Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong thánh lễ tại San Giovanni Rotondo

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ tại San Giovanni Rotondo.


Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại tiền đình nhà thờ Thánh Piô thành Pietrelcina.


San Giovanni Rotondo (VietCatholic News 17-03-2018) - Lúc 7h sáng thứ Bẩy 17 tháng Ba năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dùng trực thăng để bay đến San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, thường được gọi là cha Piô Năm Dấu Thánh, một linh mục dòng Capuchinô.

Trong cuộc hành hương này, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại tiền đình nhà thờ Thánh Piô thành Pietrelcina.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:

Từ các bài đọc Sách Thánh chúng ta vừa nghe, tôi muốn rút ra ba từ này, đó là cầu nguyện, bé mọn, và khôn ngoan.

Cầu nguyện. Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta cách thế Chúa Giêsu cầu nguyện. Từ tâm hồn Ngài trào ra những lời này: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn." (Mt 11,25). Lời cầu nguyện đến từ Chúa Giêsu một cách tự nhiên, nhưng không phải là tùy ý: Ngài thường xuyên lui vào những nơi hoang vắng để cầu nguyện (xem Mc 1: 35); đối thoại với Chúa Cha là ưu tiên hàng đầu. Và từ đó các môn đệ đã khám phá một cách tự nhiên lời cầu nguyện quan trọng là dường nào đến mức một ngày kia họ hỏi Ngài: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11: 1). Nếu chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta hãy bắt đầu từ đây, từ lời cầu nguyện.

Chúng ta có thể tự hỏi: các Kitô hữu chúng ta cầu nguyện đủ chưa? Thông thường, lúc cầu nguyện, chúng ta lại có nhiều lý do để thoái thác, nhiều việc khẩn cấp phải làm.. . Ðôi khi, chúng ta dẹp chuyện cầu nguyện sang một bên khi chúng ta bị cuốn vào một chủ thuyết hoạt động không ngừng nghỉ, khi chúng ta quên "điều gì là tốt hơn" (Lc 10: 42), khi chúng ta quên rằng nếu không có Ngài, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì (xem Ga 15: 5), và từ đó chúng ta lơ là cầu nguyện. Thánh Piô, năm mươi năm sau khi Ngài lên trời, vẫn giúp chúng ta vì Ngài đã muốn để lại cho chúng ta di sản của lời cầu nguyện. Thánh nhân đề nghị, "Các con ơi, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mỏi" (Diễn từ tại Hội Nghị Quốc tế lần thứ hai của các nhóm Cầu Nguyện, 5/5/1966).

Chúa Giêsu trong Phúc Âm cũng chỉ cho chúng ta biết cách cầu nguyện. Trước hết, Ngài nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha"; Ngài không bắt đầu bằng cách nói, "Con cần điều này, điều nọ", nhưng "con ngợi khen Cha". Ta không biết đến Cha nếu ta không mở lòng ra ngợi khen, nếu ta không dành thời gian cho một mình Ngài mà thôi, nếu ta không tán tụng Ngài. Chúng ta quên lời cầu nguyện tán tụng, lời cầu nguyện ngợi khen Chúa biết chừng nào! Chúng ta phải trở lại điều này. Mỗi người trong chúng ta có thể hỏi: tôi thờ phượng Chúa kiểu nào đây? Khi nào tôi thờ phượng? Khi nào tôi ngợi khen Ðức Chúa Trời? Hãy tái tục những lời cầu nguyện tán tụng và ngợi khen Chúa. Ðó là một bối cảnh cá nhân, mặt đối mặt, im lặng trước mặt Chúa, đó là bí quyết để bước vào tình hiệp thông với Ngài. Cầu nguyện có thể được phát sinh từ một lời thỉnh cầu, ngay cả lời cầu xin Chúa can thiệp khẩn cấp, nhưng việc cầu nguyện trưởng thành trong lời cầu tán tụng và tôn thờ. Ðó là lời cầu nguyện trưởng thành. Cầu nguyện trở nên thật sự cá vị, như đối với Chúa Giêsu, Ðấng lúc đó dự phần một cách tự do trong cuộc đối thoại với Chúa Cha: "Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha." (Mt 11: 26). Và, trong cuộc đối thoại tự do và tín thác này, lời cầu nguyện dâng lên trước mặt Chúa toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Và rồi chúng ta tự hỏi thêm: những lời cầu nguyện của chúng ta có giống với những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không, hay là chúng bị giản lược thành những lời kêu cứu khi khẩn cấp lúc này lúc khác? "Tôi cần cái này", và vì thế tôi cầu nguyện ngay. Và khi anh chị em không cần, anh chị em sẽ làm gì? Hay chúng ta có ý định dùng những lời cầu nguyện như một thứ thuốc an thần với những liều lượng thường xuyên, để giảm bớt căng thẳng? Không, cầu nguyện là một hành động của tình yêu, là ở với Thiên Chúa và mang đến với Ngài cuộc sống trên thế gian này: đó là một công việc không thể thiếu của lòng thương xót thiêng liêng. Nếu chúng ta không phó thác anh chị em chúng ta và các tình huống của chúng ta cho Chúa, ai sẽ làm đây? Ai sẽ cầu thay, ai sẽ lo lắng gỏ cửa thánh tâm Chúa cho các nhu cầu của nhân loại đây? Vì thế, Cha Pio đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Ngài nói với họ: "Chính lời cầu nguyện, chính sức mạnh liên kết tất cả những linh hồn tốt lành này, sẽ thúc đẩy thế giới, canh tân lương tâm.. . chữa lành những người đau ốm, thánh hóa công ăn việc làm, tăng cường sức khoẻ, nâng cao sức mạnh tinh thần.. . chính lời cầu nguyện loan truyền nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên cho mọi sự suy nhược và yếu đuối (thượng dẫn). Chúng ta hãy chăm sóc những lời này, và tự hỏi bản thân chúng ta: Tôi có cầu nguyện không? Và khi tôi cầu nguyện, tôi có biết ngợi khen Chúa, tôi có thờ phượng Người không, tôi có biết dâng lên Chúa cuộc sống của tôi, và của tất cả mọi người không?

