Người di cư tỵ nạn,

gánh nặng hay cơ may cho các nước tây âu

 

Người di cư tỵ nạn, gánh nặng hay cơ may cho các nước tây âu?

Linh Tiến Khải

Roma (Vat. 31-07-2018) - Trong các tuần qua vấn đề người di cư tỵ nạn vẫn tiếp tục gây tranh cãi giữa các đảng phái chính trị Italia. Ðường lối cứng rắn của Bộ trưởng quốc phòng ông Matteo Salvini đã đem lại vài kết quả sơ khởi là vài nước Âu châu như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Malta bắt đầu nhận người di cư tỵ nạn, thay vì để cho Italia gánh chịu một mình như đã xảy ra trong hàng chục năm qua.

Thái độ của các nước châu Âu đối với người di cư tỵ nạn

Tuần qua Quốc hội Âu châu xem ra lại muốn phủi tay bằng cách đề nghị sẽ trả cho chính quyền Italia 6,000 Euro cho mỗi đầu người di cư tỵ nạn được Italia nhận. Bộ trưởng Salvini đã cứng rắn tuyên bố: chúng tôi không nhận tiền bố thí của Liên Hiệp Âu châu, vì cho tới nay chính quyền Italia đã phải chi cho mỗi đầu người di cư tỵ nạn từ 40 tới 50 ngàn Euros. Tất cả mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu châu đều phải lãnh trách nhiệm chia nhau nhận người di cư tỵ nạn, chứ không thể phủi tay để mặc Italia một mình xoay xở. Chỉ nội trong năm 2017 Italia đã phải nhận tới 180,000 người di cư tỵ nạn.

Giáo hội Italia dấn thân cho người di cư tỵ nạn

Vẫn liên quan tới người di cư trong các ngày qua các Giám Mục Italia đã kêu gọi nhân dân toàn nước đừng sợ hãi nhưng hãy quảng đại tiếp đón người di cư tỵ nạn.

Trong thông cáo công bố sau vụ đắm tầu ngày 24 tháng 7 năm 2018 khiến cho hàng chục người chết, các Giám Mục viết: "Như là các chủ chăn của Giáo Hội chúng tôi không yêu sách cống hiến các giải pháp rẻ tiền. Nhưng liên quan tới biến cố đang xảy ra chúng tôi không có ý ngoảnh mặt làm ngơ, cũng không có các lời nói khinh rẻ và các thái độ hiếu chiến. Chúng ta không thể để cho các âu lo và sợ hãi điều kiện hóa các lựa chọn của mình, hay xác định các câu trả lời dưỡng nuôi bầu khí nghi ngờ và khinh mạn, giận dữ hay khước từ. Các đôi mắt mở lớn và cái nhìn trống vắng của người đã trông thấy vực sâu nuốt chửng các mạng sống con người là hình ảnh cuối cùng của một thảm kịch không cho phép chúng ta được quen thuộc với nó. Chúng ta cảm thấy có trách nhiệm đối với đạo quân nghèo nàn, nạn nhân của chiến tranh và nghèo túng, của sa mạc và các tra tấn. Ðó là lich sử khổ đau của những người nam nữ và trẻ em, trong khi nó ngăn cản việc đóng cửa biên giới và dựng rào cản, nó xin chúng ta dám tỏ tình liên đới, công bằng và hòa bình.

Như là các Giám Mục, được linh hoạt bởi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi gióng lên tiếng nói thay cho những ai không có tiếng nói. Chúng tôi đồng hành với các cộng đoàn kitô, bằng cách lôi cuốn họ tiếp đón và sống tình huynh đệ đích thật. Chúng tôi biết ơn tất cả những ai bên cạnh và cùng với chúng tôi sẵn sàng là dấu chỉ của lòng cảm thương, nhìn xa thấy rộng và can đảm xây dựng một nền văn hóa chấp nhận mọi người, có khả năng che chở thăng tiến và hội nhập các người di cư. Chúng tôi nhận thấy rằng con đường để cứu vớt chính nhân loại của chúng ta khỏi sự tầm thường và biến thành mọi rợ đi ngang qua dấn thân giữ gìn sự sống. Mọi sự sống, bắt đầu từ sự sống bị hạ nhục và chà đạp nhất."

Ðây không phải là lần đầu tiên Hội Ðồng Giám Mục Italia lên tiếng về vấn đề di cư tỵ nạn. Trong quá khứ nhất là từ mấy năm qua các vị đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi toàn dân Italia quảng đại tiếp đón người di cư tỵ nạn, giúp họ có công ăn việc làm và hội nhập vào đời sống xã hội. Phong trào Công giáo tiến hành Italia, cộng đồng thánh Egidio, Trung tâm phụ nữ Italia và Liên đoàn các tổ chức Kitô thiện nguyện quốc tế cũng hiệp nhất với lời Hội Ðồng Giám Mục Italia mời gọi đừng sợ hãi, nhưng hãy tiếp đón các anh chị em khốn khổ này.

