Cùng nhau đương đầu

với nạn diệt chủng môi sinh

 

Cùng nhau đương đầu với nạn diệt chủng môi sinh.

Linh Tiến Khải

Myanmar (FIDES 11-07-2018; Vat. 20-07-2018) - Ðây là lúc phải hành động. Cần cùng nhau cấp thiết đương đầu với cuộc diệt chủng môi sinh. Sự thinh lặng và bất động của chúng ta có thể là một thỏa hiệp ngầm đồng lõa.

Ðức Hồng Y Charles Bo Tổng Giám Mục Yangoon đã khẳng định như trên khi suy tư về một vài đoạn trong Thông điệp Laudato si của Ðức Thánh Cha Phanxicô và tình hình của Myanmar. Ðức Hồng Y viết: Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc diệt chủng trong lịch sử, cuộc diệt chủng cuối cùng là vụ nổ bom nguyên tử bên Nhật Bản. Giờ đây có các báo động đầu tiên về một cuộc diệt chủng môi sinh. Tôi không muốn xem ra là người báo động hốt hoảng: tuyên bố của tôi dựa trên các dữ kiện của Ngân hàng quốc tế và các học viện khoa học liên quan tới hiện tượng hâm nóng trái đất. Nội trong vòng năm 2050 sẽ có 150 triệu người tuyệt vọng vì thiếu một ly nước để uống. Nhiều vùng rộng lớn của Á châu và Phi châu sẽ thấy việc hâm nóng toàn cầu tới mức khải huyền, làm nảy sinh ra các cuộc chiến vì nước, vì lương thực. Các người nghèo sẽ là các nạn nhân chính. Cuộc sống của các chế độ dân chủ sẽ lầm nguy vì chiến tranh giành các nguồn nước giữa các quốc gia và qua các châu lục. Sẽ có hàng triệu người di cư vì môi sinh. Chúng ta đã nghe thấy các dự kiến này. Nhưng kiểu sống phung phí của các nước giầu vẫn không thay đổi. Các nước giầu có chỉ chiếm 6% dân số toàn cầu nhưng sản xuất tới 30% thán khí gây ra hiện tượng hâm nóng trái đất.

Myanmar là quốc gia đứng hàng thứ hai trong danh sách các nước dễ bị thương tổn nhất vì hiện tượng hâm nóng toàn cầu và phải đương đầu với các trận bão táp, động đất, lụt lội. Trong 10 năm qua chúng ta đã phải chôn cất 200,000 nạn nhân của các tai ương thiên nhiên. Rất nhiều người là dân nghèo. Chúng ta là nạn nhân của hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Một ít người trên thế giới này quyết định ai được sống ai phải chết. Cuộc tấn kích chống lại các nước nghèo này từ phía các nước giầu là một khủng bố, là một cuộc diệt chủng và là một tội phạm chống lại nhân loại. Giáo Hội là người giữ gìn phẩm giá con người. Giáo Hội là một cộng đoàn nói thay cho những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Nói lên sự thật làm mất lòng nhưng đó là bổn phận của Giáo Hội. Thông điệp Laudato si là một mời mời gọi viễn kiến đôi với một thế chiến chống lại sự ham hố của các tổ chức đa quốc, của các chính quyền và của thiểu số giầu tàn phá thụ tạo của Thiên Chúa vì tiền và quyền lực. Ki tô giáo không sợ hãi nói với các quyền lực. Cùng với mọi người thiện chí, các xã hội dân sự, các tôn giáo, cần hành động ngay bây giờ. Cần phát triển một nền thần học đề cập tới các tội về môi sinh và các bí tích của thiên nhiên như nước, đất, khí và lửa là các ơn thánh thiêng nhất của Ðấng Tạo Hóa. Giáo Hội cần phát động một liên minh chống lại trục man rợ của tiền bạc và kiêu căng ngạo mạn. Chúng ta có sứ mệnh luân lý đạo đức đó. Chúng ta vay mượn trái đất và mắc nợ với sự công bằng giữa các thế hệ (FIDES 11-7-2018)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page