Lịch sử Ngày quốc tế phụ nữ

 

Lịch sử Ngày quốc tế phụ nữ.

Roma (Vat. 15-03-2018) - Mùng 8 tháng 3 năm 2018 là Ngày phụ nữ quốc tế. Tại Italia và 70 quốc gia trên thế giới nữ giới đã tổ chức một cuộc đình công lớn để phản đối chống lại mọi hình thức bất bình đẳng cũng như những kỳ thị bất công mà hàng tỷ phụ nữ toàn thế giới vẫn còn đang phải gánh chịu trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình, ngoài xã hội.

Ngày quốc tế phụ nữ đã được cử hành bên Hoa Kỳ từ năm 1909, tại một vài nước âu châu năm 1911 và tại Italia năm 1922. Trong Ngày quốc tế phụ nữ năm 2017 Liên Hiệp Quốc hy vọng nội trong năm 2030 thế giới sẽ có thể đạt đến sự bình đẳng cho nữ giới.

Việc tranh đấu cho các quyền lợi của nữ giới đã bắt đầu trong Hội nghị quốc tế xã hội chủ nghĩa tại Stockholm bên Thụy Ðiển trong các ngày từ 18 đến 24 tháng 8 năm 1907 với sư tham dự của 884 đại biểu đến từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có các người theo mác xít như bà Rosa Luxemburg. Clara Zetkin, ông August Bebel của Ðức, Lenin và Martov của Nga, Jean Jaures của Pháp. Trong số các vấn đề được thảo luận trong hội nghị có thái độ cần có khi xảy ra chiến tranh, chế độ thực dân, vấn đề nữ quyền và việc tranh đấu cho phụ nữ có quyền bầu cử.

Bên Hoa Kỳ ngày mùng 3 tháng 5 bà Corinne Brown chủ toạ phiên họp được Ðảng xã hội tổ chức mỗi ngày Chúa Nhật tại rạp hát Garrick ở Chicago, thay thế cho một nam diễn giả vắng mặt. Mọi phụ nữ đều được mời tham dự và người ta bắt đầu gọi là "Ngày phụ nữ". Trong đó các tham dự viên đã thảo luận việc khai thác bóc lột sức lao động của nữ giới với đồng lương rẻ mạt và giờ giấc làm việc cũng như sự kỳ thị phái tính trong công việc làm và quyền bầu cử của phái nữ. Vào cuối năm đó Ðảng xã hội yêu cầu các phân bộ địa phương dành ngày Chúa Nhật cuối tháng 2 năm 1909 để tổ chức biểu tình tranh đấu cho quyền bỏ phiếu của nữ giới. Chính như thế mà Ngày phụ nữ đầu tiên được cử hành ngày 23 tháng 2 năm 1909. Vào ngày 22 tháng 11 cùng năm 20,000 nữ công nhân làm việc trong các xưởng may áo tại New York đã xuống đường biểu tình cho tới ngày 15 tháng 2 năm 1910. Ngày 27 tháng 2 năm đó 3,000 phụ nữ đã cử hành Ngày Phụ Nữ tại trung tâm Carnegie và yêu cầu thừa nhận các quyền của nghiệp đoàn và quyền chính trị đầu phiếu cho nữ giới. Trong Hội nghị quốc tế xã hội chủ nghĩa tại Copenhagen các ngày 26-27 tháng 8 năm 1910, các đại biểu Mỹ đã đề nghị thành lập ngày đòi quyền lợi cho nữ giới.

Bên Ðức ngày mùng 8 tháng 3 năm 1914 đã có 100 phụ nữ đại diện 17 quốc gia tham dự và thành lập ngày nữ quyền. Bản "Bình quyền" do bà Clara Zetkin soạn thảo cho việc thành lập Ngày quốc tế phụ nữ đã được chấp thuận như nghị quyết. Trong khi bên Hoa Kỳ vẫn giữ ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng 2, tại vài nước âu châu như Ðức, Áo, Thụy Sĩ và Ðan Mạch ngày này đã được cử hành lần đầu tiên ngày 19 tháng 3 năm 1911.

