Chay tịnh cần thiết
cho sức khỏe thân xác và tinh thần
Chay tịnh cần thiết cho sức khỏe thân xác và tinh thần.
Roma (Vat. 18-02-2018) - Chay tịnh cần thiết cho sức khỏe thân xác và tinh thần:
Trích Phúc Âm thánh Marcô.
"Khi ấy Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Sau khi ông Gio-an bị nộp, Ðức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,12-15)
Nếu có dịp hành hương Thánh Ðịa chúng ta có thể thăm thành phố Giêricô, sa mạc Giudea và Gebel Garantal hay núi bốn mươi ngày hoặc núi cám dỗ, nằm cách Giêricô 4 cây số về mạn bắc. Trên ngọn núi cao 500 mét này vào thế kỷ thứ V có các ẩn sĩ Bisantin sinh sống trong các hang động đục trên suờn núi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đan viện đầu tiên được thành lập năm 326, nhưng nhiều vị khác cho rằng vào thời các Thập tự quân hồi thế kỷ XII. Bên trên đỉnh núi người ta còn thấy dấu vết của vài bức tường như dấu tích của một đan viện chính thống Nga đã khởi công nhưng không bao giờ hoàn tất. Ðan viện chính thống hy lạp hiện nay được xây năm 1895 trên các dấu tích xây cất thời Bisantin và thời Thập Tự quân. Ðó là đan viện Gebel Garantal. Bên trong đan viện còn giữ hàng trăm icone tức hình vẽ trên gỗ thuộc hai thế kỷ XVIII-XIX, một hang đá có phiến đá trên đó Chúa Giêsu đã ngồi trong thời gian chay tịnh 40 đêm ngày. Chính nơi đây Chúa Giêsu đã sống lại các thứ cám dỗ mà dân Do thái đã chịu trong sa mạc Sinai xưa kia.
Ðể lên thăm đan viện du khách có thể đi bộ leo lên dốc núi, nhưng cũng có thể dùng các ca bin có hệ thống dây cáp kéo mau và đỡ vất vả. Từ trên đan viện du khách có một cái nhìn tổng quát sa mạc Giudea hoang vu, và hiểu được các điều kiện sống khắc nghiệt như thế nào trong vùng đất cằn cỗi này.
Trong Thánh Kinh sa mạc Sinai là nơi dân Do thái đã sống các cám dỗ nhớ nhung củ hành củ tỏi, miếng dưa hấu, nồi thịt bung, tiếc nuối cuộc sống vật chất đầy đủ tuy là kiếp sống nô lệ, tôi đòi phục dịch luồn cúi. Sa mạc trở thành nơi Thiên Chúa thử thách lòng trung thành và tín thác của dân Do thái, cũng như ý thức của họ về sự tự do và quyền tự do. Và sa mạc cũng là nơi dân Do thái thách thức quyền năng, tình yêu thương, sự nhẫn nại và lòng nhân thứ của Thiên Chúa đối với họ. Tuy nhiên sa mạc vùng đất chỉ có đá cát nóng bỏng ban ngày và giá buốt ban đêm cũng là nơi con người sống kinh nghiệm sự bé nhỏ, giòn mỏng, mong manh, vô nghiã của kiếp người, và nhất là nơi nó có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong sự trần trụi của mình.
Ðể chuẩn bị cho ba năm rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã sống ẩn dật tại Nadarét 30 năm và chay tịnh trong sa mạc 40 đêm ngày. Trình thuật Phúc Âm thánh Marco rất đơn sơ ngắn gọn, chứ không dài và đầy đủ như trình thuật của thánh sử Matthêu bao gồm ba loại cám dỗ: biến đá thành bánh mà ăn cho khỏi đói, gieo mình từ nóc đền thờ xuống đất, sấp mình bái lậy Satan. Ma quỷ cám đỗ Ðức Giêsu dùng quyền năng là Con Thiên Chúa để thoả mãn các nhu cầu vật chất của thân xác, chạy theo chủ trương duy vật, thực hiện sứ mệnh cứu thế bằng các phép lạ cả thể ngoạn mục lôi cuốn sự chú ý của mọi người, và tôn thờ Satan. Chúa Giêsu đã dùng Thánh Kinh để đối đáp với ma quỷ. Trình thuật Phúc Âm thánh Marcô chỉ ghi nhận sự kiện Chúa Giêsu sống giữa loài dã thú. Chi tiết này muốn diễn tả rằng với biến cố Ðức Giêsu Con Thiên Chúa đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, Ngài đưa nhân loại trở về tình trạng sống hài hoà của thời khai nguyên vũ trụ khi con người chưa phạm tội và sống trong tình trạng hài hoà trong ơn nghĩa Chúa. Với sự hiện diện của Chúa Giêsu và công trình cứu chuộc của Ngài biến đổi mọi sự, thời cứu thế với trời mới đất mới xuất hiện và loài người tìm lại được cảnh sống hài hoà như ngôn sứ Isaia miêu tả trong chương 11: " Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang." (Is 11,6-8).
Tuy nhiên để được ơn cứu độ và sống trong thời cứu thế con người cần hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống và cung cách suy tư hành xử, từ bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng. Nếu trên bình diện thể lý chay tịnh, kiêng cữ trong việc ăn uống là điều cần thiết cho sức khỏe con người, thì trên bình diện tinh thần cũng thế, chúng ta cần phải chạy tịnh và kiêng cữ hãm dẹp nhiều điều để cho linh hồn được trong trắng khoẻ mạnh, không bị tiêm nhiễm bởi các chất độc hại của tội lỗi và tính hư tật xấu dẫn đưa tới các thứ bệnh ung thư tinh thần. Trong mùa Chay thánh này chúng ta cần duyệt xét lại sức khoẻ tinh thần của mình để biết phân định cần chay tịnh và kiêng cữ những gì cho linh hồn được trong sạch và khoẻ mạnh và cuộc sống được hài hoà hạnh phúc hơn.
Linh Tiến Khải
(Vatican News)