Các luật lệ và tiêu chuẩn giúp phân định

các vụ hiện ra và mạc khải tư

 

Các luật lệ và tiêu chuẩn giúp phân định các vụ hiện ra và mạc khải tư.

Roma (Vat. 29-05-2018) - Lần trước chúng ta đã bàn về việc phân định các vụ hiện ra và các mạc khải tư và đi tới kết luận rằng thật đáng cầu mong là không có một sự căng thẳng giữa quyền bính cơ cấu và các đặc sủng như đã quá thường xảy ra trong quá khứ. Sau đây là một số luật lệ và tiêu chuẩn giúp phân định các vụ hiện ra và các mạc khải tư một cách đúng đắn hơn.

Trước hết, các mạc khải tư không thể được để trên cùng một bình diện như mạc khải đã được Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội, như được ghi chép trong Thánh Kinh và được Truyền Thống Giáo Hội chuyển đạt. Chúng chỉ có thể là một nhắc nhở hay một giải thích đặc biệt.

Thứ hai, các văn bản hạn chế của huấn quyền liên quan tới các mạc khải tư nêu bật một cách đồng thời sự hàm hồ không rõ ràng của vấn đề dễ bị sai lầm, ảo tưởng, bồng bột, và tính cách dự phóng của các phán đoán trực tiếp trên các sự kiện, đặc biệt từ phía quyền bính của Giáo Hội.

Thứ ba, các dấu chỉ tương đối và phụ thuộc phải được lượng định một cách khiêm tốn, trong sự tuân phục giáo quyền. Tuy nhiên, nó không được ngăn cản rằng các mạc khải này, ở đâu được Thiên Chúa cống hiến một cách trực tiếp với tính cách chắc chắn, được biểu lộ cho các thị nhân như ánh sáng và chứng tá của chính Thiên Chúa. Trong trường hợp mâu thuẫn thì nó tạo ra một trường hợp lương tâm, là điều thường xảy ra nơi các người thần bí nhận được mạc khải tư. Chẳng hạn tại Lộ Ðức, những người có quyền bính đối với chị Bernadette, như cha mẹ, viên cảnh sát trưởng và các thẩm phán, đã hai lần cấm chị ra hang đá, trong khi chị đã hứa với Ðức Mẹ là đến hang đá liên tục trong 15 ngày. Chị chiến đấu để vâng lời cho tới khi một sức mạnh không thể cưỡng lại nổi thúc đẩy chị đi ra hang đá. Ðể giải quyết các xung khắc như vậy cần có sự phân định và lòng yêu mến, sự cẩn trọng và ý thức mục vụ.

Thứ bốn, vì các lý do đã trình bầy, cần tương đối hoá sự phân biệt giữa sự hiện ra, có tính cách khách quan, và thị kiến có tính cách chủ quan, và loại bỏ công thức, theo đó mọi vụ hiện ra siêu nhiên được coi là thuộc lãnh vực ảo tưởng. Các tương tự không phải là một việc cho phép giản lược các thông truyền đặc biệt, tự do và khác biệt này vào trong các luợc đồ có hệ thống được thiết định trước. Vì các thông truyền này vuợt thoát các thực tại bình thường có thể kiểm soát được qua nhiều cách thế.

Thật ra, chúng ta không có phương cách nào để phán đoán trong lãnh vực này. Và như thế là vì nhiều lý do. Người thông truyền - Chúa Kitô hay Ðức Trinh Nữ Maria trong thân xác đã hiển vinh hay như trong hiện tại - là điều chúng ta không biết liên quan tới thời gian kéo dài cũng như trong kiểu hiện hữu của thân xác, mà thánh Phaolô định nghĩa là mầu nhiệm và hoàn toàn khác biệt (1 Crr 15,42-44). Ðiều kiện của người nhận sự thông truyền ấy, tức thị nhân, cũng vuợt thoát chúng ta: chắc chắn là có thể có hiện tượng xuất thần, trong vài trường hợp, được xem xét môt cách khách quan, nhưng trong chính các trường hợp này nó chỉ vén mở việc điều kiện hoá của các vụ hiện ra, và các vụ hiện ra là một hiện tượng nhưng không, không thể đạt tới được, không thể lập lại được theo ý muốn, và vượt thoát khỏi mọi thử nghiệm tâm lý.

