Toàn văn Sứ Ðiệp

Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018

của Ðức Thánh Cha Phanxicô

 

Toàn văn Sứ Ðiệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Roma (VietCatholic News 23-02-2018) - Toàn văn Sứ Ðiệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018 của Ðức Thánh Cha Phanxicô:

"Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa" (Lc 1:30)

Các bạn trẻ thân mến,

Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2018 là một bước chuẩn bị cho Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ diễn ra tại Panama vào tháng Giêng năm 2019. Giai đoạn mới này trong cuộc hành hương của chúng ta rơi vào cùng năm với Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thường Lệ về chủ đề: Người Trẻ, Ðức Tin Và Sự Phân Ðịnh Ơn Gọi. Ðây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng mừng. Trọng tâm, lời cầu nguyện và suy tư của Giáo hội sẽ hướng về các bạn trẻ, với mong muốn nhận được và, trên hết, là đón nhận món quà quí báu mà các bạn dành cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho thế giới.

Như các bạn đã biết, chúng ta đã chọn để cuộc hành trình này của chúng ta được đồng hành bằng gương sáng và sự cầu bầu của Mẹ Maria, người phụ nữ trẻ xứ Nazareth mà Chúa đã chọn làm Mẹ của Con Ngài. Mẹ cùng đi với chúng ta hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục và hướng tới Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Panama. Nếu năm ngoái, chúng ta được dẫn dắt bởi những lời ca khen của Mẹ - "Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại" (Lc 1,49) - là những lời dạy bảo chúng ta hãy nhớ đến quá khứ, thì năm nay chúng ta cùng lắng nghe với Mẹ tiếng Chúa, Ðấng khích lệ lòng can đảm và ban cho ta những ân sủng cần thiết để đáp trả lời mời gọi của Người: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa" (Lc 1:30). Ðây là những lời được sứ thần Thiên Chúa, là Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel nói cùng Ðức Maria, một cô gái bình thường trong một ngôi làng nhỏ ở Galilee.

1. Ðừng sợ!

Chúng ta có thể hiểu được là sự xuất hiện đột ngột của Thiên Thần và lời chào bí ẩn của Ngài: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà" (Lc 1:28), đã làm cho Ðức Maria bối rối, Mẹ đã rất ngạc nhiên trước sự mặc khải lần đầu tiên về căn tính và ơn gọi của mình, mà đến lúc ấy Mẹ vẫn chưa biết. Ðức Maria, giống như những người khác trong Kinh Thánh, run rẩy trước mầu nhiệm trong lời mời gọi của Thiên Chúa, là Ðấng trong giây phút ấy đã đặt trước Mẹ sự bao la trong kế hoạch của chính Người và làm cho Mẹ cảm thấy tất cả sự nhỏ bé của mình như một sinh vật khiêm tốn. Thánh Thiên Thần, nhìn thấu sâu thẳm con tim Mẹ, nên nói: "Ðừng sợ!" Thiên Chúa cũng đọc thấu tận cùng tâm hồn của chúng ta. Người biết rõ những thách đố mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những lựa chọn cơ bản quyết định chúng ta sẽ là gì và sẽ làm gì trong thế giới này. Ðó là cái "rùng mình" mà chúng ta cảm thấy khi phải đối mặt với những quyết định về tương lai, điều kiện sống, và ơn gọi của chúng ta. Trong những giây phút như thế chúng ta thấy mình bối rối và bị tóm lấy bởi bao nhiêu những nỗi sợ.