Từ thứ hai: bé mọn. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha vì Ngài đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Ai là những người bé mọn này, ai là những người biết đón nhận những bí mật của Thiên Chúa? Những người bé mọn là những người đang cần đến sự cao cả, họ là những người không tự mãn, những người không tự phụ nghĩ rằng họ chỉ cần đến chính mình. Những người bé mọn là những người có lòng khiêm cung và rộng mở, nghèo khó và thiếu thốn, là những người biết mình cần đến lời cầu nguyện, biết tín thác và để cho mình được đồng hành. Trái tim của những người bé mọn này giống như một ăng-ten: nó nắm bắt tín hiệu từ Thiên Chúa, và hiểu ngay lập tức. Thiên Chúa muốn đến với tất cả mọi người, nhưng những người thấy mình cao cả quá thì tạo ra những trở ngại to lớn, và lòng ao ước Thiên Chúa không xuất hiện trong ta khi ta quá choáng ngợp với cái tôi của mình đến mức không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Ðó là lý do tại sao Ngài thích những người bé mọn, Ngài tỏ mình ra cho họ, và cách để gặp Ngài là hạ mình xuống, khiêm cung trong lòng, và nhìn nhận mình cần đến Người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô là mầu nhiệm của sự nhỏ bé: Ngài hạ mình xuống, chính Ngài đã hủy mình đi. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Hình Bánh tại mỗi Thánh Lễ, là mầu nhiệm của sự nhỏ bé, của tình yêu khiêm cung, và chỉ có thể nắm bắt bằng cách trở nên nhỏ bé và đến với những người bé mọn.

Và giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có biết tìm kiếm Thiên Chúa ở đâu không? Ở đây có một ngôi đền đặc biệt nơi Ngài hiện diện vì có nhiều người bé mọn được Ngài ưa thích. Thánh Piô gọi đó là "đền thờ của cầu nguyện và khoa học", nơi mọi người được mời gọi trở thành những "kho dự trữ tình yêu" cho người khác (Diễn từ kỷ niệm đệ nhất chu niên khánh thành, ngày 5 tháng 5 năm 1957): đó là Nhà xoa dịu Ðau khổ. Trong những người bệnh, ta tìm thấy Chúa Giêsu, và trong sự chăm sóc yêu thương của những người cúi xuống trên những vết thương của người lân cận, có con đường gặp Chúa Giêsu. Những người chăm sóc những ai bé mọn đứng về phía Thiên Chúa và đánh bại nền văn hoá loại bỏ, là điều ngược lại, chỉ thích những kẻ có quyền có thế và cho rằng người nghèo là vô dụng. Những ai thích những người bé mọn rao giảng một lời tiên tri về cuộc sống chống lại những tiên tri chết chóc nổi lên trong mọi thời đại, thậm chí cả ngày nay nữa, là những kẻ vứt bỏ mọi người, vứt bỏ những đứa trẻ, những người cao tuổi, bởi vì họ không cần thiết. Khi còn nhỏ, ở trường, họ dạy chúng tôi lịch sử của người Sparta. Tôi luôn bị đánh động bởi những gì thầy giáo nói với chúng tôi, rằng khi một em bé bị dị tật chào đời, họ đưa em bé ấy lên đỉnh núi và xô xuống để những đứa trẻ như thế không tồn tại. Những đứa trẻ chúng tôi nói: "Nhưng sao lại tàn nhẫn thế!". Anh chị em ơi, chúng ta cũng làm như vậy, tàn ác hơn, và khoa học hơn. Những gì không cần thiết, những gì không hiệu quả đều bị loại bỏ. Nền văn hóa này là thứ văn hóa lãng phí: những người bé mọn ngày nay không được người ta mong muốn. Và vì thế Chúa Giêsu bị gạt sang một bên.

