Giáo Hội Rwanda và Năm Hoà Giải
Giáo Hội Rwanda và Năm Hoà Giải.
Rwanda (Vat. 17-04-2018) - Mùng 7 tháng 4 năm 2018 là ngày tưởng niệm 24 năm cuộc diệt chủng tại Rwanda. Hồi tháng 4 năm 1994 tổng thống J. Habyarimana người Hutu đã bị ám sát khiến cho hai chủng tộc Hutu và Tutsi tại Rwanda tàn sát nhau. Từ ngày mùng 6 tháng 4 cho tới giữa tháng 7 năm 1994, nghĩa là trong vòng 100 ngày, đã có tới 1 triệu người bị giết bằng súng, dao phá rừng và gậy đinh, đa số là người Tutsi. Hàng chục ngàn người đã bị chặt tay, chặt chân, mổ bụng, chặt đầu, và xác họ trôi đầy các sông đổ vào Ðại Hồ. Trong số những người bị giết cũng có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh thuộc cả hai chủng tộc.
Rwanda rộng 26,338 cây số vuông, có 11 triệu 300 ngàn dân, 84% thuộc chủng tộc Hutu, 15% thuộc chủng tộc Tutsi và 1% thuộc chủng tộc Twa, đa số theo Kitô giáo.
Ngày 18 tháng giêng năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Rwanda đã công bố thư mục vụ nhắc nhớ mọi người rằng năm 2018 là Năm Hoà Giải quốc gia.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung thư mục vụ của các Giám Mục Rwanda.
Trong phần mở đầu các vị nhắc lại rẳng trong năm 2016 Giáo Hội Rwanda đã cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, năm 2017 kỷ niệm 100 năm chức linh mục tại Rwanda, và năm 2018 là Năm Hoà Giải. Hoà giải là một tiến trình dài đòi hỏi nhiều thời gian, lòng kiên nhẫn và ơn thánh Chúa. Giáo Hội Rwanda muốn tiếp tục con đường đã bắt đầu trong khung cảnh của việc hoà giải với Thiên Chúa, với nhau và với môi sinh, đáp trả lại lời kêu mời của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Phần thứ nhất của thư mục vụ khai triển đề tài "Hoà giải như tiến trình dài được nâng đỡ bởi ơn thánh". Các Giám Mục ghi nhận rằng: trong thế kỷ 20 lịch sử nhân loại, và đặc biệt lịch sử đất nước Rwanda, bị ghi dấu bởi sự suy thoái của tình yêu, bất công lan tràn dựa trên kỳ thị, áp bức, các cuộc tàn sát, chiến tranh, đầy ải, và việc chà đạp các quyền con người, cũng như bạo lực đủ loại cho tới cuộc Diệt Chủng chống lại người Tutsi hồi năm 1994, một tội phạm không thể tả được mà thế giới đã biết. Cuộc diệt chủng này đã là thước đo cho thấy mức độ nhân bản và đức tin kitô tại Rwanda. Một số đông người đã nhúng tay vào tội phạm không tưởng tượng được này, những người khác đã giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu cứu của các nạn nhân, và đã không làm gì cả để chống lại bất công không thể nhân nhượng này. Sự sống con người đã bị hạ thấp, và hành động giết chóc đã được coi như một thực hành bình thường.
