người Ý, được ghi âm tại các nhà hát lớn của châu Âu (Nhà thờ Thánh Gia của Barcelona, Thánh đường Gioan Phaolô II ở Krakow, Ba Lan và Nhà thờ Thánh Stephanô ở Budapest).

Hôn nhân

Ðức Hồng y Farrell lưu ý rằng mục đích cụ thể của Ðại hội Gia đình là "dạy những Giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân, chúng ta sẽ không bào chữa cho những gì chúng ta tin... điều đó không có nghĩa là chúng ta không nhìn nhận rằng có những cách khác để hiểu về hôn nhân nhưng chúng ta đang nói về cách mà chúng ta hiểu về hôn nhân".

Ðại hội năm nay sẽ có 3 ngày hội nghị với chủ đề: "Tin mừng của Gia đình: Niềm vui cho Thế giới". Ðức Hồng y nói rằng những ngày Ðại hội ở Dublin cũng sẽ bao gồm một Hội thảo về bảo vệ trẻ em với Ðức Hồng y Sean Patrick O'Malley, Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên.

Ðức Hồng y Farrell bày tỏ hy vọng rằng truyền thống mạnh mẽ của đời sống gia đình ở Ailen sẽ là một mẫu gương "và trở nên lan truyền" cho phần còn lại của thế giới qua Ðại hội này. Ðại hội Gia đình sẽ tái khẳng định rằng "Ðúng! Gia đình vẫn là Tin mừng cho ngày nay".

 

Bảy Bài Giáo Lý của Ðại Hội Gia Ðình Thế Giới 2018:

 

Bài 2. Gia Ðình Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

"Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua" (Luca 2, 41).

Lạy Ðức Mẹ, xin đến giúp lòng tin của chúng con!

Xin mở tai chúng con lắng nghe Lời,

để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và lời Ngài kêu gọi.

Xin khơi dậy trong chúng con ước muốn bước theo chân Chúa,

nhờ đi ra khỏi vùng đất của mình và đón nhận lời Ngài hứa.

Xin giúp chúng con để cho tình yêu Chúa chạm đến chúng con,

hầu chúng con có thể chạm đến Người nhờ lòng tin.

Xin giúp chúng con hoàn toàn trông cậy vào Ngài, tin vào tình yêu của Ngài,

nhất là trong những lúc gian nan, khi vác thập giá,

khi lòng tin của chúng con được kêu gọi trưởng thành.

Xin Mẹ gieo vào lòng chúng con niềm vui của Ðấng Phục Sinh.

Xin nhắc chúng con nhớ rằng ai tin, sẽ chẳng bao giờ cô đơn.

Xin dạy chúng con biết nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu,

để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi.

Và ước gì ánh sáng đức tin này luôn lớn mãi trong chúng con

cho đến khi ngày không lụi tàn ấy đến,

chính là Ðức Kitô, Con Mẹ, Chúa chúng con.Amen

(Ðức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng Ðức tin 29.6.2013)

Bức ảnh thánh làm nền cho các bài giáo lý này cho chúng ta thấy ngay bề dầy đức tin của Thánh Gia Nadarét. Như có thể đọc trong Tin Mừng theo Thánh Luca, hàng năm, đúng vào lễ Vượt Qua, Thánh Giuse và Mẹ Maria với Chúa Giêsu lên Ðền Thờ Giêrusalem để cùng nhau chu toàn hành động đức tin của mình. Chúng ta chứng kiến một gia đình gồm mọi thành viên, là cha, mẹ và con, cùng nhau thực hiện một chuyến đi xa, với đủ thứ bất tiện và bất ưng của thời đại, (quả thật như thế, vì trên đường về, Chúa Giêsu bị thất lạc), để họp mừng tạ ơn Thiên Chúa về biến cố Vượt Qua : Thiên Chúa đã giải phóng dân Israen ra khỏi ách nô lệ Ai cập.

Khi tưởng niệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Gia thất đã làm cho Thiên Chúa sống động trong hiện tại, nhắm đến một tương lai trong đó Thiên Chúa trung tín sẽ hoàn tất mỹ mãn Lời hứa của Ngài.

Cuộc hành hương của Thánh Gia thất không chỉ là một việc làm đạo đức và tôn giáo đơn thuần theo truyền thống dân tộc. Chắc chắn đây không phải là điều mới mẻ khi mọi thành viên của gia đình có mặt đầy đủ để tham dự những ngày lễ tôn giáo vốn lôi cuốn sự chú ý của toàn thể các cộng đồng, giống như dịp lễ bổn mạng hay những hoạt động tôn giáo đặc thù của một số nền văn hóa, hay các thời điểm quan trọng trong năm phụng vụ, nhất là lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh. Việc cử hành được Thánh Gia thất thực hiện không chỉ là việc làm truyền thống, nhưng là một điều cho thấy một "hậu cảnh" quan trọng mà chúng ta có thể biết qua các bài tường thuật của Tin Mừng trước đó. Ðức Maria cũng như thánh Giuse, cả hai được Lời Chúa từ trời cao kêu gọi, cách bất ngờ và đáng kinh ngạc, và các ngài đã đáp lại bằng niềm tin.

Khi đọc lướt bài tường thuật liên quan đên Ðức Maria theo Tin Mừng thánh Luca, và bài tường thuật liên quan đến thánh Giuse theo Tin mừng thánh Matthêu, người ta không luôn thấy được niềm tin gắn bó hoàn toàn vào dự phóng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta thường xem việc sứ thần hiện ra với Ðức Maria, trong ngôi nhà Nadarét, và với thánh Giuse trong giấc mộng, như là điều phải có và đương nhiên, nghĩ rằng việc các ngài ưng thuận là chuyện bình thường. Thật ra, hai câu chuyện của Tin mừng muốn truyền đạt một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và lời kêu gọi tiếp theo được bao trùm trong một mầu nhiệm thật sâu thẳm không lời nào diễn tả được.

Thánh Luca không thật sự nói đến "việc hiện ra", nhưng dùng từ ngữ " đi vào nhà bà " (Lc 1,28), trong khi Thánh Matthêu, tuy viết là " một sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông " (Mt 1,20) cho thấy một cuộc thần hiện không hiển nhiên như với Ðức Maria, bởi vì xảy ra trong giấc mộng. Sứ điệp chính hai thánh sử nêu lên không phải là chuyện người ta gọi là "thần hiện", nhưng là Lời Thiên Chúa chất vấn lòng Ðức Maria và thánh Giuse, để các ngài đáp lời cách trọn vẹn, là điều sẽ đánh dấu trọn cuộc đời các ngài. Ðây là Lời truyền đạt, báo cho hai ngài biết về những biến cố mới, lạ thường và bất ngờ, song chủ yếu Lời ấy muốn tạo nên một tương quan với con người được chất vấn. Thiên Chúa chuyển đến cho cả hai cùng một Lời:"Ðừng sợ!" (Lc 1, 30; Mt 1, 20).

Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia soi sáng cho chúng ta điều này: " Lời Chúa không được mạc khải như một chuỗi luận đề trừu tượng, mà như một người bạn đồng hành an ủi ngay cả các gia đình đang gặp khủng hoảng hay đang trải qua đau khổ nào đó, và chỉ cho thấy đích đến của cuộc hành trình, khi Thiên Chúa "sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa". (Kh 21,4) (AL 22).

Nếu Mẹ Maria và thánh Giuse hàng năm lên Ðền thờ Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, lòng sẵn sàng đón nhận những hy sinh và bất ưng thường xảy ra trong những hành trình như thế thời bấy giờ, và cùng mang theo mình Chúa Giêsu, đó là vì các ngài tiếp tục trải nghiệm Lời Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Toàn bộ lịch sử cuộc đời các ngài là một tấm vải được dệt nên bởi cùng một sợi chỉ là Lời Chúa. Chính Lời đã dẫn đưa các ngài sinh hạ Hài Nhi ở hang Bêlem, hoàn thành lời Thánh kinh được ngôn sứ Mikê báo trước: "Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israen dân Ta sẽ ra đời." (Mt 2,6). Cũng chính Lời này mời gọi các ngài trốn sang Ai cập để cứu hài nhi khỏi tay vua Hêrôđê (Mt 2, 13); lại cũng là Lời đã làm cho các ngài trở về đất Israen khi vua Hêrôđê băng hà. (Mt 2, 19-23). Thánh Gia thất, qua các thăng trầm trong đời sống, dạy cho mọi người chúng ta biết rằng Lời Thiên Chúa không nhằm truyền đạt những chân lý tôn giáo, một bài giáo lý hay một giáo huấn gồm những qui tắc đạo đức phải thực hành. Lời Chúa là một tương quan sống động và sâu xa với Thiên Chúa, là Ðấng trở thành lịch sử trong đời sống của từng gia đình. Vì thế gia đình thật sự là địa điểm nguyên thủy để thông truyền các tường thuật kinh nghiệm về Lời Thiên Chúa.

Chính Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại điều này:"Thánh Kinh cũng trình bày gia đình như nơi con cái được dưỡng dục trong đức tin. Ðiều này thấy rất rõ trong lời mô tả việc cử hành lễ Vượt Qua (xem Xh 12:26-27; Ðnl 6:20-25) và sau đó sẽ xuất hiện cách rõ ràng hơn trong nghi thức Haggadah của người Do Thái, tức là tường thuật dưới dạng đối thoại đi liền với nghi thức Bữa ăn Vượt Qua. Hơn nữa, một Thánh Vịnh ca ngợi việc công bố đức tin trong gia đình như sau: "Ðiều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông thuật lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không giấu giếm gì với con cháu cả, sẽ thuật lại cho hậu thế, những danh hiệu của Ðức Chúa và uy lực của Người, những kỳ công Người đã làm ra. Người đã thiết lập chứng cứ nơi nhà Giacóp, định ra lề luật cho Israen, Người đã truyền cho tổ tiên chúng tôi phải truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết, để mai ngày đến lượt thuật lại cho con cháu chúng" (Tv 78:3-6). Như thế, gia đình là nơi cha mẹ trở nên những người thầy đầu tiên về đức tin cho con cái. Ðây là một công việc thủ công, được áp dụng cho từng con người:"Ngày mai con các ngươi có hỏi... Thì ngươi sẽ nói với nó..." (Xh 13:14). (AL 16).