Tại Ðức ngày 19 tháng 3 năm 1848 trong thời cách mạng vua Phổ lần đầu tiên đã thừa nhận quyền lực của nhân dân vũ trang và nhượng bộ trước lời đe dọa cuả một cuộc nổi loạn của giới vô sản. Trong số nhiều lời hứa có việc thừa nhận quyền bỏ phiếu của nữ giới. Tại Thuỵ Ðiển Ngày Phụ Nữ được mừng chung với Ngày lao động mùng 1 tháng 5 năm 1911.

Ngày Nữ Quyền đã không được mừng liên tục và cũng không được cử hành trong mọi nước. Bên Nga Ngày Phụ Nữ đã được cử hành lần đầu tiên ngày mùng 3 tháng 3 năm 1913 do Ðảng Bônxêvích tổ chức nhưng bị cảnh sát của Nga hoàng giải tán và có nhiều người bị bắt giữ.

Trong thời thế chiến thứ nhất việc cử hành bị gián đọan và Hội nghị quốc tế dự trù triệu tập tại Vienne bên Áo trong các ngày 23-29 năm 1914 cũng bị huỷ bỏ. Trong hội nghị quốc tế lần thứ ba tại San Pietroburgo ngày mùng 8 tháng 3 năm 1917 nữ giới yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Việc gửi người Cosachi tới đàn áp phụ nữ đã dấy lên các vụ biểu tình tiếp theo đó và dẫn đến chỗ sụp đổ của chế độ Nga hoàng. Và ngày mùng 8 tháng 3 năm 1917 được ghi vào lịch sử đánh dấu sự khởi đầu của Cách mạng Nga. Ngày 14 tháng 6 năm 1921 hội nghị phụ nữ cộng sản quốc tế lần thứ II, quyết định lấy ngày mùng 8 tháng 3 làm Ngày quốc tế nữ công nhân".

Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn liên quan tới nguồn gốc Ngày phụ nữ quốc tế. Sau Ðệ nhị thế chiến người ta bắt đầu phổ biến các tin tức sai lạc theo đó ngày mùng 8 tháng 3 được chọn vì đã xảy ra một trận hoả hoạn trong xưởng sản xuất áo sơ mi tại New York năm 1908 khiến cho nhiều nữ công nhân thiệt mạng. Nhưng thật ra đã không có nhà máy nào bị cháy hồi đó. Ðã chỉ có trận hoả hoạn xảy ra tại hãng may Triangle ngày 25 tháng 3 năm 1911 khiến cho 146 nhân viên thiệt mạng trong đó có 123 phụ nữ và 23 nam công nhân, đa số là người Ý và người Do thái. Nhiều người khác nữa cho rằng nguồn gốc đã là vụ cảnh sát đàn áp vụ biểu tình của nghiệp đoàn nữ công nhân dệt ở New York năm 1857, trong khi có người cho rằng nó quy chiếu các vụ đình công ở Chicago, Boston hay New York.

Ngày 18 tháng 12 năm 1972 với nghị quyết số 3010 kỷ niệm 25 năm phiên họp đầu tiên của Uỷ ban đặc trách điều kiện của phụ nữ trong các ngày từ mùng 10 đến 24 tháng 2 năm 1947, Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm 1975 là "Năm Phụ nữ quốc tế". Ngày 15 tháng 12 năm 1975 qua nghị quyết số 3520 Liên Hiệp Quốc công bố "Mười năm của Liên Hiệp Quốc cho nữ giới: bình đẳng, phát triển và hoà bình" . Ngày 16 tháng 12 năm 1977 với nghị quyết 32 trên 142 Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị mỗi nước theo các truyền thống lịch sử và phong tục địa phương của mình tuyên bố một ngày trong năm là "Ngày của Liên Hiệp Quốc cho các quyền của phụ nữ và hoà bình thế giới". Như thế Liên Hiệp Quốc thừa nhận vài trò của phụ nữ trong các nỗ lực tạo dựng hoà bình và thừa nhận sự cấp thiết chấm dứt mọi kỳ thị đối với nữ giới trong cuộc sống dân sự và xã hội. Chính vì ngày mùng 8 tháng 3 đã được nhiều nước mừng nên đã được chính thức chọn làm Ngày phụ nữ quốc tế.