Năm Hoà Giải này là một ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Sau khi chúng ta phạm tội, Ngài đã gửi Con Một là Ðấng Cứu Thế đến cứu rỗi chúng ta. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết trên thập giá để đền tội chúng ta và ban chính Mình Ngài làm lương thực dưỡng nuôi chúng ta. Như vậy, Thánh Thể trở thành minh ước hiệp nhất trong Chúa Kitô. Chúng tôi chúc mừng các tín hữu đã trung thành với minh ước ấy trong bí tích Rửa Tội và việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Họ đã lên án sự dữ và trung thành với sự thật cho tới chỗ tử đạo. Trước thềm việc tưởng niệm 25 năm cuộc diệt chủng chống lại các anh chị em Tutsi, thật là quan trọng nhìn lại quá khứ để lượng định điều chúng ta đã có thể làm trong tiến trình hoà giải nhằm xây dựng một xã hội nơi thống trị tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Ðể tiến tới sự hoà giải này những ai đã phạm tội diệt chủng phải được trợ giúp xin lỗi, và các nạn nhân phải được trợ giúp tha thứ. Trong khung cảnh đào sâu tiến trình hoà giải chúng ta cần sự thật, thay đổi não trạng, tránh đóng kín trong lịch sử riêng, và vun trồng lòng cảm thương trong con tim mình. Như ÐTC Phanxicô đã nói: khi cuộc sống nội tâm của con người dừng lại trên các lợi lộc riêng tư, thì không còn có chỗ cho người khác cũng như cho Thiên Chúa (EG, 2).
Phần hai thư mục vụ của các Giám Mục Rwanda khai triển đề tài "Lời Chúa và Huấn quyền của Giáo Hội trong tiến trình hoà giải." Cả hai có tầm quan trọng không thể thay thế, vì chỉ cho chúng ta biết những điều phải làm.
Tội lỗi phân rẽ chúng ta với Thiên Chúa và phá huỷ sự hiệp nhất với Chúa. Khi rời xa Chúa, chúng ta có thể gặp các hiểm nguy trầm trọng có thể dẫn đưa tới cái chết. Xa Chúa đời sống chúng ta đầy sợ hãi và âu lo. Thiên Chúa không muốn chúng ta sống trong sợ hãi âu lo và thiếu an bình, nhưng Ngài muốn chúng ta hoán cải để được sống. Mỗi khi chúng ta quay lưng với Thiên Chúa, Ngài thúc giục chúng ta hoà giải và hoán cải, như Ngài đã làm với ông Dakêu, hoà giải với các nạn nhân các bất công của ông, với Phaolô là kẻ bách hại các kitô hữu. Chúa Kitô cũng tìm kiếm chúng ta, hướng dẫn chúng ta, và muốn rằng chúng ta là các chứng nhân cuả sự hiệp nhất và hoà giải. Chúng ta hãy hoà giải với Chúa.
Việc hoà giải với Thiên Chúa là nền tảng cho việc hoà giải với chính mình. Hoà giải với chính mình trước hết là chấp nhận mình như mình là, với các nguồn gốc, gia đình, vùng miền, chủng tộc của mình, mà không gây thiệt hại cho tương quan với các người khác. Không có gì có thể so sánh được với sự hiệp nhất của chúng ta trong đức tin. Vì thế chúng ta sẽ nói tại Rwanda này: không có hutu, tutsi cũng như twa, nduga, kiga. Vì chúng ta tất cả chỉ là một trong Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta phải tự giải thoát mình khỏi tâm thức cũ chia rẽ chúng ta.
Việc hoà giải với chính mình cũng đòi buộc chúng ta chấp nhận các khổ đau và các vết thương của mình, để kết hiệp chúng với các khổ đau và vết thương của Chúa Kitô trên thập giá. Các vất vả, bất hạnh của bạn đã được Chúa Kitô mang lấy trong cuộc khổ nạn của Ngài trên thập giá và bạn đã được chữa lành bởi các vết thương của Chúa. Hoà giải với lịch sử đớn đau của mình là trao ban giá trị cho các khổ đau của mình và kết hợp chúng với các khổ đau của Chúa Kitô để góp phần cứu rỗi thế giới. Ðó là một phần sứ điệp của Ðức Trinh Nữ Maria, khi Mẹ hiện ra tại Kibeho.