Chúng ta quá quen giản lược việc thông truyền đức tin vào việc giảng dạy các qui tắc, các chân lý, những thực hành tôn giáo đến nỗi quên rằng đức tin là một kinh nghiệm sống động và cụ thể về Thiên Chúa. Song nếu kinh nghiệm này không được sống và trở thành xương thịt trong bốn bức tường của ngôi nhà mình sống, niềm tin Kitô giáo khi ấy chỉ còn là việc thực hiện một hành vi nghi thức tôn giáo đơn thuần trong những nhà thờ của chúng ta, và không ảnh hưởng bao nhiêu đến cuộc sống thật hàng ngày. Người ta quá thường nghe than phiền rằng giới trẻ ngày nay, một khi đã học xong chương trình giáo lý và được lãnh nhận các bí tích, thường không còn lui tới giáo xứ, cũng không đến nhà thờ tham dự các lễ nghi phụng vụ hay các ngày "lễ buộc" Giáng sinh và Phục Sinh. Chẳng mấy ai chịu tự hỏi làm sao một thiếu niên còn ao ước đến nhà thờ nếu sau đó nó không cảm nghiệm được tính chất cụ thể của Lời Chúa trong gia đình và trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, cấp thiết phải thay đổi thái độ và bắt đầu lại từ số không, như thể phải loan báo Chúa Giêsu Kitô lần đầu. ÐTC Phanxicô nhấn mạnh cách chính đáng rất nhiều điểm này: "Trước và ngay giữa các gia đình, lời loan báo tiên khởi (kerygma) phải luôn được vang lên cách mới mẻ; đó là lời "đẹp nhất, trổi vượt nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất", và "phải chiếm vị trí trung tâm trong toàn bộ hoạt động loan báo Tin mừng". Ðây là lời loan báo chính yếu và quan trọng nhất, "chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, và phải luôn loan báo khi dạy giáo lý dưới hình thức này hay hình thức khác". Bởi vì, "không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, súc tích và khôn ngoan hơn lời loan báo ấy", và "toàn bộ công cuộc huấn luyện đức tin trước hết là đi sâu hơn vào trong lời rao giảng tiên khởi này." ( AL 58)

Ngày nay làm sao công bố lời rao giảng tiên khởi (kerygma)? Thánh Giuse và Mẹ Maria, một lần nữa, chuẩn bị con đường cho chúng ta. Các ngài lên Giêrusalem không phải để tham dự bất cứ cuộc lễ nào, nhưng lả để họp mừng cuộc Vượt Qua, mà đây không chỉ là cuộc lễ quan trọng nhất đối với dân Israen, do ý nghĩa của lễ ấy, nhưng chính là một ngày lễ thật sự chạm đến cuộc sống cụ thể của con người. Nói cách khác, cha mẹ Ðức Giêsu đã trải nghiệm cuộc Vượt Qua trong các biến cố đời mình. Lễ ấy không chỉ là nhớ lại quá khứ, không chỉ là cử hành một nghi thức, song là một kinh nghiệm sống động về sự chết và phục sinh trong cuộc sống của mình. Hiển nhiên, các ngài hoàn toàn không biết, không ý thức gì về cuộc Vượt Qua của Ðức Giêsu, con mình, nhưng chúng ta biết rằng người viết các tường thuật Tin Mừng luôn khởi đi từ lời rao giảng tiên khởi, lời công bố nền tảng về cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, để rồi kể lại tất cả các giai đoạn khác dưói ánh sáng của biến cố ấy. Ðức Maria và thánh Giuse sống trong gia đình mình theo các chuyển động của Lời Chúa, bởi vì các ngài đã hoàn toàn hòa theo việc họp mừng cuộc Vượt Qua. Cũng theo một cách thức ấy, Lời Thiên Chúa trở thành xương thịt trong từng " Giáo hội tại gia" duy bằng cách sống mầu nhiệm Vượt qua trong cuộc sống gia đình; hay đúng hơn, chính cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô đem lại hương vị gia đình cho các tổ ấm gia đình chúng ta. Lễ Vượt Qua không phải là một ý tưởng hay một chân lý, một tin tức phải loan báo cho các gia đình. Lễ Vượt Qua ấy đã hiện diện trong từng gia đình từ ngày họ cử hành Bí tích Hôn phối. Bí tích Hôn phối của họ là sự hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô đang sống và hoạt động trong tương quan yêu thương của họ. Thử hỏi có bao nhiêu cặp vợ chồng Kitô hữu biết được sự thật lạ thường này? Có bao nhiêu người biết được cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình, do ân sủng kết hợp của Bí tích Hôn phối mang lại, là một cử hành Lễ Vượt Qua vĩnh cửu? Có bao nhiêu người trong số họ đã được giãi bày cho biết rằng tất cả mọi chuyện thương đau, sầu khổ, tang chế đều tháp nhập vào cái lý của mầu nhiệm Vượt Qua, cái lý khiến cho không có câu chuyện nào đau đớn hơn mà không luôn luôn là một lời tiên báo và một khúc dạo đầu cho một sự phục sinh lạ thường? Nếu không ai lấy Lời Chúa soi sáng cho họ, thì ai bao giờ có thể ngước mắt lên và nhận ra Mầu nhiệm Cao cả ẩn náu trong xương thịt họ? Ðó là lý do "các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng cũng nhấn mạnh rằng "Lời Chúa là nguồn mạch sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi mục vụ gia đình phải được định hình từ bên trong và huấn luyện các thành viên của Hội thánh tại gia bằng cách đọc Kinh thánh và cầu nguyện theo hướng dẫn của Hội thánh. Lời Chúa không chỉ là Tin Mừng cho đời sống riêng tư của cá nhân, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá và là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau mà các đôi vợ chồng và gia đình gặp phải." (AL 227)

Ðể các gia đình chúng ta trở nên đúng với bản chất bí tích của mình, cần thiết phải có một thứ mục vụ thông thường tích cực đi theo hướng này. Ðây là một việc làm mang tính thủ công đòi hỏi những chăm chút từng ngày, dọn đường cho một linh đạo chân thật cho hôn nhân và gia đình. Sự đóng góp và nâng đỡ của các mục tử lúc đó trở nên quí báu vì các ngài được kêu gọi " khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin. Vì thế, tốt nhất là khuyên họ thường xuyên xưng tội, thực hành linh hướng, thỉnh thoảng tham dự các cuộc tĩnh tâm. Nhưng đừng quên mời gọi gia đình dành thời gian hàng tuần cùng nhau cầu nguyện, bởi vì "gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau." Cũng vậy, khi đi thăm các gia đình, nên mời gọi mọi thành viên trong gia đình qui tụ lại và cầu nguyện cho nhau trong chốc lát và phó dâng gia đình trong tay Chúa. Ðồng thời cũng nên khích lệ vợ chồng tìm thời giờ cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người có những thập giá phải âm thầm vác. Tại sao không nói với Chúa về những gì làm mình lo lắng, hoặc kêu xin Người ban sức mạnh chữa lành các vết thương và khẩn nài ban cho ánh sáng cần thiết để mình có thể đáp ứng sự dấn thân của mình ?" (AL 227).

Thay vì dạy dỗ, hướng dẫn hay giáo dục, ÐTC Phanxicô nhiều lần nói đến việc "khích lệ" vì Ngài biết nghệ thuật của người thầy đích thật không chỉ là biết cách dạy dỗ nhưng nhất là biết đem lại sức mạnh trước những khó khăn và truyền đạt với con tim hơn là bằng lý trí điều mình muốn đem lại cho người khác. ÐTC hoàn toàn ý thức rằng, để lập gia đình, người ta cần nhiều can đảm, và chính ngài rất ngạc nhiên (như ngài đã viết ở phần đầu tông huấn AL) khi thấy "mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh."(AL 1)

Cầu nguyện thật không dễ dàng và đương nhiên trước một thảm cảnh gia đình, như cái chết đau đớn của một đứa con, sự ra đi sớm của người bạn đời, cảnh mất công ăn việc làm, hay một khủng hoảng trầm trọng giữa hai vợ chồng. Nếu chúng ta không đi vào trong cái lý của mầu nhiệm Vượt Qua luôn sống động và hoạt động trong từng cuộc hôn nhân, các giáo huấn chỉ là những lời dễ dàng vụt mất trước một cơn gió nhẹ. Lúc đó cần nhiều sự khích lệ, nhưng cũng cần có những chứng từ cụ thể mở đường và chỉ cho thấy mọi sự đều có thể trong Ðức Kitô chết và phục sinh. Chúng ta có thể tìm ở đâu một chứng từ tốt đẹp hơn Thánh Gia Nadarét. Các gia đình " như Mẹ Maria, được khuyên nhủ cần phải can đảm và thanh thản đối diện với những thách đố trong gia đình, buồn đau cũng như phấn khởi, và giữ gìn cũng như suy niệm trong lòng những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm (x. Luca 2, 19.51). Trong kho báu trái tim của Mẹ Maria, cũng chất chứa tất cả mọi biến cố của các gia đình chúng ta, những biến cố mà Mẹ vẫn ân cần gìn giữ. Bởi thế Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố đó để nhận ra được sứ điệp Thiên Chúa gởi đến trong lịch sử của gia đình mình". ..(AL 30)

Cho nên, Lời Chúa đem lại cho từng gia đình một sự khôn ngoan để sống và một ánh sáng cần thiết để hiểu ra được từng biến cố của gia đình, lớn hay nhỏ, và nhờ vậy, nếm trước được hương vị của Tiệc Cưới Vĩnh Cửu mà mỗi gia đình được mời gọi từ muôn thuở.

Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

1. Tại sao trong các gia đình chúng ta, Lời Chúa thường bị xem như một điều xa lạ, thuần túy đạo giáo và không thể hiểu được? Ðâu là những nguyên nhân và đâu là phương cách giải quyết?