Và hỡi các bạn trẻ, nỗi lo sợ của các bạn là gì? Ðiều gì làm các bạn lo lắng nhất? Một nỗi sợ hãi "tiềm tàng" của nhiều bạn là lo sợ mình không được yêu, không được ái mộ hay không được chấp nhận trong tình trạng như mình hiện là. Ngày nay, có rất nhiều người trẻ cảm thấy cần phải khác với những gì họ thực sự đang có, trong một nỗ lực để thích ứng với một tiêu chuẩn thường khi là giả tạo và không thể vươn tới được. Họ liên tục "photo-shop" hình ảnh của mình, núp đằng sau những mặt nạ và những bản sắc giả, đến mức gần như làm giả chính bản thân mình. Nhiều người bị ám ảnh bởi việc càng nhận được nhiều cái "likes" càng tốt. Nhiều nỗi sợ hãi và những bất định xuất hiện từ cảm thức thấy mình không thích hợp này. Những người khác sợ rằng họ sẽ không thể tìm thấy một sự an toàn về tình cảm và rằng họ sẽ mãi mãi cô đơn. Nhiều người, đối diện với sự bấp bênh của công ăn việc làm, sợ không thể tìm được một vị trí nghề nghiệp thỏa đáng, hoặc không thể hoàn thành ước mơ của họ. Ngày nay, một số lượng lớn thanh thiếu niên cảm thấy đầy những nỗi sợ, cả những người có niềm tin lẫn những người vô tín ngưỡng. Thật vậy, những người đã đón nhận hồng ân đức tin và tìm kiếm ơn gọi của mình một cách nghiêm túc cũng không được miễn trừ khỏi những nỗi sợ. Một số người nghĩ: có lẽ Chúa đang yêu cầu hoặc sẽ đòi hỏi nơi tôi quá nhiều; hay có lẽ là, nếu tôi đi theo con đường Người đã vạch ra cho tôi, tôi sẽ không thực sự được hạnh phúc, hoặc tôi sẽ không thể làm những gì Người yêu cầu nơi tôi. Những người khác lại nghĩ: nếu tôi đi theo con đường mà Chúa chỉ cho tôi, ai có thể đảm bảo rằng tôi sẽ có thể đi đến tận cùng trên con đường đó? Liệu tôi sẽ nản lòng chăng? Liệu tôi có đánh mất đi nhiệt tình của mình không? Liệu tôi có thể bền đỗ suốt trọn đường đời tôi không?

Trong những khoảnh khắc khi những hoài nghi và nỗi sợ hãi tràn ngập con tim chúng ta, sự phân định là cần thiết. Nó cho phép chúng ta khống chế sự hoang mang trong những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, để chúng ta có thể hành động một cách chính đáng và thận trọng. Trong quá trình này, bước đầu tiên để vượt qua những nỗi sợ là xác định chúng một cách rõ ràng, để không thấy mình lãng phí thời gian và sức lực đương đầu với những bóng ma hư vô. Và vì vậy, tôi mời gọi tất cả các bạn nhìn sâu trong tâm hồn mình và gọi "đích danh" những nỗi sợ hãi của các bạn. Hãy tự hỏi: điều gì làm tôi phiền lòng, điều gì làm tôi sợ nhất trong thời điểm cụ thể này của cuộc sống hôm nay? Ðiều gì cản trở tôi và ngăn cản tôi tiến lên phía trước? Tại sao tôi thiếu can đảm để đưa ra những lựa chọn quan trọng tôi cần phải làm? Ðừng sợ phải đối mặt với những nỗi sợ của các bạn một cách trung thực, để nhận ra chúng là những gì và đối phó với chúng ra sao. Kinh Thánh không bỏ qua kinh nghiệm của con người về sự sợ hãi cũng chẳng bỏ qua những nguyên nhân đa dạng của chúng. Tổ phụ Ápraham đã sợ (xem Sáng-thế Ký 12: 10), Giacóp cũng từng sợ (xem Sáng thế Ký 31:31, 32: 7), Môise (xem Cô-rinh-tô 2:14, 17: 4), Thánh Phêrô (xem Mt. 26: 69ff) và các Thánh Tông Ðồ (xem Mc 4: 38-40; Mt 26:56) cũng từng lo buồn. Chính Chúa Giêsu, mặc dù trong một cách thế không thể so sánh được, cũng từng sợ hãi và buồn sầu thống thiết (xem Mt 26:37, Lc 22:44).