Cuối cùng là từ thứ ba, sự khôn ngoan. Trong bài đọc thứ Nhất, Thiên Chúa nói: "Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh;" (Giêrêmia 9: 23). Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại nơi việc có những phẩm chất tuyệt vời và sức mạnh đích thực không phải nơi quyền lực. Những ai chứng tỏ mình mạnh mẽ, và những ai chống lại cái ác bằng cái ác không khôn ngoan đâu. Vũ khí khôn ngoan và bất khả chiến bại duy nhất là lòng bác ái được linh hứng bởi đức tin, bởi vì nó có năng lực giải giới các thế lực của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu với sự ác trong suốt cuộc đời của ngài và chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa: nghĩa là với sự khiêm tốn, với sự vâng phục, với thập tự giá, chấp nhận đau đớn vì tình yêu. Và tất cả mọi người ngưỡng mộ ngài, nhưng rất ít người làm như vậy. Nhiều người nói tốt, nhưng có bao nhiêu người bắt chước? Nhiều người sẵn sàng cho một cái "like" trên trang Web của các vị thánh vĩ đại, nhưng mấy ai bắt chước làm như các ngài? Hương thơm thánh thiện của cuộc sống Kitô không phải là một cái "like", nhưng đó phải là một "ân sủng" cho tôi. Cuộc sống là hương thơm khi nó được trao ban như một món quà; nhưng nó sẽ trở nên mờ nhạt khi chỉ được giữ cho bản thân.

Và trong bài đọc đầu tiên, Chúa cũng giải thích với chúng ta nơi nào chúng ta có thể kín múc sự khôn ngoan của cuộc sống: "Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta."(câu 23). Biết Ngài là gặp Ngài, là Thiên Chúa cứu rỗi và tha thứ; đó là con đường của sự khôn ngoan. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tái khẳng định: "Hãy đến cùng ta, hết thảy những ai mệt nhọc và gánh nặng" (Mt 11:28). Người nào trong chúng ta có thể cảm thấy bị loại trừ khỏi lời mời gọi này? Ai có thể nói, "Tôi không cần điều đó"? Thánh Piô đã cống hiến cuộc đời của ngài với cơ man những khổ đau để giúp các anh chị em của ngài gặp Chúa. Và con đường có tính chất quyết định để gặp Ngài là Xưng Tội, là bí tích Hòa giải. Ở đó, một cuộc sống khôn ngoan bắt đầu và khởi động mới lại từ đầu một cuộc sống được yêu thương và tha thứ; ở đó bắt đầu có sự chữa lành con tim. Cha Piô là một vị tông đồ giải tội. Ngày nay, ngài cũng mời gọi chúng ta đến với tòa giải tội; và ngài nói với chúng ta: "Anh chị em đang đi đâu vậy? Ðến với Chúa Giêsu hay đến với nỗi buồn của anh chị em? Anh chị em quay về đâu? Về với Ðấng cứu độ anh chị em, hay về với những thất bại, những hối tiếc, và tội lỗi của mình? Hãy đến đây, Chúa đang chờ đợi anh chị em. Hãy can đảm, không có lý do nào nghiêm trọng đến mức loại trừ anh chị em khỏi lòng thương xót của Ngài".

Các nhóm cầu nguyện, những bệnh nhân trong Nhà xoa dịu, tòa giải tội là ba dấu chỉ hữu hình nhắc nhở chúng ta về ba di sản vô giá, đó là cầu nguyện, bé mọn và sự khôn ngoan của cuộc sống. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng gặt hái được những điều này mỗi ngày.

Source: Libreria Editrice Vaticana OMELIA DEL SANTO PADRE Sagrato della Chiesa di San Pio da Pietrelcina (San Giovanni Rotondo) Sabato, 17 marzo 2018

 

J.B. Ðặng Minh An dịch

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page