Canh thức "Chết vì hy vọng" cầu nguyện cho mọi người di cư đã thiệt mạng

Cũng trong chiều hướng này chiều ngày 18 tháng 7 năm 2018 Ðức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục Torino, đã chủ sự buổi canh thức "Chết vì hy vọng" cầu nguyện cho mọi người di cư đã thiệt mạng trên đường tiến về Âu châu để kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Buổi canh thức đã do cộng đồng thánh Egidio tổ chức cùng với Ngân quỹ di cư và Liên hiệp các giáo hội tin lành Italia. Cộng đồng thánh Egidio cho biết từ năm 1990 tới nay đã có ít nhất 36,000 người chết. Trong năm 2017 số người di cư chết là 3,139 người, tức hầu như mỗi ngày có 10 người thiệt mạng. Trong khi từ tháng giêng năm 2018, tuy số người di cư đã giảm, nhưng cũng đã có 1,000 người chết. Ðó là chưa kể số người thiệt mạng khi băng qua sa mạc hay biên giới các nước khác trước khi vượt Ðịa Trung Hải. Trả lại tên tuổi cho những người đã chết không chỉ là một hành động thương xót nhân đạo và kitô, mà còn là một câu hỏi cá nhân và một cuộc gặp gỡ trực tiếp với các khổ đau, mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi.

Giảng trong buổi canh thức cầu nguyện Ðức Tổng Giám Mục Nosiglia nêu bật bổn phận và trách nhiệm chung của các nước âu châu trong việc tiếp nhận các anh chị em di cư tỵ nạn. Cần bảo đảm cho họ có được các điều kiện sống thanh thản và xứng đáng, được đồng hành, hội nhập, đào tạo, có công ăn việc làm, nhà ở, và có thể chia sẻ các giá trị văn hóa, tôn giáo và xã hội với các anh chị em khác. Ðức Cha cũng bầy tỏ âu lo khi thấy các cộng đoàn giáo hội tích cực dấn thân trợ giúp người di cư, nhưng xã hội chính trị dân sự xem ra lại rất thờ ơ, có nhiều thành kiến, và thù nghịch người di cư. Vì vậy cần hoạt động trên cả lãnh vực giáo dục, đào tạo văn hóa, xã hội và tôn giáo nữa cho người di cư cũng như cho dân địa phương.

Các Giám Mục can thiệp chống lại nền văn hóa bất khoan nhượng và kỳ thị chủng tộc

Ðức Cha Antonio Suetta, Giám Mục Ventimiglia-San Remo bắc Italia, cũng công bố một bức thư trả lời cho lá thư gửi các Giám Mục Italia, do một nhóm linh mục và giáo dân viết, yêu cầu các Giám Mục can thiệp chống lại nền văn hóa bất khoan nhượng và kỳ thị chủng tộc đang lan tràn tại Italia. Giáo phận của Ðức Cha nằm ở biên giới từ vài năm qua cũng bị liên lụy vì hiện tượng di cư tỵ nạn, và là vùng đất có làn sóng người di cư đa số gốc phi châu từ miền nam Italia tìm đến sinh sống hay tạm trú chờ dịp trốn sang các nước khác. Trong thư trả lời Ðức Cha đã đưa ra vài suy tư về sự phức tạp của hiện tượng di cư tỵ nạn hiện nay. Ngài viết: kinh nghiệm di cư thật là đau đớn đối với mọi người. Phải đau khổ, ai bị bó buộc rời bỏ gia đình, nhà cửa, đất đai ruộng vườn, các liên hệ yêu thương, các phong tục tập quán, nền văn hóa và các truyền thống làm thành căn tính của họ. Phải đau khổ, gia đình bị mất đi một thành phần và bị phân tán. Phải đau khổ, vùng đất bị nghèo nàn đi vì mất đi các tài lực tốt nhất. Bên cạnh đó là các khó khăn của các dân tộc tây phương trong việc thực hiện một sự hội nhập khó khăn, thường là âu lo đối với việc duy trì nền an ninh và căn tính văn hóa tôn giáo của mình. Nước mắt của biết bao nhiêu người trẻ di cư mà tôi đã gặp trong các năm qua cho biết sự phức tạp của vấn đề. Nhưng chính vì nó là một vấn đề phức tạp, nên cần phải suy tư sâu rộng. Khước từ, đối xử tàn tệ, khai thác những người ở trong các điều kiện này là điều không thể khoan nhượng được, cũng như từ chối các săn sóc cần thiết để họ có thể sống còn là trái với giáo huấn của Tin Mừng và việc tôn trọng quyền căn bản của con người là quyền sống. Ðã nhiều lần tôi tự hỏi: đâu có thể là vai trò ngôn sứ của Giáo Hội trong tình trạng này? Chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp các bữa ăn nóng, chỗ che mưa nắng, và các yểm trợ khác nhau như làm trung gian, hướng dẫn và nhất là cung cấp tình người cho những ai phải sống trong các điều kiện khó khăn và cần có những gì tối thiểu để sống. Nhưng điều này có đủ để giải quyết một vấn đề có các chiều kích nghiêm trọng như thế không? Giáo Hội nhìn vào thiện ích toàn vẹn của con người và của tất cả mọi người, và ý thức rằng hoạt động của mình có bản chất tôn giáo và luân lý, nếu không thì sẽ không khác bất cử tổ chức nhân đạo nào khác vớt người tỵ nạn tại Ðịa Trung Hải. Giáo Hội nảy sinh để duy trì luôn mãi sự hiện diện và hoạt động của Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế. Giáo Hội nói với các lương tâm và trái tim của từng người, biểu lộ và nhập thể lời loan báo của mình qua các hành động cụ thể. Nhiệm vụ của Giáo Hội là chỉ cho thấy các nguyên tắc luân lý để các cộng đoàn kitô có thể chu toàn vai trò trung gian của mình trong việc tìm các giải pháp cụ thể thích hợp với các thực tại địa phương. Trong thư Ðức Cha Suetta chú ý tới thảm cảnh các gia đình bị phân rẽ. Ðây là một vấn đề nghiêm trọng trên bình diện xã hội, luân lý và nhân bản của các quốc gia gốc của người di cư. Sự kiện người trẻ di cư khiến cho các nước Phi châu bị nghèo nàn đi. Và rất thường khi họ là tầng lớp ưu tú được học hành đào tạo, nhưng giấc mơ cuộc sống sung túc bên Âu châu ở tầm với khiến cho họ liều mình ra đi. Trong nỗ lực tiếp đón người ta thường bỏ quên những ai còn ở lại trong các quốc gia đó, thường là những người nghèo nàn nhất, cả trên bình diện văn hóa.