Vào tháng 9 năm 1944 Liên hiệp phụ nữ Italia được thành lập do sáng kiến của chị em phụ nữ thuộc các đảng Cộng sản, Xã hội. Hành động, Tả phái Kitô và Dân chủ lao động. Liên hiệp phụ nữ Italia tổ chức Ngày phụ nữ đầu tiên trong vùng tự do mùng 8 tháng 3 năm 1945. Sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc Ngày mùng 8 tháng 3 năm 1946 đã được tổ chức trên toàn nước Italia và hoa Mimosa xuất hiện như biểu tượng của Ngày phụ nữ quốc tế, vì đây là loại hoa nở vào tháng 2 và tháng 3 tại nhiều nơi.

Tuy nhiên, khi nhìn vào hoàn cảnh sống của phụ nữ trên thế giới, người ta nhận thấy chị em phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị, khai thác bóc lột và gánh chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống gia đình cũng như giữa lòng xã hội và cả trong lòng Giáo Hội nữa. Ngay tại các nước tây âu nơi xem ra phụ nữ rất được tôn trọng - đi đâu người ra cũng nghiêng mình lễ phép nói "Lady fisrt" "nữ giới trước" và nhường cho phụ nữ đi trước. Nhưng thật ra sự kính trọng đó lại không được thể hiện trong nhiều lãnh vực. Trước hết là trong gia đình. Nói chung nữ giới vẫn phải làm việc gấp đôi nam giới. Vì ngoài 8 giờ làm việc tại các công xưởng hay bàn giấy, chị em phụ nữ khi về nhà còn phải lo lắng mọi sự: nấu ăn, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con cái, thường khi cũng phải giúp chúng làm bài, học bài. Nghĩa là mỗi ngày nữ giới thường phải làm việc gấp đôi nam giới. Nhưng phân nửa thời gian làm việc này họ không nhận được một đồng thù lao nào. Có lẽ Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong đó chính phủ quyết định trừ lương chồng để trả lương cho vợ và số tiền này được chuyển thằng vào trương mục của các bà. Vì họ lý luận rất đơn sơ nhưng công bằng. Phụ nữ trong gia đình làm việc lo cho chồng con nên chồng phải trả một số thù lao cho họ.

Trong cuộc sống nghề nghiệp lương của các nữ công nhân bao giờ cũng thấp hơn lương nam giới 15% tuy cả hai làm cùng một việc y như nhau. Cho tới nay người ta nói rất nhiều về quyền của phụ nữ nhưng chưa có hãng xưởng nào dám cương quyết loại bỏ sự bất công này. Nghĩa là thế giới tân tiến ngày nay chỉ giả vờ tranh đấu miệng, trên lý thuyết nhưng vẫn tiếp tục kỳ thị nữ giới và đối xử bất công với họ ngay trong việc trả lương bổng.

Ðó là chưa kể đến các tình trạng nghiêm trọng hơn nữa như con số phụ nữ mù chữ trên thế giới lên tới hàng trăm triệu. Tại nhiều nước A rập và Phi châu theo Hồi giáo nữ giới không được đi học, hàng triệu trẻ nữ bị bó buộc lập gia đình rất sớm, nhiều khi mới chỉ có 8,9 tuổi. Ðây cũng là tệ nạn thông thường bên Ấn Ðộ, Pakistan và Bangladesh. Tại nhiều nước phi châu khác người ta vẫn có thói tục cắt chặt bộ phận sinh dục của trẻ nữ, khiến cho nhiều em chết vì bị nhiễm trùng hay sau đó dễ bị tật bệnh cả đời. Phụ nữ cũng là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người và kỹ nghệ mại dâm trong đó có các bé gái vị thành niên. Hàng triệu phụ nữ là nạn nhân của kỹ nghệ tình dục dưới mọi hình thức trong đó có nạn ấu dâm. Thế rồi cũng có tệ nạn bắt cóc trẻ nữ để xung vào quân ngũ, làm nô lệ tình dục, làm vợ cưỡng bách hay làm cảm tử quân cho các bính sĩ của lực lương hồi cuồng tín Taliban, Al Qaeda, ISIS, từ Afghanistan cho tới Libia và Nigeria nơi có tổ chức Boko Haram hoành hành.