2. Trong những thời điểm khó khăn sâu xa và khủng hoảng trầm trọng, hiếm khi thấy một gia đình quay về tìm kiếm ánh sáng và sự nâng đỡ nơi Lời Chúa. Chuyện gì đã xảy ra và chúng ta có thể làm gì?

Hãy sống

1. Trong gia đình anh chị, đã có những biến cố nào xảy ra cho thấy Lời Chúa thật sự đã ăn sâu trong gia đình anh chị? Xin kể lại.

2. Hãy họp mừng mầu nhiệm Phục Sinh trong gia đình nếu anh chị thật sự sống mầu nhiệm ấy. Ðem lại hương vị Phục Sinh cho các biến cố gia đình, đó là như nếm rượu ngon của tiệc cưới Cana. Theo ánh sáng của bài giáo lý, anh chị có khi nào trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh sống động và cụ thể trong mái ấm của mình chưa?

Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ

1. Nếu "Kinh thánh đề cập rất phong phú về gia đình" (AL 8), như Ðức Thánh Cha Phanxicô nói, vậy tại sao nhiều gia đình ngày nay vẫn xem Kinh thánh như một pho sách trừu tượng và xa lạ? Vậy thứ mục vụ nào, hoặc, đúng hơn, thứ linh đạo nào đã thiếu vắng trong các cộng đoàn chúng ta?

2. Chúng ta ngày chứng kiến anh chị em công giáo ngày càng ít tham dự các nghi lễ phụng vụ, và thường dừng lại ở dấu chỉ bên ngoài này, đó chính là triêu chứng của một tình trạng 'có vấn đề' một cách sâu xa. Hội thánh có thể hay phải đối phó với tình trạng này bằng cách nào?

Hãy sống

1. Chúng ta phải làm thế nào để Kinh thánh không chỉ được đọc không thôi trong các gia đình nhưng còn trở thành ánh sáng đích thật cho các gia đình?

2. Phải chăng chúng ta chỉ bận tâm cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Nhà thờ hơn là giúp các gia đình sống mầu nhiệm ấy tại gia? Có thể đề nghị làm gì để thay đổi não trạng này?

 

Bài 3. Giấc Mơ Vĩ Ðại Của Thiên Chúa

"Cha Mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha Con sao?" (Lc 2, 49).

Ðối với tín hữu chúng ta, Ðức Lang quân của Hội thánh luôn luôn tuyệt mỹ. Người tuyệt mỹ như Thiên Chúa, vì Ngôi Lời chính là Thiên Chúa; trong cung lòng Ðức Trinh Nữ, Người mặc lấy bản tính nhân loại mà vẫn không mất đi bản tính Thiên Chúa: Ngôi Lời hài nhi tuyệt mỹ khi sinh ra; vì chính Hài nhi bú sữa mẹ và nằm trong cánh tay mẹ này lên tiếng cho các tầng trời, khiến cho các thiên thần phải ca ngợi vinh quang Người; một vì sao chỉ lối cho các Ðạo sĩ tìm đường đến hang đá nơi Người sinh ra để thờ lạy Người. Người là lương thực cho những kẻ an hòa. Người tuyệt mỹ trên trời và tuyệt mỹ dưới đất; tuyệt mỹ trong cung lòng khiết trinh, tuyệt mỹ trên đôi tay mẹ hiền; tuyệt mỹ trong những phép lạ và tuyệt mỹ khi bị đánh đòn; tuyệt mỹ khi Người mời gọi chúng ta đến với Người, tuyệt mỹ khi Người coi thường cái chết; tuyệt mỹ khi Người trút linh hồn, và tuyệt mỹ khi Người lấy lại linh hồn ấy; tuyệt mỹ trên thập giá, tuyệt mỹ trong mộ đá, tuyệt mỹ trên trời. Hãy nghe thánh thi này để hiểu được điều ấy, và để cho tật nguyền của thân xác không khiến cho mắt bạn không nhìn thấy được vẻ huy hoàng và tuyệt mỹ của Ðức Lang quân. Vẻ đẹp huy hoàng và chân thực, chính là đức công chính : ngay khi ngươi khám phá ra sự bất chính, thì mắt ngươi sẽ không còn thấy chi là mỹ miều nữa; vậy nếu Người luôn công chính, thì hẳn Người luôn tuyệt mỹ.

(Thánh Augustinô, Chú giải các Thánh vịnh, 44,3).

"Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?" (Lc 2, 49) là những lời duy nhất của Chúa Giêsu ở tuổi 12 mà các sách Tin Mừng ghi chép lại cho chúng ta.

Không có một lời cảm thán, một tuyên bố hay một lời đơn sơ nào khác ở vào tuổi này của Người. Rõ ràng chúng ta đang gặp thấy một lời phát biểu khá phức tạp mà thoạt vừa nghe gần như đã khiến ta nghĩ đến một sự thiếu tôn trọng của Ðức Giêsu đối với Thánh Giuse và Ðức Maria; dường như Người ngạc nhiên và bực mình vì cha mẹ Người lẽ ra phải biết là Người sẽ nán ở lại trong Ðền thờ của Thiên Chúa mà không cần phải báo cho các ngài hay. Thực ra, đằng sau những lời ít nhiều bí nhiệm này, có ẩn chứa mầu nhiệm làm Con của Người và chính nơi Người mầu nhiệm làm con của mỗi con người chúng ta, vì mỗi một trong số những con người nhỏ bé này, ngay trước khi được dệt nên hình nên dạng trong cung lòng mẹ, ngay cả trước khi được mong muốn bởi cha mẹ (và cũng biết bao lần không được mong muốn vì đã xuất hiện ngoài dự tính của con người), thì đã được mong muốn từ muôn thuở trong lòng Thiên Chúa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô quả quyết như vậy: "Mọi con trẻ hình thành trong lòng mẹ đều bởi ý định và tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa Cha : "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi" (Gr 1, 5). Mỗi đứa trẻ tự muôn đời đã có một chỗ ở trong trái tim Thiên Chúa, và vào chính lúc nó được thụ thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Ðấng Tạo Hóa trở thành hiện thực. Chúng ta hãy nghĩ đến giá trị của cái bào thai từ giây phút bắt đầu được hình thành! Cần phải nhìn nó bằng chính ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha, vượt trên mọi dáng vẻ bên ngoài"(AL 168). Chẳng những Chúa Giêsu, trong tư cách Con Thiên Chúa, được kêu gọi chăm sóc những công trình của Cha Ngài, nhưng mỗi con trẻ, không bao giờ là vật sở hữu của cha mẹ chúng, đều thuộc về Cha trên trời, vốn từ đời đời có một giấc mơ rất lớn lao và độc đáo cho nó vượt hẳn trí tưởng và mọi kỳ vọng của mọi cha mẹ trần gian của nó. Cho nên, câu hỏi căn bản là sau đây: đâu là giấc mơ của Thiên Chúa đối với mỗi con người? Thực sự Thiên Chúa mơ ước về điều gì cho mỗi một con trẻ của Ngài có thể làm cho đời mình tốt đẹp và độc đáo ?

Với một tính cách tức thời và thâm thúy đặc biệt, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đáp lại câu hỏi này : "Con người không thể nào sống không có tình yêu. Nếu không có tình yêu, nó sẽ trở thành một hữu thể không tài nào hiểu được, cuộc đời sẽ vô nghĩa nếu nó không nhận lãnh được mạc khải của tình yêu, nếu nó không gặp được tình yêu, nếu nó không được trải nghiệm về tình yêu, nếu nó không sở hữu được tình yêu, nếu nó không tham gia mãnh liệt vào tình yêu" (Redemptor hominis 10). Giải đáp này nói rất đúng về mạc khải của tình yêu, về sự gặp gỡ được tình yêu, về sự trải nghiệm và về cả sự tham gia của tình yêu, điều này cho thấy rằng hơn là một phương châm ở trong tâm hồn hay một tác động quên mình hy sinh, tình yêu được hiển thị, được gặp gỡ, được trải nghiệm và tham gia chính là một Nhân vị cụ thể, một Nhân vị sống động, đó chính là bản thân Chúa Kitô vốn "trong àkhi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, cũng giúp con người thấu hiểu đầy đủ về chính bản thân mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình" (Gaudium et Spes 22). Thiên Chúa không có một giấc mơ tình yêu trừu tượng hay bình dị về mỗi người chúng ta đâu. Nơi Con của Ngài, nơi Ðấng đã trả lời và gây sững sờ cho Thánh Giuse và Ðức Maria rằng mình còn phải lo những công việc của Cha mình, mạc khải cho ta con đường tình yêu đích thực. Và tình yêu có ngôn từ riêng, có cách biểu lộ độc đáo riêng, có cách hóa thân riêng. Cách nào? Thưa: ngôn từ của hôn phối! Chính vì thế Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố rằng chỉ duy "hôn nhân xây dựng trên tình yêu độc chiếm và vĩnh viễn mới trở thành biểu tượng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Ngài cũng như ngược lại : cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo tình yêu thương của con người" (Deus caritas est 11).

Thực ra, có một "tầm vóc bao la về ý nghĩa của chữ 'yêu thương' : người ta nói đến tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với nghề nghiệp, tình yêu thương giữa bằng hữu, lòng yêu thích lao động, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tình yêu thương giữa anh chị em và họ hàng thân thích, tình yêu thương tha nhân và tình yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ý nghĩa ấy, tình yêu thương giữa người nam và người nữ, trong đó thể xác và tâm hồn liên kết một cách bất khả phân ly và hé mở cho con người một hứa hẹn hạnh phúc không tài nào cưỡng lại được, xuất hiện như mẫu mực của tình yêu tuyệt hảo, trước mẫu hình đó, ngay từ cái nhìn đầu tiên, mọi mẫu hình yêu thương khác đều ra lu mờ" (Deus caritas est 2). Chính tình yêu phối ngẫu giữa nam và nữ hé lộ cho ta sự tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô. Ðó chính là ngôn từ dấu ẩn một Mầu Nhiệm thực sự Vĩ Ðại. Chỉ nguyên nghĩ tưởng đến việc Thiên Chúa đã lấy tình yêu này để mạc khải trái tim của Ngài cho nhân loại, đã là công bố một phần chân lý của mầu nhiệm này rồi. Hiển nhiên là khi đọc trọn bộ Sách Thánh, nhất là các sách Ngôn sứ, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa thường hay dùng ngôn từ của hôn nhân để diễn tả và mạc khải tương quan đặc thù của Ngài với dân Israel Ngài tuyển chọn. Nhưng, trước cả điều đó nữa, không phải chỉ theo chiều kích thời gian nhưng còn là, và nhất là, theo thần học, trong mầu nhiệm Thiên Chúa còn có một chân lý cao cả hơn nhiều ; Thiên Chúa không tham gia vào tình yêu hôn phối để mạc khải chính mình vì, từ đời đời, tình yêu hôn phối là mạc khải nguồn cội dung nhan Thiên Chúa."

Ðôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là 'tác phẩm điêu khắc' sống động (không phải ngẫu tượng điêu khắc bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm ngặt), có thể biểu tỏ được Thiên Chúa - Ðấng sáng tạo và cứu độ. [...] Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá và diễn tả mầu nhiệm của Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. [...] Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Thánh Phaolô" (AL 11). Khi Tông đồ Phaolô viết trong thư gửi tín hữu ở Êphêsô: "Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả: tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh!" (Ep 5, 31-32), ngài tuyên bố rằng nơi tạo vật Ađam và Evà, nơi hữu thể được tạo dựng nên để hình thành nên chỉ một thân mình, Thiên Chúa từ muôn thuở đã nghĩ đến Mầu Nhiệm Vĩ Ðại này nơi Ðức Kitô và Hội Thánh. Từ tạo thiên lập địa, trước cả khi tạo dựng nên Ađam và trước khi lấy một xương sườn rồi phủ thịt lên để tạo dựng Evà, Thiên Chúa đã nhìn thấy Giấc Mơ Vĩ Ðại của Ngài rồi, Mầu Nhiệm Vĩ Ðại Chúa Kitô và Hội Thánh, được mạc khải cho chúng ta hôm nay nơi Con của Ngài. Ðó là lý do khiến Ðức Thánh Cha Phanxicô khẳng định với niềm xác tín rằng "muốn lập gia đình là quyết định tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, là chọn ước mơ với Ngài, là muốn xây dựng với Ngài, là tham gia với Ngài trong sự nghiệp kiến tạo một thế giới trong đó không có ai cảm thấy cô đơn" (AL 321). 

Mầu Nhiệm Vĩ Ðại này không phải là một lý tưởng hay một chân lý, nhưng là một biến cố thực sự mang một hình thức rõ rệt, Thập giá; không có ai bao giờ nghĩ đến điều đó, tuy nhiên Thập giá không ngừng hiện diện với chúng ta, trong đời sống chúng ta, luôn luôn mới mẻ và sáng tạo. Thế nào? Ở đâu? Khi nào? "Ðôi vợ chồng là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá; họ là chứng nhân cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà bí tích làm cho họ được dự phần" (FC 13 được dẫn lại trong AL 72). Tất cả điều này xóa bỏ cái nhìn và tình cảm rất phổ biến, đặc biệt nông cạn và sai lạc về bí tích hôn phối; bí tích này không thể được hiểu và sống như "một quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bề ngoài của một thứ cam kết. Bí tích này là một ân ban nhằm thánh hóa và cứu độ cho đôi phối ngẫu, vì "cùng thuộc về nhau, họ thể hiện thực sự, nhờ dấu chỉ bí tích, mối quan hệ của Chúa Kitô với Hội Thánh của Người"(AL 72).

Vì chúng ta nói về Mầu Nhiệm Vĩ Ðại mà ngôn từ nhân loại không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ được chiều sâu, chiều rộng, chiều cao và sự vĩ đại của Mầu Nhiệm này, nên Ðức Thánh Cha Phanxicô đã viết bằng một ngôn từ trực tiếp hơn, rằng "bí tích không phải là một "sự vật" hay một "sức mạnh" nào đó, vì thực ra chính Ðức Kitô "đến gặp gỡ các đôi vợ chồng kitô hữu qua Bí tích Hôn phối. Người ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để vác thập giá mình mà bước theo chân Người, để trỗi dậy sau mỗi lần quỵ ngã, tha thứ cho nhau, và mang lấy những gánh nặng của nhau". Hôn nhân Kitô giáo là một dấu chỉ không chỉ cho thấy Ðức Kitô đã yêu Hội Thánh của Người biết bao qua Giao ước được đóng ấn trên Thập giá, mà còn làm cho tình yêu ấy hiện diện trong mối hiệp thông của các đôi vợ chồng" (AL 73). Tình yêu của Ðức Kitô hiến mình trên Thập giá cho Hội Thánh cũng chính là tình yêu của các đôi bạn và ngược lại. Ðây chính là sự thực hiện phương trình đặc biệt, mà nếu người ta bỏ thời giờ ra suy nghĩ thì sẽ phải rùng mình khiếp sợ. Những cặp vợ chồng được mạnh mẽ nhờ ơn bí tích hôn phối yêu thương nhau một cách thánh thiện, yêu thương nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gặp lại viễn điểm tình yêu Ngài ở đâu? "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài" (Ga 3, 16).

Ðôi vợ chồng thể hiện và tỏ cho mọi người biết sự điên cuồng của tình yêu Thiên Chúa. Như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố: "toàn thể đời sống chung của đôi vợ chồng, toàn thể những mối quan hệ họ dệt nên giữa họ, với con cái họ và với thế giới, tất cả sẽ được thấm nhuần và củng cố trong ân sủng của bí tích, phát khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài đối với nhân loại và tình yêu đó đã kết hiệp thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc, hay chịu thu mình vào sức riêng của họ mà đương đầu với các thánh đố xuất hiện trên đường đời. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ Thiên Chúa bằng sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Ðấng đã thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ nhận lãnh được thể hiện không ngừng trong mỗi hoàn cảnh mới" (AL 74).

Cho dù tình yêu của họ là một "dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh" (AL 72), và "sự so sánh loại suy giữa người chồng và người vợ [...] là một so sánh loại suy bất toàn" (AL 73), vì hôn nhân, dẫu là cuộc hôn nhân thành công nhất, tự hào nhất và thánh thiện nhất, cũng không thể và cũng chẳng bao giờ phải là sự hoàn tất của một con người. Nguyên cớ của biết bao nỗi khổ đau gia đình chính là điều này : cứ cho rằng - như rất thường nghe nói ngày nay- hôn nhân là sự thực hiện một đích điểm chung cuộc con người hằng mơ ước. Không phải là tình yêu hôn nhân cùng với người phối ngẫu đưa chúng ta tới hạnh phúc con người, vì chẳng có người phối ngẫu nào mà không có giới hạn, yêu đuối hay những sự mỏng giòn, và do đó, có khả năng đáp ứng những mong chờ lớn lao của tình yêu mà một con người có thể có.

Hôn nhân không bao giờ là một kết thúc, nhưng "trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình, Thiên Chúa ban cho họ được nếm trước tiệc cưới Con Chiên ngay từ đời này" (AL 73). Như vậy, các đôi vợ chồng được an bài không phải cho cuộc hôn nhân trần thế đâu, nhưng là cho cuộc hôn nhân vĩnh cửu : tiệc cưới của Ðức Kitô Lang Quân với Hội Thánh Hiền Thê của Người. Khi đánh mất phương hướng cơ bản này, chính giao ước hôn nhân sẽ mất đi ý nghĩa và tính bền vững của mình. Chính cái vĩnh cửu đem lại sự thích thú và hương vị cho cái phàm nhân, nhưng nếu không có sự quy chiếu này thì tất cả sẽ trở thành vô vị và lạc hướng, gây nên những khủng hoảng giữa đời sống vợ chồng và gia đình liên miên không sao thoát khỏi được. Hôn nhân chỉ là món khai vị của hạnh phúc, chứ không phải là chính hạnh phúc. Bạn mong muốn hạnh phúc ư ? Bạn đừng cố sức xây dựng một chỗ cư ngụ vĩnh cửu trong hôn nhân để rồi tìm kiếm nó. Ðây chính là cánh cửa đích thực đưa đến con đường dẫn ta tới niềm vui tràn đầy, nhưng dừng lại ở cánh cửa là liều mình không bao giờ được dự tiệc cưới muôn đời.

Do đó, khẩn thiết là phải thực sự loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho các gia đình, chỉ cho họ thấy "trong cuộc nhập thể, Người đã đảm nhận thế nào tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đưa nó đến chỗ viên mãn và ban cho họ, với Thánh Thần của Người, khả năng sống tình yêu ấy bằng cách làm cho toàn thể đời sống họ thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, đôi vợ chồng được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt, họ xây dựng Thân Mình Ðức Kitô và làm nên một Hội thánh tại gia' (AL 67). Ðây không phải là vấn đề chăm sóc chiều kích tôn giáo hay thiêng liêng các gia đình, nhưng là làm cho họ trải nghiệm công trình cứu độ lạ lùng mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong nhân tính của chúng ta ; không có Người, tình yêu nhân thế sẽ không bao giờ là chính con người và sẽ mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của nó. Vì thế, cộng đoàn giáo hội nhất thiết phải sử dụng hết mọi năng lực cho các gia đình, vì, nếu quả thực "thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh" (AL 31), thì cũng thế "Hội thánh, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ nhìn ngắm gia đình vốn hằng biểu lộ mầu nhiệm đó một cách chân thực"(AL 67).Trong gia đình, Mầu Nhiêm Vĩ Ðại của Ðức Kitô và Hội thánh đang bị đe dọa. Nói khác đi, khi bảo vệ gia đình, Hội Thánh không chỉ trở nên chính mình, nhưng Thiên Chúa còn tỏ lộ Thánh Nhan Ngài cho nhân thế trong thể xác phàm nhân của những quan hệ gia đình và thực hiện như thế Giấc Mơ Vĩ Ðại của Ngài đối với nhân loại.

Trong Gia đình

Hãy suy niệm

1.Giấc mơ vĩ đại của Thiên Chúa cho con người có mối liên hệ nào với giấc mơ con người vẫn có cho chính mình?