Như vậy, chúng ta không ở trong một thế đứng tốt để hiểu tương quan giữa thị nhân và đối tượng của thị kiến. Nhưng chúng ta tuyệt đối không thể loại trừ rằng Thiên Chúa hay một người thuộc sự hiệp thông của các thánh có thể tự biểu lộ một cách đích thực. Trong trường hợp đó, phương tiện mà các vị dùng để tự biểu lộ thích ứng một cách cần thiết với bản chất của chủ thể nhận được sự biểu lộ ấy, và theo luật nó thuộc một thể loại giải mã khác với sự hiểu biết chung qua giác quan, trong đó tin tức được thông truyền qua các nhịp rung vật chất và các luồng thần kinh.

Thứ năm, trong lãnh vực này thật là quan trọng việc phân biệt giữa sức khoẻ và bệnh tật. Lương tri tốt lành bình dân cũng như quyền bính nghĩ rằng có tật bệnh. Khi có ai đó nói là họ trông thấy điều mà các người khác không trông thấy, thì người bình dân tốt lành cũng như giới có quyền bính nghĩ rằng người này bị bệnh. Có đúng thật là họ có thể bị ảo tưởng. Nhưng cũng có thể đó là một bệnh do thiếu sót, nghĩa là vì sự suy thoái hay ngưng lại của vài khả năng thông truyền hay hiểu biết. Khi Thánh Kinh tố cáo các ngôn sứ giả, thì cũng tố cáo cả hệ thống đàn áp các ngôn sứ. Chẳng hạn chúng ta có thể đọc trong chương 2 sách ngôn sư Amos như sau: "Xưa Ta đã từng cho xuất hiện những ngôn sứ từ hàng con cái các ngươi, những na-dia từ lớp người trai tráng. Chẳng phải như vậy sao, hỡi con cái Ít-ra-en? - sấm ngôn của Giavê. Thế mà các ngươi đã bắt các na-dia uống rượu và ra lệnh cho các ngôn sứ: "Các ông không được nói tiên tri! " (Am 2,11-12). Qua ngôn sứ Isaia Thiên Chúa trách dân Do thái như sau; "Vì chúng là một dân phản nghịch, là những đứa con gian dối, những đứa con không muốn nghe luật của Giavê. Chúng bảo các thầy chiêm: "Ðừng chiêm ngưỡng nữa", bảo các thầy thị kiến: "Ðừng nói cho chúng tôi những điều chân thật thấy trong thị kiến; hãy nói cho chúng tôi những chuyện bùi tai, hãy kể cho chúng tôi những điều huyền hoặc thấy trong thị kiến." (Is 30, 9-10; x. Gr 11,21; Dcr 1,5; Nk 9,30).

Chính hệ thống đàn áp các ngôn sứ và thái độ sống chai đá không lắng nghe lời Thiên Chúa nói qua các ngôn sứ đã đưa tới việc dập tắt thị kiến và nhiệm vụ ngôn sứ của dân Thiên Chúa, làm thiệt hại cho chính nó như tả trong sách Ai Ca: "Cổng thành bị sụt sâu dưới đất, Người phá tung, bẻ gãy then cài. Vua cùng thủ lãnh đi biệt xứ, giữa chư dân sống kiếp đoạ đày. Pháp luật đâu còn nữa; ngôn sứ chẳng được thấy thị kiến do Giavê ban cho. Hàng kỳ mục của thiếu nữ Xi-on ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất, đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô. Các cô trinh nữ Giê-ru-sa-lem gục đầu sát đất. Suối lệ tuôn trào đến mòn đôi mắt, ruột gan tôi đòi đoạn, tâm can tôi rối bời; vì con gái dân tôi rã rời tan nát, còn lũ sơ sinh và bầy trẻ dại gục ngã khắp quảng trường. Lũ trẻ thơ hoài công hỏi mẹ: "Bánh con đâu? ", rồi ngã gục trên quảng trường thành phố, tựa như người bị đâm: chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ." (Ac 2,9-12).

Thiên Chúa kêu gọi ngôn sứ Edekiel và nói với ông: "Người phán với tôi: "Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: "Giavê là Chúa phán thế này." Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn. Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn." (Ed 2 , 3-7).