"Sao nhát thế? Sao anh em vẫn chưa có lòng tin như thế?" (Mc 4:40). Khi khuyên nhủ các môn đệ của mình, Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao trở ngại chính cho đức tin thường không phải là sự hoài nghi nhưng chính là sự sợ hãi. Như thế, chúng ta hiểu được rằng việc phân định giúp nhận ra những nỗi sợ của chúng ta, và sau đó, có thể giúp chúng ta vượt qua chúng, mở đường cho chúng ta đến với sự sống và giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với những thách thức đang xảy đến với mình. Ðối với chúng ta đặc biệt là các Kitô hữu, những nỗi sợ không bao giờ có tiếng nói chung cuộc nhưng trái lại nên là một dịp tốt để thể hiện đức tin nơi Thiên Chúa... và nơi cuộc sống! Ðiều này có nghĩa là tin tưởng vào sự tốt lành cơ bản của sự hiện hữu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và tin tưởng rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến một kết thúc tốt đẹp, thậm chí dù có phải vượt qua những hoàn cảnh và những thăng trầm làm chúng ta hoang mang. Tuy nhiên, nếu chúng ta che giấu những nỗi sợ, chúng ta sẽ trở nên hướng nội và đóng cửa để bảo vệ bản thân khỏi mọi thứ và mọi người, và chúng ta sẽ bị tê liệt. Chúng ta phải hành động! Không bao giờ tự chôn kín chính mình! Trong Kinh Thánh, cụm từ "Ðừng sợ" được lặp đi lặp lại đến 365 lần với các biến thể khác nhau, như để nói với chúng ta rằng Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi, mỗi ngày trong năm.

Sự phân định là không thể thiếu được khi chúng ta tìm kiếm ơn gọi của mình trong cuộc đời. Thường khi ơn gọi của chúng ta không rõ ràng hoặc hiển nhiên ngay lúc đầu nhưng là một cái gì đó chúng ta dần dần mới hiểu được. Sự phân định trong trường hợp này không nên được xem như là một nỗ lực tự nhận thức cá nhân, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về cấu trúc nội tâm của chúng ta để củng cố chúng ta và đạt được một sự cân bằng nào đó. Trong những trường hợp như vậy, người đó có thể trở nên mạnh hơn, nhưng vẫn còn bị hạn chế trong một chân trời giới hạn bởi những khả năng và viễn tượng của mình. Tuy nhiên ơn gọi là một lời mời gọi từ trên cao, và sự phân định trong bối cảnh này chủ yếu có nghĩa là tự mở lòng mình ra cho một Ðấng khác đang mời gọi. Vì thế, cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong lương tâm của chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa chúng ta, như Ngài đã làm với Ðức Maria; Ngài mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta thông qua cầu nguyện, muốn nói với chúng ta qua Sách Thánh, muốn ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và muốn nên một với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Ðiều quan trọng là phải đối thoại và gặp gỡ người khác, những anh chị em của chúng ta trong đức tin, những người có nhiều kinh nghiệm, vì họ giúp chúng ta nhìn thấy mọi sự tốt hơn và biết lựa chọn khôn ngoan từ những khả thể khác nhau. Khi chàng trai trẻ Samuên nghe tiếng Chúa, anh không nhận ra điều đó ngay. Ba lần anh chạy đến gặp ông Êli, vị tư tế lớn tuổi hơn, là người cuối cùng đã đưa ra một câu trả lời đúng đắn cho lời mời gọi của Chúa: "Nếu Người gọi con, con hãy thưa: 'Lạy Chúa, xin hãy phán bảo, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe'" (1 Sam. 3: 9). Trong những nghi nan của các bạn, hãy biết rằng các bạn có thể tin cậy vào Giáo Hội. Tôi biết có rất nhiều linh mục, những người nam nữ thánh thiện và các tín hữu giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, họ là những người có thể nâng đỡ các bạn như những anh chị em trong đức tin. Ðược Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ sẽ giúp bạn hiểu rõ những nghi nan của các bạn và hiểu được kế hoạch Chúa dành cho các bạn trong ơn gọi của mình. Tha nhân không chỉ là một hướng dẫn tinh thần, mà còn là người giúp chúng ta mở rộng chính mình cho sự giàu có vô hạn trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ðiều quan trọng là tạo ra không gian trong các thành phố và cộng đồng để phát triển, mơ ước và hướng đến những chân trời mới! Ðừng bao giờ mất đi sự nhiệt tình trong việc được hưởng sự tháp tùng và tình bạn, cũng như niềm vui khi được cùng nhau mơ ước, khi được đồng hành với nhau. Kitô hữu đích thực không sợ mở lòng mình ra với người khác và chia sẻ với họ những không gian quan trọng của mình, để biến những không gian ấy thành những không gian của tình huynh đệ.

Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày.

2. Ðức Maria!

"Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi" (Is 43: 1). Lý do đầu tiên để đừng sợ là Thiên Chúa đã gọi chúng ta đích danh. Thiên Thần, là sứ giả của Thiên Chúa, đã gọi đích danh Mẹ Maria. Quyền được đặt tên thuộc về Thiên Chúa. Trong công trình sáng tạo, Người đặt tên cho mọi loài Người đã tác tạo. Có một căn tính đằng sau một cái tên, một cái gì là duy nhất trong mọi thứ, trong mỗi người; một yếu tính thân mật mà chỉ có Thiên Chúa mới thực sự thấu hiểu. Quyền thánh thiêng này đã được Chúa chia sẻ với con người khi Người mời gọi con người đặt tên cho thú vật, chim chóc và cả con cái của mình (Sáng thế ký 2: 19-21, 4: 1). Nhiều nền văn hoá chia sẻ tầm nhìn sâu sắc trong Kinh Thánh; họ nhận ra trong mỗi cái tên một sự mặc khải mầu nhiệm sâu sắc của cuộc sống và ý nghĩa của sự hiện hữu.

Khi Thiên Chúa kêu gọi ai đó bằng tên của người ấy, Người cũng mạc khải cho người ấy biết ơn gọi, kế hoạch thánh thiện và viên mãn mà Người thiết kế riêng cho người ấy để qua đó người ấy trở thành ân sủng cho người khác. Và khi Thiên Chúa muốn mở rộng chân trời của cuộc sống, Người đưa ra một cái tên mới cho người mà Ngài kêu gọi, như Ngài đã từng làm với Simon, người mà Ngài gọi là "Phêrô". Từ đây có một phong tục lấy tên mới khi bước vào một tu hội, để cho thấy một căn tính và một sứ mệnh mới. Vì lời mời gọi của Thiên Chúa là duy nhất và cá vị, chúng ta cần can đảm để giải thoát chúng ta khỏi áp lực phải được định hình theo những khuôn mẫu phải theo, để cuộc sống của chúng ta thật sự có thể trở thành món quà đích thực và không thể thay thế được cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho tất cả mọi người.

Các bạn trẻ thân mến, được gọi đích danh là dấu chỉ của phẩm giá cao trọng trước mắt Thiên Chúa và là dấu chỉ của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi đích danh mỗi người trong các bạn. Tất cả các bạn là "mình" trước mặt Thiên Chúa, quý giá trong đôi mắt của Người, đáng trân trọng và mến thương (xem Is 43: 4). Hãy chào đón với niềm vui cuộc đối thoại này mà Thiên Chúa ban cho các bạn, lời kêu gọi mà Người gửi đến cho các bạn, đích danh từng người.

