"Nhà Malala" - ngôi nhà dành cho các phụ nữ
nạn nhân của nạn buôn người
"Nhà Malala" - ngôi nhà dành cho các phụ nữ nạn nhân của nạn buôn người.
Dominican (Osservatore Romano 11-07-2018) - "Nhà Malala" là trung tâm tiếp đón các nạn nhân của nạn buôn người ở Công hòa Dominicana. Ngôi nhà này được các nữ tu của 3 Hội dòng điều hành. Ðó là các dòng: Các Nữ tỳ chầu Thánh Thể và bác ái; các Nữ tu Thánh Tâm Chúa Giêsu; và các Nữ tu Hiến sĩ Chúa Cứu Thế.
Theo một thỏa thuận được ký kết hôm 27 tháng 06 năm 2018, các nữ tu sẽ được phép điều hành cơ sở, trước đây do nhà nước thực hiện, bổ túc một số quan tâm còn thiếu sót đối với loại hình hoạt động này. Sơ Nieves de la Cruz cho biết là năm 2016, các nữ tu của các dòng đã gặp các quan chức để nói về tệ nạn buôn người và đề nghị các sơ được điều hành cơ sở này. Chính quyền đã hoan nghênh sáng kiến này và yêu cầu các sơ phát triển một dự án để giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người.
Cơ sở này vẫn giữ tên "Nhà Malala" để nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống lại nạn buôn người được thực hiện bởi Malala Yousafzai, một nhà hoạt động trẻ người Pakistan; Malala đã đoạt giải Nobel hòa bình năm 2014 vì sự giáo dục các thiếu nữ tại quê hương của cô. "Nhà Malala" là dự án đáp lại nhu cầu cần có một nơi cho các nạn nhân của nạn buôn người, nơi họ có thể được đón tiếp như một cư dân và như trong gia đình.
Sơ Nieves cho biết cũng có nhiều phụ nữ Venezuela, nạn nhân của nạn buôn người, chạy đến Cộng hòa Dominicana, sau khi đã bị khai thác tình dục. Sơ chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này: nghèo khổ, bạo lực và các yếu tố bất hạnh khác mà họ phải chịu tại quê quán đã đẩy họ chạy ra xứ người và thường rơi vào các mạng lưới buôn người. Nhiều người trong họ là các bà mẹ, các chuyên viên được đào tạo, nhưng trong mắt họ đều có sự thất vọng và ao ước sự ổn định kinh tế và có thể gửi tiền về cho gia đình họ, ngay cả khi họ sống trong tình trạng bất hợp pháp ở Cộng hòa Dominicana." Không phải tất cả các nạn nhân đều là người lớn. Trong những năm gần đây, con số các thiếu nữ và trẻ vị thành niên gia tăng mạnh.
Cộng hòa Dominicana cũng không phải là điểm đến cuối cùng, mà thường chỉ là chỗ dừng chân của các người tị nạn. Nhiều phụ nữ bị các nhóm mafia lớn đưa đến các nước khác như Panamá, Ecuador, Colombia, Cile và tận Tây ban nha và Libăng.
Như những thành viên trong mạng lưới chống buôn người, các nữ tu của 3 hội dòng trên đã cộng tác với nhau từ lâu. Sơ Nieves chia sẻ: "Chúng tôi ý thức rằng công việc lớn lao này không thể được thực hiện chỉ bởi mạng lưới chống buôn người, nhưng chúng tôi phải đưa cả đời sống tôn giáo vào chương trình. Nhiều hội dòng được mời gọi ý thức về thực tại của nạn buôn người tại Cộng hòa Dominicana và có cả những giáo dân cũng tham gia tích cực vào dự án.
Theo số liệu hãng tin Fides thu thập được qua các tổ chức quốc gia về việc bảo vệ nữ giới, trong năm 2013, Cộng hòa Dominicana là nước đứng thứ 3 trên thế giới về nạn buôn người (khoảng 60 ngàn người). Con số không thay đổi nhiều, nhưng thành phần các nạn nhân đa dạng hơn: trước đây chỉ có phụ nữ của Cộng hòa Dominicana, nay phần lớn là các phụ nữ ngoại quốc và độ tuổi của các nạn nhân ngày càng thấp hơn, có cả các thiếu nữ 14 hay 15 tuổi đã rơi vào con đường tội phạm này vì nhiều lý do. Theo tố cáo của một số tổ chức phi chính phủ, nhiều phụ nữ Dominicana được đưa đến các nước châu Âu và Trung đông, trong khi tại nước này lại có hầu như các phụ nữ ngoại quốc. (Osservatore Romano 11/07/2018)
Hồng Thủy
(Vatican News)