Các người đã chết của chúng ta đang ở trong tay Thiên Chúa, và họ cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta không bị âu lo thống trị; vì Thiên Chúa của chúng ta là Cha của kẻ mồ côi, Ðấng bênh đỡ người goá bụa, cho người nghèo nhà ở và trả tự do cho người bị giam cầm. Ngoài ra, họ bầu cử cho thân nhân của họ và các lý hình để tất cả có được sự bình an trong sự hiệp nhất và hoà giải, để cho các tình trạng thê thảm họ đã phải sống không lập lại nữa. Như thế họ muốn chúng ta đặt để tình yêu vào nơi oán thù, niềm vui vào nơi buồn sầu, bình an của con tim vào nơi sợ hãi. Họ cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta chế ngự các tâm tình báo thù bằng việc trao ban sự sống và bất bạo động tích cực, và để chúng ta đem niềm hy vọng vào nơi thất vọng, giá trị sự sống của con người trước Thiên Chúa vào nơi có sự tước đoạt ngự trị.
Hoà giải với chính mình là nhận biết lòng lành vô biên của Chúa trong cuộc đời mình và trong cuộc sống của tha nhân để không ngừng cảm tạ.
"Hoà giải là tái lập các tương quan giữa con người nhờ việc giải quyết các xung đột và loại bỏ các chướng ngại đối với tương quan tốt, nhờ kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa" (Africae Munus, 20). Ước chi sự hiệp nhất của chúng ta trong Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô làm nảy sinh nơi chúng ta tình huynh đệ chân thành. Việc hoà giải với tha nhân trước hết đòi hỏi khám phá ra nơi họ hình ảnh rạng ngời của Thiên Chúa, và tha thứ các xúc phạm của họ đã phá hủy các tương quan. Phải tránh đừng để cho sự dữ chiến thắng, nhưng tìm thắng sự dữ bằng sự thiện (Rm 12,19-20). Trong lăng kính ấy cần phân biệt kẻ có tội với tội lỗi và sự xúc phạm của họ, để đi đến sự hoà giải đích thực. Ðiều này có nghĩa là bạn bỏ đi sự dữ mà người khác đã làm cho bạn, nhưng bạn tiếp tục yêu thương họ, vì bạn thừa nhận sự yếu đuối của họ và trông thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ. Trong Kinh Lậy Cha chúng ta thường đọc, Chúa Giêsu cho thấy chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, và chúng ta cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tiếp đến Chúa xin chúng ta tha thứ cho các anh em khác như chính Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Sự tha thứ khiến cho chúng ta giống Thiên Chúa.
Trước khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nó một mội sinh với các tinh tú, nước, đất, thú vật và thảo mộc. Nhưng tội tổ tông đã khiến cho thế giới trở thành xấu xa, vì đã lấy mất đi sự hài hoà giữa con người và các thụ tạo khác.
Trong các cuộc chiến đã tàn phá quê hương chúng ta, đặc biệt là trong cuộc diệt chủng chống lại người Tutsi, nhiều mạng sống đã bị sát hại, nhiều nhà cửa đã bị tàn phá và thiêu rụi, súc vật bị giết chết, nước sông đã đem theo các xác người, và đất đai đã uống máu người. Vật liệu gia dụng bình thường đã bị biến thành vũ khí. Sau thảm cảnh này sự hoà giải đòi buộc phải tái lập hoà hợp giữa con người và toàn thụ tạo như trong thời thái bình mà ngôn sứ Isaia đã miêu tả: không có sinh vật nào làm hại nhau, nhưng tất cả chung sống hoà bình với nhau (Is 11,6-9).
Phần ba thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục Rwanda gồm các lời cám ơn, khích lệ và trình bầy viễn tượng tương lai. Các vị cảm tạ Thiên Chúa vì các bước tiến hoà giải đã đạt được trong nước. Nhờ niềm hy vọng nơi Chúa và niềm tin người dân Rwanda đã biết nương ẩn nơi Chúa, và tìm lại sức mạnh để sống. Trong thời xảy ra cuộc diệt chủng chống lại người Tutsi và các hậu quả của nó, lời cầu nguyện đã đặc biệt là nơi người dân gặp gỡ Chúa để được Ngài ban cho các ơn trong việc hoà giải.
