Ý nghĩa của tình mẫu tử
nơi Mẹ Maria Sầu Bi
và của các phụ nữ trong mọi thời đại
Ý nghĩa của tình mẫu tử nơi Mẹ Maria Sầu Bi và của các phụ nữ trong mọi thời đại.
Roma (L'Osservatore Romano 30-03-2018) - Trong tuần này ánh mắt của chúng ta dừng lại nơi Ðức Maria Sầu Bi, chúng ta thấy một người phụ nữ đau khổ bởi vì là phụ nữ. Ðức Maria sẽ không bao giờ được gọi là Sầu Bi nếu Mẹ không ôm Chúa Giêsu trong vòng tay của Mẹ. Lý do thực sự khiến Ðức Maria đau khổ vì nỗi đau đang nằm trong tay Mẹ cũng chính là nỗi đau của Mẹ. Có những người khác - các môn đồ và bạn bè - những người đau khổ khi họ thấy Ðức Kitô đau khổ, nhưng nỗi đau của Ðức Maria là độc nhất vì đó là nỗi đau của một người phụ nữ. Ðau khổ của Mẹ là cái giá mẹ trả cho tư cách làm mẹ. Như Victor Hugo nói: "Không có sự dễ dàng, thoải mái cho một người mẹ đau khổ. Tình mẫu tử không biết giới hạn và lý luận. Thiên chức làm mẹ là cao cả bởi vì đó là tất cả bản năng". Ðiều này gợi nhớ đến Rakhen, vợ của Jacob, người phụ nữ không thể trở thành một người mẹ. Rakhen bắt đầu cảm thấy ghen tị với em gái mình, bà nói với Jacob: "Hãy cho tôi con, nếu không thì tôi chết!" (St, 30, 1). Luther, bình luận về đoạn văn này: "Tôi không nghĩ rằng tôi đã từng đọc bất cứ điều gì giống như câu chuyện này. Rakhen rất háo hức muốn có con, thích cái chết hơn là vô sinh. Thiên Chúa đã chấp thuận lời khẩn cầu của Rachel: sau khi Giuse chào đời, bà lại mang thai, nhưng với một giá rất cao, nên bà đã chọn cái chết để nuôi sống đứa con của mình Benoni.
Khi giải thích sự kiện này, ngôn sứ nói: "Người ta nghe có tiếng khóc ở Rama, tiếng khóc than ai oán: Ðó là tiếng bà Rakhen khóc thương con cái mình, bà không muốn được an ủi về những người con ấy, vì nay chúng chẳng còn" (Gr 31, 15). Ở đây Rakhen đại diện cho tất cả các bà mẹ khóc con của họ, cũng trong một nghĩa nào đó chết, nghĩa là chúng không còn nữa. Ngay cả thánh Mathêu tường thuật lại lời than thở của Rakhen để gợi lên nỗi đau của những bà mẹ mất con của họ trong thời gian Chúa Giêsu được sinh ra, Hêrôđê sai lính đi giết tất cả các bé trai dưới hai tuổi trở xuống (Mt 2, 16-18). Thực tế là ba sự kiện này của Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng người mẹ đã từ chối được an ủi, giúp chúng ta cảm nhận được độ sâu của nỗi đau của những người mẹ mất con. Ðối diện với những bi kịch của sự mất mát của một đứa trẻ, không có các cử chỉ hay lời nói có thể an ủi người mẹ; những lời của chúng ta không bao giờ có thể làm dịu vết thương, bởi vì nỗi đau của người mẹ tương xứng với tình yêu liên kết với đứa con của mình.
Tất cả những điều trên chúng ta có thể áp dụng cho Ðức Mẹ. Phúc Âm Gioan không nói gì về nội tâm của Ðức Maria, và cũng không nói với chúng ta là Mẹ đã khóc khi xác của Chúa Giêsu được đặt trong vòng tay của Người. Theo một nghĩa nào đó, Thánh Ambrosiô có lý khi nói: "Trong Phúc Âm tôi thấy Ðức Maria ở đó, nhưng tôi không nghĩ là Mẹ đã khóc". Nhưng nếu chúng ta thừa nhận rằng Ðức Maria đã không khóc bởi vì Mẹ thản nhiên, không xúc động, chúng ta sẽ tôn vinh Mẹ như các thiên thần, và đồng thời chúng ta sẽ đưa Mẹ ra khỏi nhân tính. Trong Thánh thi của thứ Bảy Tuần Thánh Mẹ Maria được mô tả "với nước mắt gần thập giá". Như một kết quả của thiên chức làm mẹ, Ðức Maria không chỉ khóc vì cái chết của Chúa Giêsu, nhưng có thể tưởng tượng rằng, giống như Rakhen, Mẹ nói: "Tôi không muốn được an ủi vì Con của tôi không còn nữa!"
Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu và giống như mọi người mẹ luôn có một mối giây ràng buộc với con mình, cho dù người con có thể bị tách rời khỏi bà về mặt thế lý. Mối dây ràng buộc vẫn còn đó ngay cả khi đứa con chết. Mối tương quan tự nhiên giữa người mẹ và con của bà khẳng định rằng bản tính làm mẹ là một món quà đẹp. Một lần phụ nữ trở thành một bà mẹ, bà vẫn là một người mẹ mãi mãi. Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô viết: "Các bà mẹ là phương thế giải quyết hiệu quả nhất cho sự lan rộng của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. [...] Họ là chứng nhân vẻ đẹp của cuộc sống. Không nghi ngờ gì, một xã hội không có các bà mẹ sẽ là một xã hội vô nhân đạo, bởi vì các bà mẹ luôn luôn biết làm chứng, thậm chí trong những giây phút tồi tệ nhất, sự dịu dàng, cống hiến, sức mạnh tinh thần. Các bà mẹ thường truyền ý nghĩa sâu xa hơn về thực hành tôn giáo: trong những lời cầu nguyện đầu tiên, trong những hành động đầu tiên của lòng sùng kính mà một đứa trẻ cần học [...]. Làm mẹ là một ơn gọi nữ tính và nếu chúng ta muốn tạo ra sự lựa chọn cho phụ nữ, chúng ta phải giúp phụ nữ hoàn thành ơn gọi này. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Thể chất của người phụ nữ và cơ thể của phụ nữ chứa đựng trong đó khuynh hướng tự nhiên của việc làm mẹ, thụ thai, mang thai và sinh con, như kết quả của sự kết hợp hôn nhân với con người" (Mulieris dignitatem, 18). Vì vậy, đó là một ước muốn thánh thiện mà người phụ nữ, như Rakhen, khao khát có con. Làm mẹ phải được giúp đỡ trong việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và luân lý. Làm mẹ là một giá trị xã hội, và điều quan trọng là sự dồi dào, là một phần trong chính sách giáo dục và y tế.
Làm mẹ là một trải nghiệm rất cá nhân và vô giá. Khái niệm về đẻ thuê thực sự là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của phụ nữ. Với lý do mong muốn con cái, hôm nay việc đẻ thuê đã xãy ra. Ðây không chỉ là một hiện tượng của chủ nghĩa tư bản và một mại dâm sinh sản. Ngoài ra, làm mẹ cũng không chỉ là khía cạnh sinh học, mà còn thể hiện bằng nhiều cách khác nhau như nhận con nuôi. "Nhận một đứa trẻ làm con nuôi là một hành vi yêu thương, hiến tặng ơn phúc gia đình cho một người không có ơn phúc này. Ðiều quan trọng cần nhấn mạnh là: luật pháp nên làm dễ dàng cho diễn trình nhận con nuôi, nhất là trong trường hợp đứa trẻ bị hắt hủi, để ngăn ngừa em bị phá thai hay bị bỏ rơi." (Amoris laetitia, 179).
Một khía cạnh quan trọng khác, trong dự án ủng hộ phụ nữ và cuộc sống con người, là tăng cường văn hóa hiến tặng và quảng đại. Nhiều lần, sự ích kỷ làm cho con người trở nên hẹp hòi với cuộc sống. Do đó các biện pháp xã hội ủng hộ cha mẹ sinh con không phải là một khoản bồi thường vì họ đã trở thành mẹ hoặc người cha mà là hành động của công bằng xã hội.
Khi chúng ta chiêm ngắm Ðức Maria Sầu Bi, trong giây phút đặc biệt này của ơn gọi làm mẹ, chúng ta hãy lắng nghe những gì Thiên Chúa phán với Rakhen: "Thôi đừng than khóc nữa, hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt, vì công lao của ngươi sẽ được đền bù. Có hy vọng cho dòng dõi ngươi" (Gr, 31, 16). Tiếng khóc người mẹ chạm đến trái tim của Thiên Chúa và thúc đẩy Ngài đưa trở lại những đứa con của mình. Những giọt nước mắt và nỗi khổ đau của Mẹ Maria trở thành lời cầu nguyện trước Chúa Giêsu bị đóng đinh, để chúng ta tiếp tục có trong lòng món quà làm mẹ, nguồn sống. (L'Osservatore Romano 30-3-2018)
Ngọc Yến
(Vatican News)