Một ngày nào đó có thể

có một nhà thờ ở Ả Rập Saudi

 

Một ngày nào đó có thể có một nhà thờ ở Ả Rập Saudi?

Ả Rập (WHÐ 23-04-2018) - Ðức hồng y Jean-Louis Tauran hiện đang viếng thăm Ả Rập Saudi, cái nôi của chủ nghĩa Wahhabi, nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo đều bị cấm.

Ðã có nhiều người lên tiếng đòi quyền xây dựng nhà thờ ở một quốc gia hiện có gần hai triệu Kitô hữu đang sống một cách thầm lặng.

Sắp có một nhà thờ ở Riyadh chăng? Những dấu hiệu khơi mào của Thái tử Ả Rập Saudi là Mohammed ben Salmane, người đã tiến hành những cải cách xã hội trong Vương quốc -nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo theo chủ nghĩa Wahhabi cực kỳ bảo thủ đều bị cấm tuyệt đối-, đã nhen nhóm lại niềm hy vọng nơi các cộng đoàn Kitô hữu ở Ðông phương.

Trong những ngày này, Ðức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại Liên tôn, đã được "Trung tâm quốc tế đấu tranh chống ý thức hệ cực đoan " (ETIDAL, viết tắt theo tiếng Ả Rập) đặc biệt tiếp đón. Ðược coi là một người kiên trì thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo, ngài cũng đã gặp Quốc vương Salman hôm thứ Tư 18-04 tại Riyadh.

Cử hành phụng tự âm thầm tại các văn phòng ngoại giao

Theo bài tường thuật trên báo L'Osservatore Romano, Ðức hồng y Tauran nói: "Mọi tôn giáo phải được đối xử như nhau, không phân biệt, vì các tín đồ của các tôn giáo, cũng như những công dân không theo tôn giáo nào, đều phải được đối xử cùng một cách như nhau", có ý đề cập đến chủ đề vẫn luôn mang tính thời sự: mọi người đều có quyền "công dân đầy đủ".

Hơn một triệu rưỡi Kitô hữu hiện đang sống tại Ả Rập Saudi. Nếu tính cả các Kitô hữu sống trong các tiểu vương quốc xung quanh - nơi có nhiều nhà thờ đã được xây dựng -, thì con số này sẽ là gấp đôi.

Các Kitô hữu này là người Philippines, Ấn Ðộ, Ai Cập hoặc Cận Ðông, đa số làm việc ở các công trường xây dựng hoặc giúp việc nhà. Cũng có những người Hàn Quốc hoặc châu Âu làm các công việc lương cao hơn. Dù con số Kitô hữu khá đông, nhưng họ bị nghiêm cấm cử hành Thánh lễ và việc phụng tự, nếu vi phạm sẽ bị cảnh sát tôn giáo bắt giữ. Vì thế việc phụng tự được thực hiện một cách âm thầm, thường là trong các văn phòng ngoại giao.

Ðể gìn giữ mối quan hệ Hồi giáo - Kitô giáo

Tuy nhiên, Christian Lochon, một giáo sư đại học ở Quận 2, Paris, cho rằng lúc này tình hình đã đủ chín muồi để có thể có những thay đổi. "Sau những kinh hoàng mà lực lượng IS gây ra trong khu vực, người Ả Rập Saudi muốn tạo cho mình một hình ảnh nhân văn hơn. Và người ta đã không phái ai đó ở cấp độ của Ðức hồng y Tauran nếu chưa có gì cụ thể rõ ràng".

Tuần trước, nhân dịp Thái tử Ả Rập Saudi viếng thăm nước Pháp, Ðức ông Pascal Gollnisch, Giám đốc Oeuvre d'Orient, đã đưa ra một tuyên bố nói rằng: "Những Kitô hữu này có quyền có một nơi thờ tự theo quy định của Liên hiệp quốc mà Ả Rập Saudi cũng là thành viên. Chúng tôi đề nghị Thái tử hãy can đảm thực hiện điều này, bởi vì nếu ở Ả Rập Saudi không có nhà thờ, thì dù chúng ta có xây hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo ở châu Âu, thì sẽ không quản lý được tình trạng đang xấu đi trong các mối quan hệ Hồi giáo - Kitô giáo".

Ngoài việc nói rằng cần xây dựng nơi thờ phượng, Giám đốc Oeuvre d'Orient cũng mong muốn có thêm nhiều nơi trao đổi và đối thoại về giáo lý "với tất cả những hệ quả xã hội mà cuộc đối thoại này mang lại".

Một Nhà thờ chính toà đang được xây dựng ở Bahrain

Từ mấy tháng nay, các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các đại diện của một số truyền thống Kitô giáo. Vào tháng 11/2017, người đứng đầu Giáo hội Maronite ở Liban là Ðức hồng y Bechara Rai đã được Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman tiếp kiến tại Riyadh. Thái tử Ả Rập Saudi cũng gặp một nhóm các nhà lãnh đạo Do Thái và Công giáo trong một chuyến viếng thăm New York mới đây.

Giáo sư Christian Lochon phân tích: "Vì chế độ không thể nới lỏng điều gì trên bình diện chính trị, nên nó sẵn sàng hơn trong việc nới lỏng sự kìm kẹp trên bình diện văn hóa và tín ngưỡng. Khi đã nắm chắc bộ máy chính trị và quân sự, nay vị Thái tử sẽ rảnh tay để đưa ra những dấu hiệu hoà dịu".

Giáo hội Công giáo ở bán đảo Ả Rập chia thành hai giáo phận: giáo phận Bắc Ả Rập (gồm Qatar, Bahrain, Ả Rập Saudi) dưới quyền coi sóc của Ðức giám mục Camillo Ballin, có Toà giám mục đặt tại Bahrain - nơi đây một nhà thờ đang được xây dựng; giáo phận Nam Ả Rập (gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Oman, Yemen), với Toà giám mục đặt tại Abu Dhabi, do Ðức Giám mục Paul Hinder coi sóc.

(La Croix)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page