3. Bà đẹp lòng Thiên Chúa

Lý do chính Ðức Maria không phải sợ là vì Mẹ đẹp lòng Chúa. Từ "ân sủng" nói đến tình yêu trao ban cách nhưng không, chứ không phải thủ đắc được. Chúng ta được khích lệ biết ngần nào khi thấy rằng chúng ta không cần phải mưu cầu sự thân mật với Thiên Chúa và sự phù giúp của Người, bằng cách chìa ra một "Lý lịch Nghề nghiệp", đầy những lời khen thưởng và thành công! Thiên Thần nói với Ðức Maria rằng Mẹ đã đẹp lòng Thiên Chúa rồi, chứ không phải là Mẹ sẽ đạt được điều đó trong tương lai. Và những lời của thiên thần trong cùng một công thức như thế giúp chúng ta hiểu rằng ân sủng của Thiên Chúa là liên tục chứ không phải là một cái gì đó đi qua hay thoáng qua; vì lý do này, ân sủng Chúa sẽ không bao giờ cạn kiệt. Ngay cả trong tương lai, ân sủng của Thiên Chúa sẽ luôn ở đó để dưỡng nuôi chúng ta, đặc biệt trong những giây phút thử thách và tối tăm.

Sự hiện diện liên tục của ân sủng Chúa khuyến khích chúng ta đón nhận ơn gọi của chúng ta với sự tự tin; ơn gọi của chúng ta đòi hỏi một sự cam kết trung thành cần được làm mới lại mỗi ngày. Con đường ơn gọi của chúng ta không phải là không có những thập giá của nó: không chỉ là những nghi ngờ ban đầu của chúng ta thôi đâu, mà còn có cả những cám dỗ thường xảy ra trên đường đi. Cảm giác không thích hợp tháp tùng với các môn đệ Chúa Kitô cho đến cùng. Tuy nhiên, người đó biết mình được nâng đỡ bằng ân sủng của Thiên Chúa.

Những lời của Thiên Thần rơi xuống trên những những nỗi sợ của con người, giải thể chúng bằng quyền năng của Tin Mừng mà chúng ta là những người loan báo: cuộc sống của chúng ta không chỉ gồm toàn những may mắn cũng chẳng phải chỉ là một cuộc vật lộn để sống còn, trái lại mỗi người chúng ta là một câu chuyện vui vì được Thiên Chúa yêu mến. Chúng ta "tìm thấy ân sủng trong mắt Người" có nghĩa là Ðấng Tạo Hoá nhìn thấy một vẻ đẹp độc đáo trong hiện trạng của chúng ta và Người có một kế hoạch tuyệt vời cho cuộc sống của chúng ta. Nhận thức về sự xác tín này, tất nhiên, không giải quyết được hết tất cả các vấn đề của chúng ta cũng như không làm tan biến đi sự bấp bênh của cuộc sống. Nhưng nó có sức mạnh để biến đổi cuộc sống của chúng ta một cách sâu sắc. Không biết ngày mai dành cho chúng ta những gì không phải là một mối đe dọa đen tối mà chúng ta cần phải vượt qua đâu, nhưng là thời thuận lợi để chúng ta sống tính độc đáo trong ơn gọi cá vị của chúng ta, và chia sẻ ơn gọi đó với anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội và trên thế giới.

4. Can đảm trong khoảnh khắc hiện tại

Sự xác tín rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta làm nảy sinh sức mạnh để can đảm trong giây phút hiện tại: đó là lòng can đảm thực thi những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ở đây và ngay bây giờ, trong mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta; can đảm để đón nhận ơn gọi mà Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta; can đảm để sống đức tin của chúng ta mà không che giấu hoặc giản lược nó.

Vâng, khi chúng ta mở lòng mình ra với ân sủng của Thiên Chúa, điều không thể trở thành hiện thực. "Nếu Thiên Chúa đứng về phía chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta đây?" (Rm 8:31). Ân sủng của Thiên Chúa chạm đến cái "bây giờ" trong cuộc sống của các bạn, "nắm lấy" các bạn trong tình trạng hiện nay của các bạn, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn của các bạn, nhưng ân sủng Người cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Người! Hỡi các bạn trẻ, các bạn phải biết rằng có những người thực sự tin tưởng nơi các bạn: xin hãy biết rằng Ðức Giáo Hoàng có lòng tin nơi các bạn, rằng Giáo Hội tin tưởng các bạn! Về phần mình, hãy tin tưởng vào Giáo Hội!