2.Hôn nhân không phải là hạnh phúc nhưng chỉ là món khai vị của hạnh phúc mà thôi. Ðâu là hệ quả thực tiễn mà lời khẳng định này đưa tới trong đời sống vợ chồng và gia đình?

Hãy sống

1."Toàn thể đời sống chung của đôi vợ chồng, toàn thể những mối quan hệ họ dệt nên giữa họ, với con cái họ và với thế giới, tất cả sẽ được thấm nhuần và củng cố bởi ân sủng của bí tích phát khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài đối với nhân loại và tình yêu đó đã kết hiệp thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc, hay chịu thu mình vào sức riêng của họ để đương đầu với các thánh đố xuất hiện trên đường đời. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ Thiên Chúa bằng sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ nhận lãnh được thể hiện không ngừng trong mỗi hoàn cảnh mới" (AL 74). Bằng cách nào Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống vợ chồng và gia đình?

2.Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã thương yêu Hội thánh bằng cách hiến mạng sống mình trên Thập giá. Ta có thể thực hiện điều đó như thế nào ?

Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ

1.Tại sao việc loan báo Tin Mừng hôn nhân và gia đình lại khó khởi động trong tác vụ mục vụ của Hội thánh ?

2.Trong gia đình, Mầu Nhiệm Vĩ Ðại Chúa Kitô và Hội thánh đang bị đe dọa. Ðiều này có nghĩa thế nào?

Hãy sống

1."Ðể hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, Hội thánh cũng phải nhìn ngắm gia đình nhân loại vốn biểu lộ mầu nhiệm đó một cách trung thực" (AL 67). Làm thế nào có thể thực hiện tất cả điều đó?

2.Nếu quả thực "thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh" (AL 31), thì tác vụ mục vụ của Hội thánh phải thực hiện ra sao?

 

Bài 4. Ước Mơ Lớn Cho Mọi Người

"Ai nghe câu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu" (Lc 2, 47)

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu độ.

Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Zakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc,

đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo,

đã khiến Phêrô khóc lóc vì đã trót phản bội Chúa,

và đã hứa Thiên đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.

Xin cho chúng con biết lắng nghe,

như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,

những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: " Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa."

Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,

gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự.

Xin cho Hội thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,

gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối

để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc.

Xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.

Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,

để Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,

để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo sự tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.

Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen

(Kinh Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót - Ðức Giáo Hoàng Phanxicô - 8/12/2015).

 

Lần đầu tiên Sách Tin Mừng tường thuật Chúa Giêsu bàn luận với các thầy thông luật của Ðền thờ; Ngài nêu những câu hỏi và trả lời, và trước sự khôn ngoan của Ngài, tất cả những ai nghe Ngài đều phải ngỡ ngàng. Thật thú vị để nhận thấy lần lên tiếng đầu tiên của Ngài không phải chỉ là một sự giảng dạy đơn sơ trước một cử tọa chỉ yên lặng lắng nghe. Trái lại, Ngài cùng họ tương tác, hỏi, lắng nghe, trả lời, và cách nói năng của Ngài mạnh mẽ, sinh động, cuốn hút mọi người, không trừ ai. Lời Ngài chạm đến tâm can họ, và người ta thấy được điều đó ngay lần đầu tiên Ngài cất tiếng. Ngay từ khởi đầu, Ngài tỏ lộ không những khả năng cá biệt hóa cuộc đối thoại của mình với mỗi người gặp trên đường, nhưng Ngài cũng còn, và nhất là, biểu lộ mong muốn được nói với tất cả mọi người, vì Ngài "muốn hết mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý" (I Tm 2, 4).

Hết thảy mọi người đều cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa, và ơn cứu độ này được ban cho con người bởi lòng xót thương của Thiên Chúa biểu lộ nơi thánh nhan của Chúa Con. "Ðây chính là lý do vì sao, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói, tôi đã muốn Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa như một thời gian thuận tiện cho Hội Thánh, để các tín hữu làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về Lòng Thương Xót Chúa" (Dung Mạo Lòng Thương Xót Chúa 3). Lời mời gọi này trước hết được gửi đến Hội Thánh, vì Hội Thánh "có sứ mệnh công bố Lòng Thương Xót Chúa, trái tim hằng thổn thức của Tin Mừng, mà Hội Thánh phải làm cho truyền đạt tới trái tim và thần trí của mọi người. Hiền thê của Chúa Kitô chọn lấy thái độ của Con Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người, không loại trừ một ai"(Dung Mạo Lòng Thương Xót Chúa 12).

Không phải sự mỏng dòn, yếu đuối hay sự khốn khổ của con người làm vô hiệu hay ngăn cản lòng xót thương của Thiên Chúa, nhưng trái lại, "được bao phủ bởi lòng thương xót, dẫu thân phận yếu đuối vì tội lỗi còn đó, thân phận ấy sẽ được phủ kín bởi tình yêu hằng cho phép nhìn xa hơn và sống khác hơn" (Lòng Thương xót và sự khốn cùng 1). Thật là sai lầm và rất nản lòng khi người ta tưởng tượng hành động nhân từ của Thiên Chúa là một phần thưởng ban cho những ai đã từ bỏ sự khốn khổ của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ có thể có hay mua được bằng một giá đắt, nhưng luôn luôn được ban tặng cho hết mọi người một cách nhưng không, để cho mỗi người chúng ta, giống như đứa con hoang đàng, được có một lần khoác lên mình tấm áo đẹp nhất của Cha mình, vốn hằng mong ngóng đứa con từ ngày nó bỏ nhà ra đi, để cho nó có thể bắt đầu lại một đời sống mới. Thực ra, chính lòng xót thương của Thiên Chúa đã sinh ra sự hoán cải, chứ không phải ngược lại. Chẳng bao giờ sự hoán cải của con người lại lôi kéo và chinh phục được lòng thương xót của Thiên Chúa cả. Chính sự trải nghiệm luôn luôn nhưng không và lạ lùng sự tha thứ của Thiên Chúa tác động trong trái tim con người một khát vọng thực sự và thành khẩn muốn hoán cải và biến đổi sang một đời sống mới. Lời công bố này có giá trị đối với hết mọi người, cho mỗi người trong chính hoàn cảnh đặc thù và riêng biệt của mình.

Không một ai, phải, không một ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa cả! Ngay những kẻ, vì những lý do khác biệt nào đó, thấy mình ở trong một tình trạng không phù hợp với lý tưởng của Tin Mừng, thì đôi tay của Cha nhân hậu vẫn luôn luôn rộng mở. Do đó, điều quan trọng là phải làm sao cho ngay cả "những người ly dị đang sống một kết hợp mới, cũng cảm thấy họ vẫn còn là thành phần của Hội Thánh, "không bị rút phép thông công" và không bị đối xử như vậy, vì họ vẫn còn được thông hiệp với Hội Thánh" (AL 243). Chú ý! Ở đây không đặt vấn đề giáo lý Hội Thánh về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối. Hội Thánh rất ý thức rằng "mọi cắt đứt mối liên kết hôn phối đều ngược lại ý muốn của Thiên Chúa"(AL 291), vì tính bất khả phân ly của hôn nhân là "kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người,và là tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ ra cho Hội Thánh" (FC 20).

Do đó Ðức Thánh Cha Phanxicô nói với toàn thể cộng đoàn Hội Thánh: "Mục vụ tiền hôn nhân và mục vụ hôn nhân trước hết phải là một mục vụ của sự liên kết, mang lại các yếu tố giúp cho tình yêu vợ chồng được trưởng thành và vượt qua được những lúc gian nan. Các việc đó không chỉ là truyền đạt cho họ những xác tín về giáo lý, cũng không thể chỉ giản lược vào các nguồn linh đạo quý giá mà Hội Thánh luôn cống hiến, nhưng còn phải là những chương trình thực tế, những lời khuyên thật cụ thể, các sách lược rút ra từ kinh nghiệm, những hướng dẫn tâm lý. Tất cả những điều này làm nên một đường lối sư phạm của tình yêu vốn không thể bỏ qua sự nhạy cảm hiện nay của người trẻ, để có thể động viên họ từ bên trong. Ðồng thời, trong khi chuẩn bị cho những người đính hôn, chúng ta cần chỉ cho họ những nơi chốn và những con người, những văn phòng tham vấn hay những gia đình sẵn sàng giúp đỡ, để họ có thể chạy đến tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp khó khăn. Nhưng cũng không bao giờ được quên đề nghị họ chạy đến bí tích Hòa giải, giúp họ đem những tội lỗi và những sai lầm trong quá khứ và trong chính mối quan hệ của họ đặt dưới tác động của lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa và của quyền năng chữa lành của Người" (AL 211). Do đó, khẩn thiết phải cung cấp cho họ tất cả mọi yếu tố cần thiết để họ có thể sống và cư xử một cách dồi dào đặc sủng hiệp nhất bất khả phân ly của bí tích Hôn phối; nhất là phải làm cho mọi người biết rằng Chúa Kitô "trong lúc cử hành bí tích Hôn phối ban tặng 'một trái tim mới': nhờ đó, đôi phối ngẫu không những có thể vượt lên được "lòng chai dạ đá" (Mt 19, 8), mà còn, và nhất là, có thể trao cho nhau tình yêu tràn đầy và dứt khoát của Chúa Kitô, là Giao Ước mới và vĩnh cửu hóa thân làm người.

Cũng như Chúa Giêsu là vị "chứng nhân trung thành" (Kn 3, 14), là tiếng "có" của những lời Thiên Chúa hứa (x. 2Cr 1, 20) và là sự thể hiện tột độ lòng trung tín vô điều kiện qua đó Thiên Chúa đã yêu thương dân Người, thì những đôi vợ chồng kitô hữu cũng được mời gọi thực sự dự phần vào tính bất khả phân ly vô phương thu hồi hằng liên kết Chúa Kitô với Hội Thánh là Hiền thê mà Người yêu mến cho đến muôn đời" (FC 20). Trước tất cả sự phong phú vô bờ của những chân lý ngoại thường của Tin Mừng và những định hướng mục vụ rõ rệt và thực tế, chúng ta có bổn phận tự hỏi xem các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta bỏ ra bao nhiêu thời gian, bao nhiêu nơi chốn và bao nhiêu nguồn lực cho mục vụ tiền hôn nhân và hôn nhân này? Thật quá dễ dàng khi chỉ đặt trên vai các đôi vợ chồng tất cả trách nhiệm về bao nhiêu thất bại của hôn nhân. Ðiều quan trọng là phải giúp cho các đôi bạn trẻ có được sự đồng hành và nâng đỡ trong một thời gian và biết phân định trước khi tiến đến bí tích hôn phối, giai đoạn lớn nhất của đời họ. Cần phải khởi sự bằng cách cống hiến cho họ những gì họ cần phải có, nhất là "những năm đầu tiên của hôn nhân là một thời kỳ hết sức quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức nhiều hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Do đó cần phải có mục vụ đồng hành tiếp theo sau lễ hôn phối (x. FC, phần III).

