Giáo hội Công giáo Ấn độ
chống mọi hình thức "làm cho chết êm dịu"
Giáo hội Công giáo Ấn độ chống mọi hình thức "làm cho chết êm dịu".
New Delhi (Asia News 09-03-2018) - "Giáo hội Công giáo bác bỏ bất kỳ đề nghị nào liên quan đến euthanasia - 'làm cho chết êm dịu', cả chủ động và thụ động." Ðó là tuyên bố của Hội đồng Giám mục Ấn độ, chống lại quyết định của Tóa án tối cao của Ấn độ về việc cho phép áp dụng "cái chết êm dịu thụ động" cho các bệnh nhân giai đoạn cuối không có hy vọng phục hồi.
Trong thông cáo được ký tên bởi cha Stephen Fernandes, tổng thư ký của văn phòng công lý, hòa bình và phát triển của Hội đồng Giám mục Ấn độ, các Giám mục nhấn mạnh rằng: "Không ai được phép giết người vô tội, là bào thai hoặc phôi thai, trẻ em hay người lớn, người già hay người bệnh nan y, hoặc người gần cuối đời."
Hôm thứ Sáu, 09 tháng 03 năm 2018, 5 vị thẩm phán đã đưa ra một phán quyết lịch sử gây ra nhiều tranh luận. Trong đó các vị khẳng định rằng mỗi người có quyền căn bản "chết với phẩm giá." Tòa thượng thẩm cũng đưa ra các điều kiện để áp dụng "cái chết êm dịu." Bệnh nhân phải viết chúc thư sinh học, nghĩa là một sự đồng ý cụ thể khi còn sống, trong đó nói rằng mình từ chối mọi hình thức trợ giúp y khoa trong trường hợp rơi vào tình trạng hôn mê không chữa được. Tòa án còn nói rõ rằng "cái chết êm dịu" là "mọi chữa trị y khoa có chủ ý đẩy nhanh cái chết của một bệnh nhân giai đoạn cuối" và các nhà lập pháp sẽ thảo luận về cách thế chấp nhận "di chúc sinh học."
Các Giám mục Ấn độ khẳng định: "Không ai có quyền yêu cầu một hành động giết người cho chính chúng ta hay cho người được ủy thác cho chúng ta chăm sóc. Cho đến nay, ở Ấn độ, sự thánh thiêng của sự sống được đặt vị trí cao nhất. Quyền sống, như được khẳng định trong số 21 của hiến pháp Ấn độ, không bao gồm quyền chết trong các mục đích của nó. Tước đi sự sống của một người vô tội không bao giờ là việc làm đạo đức." Theo các đức cha, hợp pháp hóa eutanasia là gây nguy hiểm cho những người yếu đuối, bao gồm cả những người tin rằng chết thì tốt hơn cho một số người.
Cuối cùng, các đức cha Ấn độ khẳng định: "Có thể được chăm sóc với chất lượng tốt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên y tế và chăm sóc tốt hơn vào giai đoạn cuối đời sẽ là một dấu hiệu bảo đảm một xã hội thực sự từ bi thương xót. Dấu hiệu của một xã hội tốt hơn là năng lực và sự sẵn lòng chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất." (Asia News 09/03/2018)
Hồng Thủy
(Vatican News)