Hơn 80 ngàn người tham dự

Lễ Hội gia đình tại Dublin với Ðức Thánh Cha

 

Hơn 80 ngàn người tham dự Lễ Hội gia đình tại Dublin với Ðức Thánh Cha.

G. Trần Ðức Anh OP


Hơn 80 ngàn người tham dự Lễ Hội gia đình tại Dublin với Ðức Thánh Cha.


Dublin (Vat. 26-08-2018) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc ngày đầu tiên trong cuộc viếng thăm tại Dublin, Ailen, với hơn 80 ngàn người tham dự Lễ Hội gia đình tại Sân vận động Croke Park, chiều tối ngày 25 tháng 8 năm 2018.

Sân vận động Croke Park là sân vận động lớn nhất Âu Châu, có thể đón tiếp 82,300 khán giả và được dùng cho mọi loại biến cố, từ những cuộc đấu bóng, các cuộc tranh tài thể thao, cho đến các buổi hòa nhạc và lễ hội quốc tế, hội chợ. Hồi năm 2012, thao trường này cũng là nơi đón tiếp hơn 75 ngàn người từ 35 quốc gia, tham dự lễ bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50.

Ðến nơi vào lúc 7 giờ 15 tối, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của giáo phận Dublin đón tiếp và đi xe vòng quanh thao trường để chào các tín hữu trong bầu không khí rất nồng nhiệt. ÐTC tươi vui vẫy chào các tín hữu.

Ðức Hồng Y Kevin Farrell chào mừng

Lên tới bục cao trước khán đài, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Hồng Y Kevin Farell, người Ailen, Chủ tịch Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, chào mừng và thưa với ngài rằng:

"Trong 3 ngày qua, chúng con đã học hỏi và thảo luận về Tông Huấn Amoris Laetitia và đạt được những trực giác mới. Hôm nay chúng con ở đây với Ðức Thánh Cha để cùng nhau cử hành và để thế giới biết về vẻ đẹp và ân thánh cần tìm trong hôn nhân và gia đình Kitô".

Và Ðức Hồng Y Farrell kết thúc với một kinh nguyện chính thức của Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới tại Dublin.

Văn nghệ và chứng từ

Lễ hội diễn ra xen kẽ phần văn nghệ, với các chứng từ, vũ điệu và các bài ca do các danh ca, các ca đoàn và ban nhạc nổi tiếng trình diễn. Trong số các danh ca có Patrick Bergin, Andrea Bocelli và Celine Byrne.

Mở đầu là chứng từ của gia đình người Ấn độ từ Mumbai gồm cha mẹ và 3 người con về ảnh hưởng của kỹ thuật trên các gia đình ngày nay. Chứng từ của gia đình Canada gồm 2 ông bà và 3 người cháu từ Toronto, về tầm quan trọng của các thế hệ trong gia đình. Chứng từ của gia đình người Irak gồm cha mẹ và hai người con, từ Karemlash (gần Mossul), Irak, nhưng nay đang sống tại Australia (không có gia đình nào từ Irak được thị thực nhập cảnh vào Ailen). Họ nói về gia đình như nguồn sức mạnh trong nghịch cảnh. chứng từ của bà Missy Collins, đại diện cho các gia đình Ailen du mục. Tiếp đến là chứng từ của một gia đình người Ailen gồm cha mẹ và 10 người con từ Ashbourne gần Dublin, nói về hôn nhân là một nguồn mạch sự sống và hy vọng. Sau cùng là chứng từ của một gia đình từ Burkina Faso bên Phi châu gồm cha mẹ và một người con trai 37 tuổi, nói về gia đình, sự tha thứ và tình yêu vô điều kiện.

Huấn dụ của Ðức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ kết thúc, Ðức Thánh Cha giải thích đề tài của cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới "Tin mừng gia đình niềm vui cho thế giới": Thiên Chúa muốn rằng mỗi gia đình là một ngọn đèn pha chiếu tỏa niềm vui tình thương của Ngài trong thế giới. Ðiều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta, sau khi đã gặp tình thương của Thiên Chúa cứu độ, chúng ta cố gắng, bằng hoặc không bằng lời nói, biểu lộ tình thương ấy qua những cử chỉ từ nhân bé nhỏ trong đời sống hằng ngày và trong những lúc đơn giản nhất trong ngày.

