Thứ Năm Tuần Thánh:
Ðức Thánh Cha cử hành
Thánh lễ Tiệc ly và nghi thức Rửa chân
Thứ Năm Tuần Thánh: Ðức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Tiệc ly và nghi thức Rửa chân.
Roma (WHÐ 31-03-2018) - Cũng như những năm trước, chiều thứ Năm Tuần thánh 29 tháng 03 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến một nhà tù để cử hành Thánh lễ Tiệc ly và thực hiện nghi thức rửa chân cho các tù nhân.
Năm 2018, Ðức Thánh Cha đến thăm Nhà tù Regina Coeli, có lẽ là nhà tù nổi tiếng nhất ở Roma, nằm rất gần Vatican. Ðược xây dựng tại phố Trastevere của Roma vào năm 1654, cơ sở này vốn là một Tu viện Công giáo, đến năm 1881 được dùng làm nhà tù.
Nhà tù Regina Coeli hiện giam giữ khoảng 900 tù nhân thuộc hơn 60 quốc gia. Báo chí rất quan tâm đến nhà tù này do tình trạng quá tải và tỷ lệ tự tử tại đây khá cao.
Các tù nhân được lựa chọn tham gia nghi thức rửa chân là 12 người thuộc bảy quốc gia: bốn người Ý, hai người Philippines, hai người Maroc, một người Moldovia, một người Colombia, một người Nigeria và một người Sierra Leone. Về tôn giáo, tám người là Công giáo; hai người Hồi giáo; một người Chính thống giáo và một Phật tử.
Vào khoảng 3g45 chiều, Ðức Thánh Cha đã rời Nhà Santa Marta đến nhà tù Regina Coeli.
Khi đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã gặp các tù nhân nằm ở bệnh xá. Sau đó ngài chủ sự Thánh Lễ Tiệc ly và sau Thánh lễ Ðức Thánh Cha đã tặng lại cho nhà tù bàn thờ mà ngài đã cử hành Thánh lễ.
Trong bài giảng Thánh lễ không soạn sẵn, Ðức Thánh Cha Phanxicô khai triển bài Tin mừng theo thánh Gioan tường thuật Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Ðức Thánh Cha giải thích rằng đây là một bổn phận của người nô lệ. Sau khi đi đó đây trên những con đường bụi bặm, người ta trở về nhà với đôi chân lem luốc. Ngay khi họ bước vào nhà, một nô lệ sẽ rửa chân cho họ. "Chúa Giêsu muốn làm công việc phục vụ này để nêu gương cho chúng ta về việc chúng ta phải phục vụ lẫn nhau".
Rồi Ðức Thánh Cha nói đến đoạn Tin mừng về hai môn đệ "muốn đứng trên người khác trong Nhóm" nên xin Chúa Giêsu cho họ ngồi chỗ nhất. Sau khi nhìn họ với ánh mắt yêu thương như Người vẫn thường làm, Chúa Giêsu bảo rằng họ không biết mình đang xin điều gì. Chúa Giêsu mô tả những người có quyền thường làm gì: "Họ ra lệnh và bắt người khác phục vụ mình". Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong quá khứ có rất nhiều vị vua và kẻ độc ác đã bắt người khác làm nô lệ. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng đối với chúng ta thì không phải như thế. "Người đứng đầu phải là người phục vụ". "Chúa Giêsu đảo ngược các lề thói văn hoá lịch sử của thời ấy, và cả thời nay của chúng ta nữa". Nếu như các vua chúa và hoàng đế trong quá khứ hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu và phục vụ thay vì ra lệnh và giết chóc, thì "nhiều cuộc chiến tranh đã không bao giờ xảy ra".
Dẫn vào nghi thức rửa chân, Ðức Thánh Cha nói: "Hôm nay, tôi là một tội nhân giống như anh chị em, nhưng tôi thay mặt cho Chúa Giêsu, tôi là sứ giả của Chúa Giêsu. Hôm nay, khi tôi cúi xuống trước mỗi người, anh chị em hãy nghĩ rằng: "Chúa Giêsu đã liều thân trong con người này, một con người tội lỗi; Người đến với tôi và nói với tôi rằng Người yêu tôi". Ðó là công việc phục vụ; đó là Chúa Giêsu: Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ mệt mỏi khi phải tha thứ cho chúng ta. Người yêu chúng ta rất nhiều. Hãy xem Chúa Giêsu liều thân như thế nào!
Và vì vậy, với những tâm tình này, chúng ta cử hành nghi thức biểu tượng sau đây. Trước khi trao ban Mình và Máu của Người, Chúa Giêsu đã liều thân cho mỗi người chúng ta, và Người liều thân phục vụ bởi vì Người quá yêu thương chúng ta".
Trước khi mời gọi mọi người chúc bình an, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ:
"Và giờ đây, tất cả chúng ta - tôi chắc rằng tất cả chúng ta - đều mong muốn sống bình an với mọi người. Nhưng trong lòng chúng ta lại thường có những tâm tình trái ngược. Thật dễ bình an với những ai chúng ta yêu thương hay những người làm ơn cho chúng ta. Nhưng không dễ bình an với những người làm thiệt hại cho chúng ta, những người không yêu thương chúng ta, những người chúng ta thù ghét.
Trong thinh lặng, mỗi người chúng ta hãy nghĩ đến những người yêu thương chúng ta và chúng ta cũng yêu thương họ, đồng thời cũng hãy nghĩ đến những người không yêu thương chúng ta và chúng ta cũng không yêu thương họ, cả những người mà chúng ta muốn báo thù nữa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, trong thinh lặng, ban cho chúng ta ơn biết trao ban bình an cho mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu".
Sau Thánh lễ, trong buổi gặp gỡ các tù nhân và ban quản lý nhà tù, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đến niềm hy vọng.
"Có những khó khăn trong đời sống, những điều tồi tệ, những nỗi buồn - chúng ta nghĩ đến nỗi buồn của mình, của cha, mẹ, vợ, chồng, của con cái... nỗi buồn ấy thật tệ hại. Nhưng đừng để cho mình thất vọng. Tôi ở đây nhưng để tái hội nhập, để canh tân. Và đó là niềm hy vọng; hãy gieo hy vọng - hãy luôn gieo hy vọng. Ðây là công việc của anh chị em: giúp gieo niềm hy vọng tái hội nhập và điều đó sẽ làm cho mọi người trở nên tốt".
Theo quan điểm ấy, Ðức Thánh Cha chống lại án tử hình: "Các án tù phải mở ra chân trời hy vọng. Vì thế, án tử hình là vô nhân đạo và không mang tính Kitô giáo. Mỗi án tù phải mở ra niềm hy vọng; mở ra cho việc tái hội nhập xã hội, cũng như chia sẻ kinh nghiệm đã sống để giúp ích cho người khác".
Minh Ðức