Tác giả thánh vịnh 74 thở than: " Dấu lạ xưa, chúng con đâu thấy nữa, ngôn sứ cũng chẳng còn. Mãi đến khi nao, ai nào có biết?" (Tv 74,0). Ðó cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 77: "Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn và thánh ngôn chấm dứt đời đời?" (Tv 77,9-10) . Tất cả xảy ra như thể là trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội, các ngôn sứ và các thị nhân bị đàn áp cho tới lúc trong đó chúng ta than van là họ không còn nữa (1 Sa 3,1; 1 Mcb 9,27). Việc ban thưởng ơn ngôn sứ là một trong các lời hứa canh tân Thiên Chúa đã ban cho dân Israel (Is 59,21; Hs 12,10-11; Ge 3,1) và nó tiếp tục trong thời Tân Ước (Mt 23,37; Cv 2,16-18).

Liên quan tới Ðức Maria và các lần hiện ra. Vì các lần hiện ra của Ðức Mẹ ngày nay đã trở thành thường xuyên và nổi tiếng hơn các lần hiện ra khác, chúng ta có thể tự hỏi đâu là các tương hệ tín lý và kinh thánh của Ðức Mẹ đối với hiện tượng này. Trên bình diện thần học, vì Mẹ gần Chúa Kitô nhất, nên Mẹ cũng gần gũi nhất với các chi thể khác trong Thân mình mầu nhiệm trong sự hiệp thông của các thánh. Và điều này cũng phù hợp với sự hăng say của Mẹ là Nữ tỳ của Chúa, với nhiệm vụ hiền mẫu trong thân mình mầu nhiệm của Chúa là Giáo Hội, với điều kiện vinh hiển trong thân xác và trong linh hồn. Và vì thế thật là bình thường, khi tìm thấy nơi Mẹ "ước muốn làm sự lành cho trái đất", là ước muốn chúng ta tìm thấy nơi thánh nữ Terexa Hài Ðồng Giêsu, cũng như nơi chị thánh Bernadette Soubiroux. Thánh Grignion de Montfort thích nhấn mạnh rằng Ðấng đã có một sứ mệnh trong lần đến đầu tiên của Chúa Kitô cũng được mời gọi có một sứ mệnh trong lần đến thứ hai, tức vào thời cánh chung.

Chúng ta có thể nói với sự chắn chắn lớn hơn rằng Mẹ Maria xem ra đã có một sứ mệnh cho việc giữ gìn các đặc sủng, trong một thời đại trong đó các đặc sủng bị bỏ rơi hay bị đàn áp. Con người khiêm hạ của Mẹ trấn an quyền bính. Như thế trong một thời đại, trong đó các đặc sủng là đối tượng của một sự nghi ngờ đặc biệt, trong Giáo Hội đã được chấp nhận một loạt uy thế các vụ hiện ra thời tân tiến.

Trên bình diện kinh thánh Ðức Maria Mẹ của "người con cai trị các quốc gia với một vương trượng sắt" (Kh 12,5) xuất hiện như "một dấu chỉ trên trời" (Kh 12,1). Mẹ Maria cũng hiện ra một cách đồng thời trong ánh sáng siêu nhiên "mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao" (Kh 12,1), nhưng cũng trong các đau đớn của việc sinh con: có nghĩa là thập giá (Ga 19,25-27; 16,21), và các bách hại của Giáo Hội. Các nét miêu tả trong chương 12 sách Khải Huyền đưọc tìm thấy trở lại trong các mức độ khác nhau trong các lần hiện ra tại Guadalupe, của "mề đai làm phép lạ" và các lần hiện ra khác. Văn bản kinh thánh này xem ra báo trước một cách nhiệm mầu các cuộc viếng thăm lịch sử Mẹ Maria sẽ làm cho dân Ngài.

Trong một cách rộng rãi hơn Thánh Kinh Tân Ước định tính Mẹ qua sự truyền thông với trời - lễ truyền tin và trong một nghĩa nào đó việc nhập thể - và tương quan với Chúa Kitô - viếng thăm bà Elíabét và tiệc cưới làng Cana - Mẹ có một chỗ đứng độc đáo, và ở hàng đầu, trong việc phổ biến đặc sủng ơn của Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa các thánh là nơi chốn thần học, trong đó cần đặt để các vụ hiện ra và biết phân định chúng với sự hoà hoãn và thanh đạm.

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page