Nên thánh trong hôn nhân và đời sống gia đình

Ðiều này có nghĩa là sự thánh thiện. Tôi thích nói về các thánh "ở cửa bên cạnh", tất cả những người thường phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống và lịch sử thế giới (Xc Tông huấn Gaudete et exsultate, 6-7). Ơn gọi yêu thương và nên thánh không phải là cái gì dành riêng cho một thiểu số ưu tiên. Cả bây giờ, nếu chúng ta có mắt để thấy, chúng ta có thể nhận ra sự thánh thiện quanh chúng ta. Sự thánh thiện ấy âm thầm hiện diện giữa lòng tất cả các gia đình trao tặng tình thương, tha thứ và lòng từ bi khi họ thấy có nhu cầu và họ làm điều đó trong âm thầm, không thổi kèn đánh trống. Tin mừng gia đình thực sự là niềm vui cho thế giới, vì, tại đó, trong các gia đình chúng ta, Chúa Giêsu có thể luôn được tìm thấy; tại đó ngài ở trong sự đơn sơ và thanh bần, như Ngài đã làm trong thánh gia thất Nazareth.

Hôn nhân Kitô và đời sống gia đình được hiểu trong tất cả vẻ đẹp và sự thu hút nếu được ăn rễ trong tình thương của Thiên Chúa, Ðấng đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, để chúng ta có thể làm vinh danh Chúa như hình ảnh tình thương và sự thánh thiện của Chúa trong thế giới. Cha mẹ, ông bà nội ngoại, con cháu: tất cả đều được kêu gọi tìm thấy trong gia đình sự viên mãn của tình yêu. Ơn thánh của Chúa giúp chúng ta hằng ngày sống tâm đầu ý hiệp. Cả các bà mẹ chồng và nàng dâu! Không ai nói đó là điều dễ dàng...

Ðức Thánh Cha lần lượt nhắc đến chứng từ của các đôi vợ chồng và nêu lên những nhận xét từ đó:

Xin lỗi và tha thứ trong hôn nhân

Chúng ta vừa nghe chứng từ của Felícité, Isaac và Ghislain, đến từ Burkina Faso bên Phi châu. Họ đã kể cho chúng ta một câu chuyện cảm động về sự tha thứ trong gia đình. Một thi sĩ đã nói: "sai lầm là điều phàm nhân, tha thứ là điều thần linh". Và đúng vậy, tha thứ là một ơn đặc biệt của Chúa chữa lành các vết thương của chúng ta và làm cho chúng ta xích lại gần nhau và gần Ngài. Những cử chỉ tha thứ bé nhỏ và đơn sơ, được lập lại mỗi ngày, chính là nền tảng trên đó chúng ta xây dựng một đời sống gia đình Kitô vững chắc. Những cử chỉ ấy buộc chúng ta phải vượt thắng tính kiêu ngạo, sự xa cách và thái độ ngượng nghịu để làm hòa với nhau. Ðúng vậy, tôi ưa nói rằng trong các gia đình cần học 3 từ này: xin lỗi, xin vui lòng, và cám ơn. Khi những cãi vã xảy ra trong gia đình, anh chị em hãy thu xếp làm sao để trước khi đi ngủ, hãy xin lỗi nhau và tỏ lòng hối tiếc. Cả khi bạn bị cám dỗ đi ngủ trong phòng khác, riêng rẽ một mình, hãy gõ cửa và nói: "Anh, (em) có thể vào được không?" Ðiều cần ở đây là một cái nhìn, một nụ hôn, một lời dịu dàng.. và tất cả trở lại như trước! Tôi nói điều này vì khi các gia đình làm như thế thì sẽ sống còn. Không có gia đình nào hoàn hảo; nếu không có thói quen tha thứ, thì gia đình sẽ bệnh hoạn và dần dần sụp đổ.

Sống tha thứ theo kinh Lạy Cha

Ðức Thánh Cha giải thích thêm rằng tha thứ có nghĩa là trao ban một cái gì tự bản thân mình. Chúa Giêsu luôn tha thứ cho chúng ta. Với sức mạnh của sự tha thứ, cả chúng ta cũng có thể tha thứ cho người khác, nếu chúng ta thực sự muốn. Chẳng phải đó là điều chúng ta cầu xin, khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha sao? Các con cái cũng học tha thứ khi chúng thấy cha mẹ tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta hiểu điều đó, chúng ta có thể quí chuộng giáo huấn cao cả của Chúa Giêsu về sự chung thủy trong hôn nhân. Thay vì là một sự bó buộc của luật lệ lạnh lùng, đây chủ yếu là một lời hứa mạnh mẽ về sự trung tín của chính Thiên Chúa đối với lời Ngài và ơn thánh vô biên của Ngài. Chúa Kitô đã chết cho chúng ta để đến lượt chúng ta có thể tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau...