Ðức Maria trẻ tuổi được ủy thác một nhiệm vụ quan trọng chính vì Mẹ còn trẻ. Các bạn trẻ sung sức vì đang trải qua một giai đoạn trong đời người trong đó không thiếu năng lượng. Hãy tận dụng sức mạnh và năng lượng này để cải thiện thế giới, bắt đầu với những thực tại gần gũi nhất với các bạn. Tôi muốn những trách nhiệm trọng đại được trao cho các bạn trong Giáo Hội; tôi muốn Giáo Hội có can đảm để tạo ra không gian cho các bạn; và các bạn được chuẩn bị để thực hiện những trọng trách này.

Tôi mời gọi các bạn một lần nữa hãy chiêm ngắm tình yêu của Ðức Maria: một tình yêu chăm sóc, năng động và cụ thể. Một tình yêu đầy sự dũng cảm và tập trung hoàn toàn vào sự trao ban chính mình. Một Giáo Hội được thấm nhuần bởi những phẩm chất của Mẹ Maria sẽ luôn luôn là một Giáo Hội đi lên, vượt quá giới hạn và ranh giới của chính mình để trao ban những ân sủng nhận được dư dật. Nếu chúng ta để cho mình được thực sự xúc động trước tấm gương của Ðức Maria, chúng ta sẽ sống thực sự lòng bác ái đang thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và trên cả chính chúng ta, và yêu thương những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày. Và chúng ta cũng sẽ yêu những người có vẻ như thật khó yêu. Ðó là một tình yêu là phục vụ và dâng hiến, trước hết dành cho những yếu đuối và nghèo nhất, một tình yêu biến đổi khuôn mặt của chúng ta và làm tràn ngập trong ta niềm vui.

Tôi muốn kết thúc bằng những lời đẹp đẽ Thánh Bernard đã dùng trong một bài giảng nổi tiếng về mầu nhiệm Truyền Tin, những lời diễn tả sự mong đợi của toàn thể nhân loại đối với lời đáp trả của Ðức Maria: "Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh, Mẹ đã nghe rằng Mẹ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai; Mẹ đã nghe rằng đó sẽ không phải do con người mà bởi Chúa Thánh Thần. Thiên thần đang chờ đợi câu trả lời... Lạy Ðức Mẹ, chúng con cũng đang chờ đợi lời từ bi của Mẹ... Trong phản ứng ngắn gọn của Mẹ, chúng con sẽ được tái tạo để được mời gọi đến sự sống... Ðây là điều mà cả thế giới chờ đợi, phủ phục dưới chân Mẹ... Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh, xin mau trả lời" (Bài giảng số 4, 8-9; Opera Omnia).

Các bạn trẻ thân mến,

Chúa, Hội Thánh, và thế giới đang chờ đợi câu trả lời của bạn cho ơn gọi độc đáo mà mỗi người nhận được trong cuộc sống này! Khi Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Panama đến gần hơn, tôi mời các bạn chuẩn bị cho cuộc tụ họp của chúng ta với niềm vui và sự nhiệt tình của những ai muốn tham gia vào cuộc phiêu lưu tuyệt vời như vậy. Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới là dành cho những người can đảm! Không dành cho những người trẻ chỉ kiếm tìm sự thoải mái và những ai trốn chạy bất cứ khi nào những khó khăn nổi lên. Các bạn có chấp nhận thử thách không?

Từ Vatican, ngày 11 tháng 2 năm 2018

Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Quanh Năm

Lễ Kính Ðức Mẹ Lộ Ðức

Source: Libreria Editrice Vaticana MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR THE THIRTY-THIRD WORLD YOUTH DAY 2018

 

J.B. Ðặng Minh An dịch

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page