Những thách thức của Giáo hội Á Châu
tình trạng tôn giáo ở Singapore
Những thách thức của Giáo hội Á Châu, tình trạng tôn giáo ở Singapore.
Singapore (AsiaNews 14-02-2018) - Trả lời cho cuộc phỏng vấn của hãng tin AsiaNews, Ðức Giám mục William Goh Seng Chye, Tổng giám mục Singapore đã cho biết về tình hình của các Giáo hội Á Châu, đặc biệt ở Singapore. Theo Ngài, Châu Á khác các châu lục khác: đa dạng về tôn giáo, văn hoá và thực tế kinh tế. Tại Singapore, đức tin được coi là một thành phần cơ bản cho sự phát triển của đất nước.
Singapore là một quốc gia rất đặc biệt của Châu Á, tiến bộ kinh tế và công nghệ. Cùng với Malaysia và Brunei, Singapore là một thành viên của Hội đồng Giám mục bao gồm các quốc gia có những thách thức chính trị, kinh tế và tôn giáo khác nhau. Singapore là một đất nước duy nhất, biểu hiện của một xã hội có tầm nhìn quốc tế và có học vấn cao. Hơn 40% dân cư có ít nhất một bằng đại học và khoảng 75% dân số là người Hoa, nhưng có các thành phần văn hoá quan trọng của Malaysia (13.5%) và Ấn Ðộ (9%).
Ðức cha nói: "Một trong những nét đẹp của Singapore đó là mối liên hệ giữa các tổ chức và tôn giáo. Không giống các nước láng giềng như Malaysia, Singapore có một chính phủ không lãnh đạo theo tư tưởng, đường lối của của một tôn giáo; tuy nhiên, chúng tôi thích định nghĩa mình là một quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo. Thực vậy, chính phủ thế tục nhưng để duy trì sự thống nhất quốc gia, hầu hết các bộ trưởng và quan chức tuyên xưng một đức tin".
Ðức cha cho biết nhà nước không chống lại, nhưng tôn trọng, khuyến khích tôn giáo, vì tôn giáo được coi là một thành tố cơ bản cho sự phát triển của đất nước. Chính phủ cung cấp, hỗ trợ những điều cần thiết cho tất cả các tôn giáo, không thiên vị; thường mời các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia vào nhiều cuộc họp và xin họ họ tư vấn về các vấn đề ảnh hưởng đến đất nước, đặc biệt là từ quan điểm luân lý và xã hội. Một số bộ, chẳng hạn như Bộ Gia đình hoặc Bộ Giáo dục hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo tôn giáo, đây là những lĩnh vực mà chính phủ mời các tôn giáo bày tỏ quan điểm, bởi vì tất cả đều làm việc vì lợi ích của đất nước.
Sự hợp tác giữa nhà nước và các tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước cũng được thể hiện trong sự cam kết cá nhân, như việc Ðức Tổng giám mục được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống cho các quyền của người thiểu số và sự hòa hợp tôn giáo. Ðức Tổng Giám mục nói: "Khả năng chung sống hòa bình của chúng tôi, đặc biệt giữa các tôn giáo thực sự là một phép lạ. Một trong những sáng kiến của chỉnh phủ đó là việc thành lập một tổ chức phi chính phủ, Tổ chức Liên tôn, để qua đó giữa nhà nước, các tôn giáo có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước, tôn giáo. Tất cả các điều này làm cho Singapore thực sự trở thành hiệp nhất, nơi mọi vấn đề tôn giáo được giải quyết trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo, ngay cả với một cú điện thoại. Ðây là vẻ đẹp của đất nước chúng tôi, không có xung đột. Tất cả các tôn giáo đều ngang bằng nhau, không có quyền lực chính trị và họ cũng không tìm kiếm, vì lý do này cuộc đối thoại dễ dàng hơn vì tất cả đều quy hướng về một mục tiêu chung đó là lợi ích của đất nước". (AsiaNews 14-02-2018)
Ngọc Yến
(Vatican News)