Giáo Hội Pakistan và cuộc tranh dấu

cho quyền của các tôn giáo thiếu số

 

Giáo Hội Pakistan và cuộc tranh dấu cho quyền của các tôn giáo thiếu số.

Pakistan (Vat. 23-02-2018) - Hôm mùng 10 tháng 2 năm 2018 Ðức Cha Joseph Arshad, Tân tổng giám mục Islamabad-Rawalpindi, đã chủ sự thánh lễ nhận chức tại khu vực trường Ðức Bà thay vì trong nhà thờ chính toà, vì số tín hữu tham dự đến từ nhiều nơi trong nước Pakistan lên tới hơn 3,000 người. Cùng đồng tế có tất cả các Giám Mục và nhiều linh mục triều cũng như dòng. Hiện diện trong thánh lễ cũng có đông đảo giới chức chính trị, dân sự và các vị lãnh đạo các tôn giáo khác.

Ðức Cha Arshad sinh tại Lahore năm 1965, thụ phong linh mục năm 1991, và phục vụ trong ngành ngoại giao cuả Toà Thánh tại nhiều Toà Sứ Thần, trước khi được Ðức Thánh Cha Phanxicô chỉ định làm Giám Mục Faisalabad năm 2013. Sau khi Ðức Cha Rufin Anthony, Giám Mục Islamabad-Rawalpindi, qua đời, Ðức Cha Arshad được chỉ định làm Giám quản tông toà, rồi sau đó trở thành Giám Mục chính toà của giáo phận này.

Trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo trước lễ nhận chức, Ðức Tổng Giám Mục Joseph Arshad cho biết giấc mơ của ngài cho Giáo Hội và toàn nước Pakistan là người dân có thể sống trong hoà bình, hoà hợp và hy vọng. Hoà bình và hy vọng cũng là khẩu hiệu giám mục của ngài. Ðó là hai giá trị nòng cốt và cần thiết cho dân nước Pakistan và toàn thế giới. Trong các hoạt động mục vụ Ðức Cha Arshad đặc biệt chú ý tới mọi tầng lớp giáo dân, lãnh vực truyền thông, người trẻ và việc đối thoại liên tôn. Theo Ðức Cha các luật lệ kỳ thị nữ giới và các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan hiện nay rất nguy hại cho sự sống chung và nền hoà bình xã hội. Vì thế sứ mệnh của kitô hữu là loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô trong một vùng đất đang gánh chịu nhiều thiệt hại gây ra bởi chủ trương quá khích và nạn khủng bố phá hoại, cũng như nạn gian tham hối lộ, việc phân chia tài nguyên không đồng đều và một hệ thống tư pháp nhiều khi rất bất công. Cần phải suy tư và đương đầu với các thách đố này dưới ánh sáng của Tin Mừng. Và nhất là phải luôn luôn khởi hành từ sự hoán cải cá nhân, canh tân cung cách sống và hành xử, can đảm dấn thân làm chứng cho đức tin kitô. Ðức Tổng Giám Mục Arshad cũng cho biết đa số các tín hữu kitô tại Pakistan vẫn còn phải sống dưới mức nghèo túng. Có rất nhiều người mù chữ, và không được đào tạo trên lãnh vực chuyên môn, vì thế họ tiếp tục phải sống trong một điều kiện xã hội thấp kém, nghèo nàn, chật vật, và không thể thoát ra khỏi đó được. Trong một khung cảnh như thế Chúa Kitô mời gọi chúng ta trở thành những người trao ban hy vọng. Chúa Kitô ban cho tín hữu chià khoá giúp sống một tương lai tốt đẹp hơn, và xây dựng một xã hội trong đó mọi người sống trong phẩm giá và thịnh vượng.

Ðức Cha nói thêm kitô hữu chúng tôi được mời gọi là ánh sáng, là muối đất và là men trong bột xã hội. Tin Mừng là phần đóng góp của chúng tôi cho nền hoà bình, sự ổn định và thịnh vượng của quê hương Pakistan yêu dấu của chúng tôi. Phần đóng góp trước tiên của chúng tôi là cầu nguyện cho hoà bình, rồi dấn thân trong lãnh vực giáo dục đào tạo, y tế săn sóc sức khoẻ cho dân chúng, thăng tiến các hoạt động bác ái xã hội, là các thành phần hoạt động tích cực trong xã hội, sống hoà hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi tín thác sứ mệnh của mình cho bàn tay che chở hiền mẫu của Ðức Trinh Nữ Maria.

Giảng trong thánh lễ nhận chức Ðức Cha Arshad nói: Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành bồng ẵm các kitô hữu Pakistan trên cánh tay của Ngài, và an ủi họ. Ngài trao ban sự sống cho họ và dưỡng nuôi dân Ngài.

