Câu chuyện của cha Luigi Giussani,

một người luôn say mê "tìm kiếm cái đẹp"

và cha đã gặp được Ðức Kitô

 

Câu chuyện của cha Luigi Giussani, một người luôn say mê "tìm kiếm cái đẹp" và cha đã gặp được Ðức Kitô.

Milano, Italia (Avvenire 26-02-2018; Vat, 14-03-2018) - Cha Luigi Giovanni Giussani sinh ngày 15 tháng 10 năm 1922 tại Desio, một thị trấn ở khu vực Brianza phía bắc Milano. Bố là ông Beniamino, nhà thiết kế và thợ khắc, mẹ là bà Angelina Gelosa, một người Công giáo làm nghề thợ dệt. Cả hai là nền tảng cho sự hình thành con người và định hướng đức tin cho Giussani. Ông Beniamino luôn khuyến khích cậu bé Giussani tìm hiểu thế giới xung quanh qua việc luôn đặt những câu hỏi "tại sao?". Bà Angela ngược lại dành mọi sự quan tâm cho việc hướng dẫn thực hành đức tin cho Giussani. Trong gia đình luôn có bầu khí tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, một nền giáo dục tích cực luôn giữ được chiều kích thật của trái tim và lý trí.

Ðược thừa hưởng từ gia đình niềm say mê đi tìm kiếm giá trị của cái đẹp trong thiên nhiên và nơi nghệ thuật, Giussani tiếp tục vươn xa hơn nữa trong việc tìm kiếm vẻ đẹp thần linh và quyết định theo tiếng Chúa mời gọi dấn thân trong sứ vụ linh mục.

Ở chủng viện, việc tuân giữ kỷ luật của Giussani trở nên hiệp nhất với sức mạnh của tính khí, điều này được thể hiện qua những cuộc đối thoại với bề trên và trong việc đưa ra những sáng kiến sống động và nhiệt thành với những người bạn đồng hành. Ví dụ Giussani cỗ vũ một số sinh viên thiết lập một tờ nội san, gọi là Studium Christi, nhằm mục đích tạo ra một không gian để nghiên cứu, khám phá tính trung tâm của Chúa Kitô trong các môn học.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Giussani được giữ lại để giảng dạy tại chủng viện ở Venegono. Trong những năm đó, cha chuyên nghiên cứu về thần học phương Ðông, thần học Tin Lành Hoa Kỳ, với việc nghiên cứu này giúp cha hiểu sâu và hợp lý hơn trong việc xác tín đức tin và Giáo hội.

Say mê cái đẹp và luôn chý ý đến những chuyện nhỏ nhặn trong cuộc sống hàng ngày là hai điểm sáng của tích cách mà mọi người có thể nhận ra khi có cơ hội gặp cha. Thực vậy, đối với cha, "nếu vẻ đẹp là sự chiếu sáng của sự thật, thì hương vị, thẩm mỹ, vị giác là cách người ta nhận thức được sự thật".

Với lòng nhiệt thành đem cái đẹp thần linh vào cuộc sống cha Giussani đã đóng góp rất nhiều hoạt động và công trình giá trị cho Giáo hội và xã hội. Ngài là linh hồn và linh hướng của Memores Domini, một hiệp hội giáo dân, là Tư vấn cho Bộ Giáo Dục và Hội Ðồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, là tác giả của nhiều bài tiểu luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng, tạo cơ sở cho việc đào tạo của hàng trăm nghìn thanh thiếu niên và người lớn. là chủ tịch của khoa Thần học Nhập môn tại Ðại học Cattolica del Sacro Cuore ở Milano. được trao giải thưởng Văn hoá Công giáo Quốc tế. Ðức Thánh Cha Benedetto XVI đã nói về cha: "Cha Giussani đã thực sự trở thành cha của nhiều người, ngài đã chiếm được nhiều trái tim, đã giúp nâng cao thế giới, để mở cánh cửa của thế giới cho thiên đường"

Cha Giussani qua đời ngày 22 tháng 2 năm 2005. Ngôi mộ của cha là điểm đến của những cuộc hành hương liên tục từ Ý và thế giới. Việc xin phong chân phước và phong thánh cho cha đã được Hồng y Angelo Scola chấp thuận.

Cuộc đời của cha Giussani là mẫu gương đầu tiên cho các cha mẹ những người mang trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo giáo lý đức tin Kitô giáo. Luôn hướng dẫn con cái đến chân-thiện-mỹ của Kitô giáo, hướng dẫn con cái theo kịp với đà phát triển của xã hội nhưng không để mình bị đánh mất đức tin bởi trào lưu và xu hướng tục hóa. Ðối với các bạn trẻ, đặc biệt những bạn đang tìm kiếm cho mình con đường để vào đời, cuộc đời của cha Giusssani là một ví dụ điển hình cho thấy đức tin Công giáo không kiềm hãm chúng ta những người trẻ với những đam mê đi tìm kiếm cái mới lạ, khát khao một chân trời mới, khát khao cái đẹp. Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng thế giới và con người, Ngài không chỉ tạo dựng một lần, nhưng từng ngày qua ngày Ngài vẫn tiếp tục sáng tạo. Ngài trao cho con người quyền cộng tác trong công trình sáng tạo. Chính vì thế chúng ta thấy thế giới chúng ta luôn thay đổi về mặt tự nhiên, cũng như khoa học. Những phát minh về khoa học luôn được đưa ra trong mỗi năm. Nhưng chính cha nhắc nhở chúng ta rằng để việc tìm kiếm của thế giới thiên nhiên và khoa học phải hướng chúng ta đến vẻ đẹp thần linh, nguồn chân lý siêu việt. Chúng ta phải quy hướng về Thiên Chúa vì chỉ trong Ngài, Nguồn vô tận của vẻ đẹp tuyệt mỹ sẽ tiếp tục hướng dẫn chúng ta trong những khám phá tiếp theo. (Avvenire 26 -02- 2018)

 

Ngọc Yến

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page