Trong mục vụ này, sự có mặt của các cặp vợ chồng có kinh nghiệm là hết sức quan trọng. Giáo xứ là nơi những cặp vợ chồng có kinh nghiệm như thế được điều động để giúp đỡ các đôi bạn trẻ, cùng với sự hợp tác của các hội đoàn, phong trào thuộc Hội Thánh và của các cộng đoàn mới" (AL 223). Tất cả những gia đình trong tình huống có xung đột đều cũng phải được quan tâm và chăm sóc như thế. "Ðược soi sáng bởi ánh mắt của Ðức Kitô, Hội Thánh 'thương yêu ghé mắt đến những ai đang tham dự vào đời sống của Hội Thánh một cách không trọn vẹn, trong khi nhìn nhận rằng ân sủng của Chúa cũng hoạt động trong cuộc đời của họ bằng cách ban cho họ sức mạnh để làm điều thiện, để chăm sóc cho nhau bằng tình yêu thương và phục vụ cộng đoàn tại nơi họ sinh sống và làm việc'"(AL 291).

Chẳng bao giờ có ai có thể định giới hạn cho tác động của ân sủng Thiên Chúa, vì ân sủng tác động mọi lúc mọi nơi và bằng mọi cách vượt khỏi cả khả năng tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, cộng đoàn Hội Thánh có một sứ mệnh đặc biệt mà Ðức Thánh Cha Phanxicô thích diễn tả như thế này: "Ta thành thực tin rằng Ðức Giêsu muốn một Hội Thánh hằng quan tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự yếu hèn của con người: một Hội Thánh như người Mẹ, trong khi bày tỏ cách rõ ràng giáo huấn khách quan của mình, vẫn "không từ chối làm điều tốt lành trong khả năng của mình, cho dù có gặp rủi ro bị vấy bẩn bùn lầy trên đường" (AL 308). Chúng ta gặp ở đây một trọng điểm mà cũng là nhược điểm của đức tin công giáo ở đó rất dễ rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất, có lẽ năng xảy ra nhất và phổ biến nhất về mặt văn hóa, có khuynh hướng làm giảm thiểu bất cứ tình trạng hôn phối nào miễn là lương tâm vẫn được kể là còn chính trực trước mặt Chúa; thái cực kia, hiện bị coi là lạc hậu hơn, có phân biệt một chút những Kitô hữu gọi là "theo đạo" khác với những người ở trong tình trạng "vô đạo". Hiển nhiên, thái cực này hay thái cực kia đều không đúng với giáo huấn của Tin Mừng mà cũng chẳng đúng với huấn quyền Hội thánh.

Tin mừng lớn lao nhất Chúa Giêsu mang xuống cho trần gian, và cần phải tái khẳng định không ngừng ở khắp nơi qua mọi thời đại, đó là Thiên Chúa có một Ước Mơ Lớn cho mọi người, không trừ ai. Ước Mơ Lớn nào vậy của Thiên Chúa cho mỗi người? Có lẽ ta phải khởi đi từ những gì chưa phải là Ước Mơ Lớn đó. Ước Mơ của Thiên Chúa chẳng phải là hôn nhân, chẳng phải là thiết lập nên gia đình. Hẳn nhiên những điều này tham dự vào Ước Mơ ấy vì chúng vạch ra con đường, lối đi, hành trình cho Ước Mơ ấy, nhưng chúng chưa bao giờ là đích điểm chung cuộc của đời sống con người. Ðiều này có nghĩa là kẻ nào sống tràn đầy bí tích hôn phối thì đã có được cái tiền vị, cái dự cảm ngay ở trần gian này sự thể hiện chung cuộc tiệc cưới vĩnh cửu của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại. Ngược lại, người nào, bởi những lý do khác nhau, phải sống cuộc đời mình trên trần thế này trong một hoàn cảnh mỏng giòn yếu đuối trong đó hôn phối của mình bị thử thách và chịu những thương tổn vô phương hàn gắn ở đời này, việc tiến tới tham dự bàn tiệc cưới vĩnh cửu của người đó sẽ không bị từ chối, trái lại, có lẽ trong lòng họ còn cháy lên nhiều hơn khát vọng lớn lao sự thể hiện chung cuộc này vì thân phận hiện thời của họ.

Vậy thì đâu là Ước Mơ Lớn của Thiên Chúa cho tất cả mọi người chúng ta, không trừ ai? Tiệc cưới vĩnh cửu với mỗi người chúng ta! Tại sao trong sự suy niệm và, do đó, trong mục vụ của Hội Thánh lại công bố những ý tưởng trái ngược nhau và tạo nên trong tâm trí các Kitô hữu sự hàm hồ và lẫn lộn ? Tại vì thường khi người ta nhìn Ước Mơ của Thiên Chúa thuộc về trần gian này chứ không phải thuộc về trời. Khi người ta quan sát một bức tranh thêu từ phía sau, người ta chỉ thấy những sợi chỉ kết bện vào nhau và xáo trộn với nhau một cách lộn xộn và vô nghĩa. Ngược lại, khi nhìn từ phía trước, người ta phải ngỡ ngàng nhận thấy rằng chính là nhờ cái nút có vẻ vô trật tự của sợi chỉ mà bức tranh tuyệt tác được thể hiện, được thêu dệt nên với tình yêu và sự kiên nhẫn bởi bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ có thể nhìn thấy, một cách tương tự, vẻ đẹp và sự vĩ đại của Ước Mơ của Thiên Chúa, nhưng phảỉ nhìn từ phía trời cao. Chính từ đó phát xuất lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Phanxicô vào cuối Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu: "Chiêm ngắm sự viên mãn mà chúng ta chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết tương đối hóa khi nhìn lại cuộc hành trình lịch sử mà chúng ta đang thực hiện trong tư cách là gia đình, để chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng, và phải chặt chẽ mà chúng ta chỉ có thể gặp được trong Nước Trời mai sau.

Hơn nữa, việc ấy cũng ngăn chúng ta không xét đoán khắc nghiệt những ai sống trong các hoàn cảnh chênh vênh. Tất cả chúng ta được mời gọi để tiếp tục phấn đấu hướng đến một cái gì đó lớn lao hơn chính chúng ta và vượt khỏi những giới hạn của chúng ta, và mỗi gia đình phải sống thường xuyên sự thôi thúc này. Nào chúng ta cùng đi, hỡi các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước! Ðiều chúng ta được hứa hẹn thì luôn cao trọng hơn. Ðừng đánh mất niềm hy vọng vì những giới hạn của mình, cũng đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và của sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta" (AL 325). Hơn nữa, ai sống trong ân sủng bí tích hôn phối thì càng có trách nhiệm hơn đối với những hoàn cảnh bị khủng hoảng về hôn nhân và gia đình, nếu quả thực bí tích hôn phối, giống như bí tích chức thánh, là cho sứ mệnh và việc xây dựng Hội Thánh. Thực vậy, "những hoàn cảnh này đòi hỏi phải có sự phân định cẩn thận và sự đồng hành với sự hết mực tôn trọng, tránh mọi lời nói và thái độ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị. Cần phải khuyến khích họ tham dự vào đời sống của cộng đoàn.

Chăm sóc cho những người như thế không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng tá cho tính bất khả phân ly của hôn nhân bị suy yếu đi, mà ngược lại , chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình" (AL 243). Nhờ đó, tính bất khả phân ly của hôn nhân không chỉ là một ân sủng cho đôi phối ngẫu mà thôi, nhưng còn là ân sủng cho toàn thể cộng đoàn và nhất là cho những ai sống nỗi đau của cuộc hôn nhân đang bị khủng hoảng của họ. Nói cách khác, nếu quả thực những đôi vợ chồng theo ân sủng bí tích hôn phối sống sức mạnh của ơn thông hiệp của Thiên Chúa, sức mạnh toàn năng không thể bị giam hãm giữa đôi bạn ấy hay giữa bốn bức tường của mái ấm gia đình, mà thực ra, do bản chất của mình, sức mạnh đó phải lan tỏa ra khắp nơi, và làm cho tất cả mọi người đều hưởng nhờ, nhất là cho những ai đang sống những thảm kịch hôn nhân và gia đình, hương thơm của tình hiệp thông, của sự âu yếm và nhân hậu của Thiên Chúa lan tỏa ngang qua máu thịt của mối liên kết bất khả phân ly của đôi vợ chồng. Do đó, sự bất khả phân ly là một ân sủng lớn lao cho toàn thể Hội Thánh, vì ân sủng đó ban cho mọi người tình yêu vĩnh cửu và trung tín của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.

Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

1. "Ân sủng bất khả phân ly của bí tích hôn phối không chỉ cho đôi vợ chồng nhưng còn cho tất cả cộng đoàn" nghĩa là gì?

2. Ðiều gì cần phải làm cho một đôi bạn trẻ chạy đến xin Hội Thánh cử hành bí tích hôn phối?

Hãy sống

1. Làm thế nào các gia đình có thể trở thành chủ thể đảm trách mục vụ tiền hôn

nhân và hôn nhân trong những cộng đoàn Hội Thánh?

2."Các đôi vợ chồng được mời gọi góp phần quan trọng và đặc thù của mình vào việc giúp đỡ các gia đình đang bị tổn thương bởi đủ loại khủng hoảng và đe dọa." Bạn hiểu điều này thế nào và cho biết cần phải làm những gì?