Chúa Kitô yêu thương đàn chiên của Ngài. Mục Tử Nhân Lành yêu đàn chiên của Ngài và dấn thân tận tụy hy sinh hiến mạng sống cho đàn chiên. Ngài chăm lo để chiên không bị lạc mất trong sa mạc. Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành là đường, là mẫu gương cho tất cả chúng ta. Linh mục, tu sĩ nam nữ, phụ huynh, bác sĩ, giáo viên, các nhân viên chính quyền từng người trong chúng ta đều được mời gọi lo lắng cho những người đã được tín thác cho chúng ta. Vì thế mỗi một kitô hữu phải là một Mục Tử Nhân Lành. Còn hơn thế nữa, qua chúng ta Chúa Giêsu trở thành Mục Tử Nhân Lành, Ngài tự biến đổi trong thịt xác của chúng ta. Vì thế mỗi một tín hữu kitô đều có trách nhiệm là Mục Tử Nhân Lành. Chúa Kitô yêu thương nhân loại qua cuộc sống của từng người trong chúng ta. Ơn gọi của chúng ta trong đất nước Pakistan này là trở thành những người tốt lành xây dựng Nước Thiên Chúa. Như là kitô hữu của Pakistan chúng ta phải dán mắt vào Chúa Kitô và bám chặt vào Ngài trong những lúc khó khăn, trong cuộc khủng hoảng, trong khi gặp các vấn đề khác nhau. Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành bồng ẵm chúng ta trên tay Ngài, an ủi chúng ta và trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta.

Sứ điệp của Ðức Tổng Giám Mục Arshad trao ban hy vọng cho đất nước Pakistan, trong đó các kitô hữu chỉ là một thiểu số bé nhỏ, vì chỉ chiếm 2% trên tổng số hơn 200 triệu dân. Các kitô hữu phải sống trà trộn trong một xã hội có các luật lệ kỳ thị các tôn giáo thiểu số, và chúng được thi hành trên mọi bình diện cuộc sống: trong các học đường, trong nơi làm việc, trong các cơ quan công quyền. Chính trong hoàn cảnh khổ đau đó thái độ hy vọng là chià khoá giúp cộng đoàn kitô tiến tới, và tiếp tục dấn thân trong nỗ lực cải tiến cuộc sống và thăng tiến thay đổi xã hội.

Linh Mục Waseem Walter, giám đốc Hội giáo hoàng truyền giáo Pakistan, và là cha sở tại Faisalabad cho biết giáo dục là con đường duy nhất giúp cộng đoàn kitô Pakistan thoát ra khỏi cảnh sống bị kỳ thị hiện nay. Cần phải thay đổi não trạng để tiến lên. Có quá nhiều người trẻ vẫn theo gương cha mẹ làm những việc hèn hạ quét đường hay chùi rửa cầu tiêu, hay làm việc như nhân công trong các nhà máy với đồng lương rẻ mạt.

Ðây cũng là quan điểm của anh Younas Ejaz, giáo lý viên trong giáo xứ thuộc khu phố Mehmood Booti trong tỉnh Lahore. Anh cho biết vấn đề của các kitô hữu Pakistan thường phát xuất từ chính tâm thức của họ khiến cho họ thiếu tự tin, không đánh giá cao chính mình và sống khép kín. Cần phải ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này và đừng cho rằng mình chỉ đáng làm người quét đường và chùi cầu tiêu thôi. Nếu trong xã hội những người khác coi họ là như thế, thì vấn đề chính là chính họ cũng coi họ như vậy, mà không muốn có thay đổi. Chính vì thế các kitô hữu phải là những người đầu tiên ủng hộ việc thăng tiến xã hội của chính họ. Anh Younas cho biết cha của anh đã là một người phu quét đường, và tới một lúc nào đó ông đã có thể thay đổi công việc, và điều này đã cho phép ông cho các con ăn học và thay đổi cuộc sống của chúng. Ngày nay tôi có biết bao nhiêu bà con làm cùng một công việc đó theo tâm thức thông thường, theo cái luận lý của việc khai thác bóc lột và kỳ thị. Ðây là một dây trói cần phải cởi bỏ để tự giải thoát. Hiện nay anh Younas là một kỹ sư làm việc tại phi trường. Anh đặc trách về phụng vụ trong giáo xứ bao gồm một trường tiểu học là trường Thánh Phanxicô. Theo anh, giáo dục là chià khoá nền tảng định đoạt đối với việc cải tiến cuộc sống của dân nghèo.

Ðây cũng chính là lý do khiến cho Giáo Hội Pakistan dấn thân xây dựng và điều hành các trường học và cơ sở giáo dục với sự cộng tác rất tích cực của các dòng tu nam nữ. Rất thường khi các gia đình quá nghèo không có tiền đóng học phí cho con em của họ, nên họ không cho con cái đi học. Tuy nhiên, cha Waseem trông thấy một viễn tượng hy vọng: sự thay đổi có thế phát xuất từ giới trẻ, khi họ được giáo dục đào tạo. Ngày nay giới trẻ Pakistan ngày càng ước mong được tự lập và tự do hơn. Cha tin rằng chỉ trong vòng một thập niên nữa tình hình xã hội có thể thay đổi. Giữa các thế hệ mới ý thức việc giáo dục đào tạo là một yếu tố nền tảng ngày càng phổ biến hơn. Giờ đây chúng tôi gieo vãi các ý niệm này, và tương lai sẽ gặt hái các hoa trái.

