Con người được tạo dựng bất tử như Thiên Chúa

 

Con người được tạo dựng bất tử như Thiên Chúa.

Trích sách Khôn Ngoan:

"Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.

Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người...

Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết" (Kn 1,13-15; 2.23-24).

Suy Niệm

Ðể giải thích tình trạng sống khốn khổ do sinh lão bệnh tử, các đam mê, tật xấu và sự dữ gây ra cho con người, các dân tộc trên thế giới kể nhiều huyền thoại.

Trong thế giới hy lạp có huyền thoại "Chiếc bình của bà Pandora". Ðể báo thù Prometeo là người khổng lồ đã ăn trộm lửa của thần Zeus, là cha các thần, đem cho loài người, thần Zeus quyết định ban tặng bà Pandora cho loài người. Ðây là một cuộc báo thù tinh vi. Bà Pandora được nữ thần tình yêu Afrodite làm cho trở nên rất xinh đẹp, được thần Era dậy cho các nghệ thuật thêu thùa may vá và làm tiểu công nghệ, thần Apollo dậy âm nhạc, rồi cho xuống sống tại thành Athènes để khiến cho loài người bị diệt vong. Theo chuyện do thi sĩ Esidoro kể lại thần Zeus tặng cho bà Pandora một chiếc bình đáng lý chứa hạt giống thì lại chứa các sự dữ cho tới lúc đó bị tách rời khỏi loài người. Nhưng bà Pandora lại được thần Ermes ban cho tính tò mò. Và thế là bà Pandora mở nắp bình ra khiến cho mọi sự dữ thoát ra ngoài, chỉ còn lại niềm hy vọng chưa kịp ra thì bình bị đóng lại. Khi mở bình ra bà Pandora kết án loài người phải sống khốn khổ và thực hiện sự báo thù của thần Zeus. Trước đó thì loài người bất tử giống các thần linh, không bị các sự dữ, mệt nhọc và khổ đau hành hạ, quấy phá. Sau khi bình mở ra thế giới trở thành nơi hoang tàn không thể sống nổi như một sa mạc, cho tới khi bà Pandora lại mở bình để cho niềm hy vọng ra ngoài, và thế giới bắt đầu sống trở lại. Huyền thoại "chiếc bình của bà Pandora" muốn gán cho tính tò mò của nữ giới trách nhiệm đối với cuộc sống khốn khổ của loài người. Ngày nay kiểu nói chiếc bình của bà Pandora được dùng để ám chỉ các vấn đề khó khăn, các tai ương tiềm ẩn bỗng dưng xuất hiện trong cuộc sống con người.

Cổ xưa hơn huyền thoại chiếc bình của ba Pandora là huyền thoại Sumer Babilonia "Atrahasis" hay "Utanapishtim" thuộc thế kỷ 17 trước công nguyên. Atrahasis có nghĩa là "người rất thông minh". Huyền thoại tiếng Accadic này kể lại chuyện Lụt Hồng Thủy. Trong thế giới của các thần linh các thần Igigi bị bó buộc phục vụ các thần Annuki đào mương dẫn nước vào ruộng vất vả mệt nhọc ngày đêm trong 2,500 năm. Vì thế các thần Igigi nổi loạn kéo đến bao vây dinh thự của thần Anu là cha của các thần. Thần Anu liền triệu tập các thần lại và cứu xét công việc và cho rằng các thần Igigi có lý. Các thần quyết định tạo dựng nên con người. Thần Anu cho goi nữ thần mẹ là Mami tới để làm công việc này. Nữ thần Mami cho biết nếu không có sự trợ giúp của thần Enki hay Ea thì không thể làm được. Nữ thần Ea ra lệnh làm các việc thanh tẩy, và chỉ định một vị thần phải hy sinh cho việc tạo dựng này. Các thần Annuki quyết định hy sinh thần We, là thần Thông Minh, Trí Tuệ để lấy máu thịt làm ra loài người thay thế các thần Igigi làm việc phục vụ các thần. Các thần Igigi chọn nữ thần Mammu hay Ea làm nữ thần mẹ. Nữ thần Ea trộn đất sét rồi mời các thần Annuki và Igigi nhổ nước miếng vào đất sét trộn với máu thịt của thần We. Sau đó cắt ra thành 14 mảnh sắp thành 7 cặp, trong khi nữ thần Nintu đọc các công thức bùa chú. Và thế là loài người nảy sinh bắt đầu lao động. Nhưng khi 1.200 năm chưa qua đi, loài người làm việc ồn ào quá, quấy rầy giấc ngủ của các thần nên thần Enlil cai quản trái đất ra lệnh tiêu diệt loài người. Bắt đầu với dịch tễ. Nhưng nữ thần mẹ Ea thương riêng Atrahasis nên khuyên tế lễ cho thần Namtar để ngưng dịch hạch. Sau đó thần Enlil cho hạn hán mất mùa đói kém, nữ thần Ea hay Enki lại cứu Atrahasis và loài người. Sau cùng thần Enlil gửi lụt hồng thủy để hủy diệt loài người. Nữ thần Ea khuyên Atrahasis đóng một con tầu lớn, đem gia đình và mọi loài thú vật mỗi thứ một cặp vào tầu. Sau khi nước rút, con tầu đâu trên một ngọn núi cao. Thần Enlil nhận thấy có người còn sống nên giận dữ hỏi ai đã phản bội lời thề tiêu diệt loài người. Nữ thần Ea thú nhận và kêu gọi thần Enlil nguôi giận. Các thần hài lòng. Nữ thần Ea triệu vời nữ thần Mammu và xin áp đặt trên loài người số phận phải chết, một số phụ nữ không thể có con và cho quỷ Pashittu bắt trẻ con, và thánh hiến vài phụ nữ cấm họ không được sinh con.

Trong huyền thoại cổ điển Babilonia thì có thiên anh hùng ca "Gilgamesh" thuộc thế kỷ XII trước công nguyên. Ghilgamesh lặn lội khổ nhọc vượt qua bao nguy hiểm để đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Gilgamesh gặp được ông tổ của mình là Utanapishtim, là người hùng sống sốt của Lụt Hồng Thủy đã được các thần cho được trường sinh. Utanapishtim chỉ cho Gilgamesh cây trường sinh. Nhưng trên đường về khi Ghilgamesh xuống suối tắm, thì một con rắn ăn mất cầy trường sinh và thay da sống mãi. Thế là Ghilgamesh buồn sầu ra về, và biết rằng từ nay trở đi số phận con người là phải chết.

So sánh với các huyền thoại kể trên những gì sách Khôn Ngan khẳng định là một cuộc cách mạng trong tư tưởng loài người. Thật thế, ở đây theo tác giả sách Khôn Ngoan, con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa nên cũng trường sinh bất tử như Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu... Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người...

Sở dĩ có cái chết, bệnh tật và khổ đau là vì con người dã bị sự dữ cám dỗ phạm tội, và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc sung mãn của chính mình. Là sinh vật có tự do và tinh thần trách nhiệm, con người nắm vận mệnh mình trong tay, và có thể lựa chọn sống như mình muốn. Ðây là chìa khóa giải thích mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống con người và cuộc sống thế giới. Thiên Chúa luôn luôn mong muốn sự sống hạnh phúc tràn đầy cho con người. Nhưng chính con người cũng phải biết ý thức sống như thế để hiện thực chính mình.

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page