Trong Hội Thánh

Hãy suy nghĩ

1. Ðâu là Ước Mơ Lớn của Thiên Chúa cho mọi người, không trừ ai?

2. Các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta cống hiến bao nhiêu thời gian, nơi chốn và nguồn lực cho mục vụ tiền hôn nhân và hôn nhân?

Hãy sống

1. Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi thi hành thứ mục vụ đồng hành, phân định và hòa nhập nào trước biết bao gia đình đang bị tổn thương bởi đủ loại khủng hoảng và đe dọa?

2. Ðâu là những khó khăn thường gặp phải trong công tác mục vụ trước những người đôi khi cảm thấy ít nhiều bị loại trừ khỏi cộng đoàn Hội Thánh vì những hoàn cảnh hôn nhân và gia đình đặc thù của họ.

 

Bài 5. Văn Hóa Sự Sống

"Còn Ðức Giêsu ngày càng ngày thêm không ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với thiên Chúa và người ta" (Lc 2, 52).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hằng ở cùng Hội thánh và lịch sử nhân loại. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thông hiệp vào sự Sống của Chúa và được nếm trước niềm vui sự Sống vĩnh cửu; chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Quỳ trước thánh Nhan Chúa, chúng con khẩn cầu Chúa là nguồn sự sống và là Ðấng hằng hiện diện giữa chúng con.

Xin Chúa hãy khơi dậy nơi chúng con sự tôn trọng đối với mọi sự sống được sinh ra.

Xin cho chúng con nhận biết hoa trái nơi cung lòng mỗi người mẹ là tác phẩm tuyệt vời của Ðấng Tạo Hóa,

Xin cho chúng con biết quảng đại đón nhận mọi hài nhi được chào đời.

Xin chúc lành cho các gia đình, thánh hóa sự kết hợp của các đôi vợ chồng, và làm cho tình yêu của họ được phong nhiêu.

Xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho các nhà lập pháp, để các dân tộc và mọi quốc gia biết nhìn nhận và tôn trọng sự thánh thiêng của sự sống, của từng sinh mạng con người.

Xin Chúa hướng dẫn công việc của các nhà khoa học và y khoa, để tăng tiến lợi ích toàn diện cho mọi người và để không một ai bị hủy hoại và chịu những bất công.

Xin Chúa ban cho các nhà quản trị và các nhà kinh tế có được lòng bác ái sáng tạo, để họ thấu hiểu và thăng tiến những điều kiện tối thiểu cho các gia đình trẻ có thể sẵn sàng sinh con cái.

Xin Chúa thêm sức mạnh cho các đôi vợ chồng đang đau buồn vì không con, và xin nhân từ chăm sóc họ.

Xin Chúa dạy cho chúng con biết nuôi nấng những trẻ mồ côi và những trẻ bị bỏ rơi, để chúng cảm thấy được sự nồng ấm của Tình Yêu Chúa, niềm an ủi của Thánh Tâm Chúa.

Cùng với Ðức Maria, Thân Mẫu Chúa, nhờ ngài Chúa đã hóa thân làm người như chúng con, chúng con chờ đợi Chúa, nguồn Thiện Hảo và Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của chúng con, ban cho chúng con nguồn lực để yêu thương và phục vụ cho sự sống, trong khi chờ đợi được hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời Amen.

(Giáo Hoàng Benedicto XVI, Vatican ngày 27-11-2010)

 

Thú vị biết bao câu kết luận bất ngờ của đoạn Tin Mừng này. Theo cung cách của những động lực gia đình trong bối cảnh này, và nhất là của cung cách mà Chúa Giêsu đáp lại những câu nói biểu lộ mối xao xuyến của song thân Ngài đã phải lo sợ vì lạc mất Ngài, hầu như có một sự đứt đoạn đã xảy ra giữa những thành viên của Thánh Gia. Dường như, đã tới thời điểm mà Hài Ðồng Giêsu nay đã trở nên trưởng thành, bắt đầu đặt những rào cản và giới hạn đối với quyền bính của cha mẹ, để khẳng định sự tự lập và trách nhiệm của Ngài với chính bản thân. Ðó là một cảnh tượng rất thông thường nơi mái ấm gia đình. Ðó là sự bắt đầu đầy bất ngờ và rực rỡ của thời điểm phải đến, nhưng không có cha mẹ nào được chuẩn bị đúng mức bao giờ; đó là thời điểm đứa con, đột nhiên lớn hẳn lên và khởi sự biểu lộ ý chí và khả năng tự chọn lựa đời sống của mình. Rất đáng ngạc nhiên khi Thánh Gia Nazaret cũng chứng kiến đúng những động thái tương tự như mọi gia đình. Quả thực, sau đó, đọc tiếp bản văn Tin Mừng chúng ta sẽ thấy trong thực tế chẳng có một sự đứt đoạn nào trong gia đình cả. Mà đúng hơn lại là tác dụng ngược lại đã xảy ra, vì thánh Luca đã viết rằng Chúa Giêsu "đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2, 51).

Ðiều này giống như phản ứng thông thường của đứa trẻ bị từ chối những yêu sách của mình và vì sợ bị trừng phạt, đành phải làm những gì cha mẹ bảo. Thực ra, Chúa Giêsu đã bào chữa cho mình khá giỏi; chính những lời của Ngài đã khiến cha mẹ Ngài phải yên lặng. Phải tuân phục quyền bính của cha mẹ không phải là một chọn lựa mang tính bắt buộc, áp đặt hay gò bó, nhưng biểu lộ quyết định tự do và có tinh thần trách nhiệm của Ngài, khẳng định thêm một lần nữa sự yêu thích nguyên thủy của Ngài đối với Gia đình. Ngôi Lời của Thiên Chúa xuống trần gian trong sự nghèo nàn và thiếu thốn mọi sự, từ bỏ tất cả, chỉ trừ điều này: hóa thân làm người trong một Gia đình có một người cha và một người mẹ. Sau câu chuyện này, Chúa Giêsu lại tiếp tục vâng phục cha mẹ Ngài, bởi vì " các ngài cùng nhau dạy dỗ cho con về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ giữa những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cùng biết đón nhận từ người khác. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành" (AL 172). Thánh Luca kết thúc trình thuật này như sau: "còn Ðức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta" (Lc 2, 52).

Không cần nhiều lời, sách Tin Mừng đã cho ta thấy những gì tốt nhất và là căn bản để nuôi dạy con trẻ một cách toàn diện. Thật tuyệt vời khi cho ta thấy tính cách quan trọng hàng đầu về sự tăng trưởng của trẻ là tăng trưởng sự "khôn ngoan".Sự khôn ngoan này tuyệt đối không được hiểu như một sự tích lũy ngày càng nhiều mớ hành trang kiến thức và tài năng. Khôn ngoan đích thực, theo nghĩa gốc la ngữ của động từ "sapere", có nghĩa là nhấm nháp hương vị hay cảm nhận ý nghĩa sâu xa của đời sống. Sự khôn ngoan được đặt lên trước cả "tuổi tác". Tại sao? Chúng ta đang ở phía trước một cuộc cách mạng của Copernic về tư duy thể thức phát triển con người. Nói chung, chúng ta vẫn nghĩ rằng: trước hết, những năm tháng qua đi và sau đó, dần dần theo dòng thời gian người ta sẽ tập khám phá cái thú vị và ý nghĩa của cuộc đời. Tin Mừng, trái lại, khẳng định một sự thật ngược lại lối tư duy thông thường này; nói khác đi, trước hết có sự thích thú thực sự cuộc sống và sau đó những năm tháng mới qua đi. Tất cả điều đó có nghĩa là mỗi ngày trong đời mình, khởi đi từ ngày đầu tiên, phải được sống trong sự tận hưởng cả vẻ đẹp lẫn chiều sâu. Chỉ bằng cung cách sống như thế ân sủng Thiên Chúa mới có tác dụng phong phú. Chúng ta thường quen cầu xin Thiên Chúa can thiệp vào đời sống chúng ta mà quên mất câu nổi tiếng này của triết học kinh viện : "gratia supponit naturam" (ân sủng không hủy diệt bản chất con người).

Hẳn nhiên, dù sao đi nữa, ân sủng Thiên Chúa vẫn luôn luôn có trước hành động con người, nhưng hiệu năng ân sủng chỉ phát huy tùy theo mức độ con người tuân phục tác động của Thiên Chúa. Sau cùng, Tin Mừng nêu bật sự tăng trưởng của Chúa Giêsu không phải như một sự kiện riêng tư chỉ liên quan đến gia đình của Ngài không thôi, nhưng sự kiện đó thể hiện "trước thiên hạ", tức là trước con mắt của tất cả những ai trong cộng đồng xã hội trên đất nước Ngài đang sinh sống. Ðây một lần nữa, sứ điệp Tin Mừng nắm bắt ngay được cách suy nghĩ thường có tính hẹp hòi và có khuynh hướng cá nhân về những gì liên quan đến khuôn khổ gia đình. Nói cách khác, sự phát triển tuần tự của một con trẻ không phải là một điều gì chỉ khiến cho bậc cha mẹ quan tâm và chỉ can hệ tới các vị ấy thôi đâu. Sự tiến triển và sự trưởng thành của đứa trẻ ảnh hưởng đến tất cả mọi người vì mỗi một con người luôn luôn là một vốn liếng nhân bản cho thiện hảo của mọi người. Mọi người đều phải góp phần để cho mỗi đứa trẻ đều có được tất cả những gì giúp cho nó phát triển tối đa. Chúng ta đang đứng trước một bản tụng ca thực sự của nền văn hóa sự sống mà gia đình này là trung tâm nguồn cội. Do đó, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rõ ra rằng "gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới như một quà tặng Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới "cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục. Trước hết, đó chính là vẻ đẹp đáng yêu mến: con cái được yêu thương từ trước khi được sinh ra".