Các Giám Mục Rwanda cám ơn các nhóm kitô hoạt động thăng tiến hiệp nhất và hoà giải trong các giáo phận, giáo xứ và trong các cộng đoàn cơ bản. Chương trình mục vụ 1997-2000 đã góp phần bình định các con tim, hồi phục các gia đình mềm yếu, thăng tiến công lý và hoà bình, cũng như chữa lành các vết thương do cuộc diệt chủng gây ra. Các vị trân trọng công việc của Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Ðồng Giám Mục cũng như của tổ chức Caritas và các phục vụ khác của Giáo Hội trong nỗ lực tái lập và tái thiết đất nước.
Ðặc biệt các vị đánh giá cao hướng đi chính trị của nhà nước Rwanda trong tiến trình hoà giải và hồi phục các cơ cấu khác nhau, cách riêng trong việc chấm dứt cuộc diệt chủng chống lại người Tutsi, các vụ tàn sát và báo thù, cũng như đưa ra các sáng kiến pháp lý bình dân và tham gia như công lý trung gian, thành lập uỷ ban hiệp nhất và hoà giải, trợ giúp các người còn sống sót và dân nghèo nói chung, tiếp đón và tái hội nhập xã hội người tỵ nạn, thành lập uỷ ban chống Diệt chủng, đề xướng chính trị giáo dục cho tất cả mọi người, cũng như thành lập các tổ chức khác nhắm thăng tiến việc hoà giải người dân Rwanda. Các Giám Mục cũng cám ơn mọi tổ chức phi chính quyền trong nỗ lực thăng tiến hoà giải.
Các vị cũng ghi ơn kitô hữu và mọi người thiện chí đã liều mạng cứu sống các anh chị em khác. Họ giống như ánh sáng chiếu soi trong đêm đen mà đất nước đã phải trải qua. Các vị cũng cám ơn những ai có can đảm xin lỗi và những người đã quảng đại tha thứ cho những ai đã làm sự dữ cho họ.
Trong tiến tình hiệp nhất và hoà giải đất nước này Hội Ðồng Giám Mục Rwanda yêu cầu chính phủ tiếp tục ủng hộ việc hoà giải bằng cách thăng tiến công lý và hoà bình giữa mọi người, trợ giúp dân chúng có các quyết tâm vững mạnh chống lại mọi xúi bẩy của sự dữ, cung cấp các phương tiện giúp những ai đã phải mang thương tích và đau buồn vì đã không thể chôn cất người thân, nhất là duy trì quyết tâm thi hành công lý bình đẳng trong nỗ lực nhổ tận gốc rễ mọi hình thức gian tham hối lộ, tôn trọng và củng cố các quyền con người, che chở bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như giáo dục thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần.
Sau cùng các Giám Mục Rwanda khích lệ các linh mục và những người sống đời thánh hiến đi tiên phong trong tiến trình hoà giải này, trong việc khuyến khích tín hữu dấn thân góp phần vào việc hoà giải quốc gia, khước từ mọi hình thức chia rẽ và bạo lực. Trong Năm Hoà Giải này Giáo Hội công giáo dấn thân tiếp tục mọi sinh hoạt trợ giúp những ai có con tim bị thương tích vì lịch sử thê thảm đẩy đưa đất nước vào cuộc diệt chủng chống lại người Tutsi và các hậu qủa thê lương của nó. Trong các sinh hoạt này có việc tiếp tục lắng nghe mọi người, thành lập các nhóm trợ giúp lắng nghe cảm thương người khác, và giúp họ chữa lành các vết thương, cũng như các sinh hoạt thực thi các hướng dẫn của Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt nhổ tận gốc rễ chủ thuyết phò chủng tộc đã gây ra các thảm cảnh đớn đau cho nhân dân Rwanda.
Hội Ðồng Giám Mục phó thác Năm Hoà Giải này cho Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngôi Lời, Nữ Vương Kibeho, Ðấng kêu gọi mọi người dân Rwanda hoán cải, cầu nguyện và sống tình yêu thương huynh đệ.
Linh Tiến Khải
(Vatican News)