Trong xã hội đã vậy ngay giữa lòng Giáo Hội cũng thế. Phụ nữ bị kỳ thị và khai thác bóc lột. Ðiển hình là trường hợp của nữ tu các dòng làm việc trong các giáo xứ hay giáo phận. Rất thường khi các chị làm việc không công cho giáo xứ hay giáo phận một cách rất tận tụy và chuyên nghiệp, nhưng vẫn không được trân trọng và đánh giá cao, trái lại còn bị la mắng và đối xử lắm khi tàn tệ. Trong Giáo Hội phụ nữ vẫn còn bị kỳ thị và chưa có được các vai trò xứng đáng với các khả năng của họ, kể cả trong các lãnh vực chuyên biệt và sinh hoạt lãnh đạo.

Mới đây tổ chức Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản tường trình tựa đề "Tiến bộ trong thế giới của phụ nữ: kiếm tìm công lý", trong đó Liên Hiệp Quốc tố cáo cảnh hàng triệu phụ nữ toàn thế giới tiếp tục gánh chịu các bất công, bạo lực và bất bình đẳng trong gia đình, tại nơi làm việc và trong môi trường xã hội. Mục đích bản tường trình nhắm tới là yêu cầu các chính quyền và các xã hội dân sự cương quyết hành động và duy trì sự dấn thân của mình để tăng tốc việc chính phục các quyền của phụ nữ trên thế giới. Chính ý thức về một hệ thống luật lệ và tư pháp tốt hơn như nền tảng cuộc sống có thể giúp nữ giới đạt được sự công bằng mong ước. Nhưng rất tiếc cho tới nay tại nhiều nước chị em phụ nữ vẫn bị loại trừ khỏi hệ thống tư pháp. Tuy trong thế kỷ XX đã có một sự thay đổi khiến cho các quyền lợi của nữ giới được thừa nhận tại nhiều vùng trên thế giới nhưng chúng chưa được thực thi một cách đúng đắn. Bản tường trinh cho biết tuy Hiến pháp của 139 quốc gia bảo đảm quyền bình đẳng cho nữ giới nhưng chị em phụ nữ vẫn tiếp tục gánh chịu các bất công, bạo lực và bất bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bản tường trình cũng ghi nhận rằng tuy các bạo hành trong gia đình bị coi là bất hợp pháp tại 125 quốc gia, nhưng vẫn có hơn 600 triệu phụ nữ phải sống trong các nước không coi bạo hành trong gia đình là một tội phạm. Trong một vài nước phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới tới 30% và có khoảng 600 triệu phụ nữ có công ăn việc làm bấp bênh không có luật lao động thích hợp bảo đảm. Ða số phụ nữ bị bạo hành không dám tố cáo hay không có các phương tiện để đạt tới công lý. Có khi họ kêu cứu nhưng cảnh sát và nhân viên công lực không thèm chú ý trợ giúp họ. Ðây đã là trường hợp khiến hàng chục người vợ bị chồng hay chồng cũ giết chết tại Italia trong năm qua.

Một sự bình đẳng tràn đầy đòi buộc luật lệ không được phân biệt phái tính trong cuộc sống gia đình cũng như giữa lòng xã hội, và nhất là phải huỷ bỏ mọi luật lệ kỳ thị nữ giới. Cần thu nhận nhiều phụ nữ hơn trong các ngành cảnh sát, thẩm phán, các nhà làm luật và các người hoạt động đi hàng đầu trong việc thăng tiến công bằng cho tất cả mọi ngưòi. Cần phải khẳng định rằng bạo hành nữ giới là một tội phạm, dã man, tàn ác, bất công cần phải trừng phạt một cách thích đáng. Và quyền đầu tiên mà xã hội phải thăng tiến trong việc bảo vệ phụ nữ đó là có một hệ thống pháp luật ngiêm minh, công bằng và hữu hiệu hơn.

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page