Cùng nhau cộng tác dấn thân cho người di cư tỵ nạn

Chính vì thế ngày nay trong khi chúng ta cùng với Ðức Thánh Cha Phanxicô khẳng định bổn phận phải tiếp đón ai gõ cửa nhà chúng ta trong các điều kiện nghiêm trọng, cũng cần nỗ lực, có lẽ nhiều hơn những gì đã được làm, để bảo đảm cho các dân tộc khả thể không phải di cư, được sống trong quê hương của họ và cống hiến cho quê cha đất mẹ của mình phần đóng góp giúp cải tiến xã hội. Các người nam nữ và trẻ em liên lụy trong hiện tượng di cư là các nạn nhân ba lần. Trước hết họ là nạn nhân của bất công, bần cùng, và thường khi là nạn nhân của chiến tranh xung đột bắt buộc họ phải bỏ nước ra đi. Các tình trạng này trực tiếp hay gián tiếp là hậu quả của các đường lối chính trị thuộc địa cũ và mới.

Ngoài ra người di cư thường là các đối tượng bị khước từ và khai thác tại những nước họ tới, là nạn nhân của các điều kiện cơ cấu không luôn luôn cho phép họ có sự may mắn mà họ tìm kiếm. Sau cùng họ là nạn nhân, cùng với các dân tộc tây phương, của các dự án và nỗ lực xóa bỏ căn tính của các dân tộc, để từng người trở thành yếu đuối và cô đơn hơn, bị trốc rễ quy chiếu văn hóa của một cộng đoàn, trong đó họ có thể tự nhận diện cho tới cùng.

Ðức Cha Suetta cũng nói tới một sản xuất luật pháp âu châu ngày càng xa rời và thù nghịch với các gốc rễ nền văn minh của nó. Nó tuyên chiến chống các tôn giáo, chống mọi tôn giáo và việc quy chiếu Thiên Chúa trong cuộc sống con người. Và như thế khi đến Âu châu, các người di cư tỵ nạn cũng cảm thấy sức nặng và sự mệt mỏi của một quan niệm và một kiểu sống không thuộc lịch sử và căn tính của họ, dù họ là kitô hữu, tín hữu hồi hay thuộc một tôn giáo nào khác.

Trong hiện tình xã âu châu già nua, thiếu nhân lực làm việc và đóng thuế hiện nay để bảo đảm cho quỹ an sinh và hưu trí, sự kiện người di cư đông đảo vào Âu châu là một chiếc phao cứu giúp ổn định sự phát triển kinh tế xã hội cho chính các nước âu châu. Nhưng các khác biệt văn hóa, phong tục tập quán của họ có thể gây ra nhiều vấn đề, và tạo ra các khó khăn cho người dân và các chính quyền âu châu. Vì thế tìm ra các chính sách và đề ra các chương trình tiếp đón, đồng hành và hội nhập người tỵ nạn thế nào để tạo ra thế quân bình giúp hiện tượng di cư tỵ nạn đem lại các hiệu quả tích cực cho cả hai phía, phải là ưu tiên hàng đầu của các chính quyền tây âu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page