Gia đình và việc sử dụng các mạng xã hội

Ðức Thánh Cha cám ơn Nisha và Ted vì những chứng tá từ Ấn độ, qua đó anh chị dạy con cái trở thành một gia đình thực sự. Anh chị cũng giúp cả chúng tôi hiểu rằng các mạng xã hội tự chúng không nhất thiết là một vấn đề cho các gia đình, nhưng có thể góp phần xây dựng một mạng thân hữu, liên đới và nâng đỡ nhau. Các gia đình có thể liên kết với nhau qua Internet và rút ra những ích lợi từ đó. Các mạng xã hội có thể mưu ích nếu được sử dụng điều độ và thận trọng. Ví dụ anh chị em đang tham dự cuộc gặp gỡ thế giới này của các gia đình, anh chị em họp thành một mạng tinh thần, một liên mạng thân hữu và các mạng xã hội có thể giúp anh chị em duy trì liên hệ ấy và mở rộng ra cho các gia đình khác ở bao nhiêu nơi trên thế giới.

Nhưng điều quan trọng là các phương tiện này không bao giờ được trở thành một đe dọa cho mạng thực sự của các tương quan bằng xương bằng thịt khi cầm tù chúng ta trong một thực tại tiềm thể và cô lập chúng ta với những tương quan đích thực, là tương quan kích thích chúng ta đóng góp phần tốt nhất của mình trong niềm hiệp thông với tha nhân. Có lẽ chuyện của Ted và Nisha có thể giúp tất cả các gia đình tự hỏi về sự cần thiết phải giảm bớt thời giờ dành cho các phương tiện kỹ thuật, và dành nhiều thời gian tốt đẹp hơn cho nhau và với Thiên Chúa.

Sống tình liên đới

Chúng ta đã nghe Enass và Sarmaad cho thấy tình yêu và đức tin trong gia đình có thể là nguồn sức mạnh và an bình, thậm chí giữa bạo lực và tàn phá vì chiến tranh và bách hại. Câu chuyện của họ làm chúng ta nghĩ đến những tình trạng bi thảm hằng ngày làm cho bao nhiêu gia đình đau khổ, buộc lòng phải bỏ gia cư đi tìm kiếm an ninh và hòa bình. Nhưng Enass và Sarmaad cũng cho chúng ta thấy, từ gia đình và nhờ tình liên đới của nhiều gia đình khác, đời sống có thể được tái tạo và hy vọng có thể tái sinh. Chúng ta đã thấy sự nâng đỡ này trong video của Rammy và em là Meelad trong đó Rammy bày tỏ lòng biết ơn sâu xa vì sự khích lệ và giúp đỡ mà gia đình họ nhận được từ bao nhiêu gia đình Kitô khác trên thế giới, làm cho họ có thể trở về làng cũ. Trong mỗi xã hội các gia đình tạo nên hòa bình, nếu họ dạy yêu thương, tiếp đón và tha thứ, những linh dược chống lại oán thù, và trả đũa làm cho đời sống cá nhân và cộng đoàn bị nhiễm độc.

Cầu nguyện chung trong gia đình

Như một Linh Mục tốt lành người Ailen đã dạy: "Gia đình cầu nguyện là gia đình keo sơn với nhau" và chiếu tỏa an bình. Một gia đình như vậy có thể là một nâng đỡ đặc biệt cho các gia đình khác không được sống trong an bình...

Cuối bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói thêm rằng "Trời đã trễ rồi và anh chị em mệt mỏi, nhưng hãy để tôi nói thêm một điều cuối cùng. Các gia đình anh chị em là hy vọng của Giáo Hội và thế giới! Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh linh đã sáng tạo nhân loại theo hình ảnh của Ngài để làm cho gia đình tham gia vào tình thương của Ngài, để trở thành gia đình của các gia đình và hưởng an bình mà chỉ mình Chúa có thể ban. Với chứng tá Tin Mừng, anh chị em có thể giúp Thiên Chúa thực hiện giấc mơ của Ngài. Anh chị em có thể góp phần làm cho mọi con cái Chúa xích lại gần nhau, để tăng trưởng trong sự hiệp nhất và học biết đâu là ý nghĩa đối với thế giới sự sống trong an bình như một đại gia đình với nhau. Vì thế tôi đã muốn trao cho mỗi người trong anh chị em một bản Tông Huấn Amoris laetitia ("Niềm vui yêu thương") mà tôi đã viết để văn kiện này trở thành một thứ chỉ nam giúp vui sống Tin Mừng gia đình.

Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha nhiều lần bị ngắt quãng vì những tràng pháo tay. Có lúc ngài ứng khẩu kêu gọi hãy rửa tội cho các trẻ em khi còn nhỏ, vì nhớ Chúa Thánh Linh, trẻ em như thế trở nên mạnh mẽ hơn, có sức mạnh của Chúa trong tâm hồn.

Trong thời gian gần đây, có nhiều người ở Ailen, đứng đầu là bà cựu tổng thống Mary McAleese (1997-2011). Họ cho rằng rửa tội cho trẻ em là vi phạm nhân quyền của các em.

Lễ hội kết thúc lúc gần 10 giờ đêm với phép lành của Ðức Thánh Cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page