Cha Enrique Figaredo - Giám Mục xe lăn
giúp người tàn tật Campuchia
Cha Enrique Figaredo - Giám Mục xe lăn - giúp người tàn tật Campuchia.
Hồng Thủy
Phnom Penh (Vat. 11-08-2018) - "Giám mục xe lăn" là biệt danh của cha Enrique Figaredo, một linh mục dòng Tên người Tây ban nha, vì cha đã dành thời gian của mình để xoa dịu đau khổ cho cho những người tàn tật bị bỏ rơi và lãng quên ở Campuchia, dạy cho họ làm những chiếc xe lăn.
Từ nhà truyền giáo đến Phủ doãn Tông tòa, nhưng sứ mệnh không thay đổi
Enrique Figaredo sinh năm 1959, tại Gijon, Tây Ban Nha. Năm 1979, Figaredo gia nhập dòng Tên và bắt đầu làm tình nguyện viên tại các khu ổ chuột và những khu dân cư nghèo của Madrid trước khi quyết định muốn làm việc với những người tị nạn. Từ năm 1984 đến 1988, thầy Figaredo làm việc cho Cơ quan cứu trợ Dòng Tên, hoạt động tại các trại tị nạn gần biên giới Thái Lan. Tại đây, thầy Figaredo làm việc với những người bị mất tay chân khi chạy trốn hoặc chiến đấu chống lại chế độ Pol Pot giết người cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 khi Khmer Ðỏ trở thành một phong trào du kích. Sau đó thầy Figaredo trở về Tây ban nha tiếp tục chương trình học và năm 1992, thầy được chịu chức linh mục. Ngay sau khi chịu chức linh mục, cha Figaredo quay lại Thái lan để giúp người tàn tật.
Từ năm 1993 đến năm 2000, cha Figaredo hoạt động tại trung tâm huấn nghệ dành cho người tàn tật ở Phnom Penh. Trung tâm này giúp cho các trẻ em bị cụt tay chân vì bom mìn được học hành và những người tàn tật học làm xe lăn theo mô hình Mekong - một loại xe lăn bằng gỗ có 3 bánh. Năm 2000, cha Figaredo được bổ nhiệm làm phủ doãn Tông tòa của Battambang.
Con người cần được giúp đỡ dù họ đã từng phạm tội
Vào cuối năm 1998, vài tuần sau khi những thành trì cuối cùng của Khmer Ðỏ sụp đổ, cha Figaredo đã đến thăm một số cán bộ cuối cùng của phong trào này sau khi nghe biết họ cần được giúp đỡ. Ðối với nhiều người, thật không an toàn khi đi vào một khu vực mà cho đến mới đây thôi vẫn còn bị bởi một trong những phong trào cách mạng đáng sợ nhất của thế kỷ 20 kiểm soát, thì cha Figaredo lại xem đó như là ơn gọi của mình. Cha Figaredo chia sẻ: "Tôi nhớ khi đi đến một trong những vùng xa xôi nhất của Campuchia. Họ đã yêu cầu tôi hỗ trợ. Tôi đến gặp họ và cho họ gà để họ có thể có trứng và thịt. Tôi cũng đã giúp cho họ những khoản vay nhỏ. Bạn có thể nhanh chóng nhận ra rằng họ vẫn bị mắc kẹt trong một cấu trúc quân sự, nhưng họ vẫn còn rất con người. Chúng tôi quan tâm đến khía cạnh con người. Tôi chắc rằng một vài người trong số họ đã phạm một số sai lầm rất đáng tiếc, nhưng không phải tất cả."
Trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ tại Campuchia, nhiều người đã bị trúng mìn và bị cụt chân tay. Giờ đây họ đang gặp khó khăn sau khi các lãnh đạo của nhóm cộng sản cực đoan này đã đào tẩu, bị chết hoặc bị bắt. Cha Figaredo đã thành lập các trung tâm tại các trại cho binh lính trẻ em và sắp xếp các hoạt động, bao gồm các buổi hòa nhạc với guitar điện.
Dạo bước qua một khu phố Công giáo ở thành phố này, trên bờ sông Sangkae ở tây bắc Campuchia, cha Figaredo nói về những nguồn gốc được các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha khởi đầu cách đây hàng thế kỷ. Khi cha đi ngang qua, hàng chục người dân địa phương chạy đến chào cha. Thông thạo tiếng Khmer, cha đùa giỡn với trẻ em và thăm các bà mẹ có con mới sinh. Trên sân nhà thờ, hàng trăm người, thuộc mọi tầng lớp xã hội, tập họp vào mỗi Chúa Nhật để tham dự Thánh Lễ. Một số có quá khứ đen tối hơn so với những người khác.
Trong Kitô giáo, có sự tha thứ và hy vọng
Cha Figaredo kể rằng những cựu binh Khmer Ðỏ đã từng đến nhà thờ của cha. Một số bị ám ảnh bởi những bóng ma của quá khứ, đó là sự tàn bạo mà họ đã chứng kiến hoặc tham gia. Họ là những người Công giáo nhưng cũng là cựu Khmer Ðỏ. Một số mang theo con cái của họ đến nhà thờ nhưng họ ở lại bên ngoài. Cha mời họ vào, nhưng một cái gì đó đã ngăn họ lại. Họ nói những điều như 'tôi đã làm một số điều xấu nên tôi chưa thể đến.' Ðiều này khiến cha cảm thấy rất buồn.
Kaing Kek Iev, được biết đến với bí danh Duch, là cựu giám đốc của nhà tù bí mật S-21 khét tiếng ở Phnom Penh, nơi mà hơn 15,000 người được cho là đã chết ở đó. Ông trở thành một nhà truyền giáo giảng dạy vào những năm 1990, trước khi ông bị bắt và bị kết án chung thân tại một tòa án tội phạm chiến tranh.
Im Chaem, một cựu sĩ quan Khmer Ðỏ, đang phải đối mặt với tội giết người, nô lệ, giam tù và các hành vi vô nhân đạo khác trước khi vụ việc bị bỏ qua do tranh cãi, mới đây đã hoán cải; ông đã nói với giới truyền thông: "Tâm trí của tôi thoải mái và cởi mở với các phước lành từ Chúa."
Cha Figaredo có thể hiểu lý do tại sao những người này lại chuyển sang Kitô giáo thay vì Phật giáo, là tôn giáo chiếm đa số ở Campuchia. Cha nói: "Trong Kitô giáo, có sự tha thứ và có hy vọng. Tất cả đều tùy thuộc vào sự phán xét của Chúa, và họ có thể cố gắng để biến đổi cuộc sống của họ. Hơn nữa, Phật giáo nhấn mạnh nghiệp chướng trong khi Kitô giáo trình bày sự cứu rỗi, có thể là điều thu hút hơn." Cha chia sẻ thêm: "Nhiều người trong số các cựu Khmer Ðỏ mà tôi biết, cảm thấy hạnh phúc khi được giải thoát khỏi quá khứ của họ."