Hội nghị giữa Ðức Thánh Cha

và các vị lãnh đạo Kitô

 

Hội nghị giữa Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo Kitô.


Hội nghị giữa Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo Kitô.


Bari (Vat. 7-07-2018) - Ðức Thánh Cha Phanxicô và 19 thủ lãnh của các Giáo Hội Kitô đã trao đổi với nhau tại Ðền Thánh Nicola ở Bari đề các vấn đề của Trung Ðông.

Trong Vương cung thánh đường, ở gian giữa, các băng ghế dài được khiêng đi để đặt một bàn tròn lớn ở giữa, chung quanh là 20 chiếc ghế hoàn toàn giống nhau, dành cho Ðức Thánh Cha và 19 vị thủ lãnh các Giáo Hội khác, trước mỗi vị có một micro, và đàng sau mỗi ghế có một ghế dành cho các vị phụ tá của trưởng phái đoàn. Ngoài Ðức Thánh Cha, các vị Thượng Phụ của Chính Thống, Chính Thống Ðông Phương, còn có đại diện của Giáo Hội Tin Lành Luther ở Thánh Ðịa, và một nữ mục sư thuộc Hội đồng các Giáo Hội Kitô Trung Ðông. Ngồi cạnh Ðức Thánh Cha là Ðức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, dòng Phanxicô, Giám quản Tông Tòa Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem. Ðức Tổng Giám Mục có nhiệm vụ trình bày một bài giáo đầu, mở ra cuộc đối thoại.

Cuộc đối thoại và thảo luận hoàn toàn dành riêng, nên mọi người khác phải ra ngoài, ngoại trừ các vị phụ giúp các Thượng Phụ, các thông dịch viên bằng 5 thứ tiếng được sử dụng là Ý, Arập, Hy Lạp, Anh và Pháp. Ngoài ra cho các nhân viên thu hình mạch kín để các thông dịch viên có thể theo dõi và thi hành công việc. Sau cùng ở trong một góc thánh đường có 4 ghế dành cho Ðức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Angelo Becciu nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh, Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông phương, va sau cùng là Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Kết thúc cuộc gặp gỡ và trao đổi vào lúc quá 1 giờ trưa, Ðức Thánh Cha và tất cả các vị ra ngoài nhà thờ, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu.

Lời đúc kết của Ðức Thánh Cha

Ðứng tại thềm Nhà thờ thánh Nicola, Ðức Thánh Cha nói với mọi người rằng:

"Sự hiện diện của các tín hữu Kitô ở Trung Ðông sẽ có tính chất ngôn sứ hơn nếu sự hiện diện ấy làm chứng nhiều hơn về Chúa Kitô vị Vua Hòa bình (Xc IS 9,5). Chúa đã không cầm gương, nhưng yêu cầu các môn đệ hãy xỏ gươm vào bỏ. Cả cuộc sống Giáo Hội chúng ta cũng bị cám dỗ theo những tiêu chuẩn của thế giới, tiêu chuẩn quyền bính và lợi lộc, lèo lái và đồng lõa. Có tội của chúng ta, không sống theo đức tin, làm lu mờ chứng tá. Chúng ta cảm thấy cần phải tái trở về với Tin Mừng, là bảo đảm cho tự do chân chính, và cần cấp thiết thi hành ấy ngay bây giờ, trong đêm đen của Trung Ðông đang hấp hối. Như trong đêm lo âu tại Vườn Giệtsimani, không phải sự bỏ chạy hoặc gươm giáo báo trước bình minh rạng ngời của Phục Sinh, nhưng chính sự hiến thân theo gương Chúa.

Tin Mừng của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại vì tình thương, xuất phát từ Trung Ðông, đã chinh phục tâm hồn con người qua các thế kỷ, vì Tin Mừng ấy không gắn bó với quyền lực của trần thế này, nhưng gắn bó với sức mạnh yếu đuối của thập giá. Tin Mừng thúc đảy chúng ta hằng ngày trở về với các kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ tìm thấy nơi Chúa an ninh và an ủi, loan báo Chúa cho tất cả mọi người, bất chấp những khó khăn. Ðức tin của những người đơn sơ, chiếu tỏa ở Trung Ðông, là nguồn mạch từ đó chúng ta cần kín múc để giải khát và thanh tẩy như đã xảy ra khi chúng ta trở về nguồn cội, hành hương đến Jerusalem, tại Thánh Ðịa hoặc các đền thánh ở Ai Cập, Giordani, Liban, Siria, Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác trong vùng.

Khích lệ lẫn nhau, chúng tôi đã đối thoại trong tình huynh đệ. Ðó là một dấu chỉ sự gặp gỡ và hiệp nhất cần luôn tìm kiếm, không sợ sự khác biệt. Hòa bình cũng vậy, cần phải vun trồng cả nơi những thửa đất khô cằn của những đối nghịch, vì ngày nay, không có con đường khác để tiến tới hòa bình. Không phải những cuộc đình chiến được bảo đảm bằng các bức tường và thử sức mạnh mang lại hòa bình, nhưng là ý chí thực sự lắng nghe và đối thoại. Chung tôi đã quyết tâm tiến bước, cầu nguyện và làm việc, chúng tôi cầu mong cho nghệ thuật gặp gỡ trổi vượt trên những chiến lược đụng độ, cầu mong những biểu dương dấu hiệu quyền lực đe dọa nhường chỗ cho sức mạnh của những dấu chỉ hy vọng: những người thiện chí và tín ngưỡng khác nhau không sợ nói chuyện với nhau, đón nhận những lý lẽ của người khác và chăm sóc nhau. Chỉ như thế, khi lo liệu để không ai bị thiếu cơm bánh và việc làm, phẩm gia và hy vọng, những tiếng la ó của chiến tranh mới biến thành bài ca hòa bình.