Trong các ngày qua tin chính quyền Pakistan cấm cử hành ngày lễ tình yêu tại các nơi công cộng và trên các phương tiện truyền thông đã dấy lên việc phản đối của giới trẻ và dân chúng, vì lệnh cấm vi phạm điều luật 28 của Hiến pháp quốc gia và hạn chế các quyền nền tảng của con người. Trong thông cáo gửi tới hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo "Hiệp hội giáo chức của các nhóm thiểu số Pakistan" lên án quyết định này của chính quyền Pakistan cấm không cho phổ biến ngày lễ tình yêu Valentino trên các phương tiện truyền thông. Hiệp hội đã ra thông cáo sau khi Toà Thượng Thẩm Pakistan tái xác nhận luật đã ban hành hồi năm 2017, theo lời yêu cầu của một tín hữu hồi cho rằng việc cử hành lễ tình yêu trái nghịch với giáo lý hồi.

Ông Anjum James Paul, chủ tịch Hiệp hội giáo chức của các nhóm thiểu số Pakistan, cho biết tình hình tại Pakistan ngày càng tồi tệ hơn, vì quốc gia đang ngày càng đánh mất đi tính cách đa dạng và khác biệt của mình. Không gian xã hội cho các nhóm thiểu số tôn giáo đang ngày càng bị giảm thiểu. Các nhóm thủ cựu hồi giáo cho rằng lễ tình yêu của thánh Valentino là một lễ không phù hợp với Hồi giáo, vì thế không được cử hành nó. Ðây cũng là điều xảy ra đối với các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Thật thế, các nhóm tôn giáo thiểu số khác bị bắt buộc phải hành xử theo khoản luật 31 của Hiến Pháp đề cập tới lối sống hồi giáo. Ðây là một trong các lý do giải thích tại sao số tín hữu các tôn giáo thiểu số giảm mạnh tại Pakistan từ 23% năm 1947 chỉ còn lại 5% như hiện nay. Ông Anjum James Paul cũng cho biết thêm là tình trạng sống của các nhóm tôn giáo thiểu số, nhất là các kitô hữu và tín hữu Ấn giáo, trên bình diện xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo, đã không tốt đẹp hơn, trái lại ngày càng khó khăn hơn, khiến cho nhiều người bị bó buộc phải di cư ra nước ngoài sinh sống. Ðáng lý ra chính quyền Pakistan phải bảo đảm cho họ các không gian tự do ngang hàng như cho tất cả mọi công dân trong nước, bảo vệ các quyền lợi của các nhóm thiểu số, thăng tiến việc bao gồm của họ trong xã hội như dấu chỉ của một sự hoà hợp tôn giáo ngày càng lớn hơn. Nhưng rất tiếc chính quyền đã không làm gì cả để bênh vực quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan, nên tình trạng kỳ thị bất công vẫn kéo dài.

Ngoài ra, trong các tuần qua người dân Pakistan cũng đã vô cùng thương tiếc bà Asma Jilani Jahangir, trạng sư hồi giáo chuyên tranh đấu và dấn thân bảo vệ nhân quyền, qua đời sau cơn đột quỵ ngày 11 tháng 2 năm 2018 thọ 66 tuổi. Bà đã là người đồng sáng lập "Hiệp hội bảo vệ nhân quyền Pakistan" và đã từng là Tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo. Hồi còn nhỏ bà đã từng theo học tại các truờng công giáo, và đã trở thành điểm tham chiếu cho cuộc tranh đấu bảo vệ phẩm giá và các quyền căn bản của nữ giới, của nhừng người dễ bị tổn thương nhất, của các nhóm tôn giáo thiểu số, và việc bảo vệ công lý, hoà bình và bình đẳng xã hội. Cha Qaisar Feroz, dòng Phanxicô, giám đốc Uỷ ban quốc gia truyền thông xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Pakistan, rất lấy làm tiếc cho dân nước Pakistan đã mất đi một tiếng nói cho những người không có tiếng nói, cho dân nghèo và cho việc bảo vệ quyền của những người yếu đuối nhất trong xã hội. Chính bà đã là người có công trong việc gia tăng ý thức về các quyền con người và các quyền tự do căn bản trong xã hội Pakistan. Bà đã nêu gương cho chúng tôi như là một người đã tin và hoạt động cho công bằng đích thực, mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hoá. Chúng tôi hy vọng rằng các vị lãnh đạo xã hội khác cũng có can đảm như bà, tận hiến cho việc bênh vực phẩm giá con người tại Pakistan. Ngày 12 tháng giêng năm 2018 Ðức Cha Sebastian Shaw, Tổng Giám Mục Lahore, đã hướng dẫn một phái đoàn của Giáo Hội công giáo tới chia buồn với gia đình bà, và tham dự đám táng của bà sau đó, như dấu chỉ lòng quý trọng và yêu mến của tín hữu kitô đối với con người và các hoạt động của bà. Ông Anjum James Paul cho biết cộng đoàn kitô phải tiếp tục công việc của bà trong việc xây dựng quốc gia, để cho mọi công dân đều được hưởng các cơ may, công lý, hoà bình và tôn trọng các quyền con người như nhau.

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page