Ðiều này phản ánh tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa là Ðấng luôn luôn có sáng kiến, bởi vì con cái "được yêu thương trước khi chúng làm gì để đáng được yêu""(AL 166). Thậm chí "người mẹ đang cưu mang đứa trẻ trong lòng cần cầu xin Chúa ban cho ánh sáng để có thể nhận biết từ thâm sâu chính đứa con của mình và chờ đợi nó như con người đích thực của nó" (AL 170). Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta chứng kiến lan tràn một não trạng hoàn toàn lạm dụng hành động truyền sinh đến mức tách biệt hoàn toàn hành động này khỏi mối liên hệ nguyên thủy của nó với gia đình.Trong não trạng này, người ta không còn nhận thức một mảy may khác biệt nào giữa việc tạo ra những đứa trẻ bằng hành động tự nhiên giữa vợ chồng và việc tạo ra những đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc bằng những cách thức khác theo sự tiến triển không ngừng của khoa học. Lối suy nghĩ thông thường mà chúng ta đang chìm đắm này cứ ngày càng lây lan vì lý do duy nhất này: người ta đã mất đi nhận thức rằng đứa trẻ là một quà tặng vĩ đại của Thiên Chúa. Ðiều khẳng định mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta về sự tạo dựng con người đầu tiên được diễn tả một cách rõ ràng nhất: "Adam ăn ở với Eva, vợ mình. Bà thụ thai, và sinh ra Cain và bà nói: "Nhờ Ðúc Chúa tôi đã tạo ra được một con người" (St 4, 1). Như vậy, cái lý do của tình trạng hiện thời không phải chỉ có tính cách văn hóa, luân lý, xã hội, kinh tế hay nhân học mà thôi đâu. Nguyên ủy của sự khủng hoảng thế giới này chủ yếu chính là sự mất đi ý thức về Thiên Chúa, và do đó, con người thậm chí tự cảm thấy mình là chủ của việc thụ thai một nhân sinh mới. Ngược lại, dưới góc độ của đức tin, cái nhìn về những gì liên quan đến sự sống lại hoàn toàn thay đổi.

Ngay cả "nếu một đứa trẻ chào đời trong những hoàn cảnh ngoài ý muốn, thì cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình phải làm tất cả những gì có thể để đón nhận em như một quà tặng của Thiên Chúa và để đảm nhận trách nhiệm đón nhận em trong sự chân thành và yêu thương. Vì "khi nói đến những trẻ em sinh ra đời, thì không một hy sinh nào của người lớn lại có thể được coi là quá mắc hoặc quá to tát, làm sao để tránh cho đứa trẻ có cảm nghĩ bản thân nó là một sai lầm, không có giá trị gì và bị bỏ mặc cho sự hoành hành của giông tố cuộc đời và sự khinh bạc của con người". Ðứa con mới sinh, tặng phẩm Chúa trao phó cho người cha và người mẹ, được đón tiếp ngay từ lúc khởi đầu, được tiếp tục bảo vệ trong suốt hành trình cuộc sống trần thế và hướng tới định mệnh cuối cùng là niềm vui sự sống đời đời. Một cái nhìn thanh thản hướng tới sự hoàn tất chung cuộc của con người sẽ làm cho các bậc cha mẹ ý thức hơn về tặng phẩm sự sống quý giá được giao phó cho họ" (AL 166). Vì lý do này, "Với lòng biết ơn đặc biệt, Hội thánh ủng hộ các gia đình đón nhận, giáo dục và bảo bọc bằng tình thương những đứa trẻ bị các khuyết tật khác nhau" (AL 82). Các gia đình này, hơn ai hết, cho mọi người thấy giá trị thánh thiêng và tuyệt đối của sự sống con người. Quả thực, "giá trị sự sống của một con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một đứa trẻ vô tội lớn lên trong cung lòng người mẹ là bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện bất cứ lý lẽ nào để cho mình có quyền trên thân thể mình hầu biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy, vốn là một cứu cánh tự thân và không bao giờ được xem như đối tượng cho sự thống trị của một người khác. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó, kể cả giai đoạn khởi đầu" (AL 83).

Trao ban sự sống hiển nhiên là một tác động thần thiêng, và Ðức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng "mỗi người nữ đều tham dự vào mầu nhiệm tạo dựng vốn được hiện thực qua mỗi lần hạ sinh một đứa con" (AL 168). Nhưng, đồng thời, hành động đón nhận một sự sống mới cũng hoàn toàn thánh thiêng nữa. Thực ra, Ðức Maria và Thánh Giuse chứng tỏ sự cao cả ở ngay việc các ngài đã đón nhận, mỗi vị trong tính cách đặc thù của mình, Ngôi Lời Thiên Chúa, bằng cách để cho Người hóa thân nhập thế. Bởi đó, nếu quả thực là không phải tất cả mọi người ở bậc cha mẹ đều sinh con xét theo sinh học, thì cũng không kém thực hơn ấy là tất cả mọi người đều được mời gọi không ngừng đón nhận sự sống, khắp mọi nơi và trong mọi trường hợp. "Việc làm mẹ không chỉ là một thực tại thuần túy sinh học, mà nó còn được thể hiện theo nhiều cung cách khác nhau" (AL 178). Và nhất là "những ai đối mặt với thách đố nhận con nuôi và đón nhận một con trẻ cách vô điều kiện và vô vị lợi đều trở thành những trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, Ðấng từng nói: "Cho dù người mẹ có quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is 49, 15)" (AL 179). Chính tình yêu sẵn sàng đón nhận của gia đình như thế sẽ trao ban sự sống cho những kẻ không may bị mất gia đình. "Một đôi hôn nhân có kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu biết rằng tình yêu ấy được mời gọi để chữa lành thương tích của những số phận bị bỏ rơi, để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, để đấu tranh cho công lý.

Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình kế hoạch làm cho thế giới này trở nên "gia đình", để mọi người đều có thể cảm thấy mỗi người đều là anh em" (AL 183). Và còn ai hơn là gia đình, có khả năng mở rộng những chân trời của nền văn hóa sự sống trên thế giới, bằng cách sơn lên "màu xám của không gian chung màu sắc của tình huynh đệ, của mối quan tâm xã hội, của việc bảo vệ những người yếu thế, của đức tin sáng ngời, của niềm hy vọng tích cực" (AL 184)? Thay vì điều đó, ngày nay "chứng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Nhưng ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế. Một điều đáng lưu ý là hôn nhân đổ vỡ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi mà thích tìm một lối sống "độc lập" và từ chối lý tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau." (AL 39). Ngược lại, duy chỉ có gia đình, tự thân mang trong ADN của mình một sức năng động của hiệp thông liên lỉ thúc đẩy mình phải "đem lòng yêu thương tiếp đón những người mẹ vị thành niên, các trẻ không cha, những bà mẹ đơn thân đang phải nuôi dạy con cái, những người khuyết tật thiếu thốn tình thương và sự nâng đỡ, những người trẻ đang chống chỏi để thoát khỏi nghiện ngập, những người độc thân, những người đã ly thân hay ly dị, hoặc những người góa bụa đang sống trong cô độc, những người già yếu bệnh tật không còn được con cái giúp đỡ, và " ngay cả những người bất hạnh nhất bởi lối sống thiếu đạo đức của họ" (AL 197). Gia đình, theo định nghĩa, chính là nơi vun trồng văn hóa sự sống vì đó chính là nơi tuyệt hảo để Thiên Chúa hiện diện. Khi mỗi gia đình nhận biết nhị thức nguồn cội giữa Thiên Chúa và sự sống, thì thế giới sẽ nhân bản hơn và phẩm giá riêng của từng người sẽ luôn được gìn giữ.

Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

1. Mỗi sự sống con người là một tặng phẩm thánh thiêng bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Nhưng ngày nay, não trạng muốn thỏa mãn mong muốn có một đứa trẻ bằng mọi giá ngày càng phổ biến đến mức người ta dễ dàng tìm đến bất cứ kỹ thuật tiến bộ nào để thực hiện thụ thai mà không cần đến hành vi kết hợp tự nhiên của vợ chồng. Mỗi con người, dù được thụ thai theo cách nào, đều là một quà tặng của Thiên Chúa. Như thế, đâu là mối tương quan giữa tặng phẩm sự sống của Thiên Chúa và hành vi vợ chồng tự nhiên?

2. Câu nói "chỉ khi nào gia đình nhận biết mình chính là nơi tuyệt hảo để cho Thiên Chúa hiện diện thì gia đình mới có thể trở nên tác nhân thăng tiến văn hóa sự sống" nghĩa là gì?

Hãy sống

1. Mỗi gia đình mang nơi mình động lực hiệp thông thúc đẩy đón nhận sự sống, dù điều kiện của sự sống đó là thế nào đi nữa, nhưng phẩm chất này không phải lúc nào cũng sáng tỏ. Vậy trở lực nào ngăn cản và điều gì có thể là trợ lực cho sự thúc đẩy đó?

2. Khi nào đôi phối ngẫu có thể đón nhận nhau hoàn toàn, thì họ cũng mở lòng ra đón nhận tất cả. Ðiều đó có nghĩa là gì? Hãy giải thích bằng những thí dụ cụ thể, có thể kể những kinh nghiệm đã trải qua.

Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ

1. Chúng ta thường trông thấy việc cổ vũ cho sự sống như một điều gì liên quan đến Hội thánh với tất cả hệ thống giáo lý của Hội thánh chứ không phải như một quyền bất khả xâm phạm một cách độc lập với mọi sự gắn bó tôn giáo hay luân lý. Hội thánh có thể hay phải làm gì để khẳng định quyền thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống một cách độc lập với mọi sự và mọi người?

2. Thời nay, mối liên kết cội rễ và bất khả phân ly giữa tình yêu và sự sống ngày càng mong manh đến chỗ bị đặt thành vấn đề tranh luận. Vậy đâu là những lầm lỗi gây nên nỗi? Ðâu là những khó khăn? Ðâu là những đề nghị?

Hãy sống

1. Không thể nào cổ vũ nền văn hóa sự sống mà không có gia đình và bản chất gốc rễ của sự đón nhận. Người ta có thể làm gì trong công tác mục vụ để khởi phát vòng đạo đức này?

2. Có những đề nghị nào để Hội thánh có thể giúp các gia đình sống nền văn hóa đích thực của sự sống?

 

(Chuyển ngữ và biên tập bởi Anton Uông Ðại Bằng ngày 17/9/2018)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page