Kêu gọi chấm dứt chiến tranh

Ðức Thánh Cha nói tiếp:

"Ðể thực hiện điều đó, điều thiết yếu là những ngừơi nắm giữ quyền bính quyết liệt phục vụ hòa bình và không cho lo tư lợi của mình. Cần chấm dứt sự thủ lợi của thiểu số trên lưng nhiều người khác. Cần chấm dứt những vụ chiếm đất xâu xé các dân tộc, chấm dứt tình trạng sự thật phe phái trổi hơn những hy vọng của dân. Chấm dứt việc lợi dụng Trung Ðông để phục vụ cho những lợi lộc xa lạ với Trung Ðông.

Chiến tranh là tai ương bi thảm đang tấn kích Trung Ðông yêu quí. Chính dân nghèo là những nạn nhân trước tiên. Chúng ta hãy nghĩ đến Siria bị tàn phá đau thương. Chiến tranh là con đẻ của quyền lực và nghèo đói. Chúng ta chiến thắng chiến tranh bằng cách từ bỏ những chủ trương thống trị và loại trừ nghèo đói. Bao nhiêu xung đột đã được hun đúc từ những hình thức cực đoan và cuồng tín, dưới những danh nghĩa tôn giáo, nhưng trong thực tế chúng xúc phạm đến danh Thiên Chúa là Hòa bình, và bách hại những người anh em từ lâu vẫn sống cạnh mình. Những bạo lực từ xưa vẫn được nuôi dưỡng bằng võ khí. Không thể lên tiếng nói về hòa bình trong khi lại âm thầm theo đuổi cuộc chạy đua rõ trang ồ ạt. Ðây là một trách nhiệm rất nặng đè trên lương tâm của các dân nước, đặc biệt là những cường quốc. Ta đừng quên thế kỷ vừa qua, đừng quên các bài học Hiroshima và Nagasaki. Ðừng biến các lãnh thổ Trung Ðông nơi Ngôi Lời hòa bình đã sinh ra, thành những miền đen tối thinh lặng. Cần chấm dứt sự ngoan cố đối nghịch nhau, chấm dứt sự khao khát lợi lộc, chẳng nhìn mặt ai, miễn là chiếm được những mỏ dầu khí, không để ý gì đến căn nhà chung và không chút lo lắng dự về sự kiện thị trường năng lượng điều khiển khi luật sống chung giữa các dân tộc.

Bảo vệ gia sản tinh thần của Trung Ðông

Ðức Thánh Cha cũng nói rằng "để mở ra những con đường hòa bình, cần hướng nhìn về người đang kêu cầu sự sống chung huynh đệ với người khác. Cần bảo vệ mọi sự hiện diện không những của các nhóm dân đa số mà thôi. Cần mở toang tại Trung Ðông còn đường dẫn tới quyền công dân chung, con đường dẫn tới một tương lai được đổi mới. Cả các tín hữu Kitô cũng là những công dân với trọn danh nghĩa, bình quyền với những người khác.

"Chúng ta rất lo lắng nhưng không thiếu hy vọng hướng nhìn về Jerusalem thành phố của mọi dân tộc, thành duy nhất, thánh thiêng đối với các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo toàn thế giới, cần phải bảo tồn căn tính và ơn gọi của thành này, vượt lên trên những tranh biện và căng thẳng. Cần phải tôn trọng qui chế hiện nay của Jerusalem theo những gì đã được cộng đồng quốc tế quyết định và nhiều lần được các cộng đồng Kitô tại Thánh Ðịa yêu cầu. Chỉ có một giải pháp thương thuyết giữa người Israel và Palestine, được cộng đồng các dân nước mong muốn và cổ võ, mới có thể đưa tới một nền hòa bình ổn định và lâu bền, bảo đảm sự chống chung của hai quốc gia cho hai dân tộc.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhắc đến thảm trạng các trẻ em tại Trung Ðông, bị thiệt mạng trong các cuộc bao vây, hoặc trên tị nạn. Bao nhiêu trẻ em phải sống giữa những nơi đổ vỡ, giữa bom đạn, thay vì tại trường học. Ước gì nhân loại lắng nghe tiếng kêu của các trẻ em. Chính khi lau nước mắt các em mà thế giới tìm lại phẩm giá của mình.

Kết thúc bài kết luận của Ðức Thánh Cha, một số em bé đã thả các chim câu như dấu chỉ hòa bình.

Tiếp đến, ngài và các vị Thượng Phụ về tòa Tổng Giám Mục Bari và dùng bữa trưa, kết thúc Ngày suy tư và cầu nguyện hòa bình Trung Ðông.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page